Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Cảm nhận và suy nghĩ của em về bài thơ Cảm nghĩ trong đêm thanh tĩnh (Tĩnh dạ tứ) của Lí Bạch

Những bài văn mẫu hay lớp 7

Văn mẫu lớp 7: Cảm nhận và suy nghĩ của em về bài thơ Cảm nghĩ trong đêm thanh tĩnh (Tĩnh dạ tứ) của Lí Bạch gồm các bài văn mẫu hay cho các em học sinh tham khảo, củng cố kỹ năng cần thiết cho bài kiểm tra viết sắp tới đây của mình. Mời các em học sinh cùng tham khảo.

Đề bài: Cảm nhận và suy nghĩ của em về bài thơ Cảm nghĩ trong đêm thanh tĩnh (Tĩnh dạ tứ) của Lí Bạch.

Hướng dẫn

Nếu cái đặc sắc của bài Xa ngắm thác núi Lư là sự kì vĩ, hoành tráng của thiên nhiên được thể hiện bằng sức tưởng tượng phong phú, phi thường thì cái đặc sắc của bài Cảm nghĩ trong đêm thanh tĩnh là ở độ sâu lắng của cảm xúc, ở sự bình dị, kín đáo và đầy thi vị của cảnh vật.

Bài thơ này gồm có bốn câu là sự kết hợp chặt chẽ, hài hòa giữa cảnh và tình. Thi nhân từ xưa đến nay hay mượn cảnh để tả tình, mượn cảnh để tỏ bày nỗi niềm tâm sự của mình. Lí Bạch cũng thế.

Ở hai câu đầu, ông viết:

‘'Đầu giường ánh trăng rọi

Ngỡ mặt đất phủ sương…”.

Hai câu thơ này tả trăng nhưng không chỉ để tả trăng. Ánh trăng rọi sáng tượng trưng cho đêm thanh tĩnh. Trong đêm ấy, thi nhân không ngủ được. Trước ánh trăng lung linh vằng vặc, ông cứ ngỡ là mặt đất phủ sương. Phải là một tâm hồn có sức tưởng tượng phong phú, phi thường, một tấm lòng chất chứa bao nhiêu nỗi niềm mới có được cảm xúc ấy, cái nhìn tuyệt vời, thơ mộng ấy.

Hai câu thơ tiếp theo là:

“Ngẩng đầu nhìn trăng sáng

Cúi đầu nhớ cố hương…”.

Thời tuổi nhỏ Lí Bạch thường lên núi Nga Mi để ngắm trăng. Lớn lên, thành thi sĩ, ông đã có nhiều bài thơ nói đến trăng. Ở đây Lí Bạch cũng không sao dửng dưng được với trăng. Có thể lòng đang chất chứa bao nỗi ưu tư nên đêm khuya, thi nhân trằn trọc không sao ngủ được. Thấy trăng sáng rọi đầu giường, ông mừng như gặp lại cố nhân, ngẩng đầu lên tìm lại vầng trăng thân thuộc cũ. Vầng trăng đêm nay bất chợt gợi lại hình ảnh vầng trăng thời niên thiếu trên núi Nga Mi thuở nào. Vì thế, vừa ngẩng đầu lên, thi nhân liền cúi ngay đầu xuống.

Hai tư thế đối ngược nhau “ngẩng đầu”, “cúi đầu” làm bật ra mạch cảm xúc “vọng minh nguyệt, tư cố hương’’ dạt dào, lai láng. Khi “ngẩng đầu” lên nhìn trăng, lòng vui vẻ phấn khởi và thoải mái bao nhiêu thì khi “cúi đầu” xuống tưởng nhớ đến cố hương thì lòng buồn rầu trăn trở bấy nhiêu. “Cố hương” là quê xưa, là mảnh đất cắt rốn chôn nhau, là nơi có bao người thân yêu đang sông hay đã gửi vào đất nắm xương tàn. Đối với kẻ lưu lạc nơi quê người đất khách, hai chữ cố hương thật quá đỗi thiêng liêng, sâu nặng, day dứt đến khôn cùng.

Bài thơ Cảm nghĩ trong đêm thanh tĩnh (Tĩnh dạ tứ) của Lí Bạch là một bài thơ ngũ ngôn tứ tuyệt tuyệt vời. Thật đúng với nhận xét của Trương Minh Phi, một nhà phê bình thơ Đường: “Trong loại thơ nhìn trăng mà thổ lộ tâm tình nhớ quê, bài có khuôn khổ nhỏ nhất, ngôn từ đơn giản tinh khiết nhất là Tĩnh dạ tứ của Lí Bạch, song bài có ma lực lớn nhất, được truyền tụng rộng rãi nhất cũng là bài Tĩnh dạ tứ ấy”.

Trình bày một số nét về cuộc đời Lí Bạch và hai bài thơ Xa ngắm thác núi Lư và cảm nghĩ trong đêm thanh tĩnh của ông.

Gợi ý viết bài

Cuộc đời Lí Bạch

Lí Bạch sinh năm 701, mất năm 762 ở tỉnh Cam Túc, Trung Quốc. Ông có hiệu là Thanh Liên, tự là Thái Bạch. Lí Bạch là một trong những nhà thơ lớn thời Đường nói riêng và của Trung Quốc nói chung.

Lí Bạch là người có tâm hồn phóng khoáng, thích ngao du sơn thuỷ để thưởng ngoạn cảnh đẹp thiên nhiên. Ông là bạn của Đỗ Phủ, một nhà thơ lớn khác đời Đường, tác giả của bài thơ Bài ca nhà tranh bị gió thu phá mà chúng ta sẽ được học ở phần sau, mặc dù hai người có sự chênh lệch về tuổi tác. Hai nhà thơ là đôi bạn tri âm tri kỉ.

Lí Bạch để lại cho thế hệ sau gần một nghìn bài thơ, trong đó có nhiều bài làm nên tên tuổi của ông. Đề tài trong thơ Lí Bạch hết sức phong phú từ tình bạn, tình yêu đến chiến tranh, chuyện đời, chuyện người, có cả tình yêu thiên nhiên, yêu quê hương, đất nước. Đặc biệt, Lí Bạch rất hứng thú với việc miêu tả vẻ đẹp của thiên nhiên thơ mộng và hùng vĩ. Tất cả các bài thơ ông đều gửi gắm vào đó nỗi lòng tâm sự và tâm trạng của mình.

Thơ Lí Bạch mang phong cách phóng khoáng, thể hiện tinh thần hào hiệp, khát vọng tự do và thái độ xem thường danh vọng của ông. Thơ của ông tiêu biểu cho phong cách thơ Đường ở Trung Quốc, ông đã nâng thơ Đường thành một nghệ thuật mới trong sáng tác thơ. Chính vì vậy, người đời sau đã tặng ông danh hiệu tiên thơ.

Hai bài thơ Xa ngắm thác núi Lư và Cảm nghĩ trong đêm thanh tĩnh

Hai bài thơ trên thể hiện cảm nhận tinh tế của Lí Bạch trước cảnh đẹp thiên nhiên, đồng thời cũng thể hiện lòng yêu quê hương, đất nước của ông. Thể thơ của hai bài thơ trên cho thấy đặc điểm của các thể thơ Đường.

Bài thơ Xa ngắm thác núi Lư được viết theo thể thơ thất ngôn tứ tuyệt, thể thơ phổ biến trong thơ Đường. Bài thơ gồm có 4 câu, mỗi câu có 7 chữ, những từ cuối của các câu 1, 2 và 4 hiệp vần với nhau. Bài thơ miêu tả cảnh thiên nhiên tráng lệ, hùng vĩ, huyền ảo và thơ mộng của thác núi Lư. Qua đó, tác giả đã thể hiện tình yêu thiên nhiên thắm thiết, qua tình yêu thiên nhiên đó, Lí Bạch gửi gắm tình yêu quê hương, đất nước của mình.

Bài thơ Cảm nghĩ trong đêm thanh tĩnh được viết theo thể thơ ngũ ngôn tứ tuyệt, 5 chữ cũng là một thể thơ phổ biến thời kì này. Bài thơ gồm có 4 câu, mỗi câu, chữ cuối cùng của câu thứ 2 và 4 hiệp vần với nhau. Bài thơ miêu tả cảnh đẹp của một đêm trăng yên tĩnh, qua đó nói lên nỗi lòng của nhà thơ đối với quê hương. Tác giả nhìn ánh trăng và nhớ về quê cũ của mình.

Phân tích bài thơ Cảm nghĩ trong đêm thanh tĩnh (Tĩnh dạ tứ) của Lí Bạch.

Bài làm

Lí Bạch (701 – 763) là một trong những nhà thơ lớn đời Đường, ông để lại trên một nghìn bài thơ. Thiên nhiên tráng lệ, trăng và rượu, tình bằng hữu, tình cố hương, lòng khát khaotự do được diễn tả qua những vần thơ lãng mạn, tràn đầy hùng tâm, tráng chí của một thi nhân – kiếm khách.

Xa ngắm thác núi Lư, Đường đi khó, Cảm nghĩ trong đêm thanh tĩnhlà những bài thơ tuyệt tác của Lí Bạch cho thấy một hồn thợ tuyệt đẹp.

Cảm hứng chủ đạo của bài thơ Cảm nghĩ trong đêm thanh tĩnh là nỗi buồn nhớ cố hương sâu lắng của Lí Bạch. Đây là bản dịch thơ:

“Đầu giường ánh trăng rọi,

Ngỡ mặt đất phủ sương.

Ngẩng đầu nhìn trăng sáng,

Cúi đầu nhớ cố hương”.

Bài thơ được viết theo thể ngũ ngôn tứ tuyệt, vẻn vẹn có 20 chữ nhưng đã tạo nên một bức tranh thủy mặc về cảnh mộng đêm trăng gợi lên vẻ đẹp tâm hồn của thi nhân với bút pháp lãng mạn thần tình.

Đêm về khuya càng trở nên thanh tĩnh. Không gian bốn về vắng lặng. Không một tiếng gió thổi, một tiếng côn trùng kêu. Cũng chẳng có một tiếng chuông chùa ngân buông. Nhà thơ chợt tỉnh giấc thấy mình nằm dưới trăng:

“Đầu giường ánh trăng rọi”.

Cả một không gian ngập tràn ánh trăng. Ánh sáng rọi vào đầu giường. Hình như trăng đã đánh thức thi nhân dậy. Thật cảm động, trăng đến khơi gợi một nguồn thơ và trăng là chất liệu tạo nên vần thơ dào dạt.

Ánh trăng sáng quá, trải khắp không gian, bao phủ khắp mặt đất. Câu thơ thứ hai biểu hiện một trạng thái ngỡ ngàng của thi nhân vừa tỉnh giấc vừa nhìn trăng. Trăng đẹp và thơ mộng. Đêm đã sang canh, êm đềm thanh tĩnh. Chỉ có trăng và nhà thơ. Thế rồi, “Thi tiên” Lí Bạch “ngẩng đầu” ngắm trăng. Trăng với thi nhân như đôi bạn tri âm gặp nhau, nhìn nhau cảm động không nói nên lời. Cả ba câu thơ đầu đều tả ánh trăng trong đêm thanh tĩnh với tâm trạng ngỡ ngàng và bồi hồi của thi nhân. Câu 1 và 3 tả trăng bằng trực giác, câu 2 tả trăng bằng cảm giác. Một không gian nghệ thuật vừa thực vừa mộng, huyền ảo lung linh:

“Đầu giường ánh trăng rọi,

Ngỡ mặt đất phủ sương.

Ngẩng đầu nhìn trăng sáng”.

Lúc bấy giờ, Lí Bạch đang sống nơi đất khách quê người. Giữa đêm khuya thanh tĩnh chỉ có trăng và thi nhân. Ba câu thơ đầu gợi tả một tâm trạng: nỗi buồn cô đơn của khách li hương.

Hai câu thơ 3 và 4 được cấu trúc theo phép đối:

“Ngẩng đầu nhìn trăng sáng,

Cúi đầu nhớ cố hương”.

Hai tư thế: “ngẩng đầu” và “cúi đầu”, hai tâm trạng “nhìn” và “nhớ”', hai đối tượng làm xúc động và trĩu lòng kẻ xa quê: “trăng sáng” và “cố hương”. Hai hình ảnh “trăng sáng” và “cố hương” đi sóng đôi biểu hiện một tâm hồn giàu tình yêu thiên nhiên, một tấm lòng yêu quê hương thiết tha, sâu nặng. “Cố hương” là quê cũ thân yêu, “nhớ cố hương” là nhớ tới giađình, nhớ tới người thân ruột thịt, nhớ tới thời thơ ấu với bao mộng tưởng và kỉ niệm đẹp, nhớ lại những thăng trầm một đời người… Ta từng biết, Lí Bạch quê ở Ba Thục, thuở nhỏ thường leo lên núi Nga Mi để ngắm trăng và múa kiếm. Lớn lên, ông mang theo bầu rượu, túi thơ và thanh kiếm hiệp khách đi chu du mọi phía chân trời góc bể, chan hòa với gió trăng và tình bằng hữu… Vì thế, ánh trăng đêm nay là ánh trăng gợi nhớ, gợi sầu, vấn vương một hoài niệm, làm sống dậy bao bâng khuâng của một hồn thơ và một tình quê man mác.

“Ánh trăng” và “cố hương” gắn bó với nhau trong mạch cảm hứng trữ tình, hòa quyện thành một liên tưởng thấm thìa, cảm động, nâng cánh cho hồn thơ bay lên. Trăng lênh láng tràn ngập. Cảm xúc thơ dâng lên dào dạt.

Có thể nói Cảm nghĩ trong đêm thanh tĩnh là một bài thơ trăng tuyệt bút. Lí Bạch rất tinh tế khi lấy ngoại cảnh là “ánh trăng” miền đất lạ để biểu hiện tâm tình: nỗi buồn nhớ cố hương.

Ngôn ngữ thơ hàm súc, hình tượng hoa lệ, cảm xúc mênh mang, gợi lên bao nỗi buồn đẹp – tất cả góp phần tạo nên vẻ đẹp văn chương của bài thơ trăng này. Lí Bạch đã để lại hàng trăm bài thơ trăng. Ai đã từng trải qua nhiều năm tháng li hương, ai đã từng mang một tâm hồn yêu trăng, chắc sẽ bồi hồi xúc động khi đọc bài thơ này của Lí Bạch.

Đánh giá bài viết
1 472
Sắp xếp theo

    Học tốt Ngữ Văn 7

    Xem thêm