Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Đề luyện tập Bài 7 - môn Ngữ văn sách KNTT

Đề luyện tập Bài 7 - môn Ngữ văn sách Kết nối tri thức

VnDoc gửi đến các bạn bài viết Đề luyện tập Bài 7 - môn Ngữ văn sách Kết nối tri thức kèm theo hướng dẫn giải chi tiết. Thông qua luyện tập giúp các bạn học sinh tiếp cận với văn bản ngoài sách giáo khoa, củng cố kĩ năng và ôn tập để đạt được kết quả cao trong các kì thi.

Bản quyền tài liệu thuộc về VnDoc, nghiêm cấm hành vi sao chép với mục đích thương mại.

ĐỀ LUYỆN TẬP BÀI 7

Môn Ngữ văn - SGK Kết nối tri thức với cuộc sống

Phần I: ĐỌC HIỂU

NHÀ MẸ LÊ

Đoàn Thôn là một cái phố chợ tồi tàn gần ngay một huyện lị nhỏ ở trung châu. Hai dãy nhà lụp xụp, mái tranh xuống thấp gần đến thềm, che nửa những cái chái nứa đã mục nát. Gần đấy là những quán chợ xiêu vẹo đứng bao bọc một căn nhà gạch có gác bưng bít như một cái tổ chim, nhà của một người giàu trong làng làm ra để bán hàng. Người ở phố chợ là bảy tám gia đình nghèo khổ không biết ở đâu, mà người dân trong huyện thường gọi một cách khinh bỉ: những kẻ ngụ cư. Họ ở đâu đến đây kiếm ăn trong mấy năm trời làm đói kém, làm những nghề lặt vặt, người thì kéo xe, người thì đánh dậm, hay làm thuê, ở mướn cho những nhà giàu có trong làng. Người ta gọi mọi gia đình bằng tên người mẹ, nhà mẹ Hiền, nhà mẹ Đối, nhà mẹ Lê. Những gia đình này giống nhau ở chỗ cùng nghèo nàn như nhau cả.

Nhà mẹ Lê là một gia đình một người mẹ với mười một ngươì con. Bác Lê là một người đàn bà quê chắc chắn và thấp bé, da mặt và chân tay nhăn nheo như một quả trám khô. Khi bác mới đến phố, ai ai cũng chú ý đến đám con của bác: mười một đứa, mà đứa lớn mới có mười bảy tuổi! Đứa bé nhất hãy còn bế trên tay.

Mẹ con bác ta ở một căn nhà lá. Chừng ấy người chen chúc trong một khoảng rộng độ bằng hai chiếc chiếu, có mỗi một chiếc giường nan gãy nát. Mùa rét thì trải ổ rơm đầy nhà, mẹ con cùng nằm ngủ trên đó, trông như một cái ổ chó, chó mẹ và chó con lúc nhúc. Đối với người nghèo như bác một chồ ở như thế cũng tươm tất lắm rồi. Nhưng còn cách kiếm ăn? Bác Lê chật vật, khó khăn suốt ngày cũng không đủ nuôi từng ấy đứa con. Từ buổi sáng tinh sương, mùa nực cũng như mùa rét, bác ta đã phải trở dậy để đi làm mướn cho những người trong làng. Những ngày có người mướn ấy, tuy bác phải làm vất vả, nhưng chắc chắn buổi tối được mấy bát gạo và mấy đồng xu về nuôi lũ con đói đợi ở nhà.

Đó là những ngày sung sướng. Nhưng đến mùa rét, khi các ruộng lúa đã gặt rồi, cánh đồng chỉ còn trơ cuống rạ, dưới gió bấc lạnh như lưỡi dao sắc khía vào da, bác Lê lo sợ, vì không ai mướn bác làm việc gì nữa. Thế là cả nhà nhịn đói, mấy đứa nhỏ nhất: con Tý, con Phún, thằng Hy mà con chị nó bế, chúng nó khóc lả đi mà không có cái ăn. Dưới manh áo rách nát, thịt chúng nó thâm tím lại vì rét như thịt con trâu chết. Bác Lê ôm lấy con trong ổ rơm, để mong lấy cái ấm của mình ấp ủ cho nó. Thằng con lớn thì từ sáng đã cùng thằng Ba ra cánh đồng kiếm con cua, con ốc, hay sau mùa gặt, đi mót những bông lúa còn sót lại trong khe ruộng. Thật là sung sướng, nếu chúng mang về được một lượm, trong những ngày may mắn. Vội vàng bác Lê đẩy con ra, vơ lấy bó lúa, đem để xuống dưới chân vò nát, vét hột thóc giã lấy gạo. Rồi làm một bữa cơm nóng lúc buổi tối giá rét, mẹ con ngồi chung quanh nồi cơm bốc hơi, trong khi bên ngoài gió lạnh rít qua mái tranh.

[...] Mấy năm sau, sự kiếm ăn ngày một thêm khó khăn. [...] Bác Lê trong lúc ấy, đi khắp các nhà trong làng, xin làm mướn, nhưng các nhà có ruộng không ai mướn. Bác có làm không công, người ta cũng chỉ cho có nửa bát gạo, đùm bọc về không đủ cho ba đứa con ăn. Những ngày nhịn đói liên tiếp nhau luôn. Bác Lê thấy đàn con ngày một gầy còm, buổi chiều bác mệt nhọc chán nản trở về, hỏi thằng cả xem có đánh được ít cá nào không, thì nó buồn rầu khẽ lắc đầu, trả lời rằng các hồ ao người ta đã cấm không cho nó thả lờ nữa.

Mùa rét năm ấy đến, giá lạnh và mưa gió lầy lội. Đàn con bác Lê ôm chặt lấy nhau rét run trong căn nhà ẩm ướt và tối tăm vì đèn đuốc không có nữa. Mấy gia đình ở phố chợ đều đói rét và khổ sở. Nhưng mỗi nhà đều lặng lẽ, âm thầm và chịu khổ một mình, không than thở với láng giềng hàng xóm lời gì, ai nấy đều biết cũng nghèo khốn như nhau.

Một buổi chiều, mà đàn con đã nhịn đói suốt buổi, bác Lê vá lại manh áo rét, gọi đứa cả đến rồi bảo:

- Ở nhà trông các em, tao vào ông Bá xem có xin được ít gạo nào không?

- Ban sáng u đã vào nhà người ta có cho đâu, cậu Phúc lại còn bảo hễ u vào nữa thì cậu ấy thả chó ra cắn.

Bác Lê đáp:

- Nhưng biết làm thế nào! Không có thì lấy gạo đâu ra mà ăn? Thôi tao cứ liều vào lần nữa xem sao.

Nói xong, bác Lê mở cửa liếp ra đi. Trong lòng bác vẫn có chút hy vọng trong buổi sáng lúc vào xin gạo. Ông Bá đã đuổi mắng không cho. Bác nhớ lại cải cảnh sang trọng, ấm cúng trong nhà ông Bá. Những chậu sứ, câu đối thếp vàng sáng chói. Không lẽ ông Bá giầu có thế mà không thí cho mẹ con bác được bát gạo hay sao?

Ở nhà, đàn con bác ngồi nhìn nhau đợi trong ổ rơm. Bác đi đâu không thấy về. Thằng Hy lắng tai nghe tiếng chó cắn trong làng rồi bảo chị nó:

- Hình như u về đấy chị ạ.

Thằng cả đi lại bên cửa bếp nhìn ra ngòai. Bỗng có tiếng chân người rầm rập, đến tiếng gọi, rồi lũ trẻ thấy bác Đối và một người nữa khiêng bác Lê vào trong nhà. Trên bắp chân người mẹ, máu đỏ chảy ròng ròng.

Thằng cả hiểu ngay mẹ nó bị chó ông Bá cắn. Bác đặt người bị thương xuống chiếu rồi ra đi sau khi dặn:

- Bây giờ, bác lấy lá lốt mà dịt cho nó cầm máu. Chó tây cắn thì độc lắm đấy.

Khi bác đi khỏi, lũ trẻ xúm quanh lấy mẹ. Thằng Hy vừa mếu máo vừa hỏi:

- U làm sao thế, u?

Bác Lê nén cái đau, giảng cho con biết:

- Thật cậu Phúc ác quá! Đã không cho thì thôi lại còn thả chó ra đuổi, tao đã chạy mà không kịp, nên nó cắn phải. May gặp bác Đối, chứ không biết bao giờ mới lê được về đến nhà.

Bác ngừng lại nhìn đàn con ốm yếu, rồi thở dài:

- Thế là mẹ con lấy gì ăn cho đỡ đói bây giờ.

Thằng Hy òa lên khóc, con Tý cũng khóc theo. Bác Lê giơ tay ôm chúng nó vào lòng nghĩ thân phận mình, bác cũng ứa nước mắt.

Đêm ấy, bác Lê lên cơn sốt. Những cái rùng mình lạnh lẽo nối nhau lướt trên da bác, manh chiếu rách không đủ đắp ấm thân. Trong lúc mê sảng, bác Lê tưởng nhớ lại cả cuộc đời mình, từ lúc còn bé đến bây giờ, chỉ toàn những ngày khổ sở nhọc nhằn. Cái nghèo không biết tự bao giờ đã vào nhà bác. Lúc sinh ra bác đã thấy nó rồi, và từ đó nó cứ theo liền bác mãi. Nhưng có người mướn làm thì không đến nỗi. Bác nhớ lại những buổi đi làm khó nhọc, nhưng bác vui vẻ được lĩnh gạo về cho con, những bữa cơm nóng mùa rét, những lúc thằng Hy và con Tý vui đùa giằng co chiếc bánh bác mua cho chúng.

Rồi đến những ngày đi mót lúa mỏi lưng trên cánh đồng, nhặt những bông lúa thơm, những lúc vò lúa dưới chân... Bác Lê nhớ lại cái cảm giác vui mừng khi thấy cạnh bông lúa sắc sát vào thịt da. Đấy còn là những ngày no đủ. Rồi đến những buổi chợ sáng, những ngày nhịn đói như hôm naỵ Bác mơ màng thấy vàng son chói lọi trong nhà ông Bá, thấy nét mặt gian ác của cậu Phúc, con chó tây nhe nanh chồm đến.

- Trời ơi! Sao tôi khổ thế này?

Tiếng kêu thất thanh của bác làm lũ trẻ giật mình, chúng nó ngồi dậy đưa mắt sợ hãi nhìn người mẹ. Hai hôm sau, bác Lê lại lên cơn mê sảng rồi chết. Người trong phố chợ gom góp nhau mua cho bác một cỗ ván mọt, rồi đưa giúp bác ra cánh đồng, chôn vùi dưới bãi tha ma nhỏ ở đầu làng.

Khi trở về, qua căn nhà lạnh lẽo âm u, họ thấy mấy đứa con nhỏ con bác Lê ngồi ở vỉa hè. Con Tý đang dỗ cho thằng Hy nín khóc, nói dối rằng mẹ nó đi chợ một lát rồi sẽ về. Nhưng họ biết rằng bác Lê không trở về nữa và họ thấy một cái cảm giác lo sợ đè nén lấy tâm can họ, những người ở lại, những người còn sống mà cái nghèo khổ cứ theo đuổi mãi không biết bao giờ hết.

(Trích tập truyện Gió đầu mùa - Thạch Lam)

Câu 1: Xác định phương thức biểu đạt chính của văn bản

  1. Nghị luận
  2. Tự sự
  3. Miêu tả
  4. Biểu cảm

Câu 2: Câu nào dưới đây khái quát đúng nội dung chính của truyện ngắn:

  1. Khung cảnh vùng nông thôn tiêu điều, xơ xác.
  2. Gia cảnh, cuộc đời nghèo túng, cơ cực của nhà mẹ Lê.
  3. Cuộc sống làm nông bần hàn của nhà mẹ Lê.
  4. Tình cảm làng xóm giữa những người dân ngụ cư.

Câu 3: Xác định nhân vật chính của truyện ngắn trên.

  1. Ông Bá
  2. Bác Đối
  3. Mẹ Lê
  4. Thằng Hy

Câu 4: Xác định ngôi kể của truyện.

  1. Ngôi thứ nhất
  2. Ngôi thứ hai
  3. Ngôi thứ ba
  4. Kết hợp ngôi thứ nhất và ngôi thứ ba

Câu 5: Tác giả đã chọn điểm nhìn nào?

  1. Từ nhân vật “mẹ Lê”
  2. Từ nhân vật “con Tý”
  3. Từ nhân vật “bác Đối”
  4. Từ một người giấu mình

Câu 6: Những người dân “ngụ cư” được hiểu như thế nào?

  1. Những người trú ngụ trong một ngôi nhà
  2. Những người không có nơi ở
  3. Những người sinh sống ở một nơi không phải quê hương của mình
  4. Những người ở nhờ trong nhà của người khác

Câu 7: Trong các câu văn dưới đây, câu văn nào có sử dụng biện pháp nghệ thuật chêm xen?

  1. Trong lúc mê sảng, bác Lê tưởng nhớ lại cả cuộc đời mình, từ lúc còn bé đến bây giờ, chỉ toàn những ngày khổ sở nhọc nhằn.
  2. Dưới manh áo rách nát, thịt chúng nó thâm tím lại vì rét như thịt con trâu chết.
  3. Những tiếng nói chuyện trong sương lúc mờ sáng của các người hàng sáo gánh gạo kĩu kịt trên đò để đem xuống huyện bán, người ta không nghe thấy nữa.
  4. Tiếng kêu thất thanh của bác làm lũ trẻ giật mình, chúng nó ngồi dậy đưa mắt sợ hãi nhìn người mẹ.

Câu 8: Trong các từ sau, từ nào không phải là từ láy?

  1. Lặt vặt
  2. Rủ rỉ
  3. Chán nản
  4. Nhăn nheo

Câu 9: Nội dung nào dưới đây không được phản ánh trong truyện:

  1. Tình nghĩa làng xóm
  2. Tình mẫu tử
  3. Tình yêu quê hương, đất nước
  4. Sự vất vả, cực khổ của người nông dân

Câu 10: Chỉ ra biện pháp nghệ thuật được sử dụng trong câu văn: “Bác Lê là một người đàn bà quê chắc chắn và thấp bé, da mặt và chân tay nhăn nheo như một quả trám khô.

  1. Nhân hóa
  2. Ẩn dụ
  3. Liệt kê
  4. So sánh

Câu 11: Trong truyện ngắn trên, giọng điệu của nhà văn như thế nào?

  1. Nhẹ nhàng, sâu lắng
  2. Mạnh mẽ, gân guốc
  3. Tươi vui, rộn ràng
  4. Nhẹ nhàng, man mác buồn

Câu 12: Theo anh/chị, vì sao “Người ta gọi mọi gia đình bằng tên người mẹ”?

Câu 13: Theo anh/chị, chi tiếtÔng Bá đã đuổi mắng không chovà cậu PhúcĐã không cho thì thôi lại còn thả chó ra đuổicó ý nghĩa gì?

Câu 14: Cảm nhận của anh/chị về hình ảnh người mẹ trong đoạn trích.

Phần II: LÀM VĂN

Câu 1: Viết đoạn văn nghị luận trình bày suy nghĩ của anh/chị về tình mẫu tử.

Câu 2: Viết đoạn văn nghị luận trình bày suy nghĩ của anh/chị về giá trị của tình yêu thương trong cuộc sống.

Câu 3: Viết bài văn phân tích, đánh giá chủ đề và nhân vật trong truyện ngắn “Nhà mẹ Lê”.

--------------------------------------------------------------

VnDoc.com vừa giới thiệu tới các bạn đọc Đề luyện tập bài 7 - sách Kết nối tri thức. Đây là đề luyện tập với văn bản ngoài sách giáo khoa, hi vọng qua bài viết các bạn sẽ có thêm tư liệu để ôn tập môn Ngữ văn 10 KNTT và đạt kết quả cao trong kì thi sắp tới.

Chia sẻ, đánh giá bài viết
1
1 Bình luận
Sắp xếp theo
  • Mỹ Duyên
    Mỹ Duyên

    Có đáp án kh ạ ?


    Thích Phản hồi 30/04/23
    • Lê Thị Mai Anh
      Lê Thị Mai Anh

      Em bấm tải file về nhé

      Thích Phản hồi 03/05/23
🖼️

Gợi ý cho bạn

Xem thêm
🖼️

Ngữ văn 10 Kết nối tri thức tập 2

Xem thêm