Đề thi giữa học kì 2 môn Ngữ văn 10 sách KNTT - Đề 3

Đề thi giữa học kì 2 môn Ngữ văn 10 năm 2022 - 2023 sách Kết nối tri thức (đề số 3)

Đề thi giữa học kì 2 môn Ngữ văn 10 năm 2022 - 2023 sách Kết nối tri thức (đề số 3) kèm theo hướng dẫn giải chi tiết. Thông qua đề thi giữa kì 2 Ngữ văn 10 giúp các bạn học sinh làm quen với cấu trúc đề thi, ôn tập để đạt được kết quả cao trong kì thi sắp tới.

Bản quyền tài liệu thuộc về VnDoc, nghiêm cấm hành vi sao chép với mục đích thương mại.

Đề thi giữa học kì 2 môn Ngữ văn 10 sách Kết nối tri thức (đề số 3)

ĐỀ KIỂM TRA GIỮA HỌC KÌ II

Môn: Ngữ văn lớp 10

Bộ sách: Kết nối tri thức

Phần I. Đọc hiểu (5,0 điểm)

Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu từ 1 đến 9:

Năm ấy tôi mười bảy tuổi, binh nhì, chiến sĩ của tiểu đoàn 5 tân binh.

Tiểu đoàn chúng tôi luyện quân ở Bãi Nai. Bấy giờ đã là vào cuối khoá huấn luyện ba tháng, kiểm tra xạ kích, đạt điểm cao nhất đại đội, tôi được thưởng hai ngày phép. Đại đội trưởng linh động cho tôi miễn bình tuần tối thứ Sáu.

[...] Chín giờ tối chủ nhật mới điểm danh mà chỉ dám nấn ná cố cùng tới 12 giờ trưa là phải bứt khỏi nhà chạy nhào ra bến Kim Mã. Chen lên được một chuyến xe vào thời buổi gian khó ấy khổ sở đến thế nào, khỏi bàn. Thêm nữa lại ngày giáp Tết. Do may mắn và cũng là do ẩu tả ngồi lèn nhau trên nóc xe nên đến nhập nhoạng tối thì tôi nhảy được xuống thị trấn Lương Sơn. Đói mèm, rét run, lại luớ quớ trượt chân ngã, tuột tung quai dép và lấm be bét.

Trật trưỡng tôi dò tới cái giếng xây ở đầu trấn để rửa ráy qua loa tý chút và xâu lại dép. Chỉ có một người đang múc nước ở giếng. Trời mưa nhưng rất mỏng, như sương, và chưa tối hẳn nên từ khá xa tôi đã nhận ra một cái dáng con gái. Khi tôi tới bên giếng, hai thùng tôn của gánh nước đã được đổ đầy, cô gái cuộn dây gầu, tra đòn gánh vào hai móc xích, và trước khi lên gánh, cô đội lại chiếc nón mà lúc cúi múc nước cô đã bỏ ra để ngửa bên thành giếng. Với con mắt lính 17 tuổi nhanh như chớp tôi lườm ngay thấy tên cô nàng viết bằng mực tím ở trong vành nón, cả tên, cả họ, cả đệm, và cả lớp học của cô nữa. Phạm Nhật Giang. 10 B.

Không để ý đến tôi, cô đặt gánh lên vai. Tôi nói, vội vã, nhưng thản nhiên, như thật:

- Kìa, Giang. Cho anh mượn cái gầu đã nào.

Cô gái hạ gánh, nhìn tôi.

- Chào anh, anh bộ đội... - Cô nói, ngập ngừng, nhưng có lẽ chưa kịp ngạc nhiên - Gầu đây anh.

Tôi xoè hai bàn tay bê bết bùn ra.

- Ôi anh bị lấm hết rồi .- Cô gái khẽ thốt lên - Thôi, để em.

- Ừ. Nhờ Giang vậy, chứ không thì bẩn hết cả dây.

Cô gái múc lên một gầu, hai gầu, xối từ từ cho tôi rửa kỹ hai bàn tay.

Khi tôi định đón lấy chiếc gầu, cô bảo:

- Cái gầu này khó múc lắm. Để em giúp anh.

Cô lại thòng nhanh sợi chão xuống bóng tối sâu hút bên dưới rồi thoăn thoắt, mềm mại, kéo gầu nước lên. Nhưng sự ân cần của cô còn hơn thế. Mỗi gầu nước múc lên cô không xối cho tôi tự gột mà cúi mình xuống, một tay nghiêng gầu nước dội nhè nhẹ, một tay cô cọ bùn đất ở bàn chân, ngón chân, bắp chân tôi. Ngây ra, tôi đứng yên, sững lặng cảm nhận cái ân tình hồn nhiên và bất ngờ ấy. Rất lâu, hai đứa chẳng nói gì, cô gái lặng lẽ gột rửa cho tôi, tôi thì bất động. Cô cọ kỹ cho tôi cả đôi dép đúc.

- Tươm rồi đấy, anh - Cô gái nói trong bóng tối.

- Cám ơn nhé, Nhật Giang!

[...] Tôi cứ đứng mãi ở ven đồi. Mặc dù không thể nhìn thấy gì trong màn đen dày đặc đêm cuối năm, tôi vẫn cứ nhìn mãi theo Giang. Chia tay, tôi đã không nói được một điều gì cả, đã không kịp ngỏ một lời nào. Cả địa chỉ của Giang nữa cũng không hỏi rõ. Chỉ biết Khâm Thiên, ngõ Chợ.
Hai hôm sau, tối ngày 27 Tết, tiểu đoàn tôi nhổ neo rời Bãi Nai. Hành quân qua Thường Tín, lên tàu ngay, không có 15 ngày phép thông lệ của lính Bê dài. Đây là một đợt tăng cường rất lớn cho chiến trường. Cả một Sư cùng lúc lên đường, gấp gáp tiến quân, vượt ngàn dặm Trường Sơn vào Nam. Vừa đặt chân lên đất Tây Nguyên đã vào ngay chiến dịch. Các đơn vị của Sư đoàn phiên hiệu khác đi nhưng vẫn giữ nguyên đội hình từ ngoài Bắc. Tiểu đoàn của tôi đánh trận mở màn, và đại đội của tôi là mũi chủ công. Trước giờ nổ súng, đích thân tham mưu trưởng sư xuống kiểm tra công tác chuẩn bị chiến đấu của chúng tôi. Mặc dù ông xuống ''kiềng'' cùng với một nhóm khá đông trợ lý và trinh sát, mặc dù ông cũng trang bị và nai nịt như mọi người, tiểu liên AK, dép đúc, mũ cối, áo lính tô châu, nhưng trong bóng rừng nhập nhoạng tôi vẫn nhận ra ông ngay. Ông chính là ''ông bô'' của Giang!
Tôi toan lỉnh, song ông trông thấy tôi tức thì. ''Kìa, Hùng, Hùng đấy hả Hùng!''. Giọng ông ngạc nhiên, mừng vui. Ông thân thiết xiết chặt tay tôi và không nén được, ông cảm động ôm lấy tôi. ''Giang nó cứ nhắc cậu mãi, Hùng ạ. Nó cứ buồn vì không gặp lại được cậu trước khi chúng ta lên đường'' Ông bảo: ''Giờ đây Giang nó ở lại ngoài đó có một mình''.
Gặp gỡ trước giờ nổ súng tất nhiên là chỉ thoáng nhanh, chỉ kịp nói mấy câu thế thôi. Tôi thì không nói được gì cả. Tôi chỉ ấp úng. Cả cái tên Hùng do con gái ông phịa vội ra, tôi cũng không thể cải chính.
Thời khắc gấp gáp không thể nấn ná, nhưng trước lúc đi, tham mưu trưởng sực nhớ một điều và vội vội ông nói với tôi: ''Giang nó có gởi cháu tấm ảnh của nó, nhưng tiếc quá, lại không mang theo đây. Để bữa sau vậy, Hùng nhé...''
Không có “bữa sau” ấy. Tôi không còn có dịp được gặp lại tham mưu trưởng. Cả tới mùa khô sau, được điều lên trinh sát sư đoàn, tôi vẫn không thể nào gặp lại được ông. Tham mưu trưởng của chúng tôi đã hy sinh vào cuối mùa khô năm đầu tiên sư đoàn chúng tôi lâm trận.
Chiến tranh, đời lính, tuổi trẻ, mọi sự là như thế, chỉ thế thôi, thoảng nhanh. Thoảng nhanh nhưng không tắt lịm. Chỉ thế thôi nhưng để rồi sau này cứ nhớ mãi. Trở thành nỗi đau. Những nỗi đau mất mát âm thầm.
Chắc là bây giờ Nhật Giang vẫn còn nhớ đến tôi, người lính trẻ vô danh hơn ba chục năm về trước. Tôi thì không bao giờ quên cô ấy, mặc dù thực ra là có gì đâu một tình cờ như thế, một gặp gỡ vẩn vơ, lưu luyến mơ hồ gần như không có thật mà năm tháng cuộc đời cứ mãi chồng chất lên muốn xóa nhòa.
(In trong Bảo Ninh - những truyện ngắn, tái bản, NXB Trẻ, 2021, tr25-35)

Câu 1 (0.25 điểm): Xác định ngôi kể của truyện

  1. Ngôi thứ nhất
  2. Ngôi thứ hai
  3. Ngôi thứ ba
  4. Kết hợp ngôi thứ nhất và ngôi thứ ba

Câu 2 (0.25 điểm): Tác giả đã chọn điểm nhìn nào?

  1. Từ nhân vật “Giang”
  2. Từ nhân vật “tôi”
  3. Từ nhân vật “tham mưu trưởng sư”
  4. Từ một người giấu mình

Câu 3 (0.5 điểm): Chủ đề của đoạn trích trên là gì?

  1. Tình yêu quê hương, đất nước
  2. Tình yêu lứa đôi
  3. Chiến tranh - hậu chiến
  4. Đời tư, thế sự

Câu 4 (0.5 điểm): Biện pháp nghệ thuật nào được sử dụng trong câu văn in đậm?

  1. So sánh, điệp từ
  2. Điệp cấu trúc, liệt kê
  3. Liệt kê, nhân hóa
  4. Nhân hóa, so sánh

Câu 5 (0.5 điểm): Câu văn nào dưới đây có sử dụng biện pháp chêm xen?

  1. Mặc dù không thể nhìn thấy gì trong màn đen dày đặc đêm cuối năm, tôi vẫn cứ nhìn mãi theo Giang.
  2. Ông thân thiết xiết chặt tay tôi và không nén được, ông cảm động ôm lấy tôi.
  3. Trước giờ nổ súng, đích thân tham mưu trưởng sư xuống kiểm tra công tác chuẩn bị chiến đấu của chúng tôi.
  4. Chắc là bây giờ Nhật Giang vẫn còn nhớ đến tôi, người lính trẻ vô danh hơn ba chục năm về trước.

Câu 6 (0.5 điểm): Sự kiện nào không xuất hiện trong đoạn trích?

  1. Nhân vật “tôi” và nhân vật Giang gặp gỡ tình cờ
  2. Nhân vật “tôi” gặp lại “ông bô” của Giang
  3. Tiểu đoàn của “tôi” nhổ neo rời Bãi Nai
  4. Tôi được nhận tấm ảnh của Giang từ bố Giang (đồng chí tham mưu trưởng sư)

Câu 7 (0.5 điểm): Khi gặp lại tham mưu trưởng sư - bố của Giang, thái độ của nhân vật “tôi” như thế nào?

  1. Vui mừng, hạnh phúc
  2. Ấp úng, lúng túng
  3. Ngạc nhiên, phấn khích
  4. Xấu hổ, hối hận

Câu 8 (1.0 điểm): Nhận xét về yếu tố miêu tả và biểu cảm trong trích đoạn trên.

Câu 9 (1.0 điểm): Anh/chị hãy viết đoạn văn ngắn (5-7 câu) phân tích tư tưởng của truyện ngắn được thể hiện qua trích đoạn trên.

Phần II. Làm văn (5.0 điểm)

Anh/chị hãy viết bài văn nghị luận phân tích, đánh giá chủ đề và nhân vật trong trích đoạn phần đọc hiểu (trích Giang, Bảo Ninh)

Để xem đáp án chi tiết, mời các bạn tải bài viết về máy.

---------------------------------------------------------

VnDoc.com vừa giới thiệu tới các bạn đọc Đề kiểm tra giữa học kì II lớp 10 - bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống. Đây là đề kiểm tra dựa theo cấu trúc mới, hi vọng qua bài viết các bạn sẽ có thêm tư liệu để ôn thi trong kì thi sắp tới.

VnDoc.com mời bạn đọc cùng tham khảo thêm tài liệu học tập các môn được biên soạn và tổng hợp tại các mục sau Toán lớp 10, Ngữ văn 10, Tiếng Anh lớp 10

Đánh giá bài viết
7 2.990
1 Bình luận
Sắp xếp theo
  • Nhật Tiến Nguyễn
    Nhật Tiến Nguyễn

    Lời giải đâu ạ


    Thích Phản hồi 24/03/23

    Đề thi giữa kì 2 lớp 10

    Xem thêm