Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Đề thi chọn đội tuyển học sinh giỏi cấp tỉnh môn Giáo dục công dân lớp 9 Phòng GD&ĐT Tĩnh Gia, Thanh Hóa lần 2 năm học 2016 - 2017

Đề thi học sinh giỏi môn Giáo dục công dân lớp 9

Đề thi chọn đội tuyển học sinh giỏi cấp tỉnh môn Giáo dục công dân lớp 9 Phòng GD&ĐT Tĩnh Gia, Thanh Hóa lần 2 năm học 2016 - 2017. Đề thi khá là dài với 7 câu hỏi tự luận và thời gian để các bạn hoàn thiện bài thi là 150 phút. Chính vì vậy trong quá trình làm bài thi các bạn học sinh cần phân bổ thời gian giữa các câu hỏi sao cho hợp lý để đạt được thành tích cao nhất. Mời các bạn cùng tham khảo.

Đề thi học sinh giỏi môn Giáo dục công dân lớp 9 Phòng GD&ĐT Tĩnh Gia, Thanh Hóa năm học 2016 - 2017

Đề thi học sinh giỏi môn Giáo dục công dân lớp 9 Phòng GD&ĐT Cam Lộ, Quảng Trị năm học 2016 - 2017

PHÒNG GD&ĐT TĨNH GIAĐỀ THI CHỌN ĐỘI TUYỂN HSG CẤP TỈNH
NĂM HỌC 2016 - 2017
MÔN: GIÁO DỤC CÔNG DÂN LỚP 9 - BÀI SỐ 2
Thời gian làm bài: 150 phút

Câu 1 (2.0 điểm). Điền vào chỗ trống () những từ, cụm từ thích hợp để hoàn thành một số nội dung của Điều 32 trong Luật giao thông đường bộ năm 2008.

Điều 32.

2. Người đi bộ chỉ được ..... ở những nơi có đèn tín hiệu, có vạch kẻ đường hoặc có cầu vượt, hầm dành cho người đi bộ và phải tuân thủ tín hiệu chỉ dẫn.

4. Người đi bộ không được ...... giải phân cách, không đu bám vào phương tiện giao thông đang chạy; khi mang vác ...... phải bảo đảm an toàn và không gây trở ngại cho người và phương tiện .......

Câu 2 (3.0 điểm)

Thế nào là di sản văn hóa phi vật thể và di sản văn hóa vật thể? Nêu ý nghĩa và những quy định của pháp luật nước ta về bảo vệ di sản văn hóa? Công dân - học sinh cần phải làm gì để bảo vệ di sản văn hóa?

Câu 3 (3.0 điểm)

Thế nào là pháp luật, kỉ luật? Pháp luật và kỉ luật có ý nghĩa như thế nào? Em phải làm gì để thực hiện tốt pháp luật, kỉ luật?

Câu 4 (3.0 điểm)

Thế nào là quyền sở hữu tài sản của công dân? Nhà nước có trách nhiệm gì trong việc công nhận và bảo hộ quyền sở hữu hợp pháp của công dân? Nghĩa vụ của công dân - học sinh phải tôn trọng tài sản của người khác được thể hiện như thế nào?

Câu 5 (2.0 điểm)

Thế nào là tự chủ? Nêu biểu hiện và ý nghĩa của tính tự chủ? Bản thân em cần phải làm gì để rèn luyện tính tự chủ?

Câu 6 (4.0 điểm)

Bảo vệ hòa bình là gì? Vì sao chúng ta cần phải bảo vệ hòa bình? Nêu ý nghĩa và biểu hiện của các hoạt động bảo vệ hòa bình, chống chiến tranh hiện nay? Là công dân - học sinh em cần phải làm gì để thể hiện là người sống hòa bình?

Câu 7 (3.0 điểm) Tình huống:

Khi đào móng làm nhà, ông Thành đào được một chiếc bình cổ rất đẹp. Ông đã mang chiếc bình đó cất giữ một cách rất cẩn thận, đợi khi nào có dịp sẽ mang ra trưng bày triển lãm.

1. Ông Thành làm như vậy là đúng hay sai? Vì sao?

2. Nếu là người chứng kiến sự việc đó em sẽ làm gì?

ĐÁP ÁN ĐỀ THI HỌC SINH GIỎI MÔN GIÁO DỤC CÔNG DÂN LỚP 9

Câu 1: Điền lần lượt các cụm từ sau vào chỗ (.......):

  • Qua đường
  • Vượt qua
  • Vật cồng kềnh
  • Tham gia giao thông

(Mỗi trường hợp HS phải điền đúng, đủ từ ngữ mới cho điểm)

Câu 2: Học sinh nêu được các ý cơ bản sau:

* Di sản văn hóa phi vật thể là sản phẩm tinh thần có giá trị lịch sử văn hóa, khoa học được lưu giữ bằng trí nhớ, chữ viết, được lưu truyền bằng truyền miệng, truyền nghề, trình diễn và các hình thức lưu giữ, lưu truyền khác bao gồm tiếng nói, chữ viết, lối sống, nếp sống, lễ hội, bí quyết về nghề thủ công truyền thống, tri thức về y dược học cổ truyền, về văn hóa ẩm thực, về trang phục truyền thống và các tri thức dân gian khác.

* Di sản văn hóa vật thể là sản phẩm vật chất có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học bao gồm di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia.

* Ý nghĩa:

  • Đối với sự phát triển của nền văn hóa Việt Nam: Di sản văn hóa là tài sản của dân tộc nói lên truyền thống của dân tộc, thể hiện công đức của các thế hệ tổ tiên trong công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc, thể hiện kinh nghiệm của dân tộc trên các lĩnh vực, các thế hệ sau có thể tiếp thu, kế thừa truyền thống, kinh nghiệm đó để phát triển nền văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc.
  • Đối với thế giới: Di sản văn hóa của Việt Nam đóng góp vào kho tàng di sản văn hóa thế giới. Một số di sản văn hóa của Việt Nam được công nhận là di sản văn hóa thế giới để được tôn vinh, giữ gìn như những tài sản quý giá của nhân loại.

* Những quy định của pháp luật về bảo vệ di sản văn hóa:

  • Nhà nước có chính sách bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa;
  • Nhà nước bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của chủ sở hữu di sản văn hóa. Chủ sở hữu di sản văn hóa có trách nhiệm bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.
  • Nghiêm cấm các hành vi:
    • Chiếm đoạt, làm sai lệch di sản văn hóa;
    • Hủy hoại hoặc gây nguy cơ hủy hoại di sản văn hóa;
    • Đào bới trái phép địa điểm khảo cổ, xây dựng trái phép, lấn chiếm đất đai thuộc di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh;
    • Mua bán, trao đổi và vận chuyển trái phép di vật, bảo vật quốc gia thuộc di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh; đưa trái phép di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia ra nước ngoài;
    • Lợi dụng việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa để thực hiện những hành vi trái pháp luật.

* Trách nhiệm của công dân – học sinh:

  • Hiểu, nhận thức đúng đắn về di sản văn hóa đồng thời có thái độ đúng đắn trong việc giữ gìn bảo tồn những di sản văn hóa
  • Gương mẫu thực hiện và động viên mọi người xung quanh cùng thực hiện tốt những quy định của pháp luật về bảo vệ di sản văn hóa

Câu 3: HS trình bày được:

  • Pháp luật là các quy tắc xử sự chung do Nhà nước ban hành, được Nhà nước đảm bảo thực hiện bằng các biện pháp giáo dục, thuyết phục, cưỡng chế.
  • Kỉ luật là những quy định, quy ước của một cộng đồng (một tập thể) về những hành vi cần tuân theo nhằm bảo đảm sự phối hợp hành động thống nhất, chặt chẽ của mọi người.
  • Ý nghĩa:
    • Giúp mọi người có một chuẩn mực chung để rèn luyện và thống nhất trong hành động
    • Xác định được trách nhiệm của cá nhân, bảo vệ được quyền lợi của mọi người.
    • Tạo điều kiện cho cá nhân và xã hội phát triển theo một định hướng chung.
  • Trách nhiệm:
    • Thường xuyên và tự giác thực hiện đúng quy định của pháp luật và kỉ luật.
    • Phê phán và đấu tranh trước những hành vi vi phạm pháp luật và kỉ luật...
    • HS thực hiện tốt quy định của nhà trường, của tập thể lớp...; nhắc nhở bạn bè và mọi người cùng thực hiện tốt; đồng tình, ủng hộ những việc làm đúng pháp luật và kỉ luật; đấu tranh, phê phán những hành vi vi phạm pháp luật và kỉ luật...

Câu 4: HS nêu được:

* Quyền sở hữu tài sản của công là quyền của công dân (chủ sở hữu) đối với tài sản thuộc sở hữu của mình. Bao gồm: Quyền chiếm hữu, quyền sử dụng và quyền định đoạt tài sản của chủ sở hữu.

  • Quyền chiếm hữu là quyền trực tiếp nắm giữ, quản lí tài sản.
  • Quyền sử dụng là quyền khai thác giá trị sử dụng của tài sản và hưởng lợi từ các giá trị tài sản đó.
  • Quyền định đoạt là quyền quyết định đối với tài sản như mua bán, tặng, cho, để lại, thừa kế, phá hủy, vứt bỏ...

* Trách nhiệm của nhà nước trong việc công nhận và bảo hộ quyền sở hữu hợp pháp của công dân:

  • Ghi nhận trong Hiến pháp và các văn bản quy phạm pháp luật quyền sở hữu của công dân.
  • Quy định các biện pháp và hình thức xử lí đối với các hành vi xâm phạm quyền sở hứu tùy theo mức độ, tính chất vụ việc; quy định trách nhiệm và cách thức bồi thường dân sự đối với những hành vi gây thiệt hại, mất mát do vay, mượn, thuê tài sản thuộc quyền sở hữu của người khác.
  • Tuyên truyền, giáo dục công dân cách thức bảo vệ quyền sở hữu của mình và ý thức tôn trọng quyền sở hữu của người khác.

* Nghĩa vụ của công dân – học sinh:

  • Công dân có nghĩa vụ tôn trọng tài sản của người khác, được thể hiện qua các hành vi:
    • Nhặt được của rơi phải trả lại cho chủ sở hữu hoặc báo cho cơ quan có trách nhiệm xử lí theo quy định của pháp luật.
    • Khi vay nợ phải trả đầy đủ, đúng hẹn.
    • Khi mượn, phải giữ gìn cẩn thận và sử dụng xong phải trả lại cho chủ sở hữu, nếu làm hỏng phải sữa chữa hoặc bồi thường tương ứng với giá trị tài sản.
    • Nếu gây thiệt hại về tài sản phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
  • Trách nhiệm của học sinh:
    • Hiểu rõ và thực hiện tốt quy định của pháp luật về quyền sở hữu tài sản của công dân và nghĩa vụ tôn trọng tài sản của người khác.
    • Biết phân biệt được những hành vi tôn trọng với hành vi vi phạm quyền sở hữu tài sản của người khác.
    • Có ý thức tôn trọng tài sản của người khác, ví dụ như: tôn trọng sách, vở, đồ dùng học tập, quần áo, tiền bạc, đồ dùng cá nhân, nhật kí, thư từ....của bạn bè, người thân trong gia đình và mọi người khác.
    • Đấu tranh, phê phán những hành vi xâm hại đến tài sản của công dân (tỏ thái độ không đồng tình, phản đối những hành vi xâm hại tài sản của mọi người).

Câu 5: Hs nêu được:

  • Tự chủ là làm chủ bản thân tức là làm chủ được những suy nghĩ, tình cảm, hành vi của mình trong mọi hoàn cảnh, tình huống luôn có thái độ bình tỉnh, tự tin biết tự điều chỉnh hành vi của bản thân.
  • Biểu hiện: Biết kiềm chế cảm xúc, bình tỉnh tự tin trong mọi hoàn cảnh, tình huống; không nao núng hoang mang trước khó khăn thử thách; biết tự ra quyết định cho mình, ....
  • Ý nghĩa:
    • Tự chủ là một đức tính quý giá;
    • Tính tự chủ giúp con người biết sống và ứng xử một cách đúng đắn, biết cư xử có đạo đức, có văn hóa;
    • Tính tự chủ giúp chúng ta đứng vững trước những khó khăn thử thách cám dỗ;
    • Không bị ngã nghiêng trước những áp lực tiêu cực
  • Rèn luyện tính tự chủ:
    • Tập suy nghĩ trước khi hành động, sau mỗi việc làm cần xem xét lại thái độ, lời nói, hành động của mình là đúng hay sai để kị thời rút kinh nghiệm, sửa chữa.
    • Có khả năng làm chủ bản thân trong học tập, sinh hoat, ví dụ trung thực, tự tin trong học tập và các hoạt đông tập thể, có tinh thân vượt khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ học tập và các nhiệm vụ khác được tập thế giao phó, không a dua theo bạn bè xấu làm điều không đúng...
    • Luôn có ý thức rèn luyện tính tự chủ,cụ thể là trong các hoạt động, tình huống, hoàn cảnh của cuộc sống hằng ngày, bình tỉnh, tự tin và biết tự điều chỉnh hành vi của bản thân.

Câu 6: HS nêu được các ý cơ bản sau:

  • Bảo vệ hòa bình là giữ gìn cuộc sống xã hội bình yên, dùng thương lượng, đàm phán để giải quyết mọi mâu thuẫn, xung đột giữa các dân tộc, tôn giáo, quốc gia, không để xảy ra chiến tranh hay xung đột vũ trang.
  • Chúng ta cần phải bảo vệ hòa bình vì:
    • Hòa bình đem lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc, bình yên cho con người, là khát vọng của toàn nhân loại; còn chiến tranh chỉ đem lại đau thương, tang tóc, đói nghèo, bệnh tật, trẻ em thất học, gia đình li tán, là thảm họa của loài người.
    • Hiện nay chiến tranh, xung đột vũ trang vẫn còn diễn ra ở nhiều nơi trên thế giới; ngòi nổ chiến tranh vẫn đang âm ỉ tại nhiều nơi trên hành tinh của chúng ta và đó là nguy cơ đối với nhiều quốc gia, dân tộc.Vì vậy, ngăn chặn chiến tranh, bảo vệ hòa bình là trách nhiệm của tất cả các quốc gia, các dân tộc và của toàn nhân loại.
    • Là một dân tộc yêu chuộng hòa bình và dã phải chịu đựng quá nhiều đau thương mất mát của mấy cuộc chiến tranh gay go, ác liệt để bảo vệ độc lập, tự do của tổ quốc, nhân dân ta càng thấu hiểu giá trị của hòa bình. Chúng ta đã, đang và sẽ tích cực tham gia vào sự nghiệp đấu tranh vì hòa bình và công lí trên thế giới.
  • Ý nghĩa và biểu hiện:
    • Mang lại cuộc sống bình yên, hạnh phúc cho nhân loại; góp phần làm giảm đau thương, tang tóc; tạo điều kiện thuận lợi để mở rộng quan hệ hợp tác giữa các quốc gia, dân tộc trong tất cả các lĩnh vực...
    • Biểu hiện: Biết lắng nghe, biết đặt mình vào địa vị của người khác để hiểu và thông cảm, thừa nhận những điểm khác với mình, biết dùng thương lượng để giải quyết mâu thuẫn.....
  • Trách nhiệm của công dân - học sinh:
    • Xây dựng mối quan hệ thân thiện, tôn trọng, bình đẳng giữa con người với con người; thiết lập mối quan hệ hiểu biết, hữu nghị, hợp tác...
    • HS tham gia hoạt động bảo vệ hòa bình do nhà trường, địa phương tổ chức;Tích cực tuyên truyền, vận động mọi người cùng tham gia...; có thái độ yêu hòa bình, ghét chiến tranh phi nghĩa.

Câu 7: Hs có thể có những cách diễn đạt khác nhau nhưng phải bảo đảm các ý cơ bản:

  • Ông Thành làm như vậy là sai. Vì:
    • Chiếc bình đó không thuộc quyền sở hữu của ông Thành, nên ông không có quyền giữ chiếc bình đó cho mình.
    • Theo quy định của pháp luật thì mọi di sản trong lòng đất đều thuộc sở hữu của toàn dân do nhà nước chịu trách nhiệm quản lí.
  • Nếu chứng kiến sự việc đó em sẽ:
    • Vận động ông Thành đem giao nộp chiếc bình đó cho chính quyền hoặc cơ quan văn hóa ở địa phương.
    • Giải thích để ông Thành hiểu, nghĩa vụ của công dân phải giao nộp cổ vật do mình tìm được cho cơ quan nhà nước để các cơ quan nhà nước có thẩm quyền bảo vệ, giữ gìn và có kế hoạch nghiên cứu, giới thiệu nhằm phát huy giá trị di sản văn hóa.
Chia sẻ, đánh giá bài viết
2
Chọn file muốn tải về:
Chỉ thành viên VnDoc PRO tải được nội dung này!
79.000 / tháng
Đặc quyền các gói Thành viên
PRO
Phổ biến nhất
PRO+
Tải tài liệu Cao cấp 1 Lớp
Tải tài liệu Trả phí + Miễn phí
Xem nội dung bài viết
Trải nghiệm Không quảng cáo
Làm bài trắc nghiệm không giới hạn
Mua cả năm Tiết kiệm tới 48%
Sắp xếp theo
    🖼️

    Gợi ý cho bạn

    Xem thêm
    🖼️

    Lớp 9 môn khác

    Xem thêm