Đề thi học kì 2 môn Ngữ văn lớp 12 trường THPT Đa Phúc, Hà Nội năm học 2016 - 2017

Đề thi học kì 2 môn Ngữ văn lớp 12

Đề thi học kì 2 môn Ngữ văn lớp 12 trường THPT Đa Phúc, Hà Nội năm học 2016 - 2017 có đáp án đi kèm, là tài liệu ôn tập môn Văn hữu ích dành cho các bạn học sinh lớp 12, giúp các bạn chuẩn bị tốt nhất cho kì thi cuối năm và chuẩn bị bước vào kì thi THPT Quốc gia 2017.

Đề thi học kì 2 môn Ngữ văn lớp 12 trường THPT Đa Phúc, Hà Nội năm học 2015 - 2016

Đề cương ôn tập học kì 2 môn Ngữ văn lớp 12

Đề thi học kì 2 môn Ngữ văn lớp 12 trường THPT Chương Mỹ A, Hà Nội năm học 2015 - 2016

SỞ GD&ĐT HÀ NỘI
TRƯỜNG THPT ĐA PHÚC
Năm học: 2016 - 2017
ĐỀ KIỂM TRA HỌC KÌ 2
Môn: Ngữ văn – Lớp 12
Thời gian: 120 phút

I. PHẦN ĐỌC HIỂU: (3,0 điểm)

Đọc đoạn trích dưới đây và thực hiện các yêu cầu:

Bạn chớ đặt mục tiêu của bạn vào những gì mà người khác cho là quan trọng. Chỉ có bạn mới biết rõ điều gì tốt nhất cho chính mình.

Bạn chớ nên thờ ơ với những gì gần gũi với trái tim bạn. Bạn hãy nắm chắc lấy như thể chúng là những phần trong cuộc sống của bạn. Bởi vì nếu không có chúng, cuộc sống của bạn phần nào sẽ mất đi ý nghĩa.

Bạn chớ để cuộc sống trôi qua kẽ tay vì bạn cứ đắm mình trong quá khứ hoặc ảo tưởng về tương lai. Chỉ bằng cách sống cuộc đời mình trong từng khoảnh khắc của nó, bạn sẽ sống trọn vẹn từng ngày của đời mình.

Bạn chớ bỏ cuộc khi bạn vẫn còn điều gì đó để cho đi. Không có gì là hoàn toàn bế tắc, mà nó chỉ thật sự trở nên bế tắc khi ta thôi không cố gắng nữa.

Bạn chớ ngại nhận rằng mình chưa hoàn thiện. Đó chính là sợi chỉ mỏng manh ràng buộc mỗi người chúng ta lại với nhau.

Bạn chớ ngại mạo hiểm. Nhờ mạo hiểm với những vận hội của đời mình mà bạn biết cách sống dũng cảm...

(Theo "Quà tặng cuộc sống - Sống trọn vẹn từng ngày" – www.kienthuccuocsong.edu.vn)

Câu 1: Chỉ ra phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn trích trên.

Câu 2: Vì sao tác giả cho rằng: "Bạn chớ đặt mục tiêu của bạn vào những gì mà người khác cho là quan trọng"?

Câu 3: Nêu tác dụng của biện pháp tu từ điệp ngữ được sử dụng trong đoạn trích trên?

Câu 4: Bài học nào trong đoạn trích có ý nghĩa sâu sắc nhất đối với anh/chị?

II. PHẦN LÀM VĂN: (7,0 điểm)

Câu 1: (2,0 điểm)

Viết đoạn văn nghị luận (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về ý kiến được nêu trong đoạn trích ở phần đọc hiểu: Bạn chớ để cuộc sống trôi qua kẽ tay vì bạn cứ đắm mình trong quá khứ hoặc ảo tưởng về tương lai. Chỉ bằng cách sống cuộc đời mình trong từng khoảnh khắc của nó, bạn sẽ sống trọn vẹn từng ngày của đời mình.

Câu 2: (5,0 điểm)

Về nhân vật Tnú trong Rừng xà nu của Nguyễn Trung Thành, có ý kiến cho rằng: "Tnú là con người chan chứa tình yêu thương". Ý kiến khác lại khẳng định: "Tnú là con người trung thực, gan dạ, dũng cảm, tuyệt đối trung thành với cách mạng".

Từ cảm nhận về hình tượng nhân vật Tnú, anh/chị hãy bình luận những ý kiến trên.

.....................Hết....................

Đáp án đề thi học kì 2 môn Ngữ văn lớp 12

I. PHẦN ĐỌC HIỂU: (3,0 điểm)

1. Phương thức biểu đạt chính: Nghị luận (0,5)

2. "Bạn chớ đặt mục tiêu vào những gì người khác cho là quan trọng". Vì:

  • Sẽ không phát huy được năng lực, sở trường bản thân.
  • Đánh mất mình.
  • Luôn mệt mỏi, áp lực, chạy theo người khác.

(HS trả lời được 2 ý cho điểm tối đa, 1 ý cho 0,5 điểm, 1 ý chưa sát vấn đề cho 0,25 điểm).

3. Tác dụng của biện pháp tu từ điệp ngữ "Bạn chớ" trong đoạn trích trên:

  • Nâng cao hiệu quả diễn đạt: Nhấn mạnh, tạo ấn tượng, gợi cảm xúc..... (0,5)
  • Bày tỏ thái độ: động viên, khích lệ....Lời nhắc nhở con người đừng đánh mất những điều ý nghĩa trong cuộc sống. (0,25)

4. HS trình bày suy nghĩ cá nhân, nêu một bài học có ý nghĩa sâu sắc với bản thân nhất. Có thể lựa chọn một trong những bài học sau: (0,5)

  • Bản thân mình mới biết điều gì là quan trọng nhất.
  • Trân trọng những gì gần gũi.
  • Trân trọng thời gian.
  • Ý chí nghị lực vươn lên...

- Lý giải được vì sao bài học đó sâu sắc với bản thân.... (0,5)

II. PHẦN LÀM VĂN: (7,0 điểm)

Câu 1: (2,0 điểm)

Viết 01 đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ về ý kiến được nêu trong phần Đọc hiểu: "Bạn chớ để cuộc sống trôi qua kẽ tay vì bạn cứ đắm mình trong quá khứ hoặc ảo tưởng về tương lai. Chỉ bằng cách sống cuộc đời mình trong từng khoảnh khắc của nó, bạn sẽ sống trọn vẹn từng ngày của đời mình."

a. Đảm bảo đúng yêu cầu của một đoạn văn, khoảng 200 từ. Mở đoạn nêu được vấn đề, thân đoạn triển khai được vấn đề, kết đoạn kết luận được vấn đề. (0,25)

b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Phải biết trân trọng cuộc sống hiện tại, quý trọng cuộc sống của bản thân.

c. Biết triển khai vấn đề nghị luận, vận dụng các thao tác lập luận, kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng, rút ra bài học nhận thức và hành động.

* Giải thích: (0,25)

  • "Bạn chớ để cuộc sống trôi qua kẽ tay": cách nói hình ảnh về việc để thời gian trôi đi vô ích, thái độ thờ ơ với cuộc sống.
  • "Sống cuộc đời mình trong từng khoảnh khắc": nâng niu trân trọng cuộc sống của bản thân.
  • "Sống trọn vẹn từng ngày": sống có ý nghĩa, sử dụng thời gian hợp lí, có ích.

=> Ý nghĩa: khuyên con người trân trọng thời gian hiện tại, quý trọng cuộc sống của bản thân.

* Bàn luận: (0,75)

HS có thể trình bày quan điểm cá nhân nhưng cần hợp lí, thuyết phục, có dẫn chứng minh họa, dưới đây là một hướng giải quyết:

  • Tại sao: "Bạn chớ để cuộc sống hiện tại trôi qua kẽ tay vì bạn cứ đắm mình trong quá khứ hoặc ảo tưởng về tương lai."
    • Quá khứ: khoảng thời gian đã qua không bao giờ trở lại.
    • Tương lai: thời gian phía trước xa vời, khó nắm bắt.

-> Vì thế, nghĩ về quá khứ, ảo tưởng tương lai sẽ lãng phí thời gian hiện tại một cách vô ích.

  • Tại sao "Chỉ bằng cách sống cuộc đời mình trong từng khoảnh khắc của nó, bạn sẽ sống trọn vẹn từng ngày"
    • Khi con người quý trọng cuộc sống của bản thân: sẽ hướng tới những việc làm, hành động tích cực, ý nghĩa, trở thành người có ích.
    • Sống một cuộc đời có ý nghĩa. Mỗi ngày trôi đi là một niềm vui.

-> Do đó, mỗi chúng ta phải biết trân trọng thời gian hiện tại, năng động, sáng tạo, tham gia tích cực mọi hoạt động...

* Mở rộng: (0,25)

  • Phê phán những người không biết quý trọng bản thân, sử dụng thời gian chưa hợp lí, đắm mình vào quá khứ, không quan tâm tới hiện tại..
  • Một số giới trẻ hiện nay sa vào lối sống gấp, sống vội, sa ngã vào các tệ nạn xã hội...

* Bài học nhận thức và hành động (0,25)

  • Nhận thức cuộc đời mỗi con người là quý giá, ai cũng chỉ sống một lần. Qúa khứ, hiện tại, tương lai đều quan trọng nhưng đặc biệt phải biết trân trọng hiện tại.
  • Cần có những hành động cụ thể, tích cực, ý nghĩa.

d. Sáng tạo, chính tả, dùng từ, đặt câu: Có cách diễn đạt mới mẻ, thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề. Đảm bảo quy tắc chính tả, dùng từ, đặt câu. (0,25)

Câu 2: (5,0 điểm) Cảm nhận nhân vật Tnú để làm rõ những ý kiến: "Tnú là con người chan chứa tình yêu thương""Tnú là con người trung thực, gan dạ, dũng cảm, tuyệt đối trung thành với cách mạng".

a. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận: Có đủ các phần mở bài, thân bài, kết bài. Mở bài nêu được vấn đề, thân bài triển khai được vấn đề gồm nhiều ý, đoạn văn, kết bài kết luận được vấn đề. (0,25)

b. Xác định đúng vấn đề nghị luận: Vẻ đẹp của hình tượng nhân vật Tnú: chan chứa tình yêu thương, trung thực, gan dạ, dũng cảm, tuyệt đối trung thành với cách mạng. (0,5)

c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm; vận dụng tốt các thao tác lập luận; kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng.

* Giới thiệu khái quát về tác giả, tác phẩm: (0,25)

  • Nguyễn Trung Thành là nhà văn gắn bó mật thiết với mảnh đất Tây Nguyên.
  • Tác phẩm Rừng xà nu được viết vào mùa hè năm 1965 khi đế quốc Mĩ đổ quân ào ạt vào miền Nam nước ta.
  • Tnú là nhân vật trung tâm kết tinh vẻ đẹp của dân làng Xô Man, của nhân dân Tây Nguyên kiên cường, bất khuất.

* Trích dẫn ý kiến.

* Giải thích ý kiến (0,25)

  • "Con người chan chứa tình yêu thương": giàu tình cảm, thủy chung, trong sáng. Vẻ đẹp con người bình thường.
  • "Con người trung thực, gan dạ, dũng cảm, tuyệt đối trung thành với cách mạng": tinh thần bất khuất, kiên trung, trọn đời gắn bó, hi sinh vì cách mạng.
  • Vẻ đẹp một anh hùng với những phẩm chất tiêu biểu của con người thời đại đánh Mĩ.

* Cảm nhận về hình tượng nhân vật Tnú: (2,0)

  • Nội dung hình tượng:
  • Lưu ý: học sinh có thể triển khai theo nhiều cách khác nhau: có thể kết hợp cảm nhận các vẻ đẹp của hình tượng, có thể kết hợp phân tích nội dung và nghệ thuật. Song cần đảm bảo những ý sau:
    • Những nét khái quát: (0,25)
      • Cuộc đời, số phận của Tnú được cụ Mết kể vào một đêm bên bếp lửa ở nhà Ưng trước toàn thể dân làng.
      • Mồ côi cha mẹ từ nhỏ, người Strá đã nuôi Tnú khôn lớn.
      • Số phận bất hạnh nhưng tâm hồn trong sáng, đẹp đẽ.
      • (Lưu ý: có thể linh hoạt trình bày, sắp xếp ý hợp lý)
    • Tnú là con người chan chứa tình yêu thương: (0,75)
      • Với quê hương: Sau ba năm đi lực lượng, Tnú được về phép đứng hồi lâu ngắm nhìn cánh rừng xà nu, bồi hồi xao xuyến khi nghe tiếng chày giã gạo. Về tới làng Tnú thuộc từng khuôn mặt, thăm hỏi từng người...
      • Với vợ con: Anh đặc biệt gắn bó, yêu thương. Tnú xé tấm dồ của mình làm tấm choàng ủ ấm cho con. Sẵn sàng hi sinh tính mạng để bảo vệ, che chở cho vợ con. Khi vợ con bị kẻ thù đánh đập dã man, Tnú không sợ chết đã lao vào bọn dã thú để cứu họ với hai bàn tay không.
    • Tnú là con người trung thực, gan dạ, dũng cảm, tuyệt đối trung thành với cách mạng. (1,0)
      • Khi còn nhỏ: Tnú bất chấp sự khủng bố gắt gao của kẻ thù đã xung phong vào rừng nuôi giấu cán bộ. Học chữ thua Mai, Tnú tự lấy đá đập vào đầu mình đến chảy máu. Làm liên lạc rất thông minh, nhanh nhẹn vì sự an toàn của cách mạng (xé rừng, lựa chỗ thác mạnh...)
      • Khi bị giặc bắt: (2 lần)
        • Tnú bị tra tấn dã man nhưng quyết không khai.
        • Gặp đau thương mất mát: vợ con bị giết, bản thân bị giặc đốt mười đầu ngón tay nhưng Tnú vẫn không chịu khuất phục trước kẻ thù.
      • Với đôi bàn tay tật nguyền, Tnú tham gia lực lượng giải phóng quân để chiến đấu bảo vệ quê hương đất nước.
    • Nhận xét chung: Hình tượng nhân vật Tnú là biểu tượng rực sáng cho tính cách, phẩm chất của con người Tây Nguyên. Nhân vật Tnú tỏa sáng chủ nghĩa anh hùng Việt Nam thời chống Mĩ đồng thời đẫm chất sử thi.
  • Nghệ thuật khắc họa hình tượng: (0,5)
    • Không khí truyện được dựng như các cuộc kể khan truyền thống của các già làng thuở trước.
    • Nhân vật Tnú được xây dựng với cảm hứng ngợi ca, tự hào.
    • Giọng văn trang trọng, hùng tráng, say mê, đậm chất sử thi...

* Bình luận: (0,5)

  • Khẳng định hai ý kiến về nhân vật Tnú đều đúng. Mỗi ý kiến đề cập đến một khía cạnh của nhân vật, nhưng lại có mối liên hệ mật thiết, bổ sung cho nhau để cùng khẳng định vẻ đẹp lí tưởng của nhân vật.
  • Thể hiện cái nhìn sâu sắc về nhân vật vừa mang vẻ đẹp sử thi, vừa mang vẻ đẹp đời thường, bình dị.
  • Nhân vật Tnú là một bước tiến mới trong sự nhận thức và biểu hiện những phẩm chất của một người anh hùng lí tưởng. Cuộc đời bi tráng của Tnú chứng minh cho chân lí của thời đại đánh Mĩ: "Chúng nó cầm súng, mình phải cầm giáo".
  • Phong cách tác giả độc đáo qua xây dựng hình tượng nhân vật....

d. Sáng tạo: Có cách diễn đạt mới mẻ, thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận (0,25)

e. Chính tả, dùng từ, đặt câu: Đảm bảo quy tắc chính tả, dùng từ, đặt câu. (0,25)

Đánh giá bài viết
1 1.599
Sắp xếp theo

Đề thi học kì 2 lớp 12 môn Văn

Xem thêm