Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Đề thi học sinh giỏi môn Ngữ văn lớp 9 Phòng GD&ĐT Cư M’gar, Đăk Lăk năm học 2016 - 2017

Đề thi học sinh giỏi môn Ngữ văn lớp 9

Với mục tiêu hỗ trợ các bạn học sinh trong việc tìm kiếm nguồn tài liệu hay và chất lượng phục vụ quá trình ôn thi học sinh giỏi cấp huyện môn Ngữ văn lớp 9 VnDoc.com đã sưu tầm và xin được gửi tới bạn: Đề thi học sinh giỏi môn Ngữ văn lớp 9 Phòng GD&ĐT Cư M'gar, Đăk Lăk năm học 2016 - 2017.

Đề thi học sinh giỏi môn Ngữ văn lớp 9 Phòng GD&ĐT Tĩnh Gia, Thanh Hóa năm học 2016 - 2017

Đề thi học sinh giỏi môn Ngữ văn lớp 9 Phòng GD&ĐT Đại Lộc, Quảng Nam năm học 2016 - 2017

Đề thi học sinh giỏi môn Ngữ văn lớp 9 trường THCS Phan Bội Châu, Quảng Nam năm học 2016 - 2017

PHÒNG GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
HUYỆN CƯ M'GAR
KÌ THI HỌC SINH GIỎI HUYỆN LỚP 9 THCS
NĂM HỌC 2016 - 2017
Khóa thi ngày 14/2/2017
Môn thi: NGỮ VĂN 9
Thời gian làm bài: 150 phút

Câu 1: (4,0 điểm)

Cảm nhận về giọt nước mắt của nhân vật ông Hai qua các đoạn trích sau:

..."Nhìn lũ con, tủi thân, nước mắt ông lão cứ giàn ra. Chúng nó cũng là trẻ con làng Việt gian đấy ư? Chúng nó cũng bị người ta rẻ rúng hắt hủi đấy ư?

... Thằng bé giơ tay lên, mạnh bạo và rành rọt:

- Ủng hộ Cụ Hồ Chí Minh muôn năm!

Nước mắt ông lão giàn ra, chảy ròng ròng trên hai má."

(Kim Lân, Làng – Ngữ văn 9, tập 1)

Câu 2: (8,0 điểm)

Mẹ sẽ đưa con đến trường, cầm tay con dắt qua cánh cổng, rồi buông tay mà nói: "Đi đi con, hãy can đảm lên, thế giới này là của con,..."

(Theo Lí Lan, Cổng trường mở ra – Ngữ văn 7, tập một)

Từ việc người mẹ không "cầm tay" dắt con đi tiếp mà "buông tay" để con tự đi, hãy viết một bài văn nêu lên suy nghĩ của em về việc làm của người mẹ trong truyện.

Câu 3: (8,0 điểm)

Những nét đẹp của thế hệ trẻ Việt Nam qua hình ảnh người lính trong tác phẩm "Bài thơ về tiểu đội xe không kính" của Phạm Tiến Duật và nhân vật anh thanh niên trong truyện ngắn "Lặng lẽ Sa Pa" của Nguyễn Thành Long.

Đáp án đề thi học sinh giỏi môn Ngữ văn lớp 9

Câu 1 (4,0 điểm)

* Chỉ ra được:

  • Những giọt nước mắt của ông Hai là chi tiết nghệ thuật độc đáo, được miêu tả tinh tế, bộc lộ chiều sâu nội tâm của nhân vật
  • Những giọt nước mắt ấy đều xuất hiện trong hoàn cảnh ông Hai nghe tin làng Chợ Dầu theo giặc. Nó có vai trò quan trọng giúp nhà văn diễn tả những cung bậc cảm xúc khác nhau của nhân vật:
  • Câu văn "nước mắt ông lão cứ giàn ra" thể hiện tâm trạng đau đớn, tủi nhục vì nghe tin làng ông làm Việt gian theo Tây, vì nghĩ các con còn nhỏ rồi đây phải chịu cảnh rẻ rúng hắt hủi của mọi người. Đó là giọt nước mắt của lòng tự trọng, của tình thương con và tình yêu làng tha thiết.
  • "nước mắt ông giàn ra, chảy ròng ròng": Vì xúc động, vì hạnh phúc khi nghe con trả lời ủng hộ Cụ Hồ. Đứa con nhỏ đã nói hộ tiếng lòng của ông, một người thủy chung với kháng chiến, luôn biết ơn Cụ Hồ. Đó là giọt nước mắt của niềm vui và tự hào.

* Khái quát được:

  • Giọt nước mắt của ông là giọt nước mắt của con người luôn nặng lòng với quê hương, Cụ Hồ, kháng chiến và là biểu hiện đẹp đẽ của phẩm cách làm người ở người nông dân trong kháng chiến chống Pháp.
  • Qua đó, Kim Lân thể hiện thái độ trân trọng phẩm giá của con người.

Câu 2: (8,0 điểm)

Học sinh có thể làm nhiều cách khác nhau miễn là có đủ một số ý theo quy định. Sau đây là một cách làm cụ thể:

* Mở bài: Nêu lại câu văn trên đề bài để dẫn đến tính tự lập

Khi còn nhỏ, chúng ta sống trong sự bảo bọc của ông bà, cha mẹ nhưng không phải lúc nào người thân yêu cũng ở bên cạnh chúng ta. Bàn tay dìu dắt của cha mẹ, đến một lúc nào đó cũng phải buông ra để chúng ta độc lập bước vào đời. Hai chữ "buông tay" trong câu văn của Lý Lan như một bước ngoặt của hai trạng thái được bảo bọc, chở che và phải một mình bước đi. Việc phải bước đi một mình trên đoạn đường còn lại chính là một cách thể hiện tính tự lập.

* Thân bài:

  • Giải thích: Tự lập là gì? (Nghĩa đen: Tự đứng một mình, không có sự giúp đỡ của người khác. Tự lập là tự mình làm lấy mọi việc, không dựa vào người khác). Người có tính tự lập là người biết tự lo liệu, tạo dựng cuộc sống cho mình mà không ỷ lại, phụ thuộc vào mọi người xung quanh.
  • Phân tích:
    • Tự lập là đức tính cần có đối với mỗi con người khi bước vào đời.
    • Trong cuộc sống không phải lúc nào chúng ta cũng có cha mẹ ở bên để dìu dắt, giúp đỡ ta mỗi khi gặp khó khăn. Vì vậy, cần phải tập tính tự lập để có thể tự mình lo liệu cuộc đời bản thân.
    • Người có tính tự lập sẽ dễ đạt được thành công, được mọi người yêu mến, kính trọng.
    • Dẫn chứng.
  • Phê phán: Tự lập là một phẩm chất để khẳng định nhân cách, bản lĩnh và khả năng của một con người. Chỉ biết dựa dẫm vào người khác sẽ trở thành một gánh nặng cho người thân và cuộc sống sẽ trở nên vô nghĩa. Những người không có tính tự lập, cứ dựa vào người khác thì khó có được thành công thật sự. Cho nên ngay cả trong thế giới động vật, có những con thú đã biết sống tự lập sau vài tháng tuổi.
  • Mở rộng: Tự lập không có nghĩa là tự tách mình ra khỏi cộng đồng. Có những việc chúng ta phải biết đoàn kết và dựa vào đồng loại để tạo nên sức mạnh tổng hợp.
  • Liên hệ bản thân: Cần phải rèn luyện khả năng tự lập một cách bền bỉ, đều đặn. Để có thể tự lập, bản thân mỗi người phải có sự nỗ lực, cố gắng và ý chí mạnh mẽ để vươn lên, vượt qua thử thách, khó khăn, để trau dồi, rèn luyện năng lực, phẩm chất.

* Kết bài: Nếu mọi người đều biết sống tự lập kết hợp với tinh thần đoàn kết, tương trợ lẫn nhau thì xã hội sẽ trở nên tốt đẹp hơn và cuộc sống mỗi người sẽ được hạnh phúc.

Câu 3: (8,0 điểm)

1. Yêu cầu về kĩ năng:

  • Bài viết đủ 3 phần: Mở bài - thân bài - kết bài
  • Vận dụng được kĩ năng làm bài nghị luận.
  • Lập luận chặt chẽ, luận điểm rõ ràng, lí lẽ thuyết phục, cảm nhận chân thành, diễn đạt mạch lạc, trình bày sạch, chữ rõ ràng.

2. Yêu cầu về kiến thức:

* Mở bài: Giới thiệu chung (đề tài tuổi trẻ là tương lai đất nước, hai tác phẩm đều viết về sự cống hiến của tuổi trẻ đối với đất nước trong KC chống Mỹ, nêu luận đề vẻ đẹp của thế hệ trẻ Việt Nam)

* Thân bài: Cần nêu được các ý sau:

a) Hai nhân vật: Anh thanh niên "Lặng lẽ Sa Pa" và người lính lái xe "Bài thơ về tiểu đội xe không kính" có những điểm khác nhau:

  • Hoàn cảnh sống khác nhau:
    • Anh thanh niên sống một mình trên đỉnh Yên Sơn cao hai nghìn sáu trăm mét, quanh năm làm bạn với cỏ cây mây núi Sa Pa.
    • Người lính lái xe Trường Sơn trên những chiếc xe không kính, hỏng hóc, mất mát tới trần trụi trong những năm kháng chiến chống Mĩ.
  • Công việc khác nhau:
    • Anh thanh niên trong mặt trận xây dựng CNXH: Làm công tác khí tượng trên đỉnh Yên Sơn, góp phần vào dự báo thời tiết hàng ngày, phục vụ sản xuất, phục vụ chiến đấu.
    • Người lính lái xe trực tiếp đối mặt với hiểm nguy trong chiến tranh chống Mĩ, chở lương thực, vũ khí, đạn dược ra chiến trường, phục vụ chiến đấu.

b) Tuy hoàn cảnh sống và công việc khác nhau nhưng ở họ đều có những vẻ đẹp chung:

  • Nhiệt tình, dũng cảm cống hiến cho Tổ quốc, cho nhân dân.
    • Anh thanh niên vượt lên hoàn sống đặc biệt, nhiệt tình, say mê, yêu nghề, có trách nhiệm cao trong công việc. (phân tích d/c)
    • Người lính lái xe Trường Sơn bất chấp mọi khó khăn, nguy hiểm, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. (phân tích d/c)
  • Lí tưởng sống đẹp
    • Anh thanh niên quan niệm: hạnh phúc là được sống có ích, được phục vụ Tổ quốc, nhân dân. (phân tích d/c)
    • Người lính lái xe có lí tưởng chiến đấu cao đẹp: vì sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. (phân tích d/c)
  • Đời sống nội tâm phong phú
    • Anh thanh niên cởi mở, hiếu khách, sống sôi nổi, hồn nhiên với những thú vui lành mạnh. (phân tích d/c)
    • Những người lính lái xe tinh nghịch, lạc quan, yêu đời (phân tích d/c)

c) Suy nghĩ của bản thân

  • Vấn đề cống hiến của tuổi trẻ: hai nhân vật đã cho thấy sự cống hiến của họ trong quá khứ để làm nên đất nước hôm nay.
  • Thế kỉ XXI có những yêu cầu với thế hệ trẻ giống hôm qua nhưng cũng có những yêu cầu khác (do bối cảnh lịch sử, xã hội, thời đại ...)
  • Dù ở hoàn cảnh nào tuổi trẻ hôm nay cũng luôn hiểu rõ: Cống hiến (trong mọi điều kiện và hoàn cảnh) là mục đích của tuổi trẻ.
  • Trong thực tế có những bạn trẻ chỉ nghĩ đến hưởng thụ mà quên mất phải cống hiến ...
  • Nét đẹp của hai nhân vật là tấm gương, là hành trang vào đời của tuổi trẻ hôm nay.

* Kết bài: Khẳng định vẻ đẹp của thế hệ trẻ Việt Nam; thành công của hai tác phẩm trong việc xây dựng hình tượng tiêu biểu cho vẻ đẹp ấy.

* Bài làm có thể trình bày, diễn đạt theo nhiều cách dựa trên cơ sở hai văn bản "Lặng lẽ Sa Pa" và "Bài thơ về tiểu đội xe không kính". Điểm trừ cho mỗi loại lỗi ít nhất là 0,25 điểm

Đánh giá bài viết
3 6.797
Sắp xếp theo

    Thi học sinh giỏi lớp 9

    Xem thêm