Đề thi HSG lớp 9 môn Văn tỉnh Phú Thọ năm học 2016 - 2017
Đề thi học sinh giỏi môn Ngữ văn lớp 9
Để chuẩn bị tốt cho kì thi cuối năm cũng như kì thi vào THPT, VnDoc.com mời các em tham khảo đề thi này để củng cố lại kiến thức đã học. Mời các em tham khảo phần đề thi và đáp án dưới đây.
Sở GD&ĐT tỉnh Phú Thọ | ĐỀ THI CHỌN HSG LỚP 9 NĂM HỌC 2016 - 2017 MÔN: NGỮ VĂN Thời gian: 150 phút (Không kể thời gian giao đề) |
Câu 1 (8,0 điểm)
"Thử thách lớn nhất của con người là lúc thành công rực rỡ". (G.Welles). Trình bày suy nghĩ của em về câu nói trên.
Câu 2 (12,0 điểm)
Có ý kiến cho rằng: "Đọc một câu thơ hay, người ta không thấy câu thơ, chỉ còn thấy tình người trong đó". Từ cảm nhận về bài thơ Nói với con của nhà thơ Y Phương, em hãy làm sáng tỏ ý kiến trên.
Đáp án đề thi học sinh giỏi môn Ngữ văn lớp 9
Câu 1
- Yêu cầu về kĩ năng: cần xác định đây là đề nghị luận xã hội về một vấn đề tư tưởng đạo lí. Học sinh có thể lựa chọn thao tác lập luận phù hợp, nhuần nhuyễn, huy động được các chất liệu đời sống.
- Yêu cầu về kiến thức: cần làm rõ những nội dung cơ bản sau:
- Thử thách: những khó khăn, cản trở do cuộc sống, công việc đặt ra trên con đường tìm kiếm thành công (0,25 điểm)
- Thành công rực rỡ: thành công lớn đem lại cả tiếng vang và lợi ích, đáng để tự hào và kiêu hãnh (0,25 điểm)
=> Thành công lớn cũng có thể trở thành trở ngại, rào cản đòi hỏi con người phải có bản lĩnh, nghị lực thì mới vượt qua (0,25 điểm)
- Thành công rực rỡ là thử thách lớn vì:
- Đạt được thành công, con người thường có tâm lí dễ thỏa mãn, tự đắc, kiêu ngạo (1 điểm)
- Đạt được thành công, con người thường ảo tưởng về khả năng của mình (0,5 điểm)
- Khi ấy, thành công sẽ trở thành vật cản và triệt tiêu động lực phấn đấu của bản thân trên hành trình tiếp theo (1 điểm)
- Thành công sẽ trở thành động lực cho mỗi người khi:
- Có tầm nhìn xa và tỉnh táo trước kết quả đã đạt được (1 điểm)
- Biết đặt ra mục tiêu mới, lên kế hoạch hành động (1 điểm)
- Không lãng phí thời gian và nỗ lực không ngừng (0,5 điểm)
- Phê phán thái độ kiêu căng, chủ quan, tự mãn trước thành công (0,5 điểm)
- Liên hệ những trải nghiệm chính của bản thân (0,5 điểm)
- Bài học nhận thức và hành động:
+ Biết tự đánh giá, khiêm tốn để không bị choáng ngợp trước hào quang chiến thắng (0,5 điểm)
+ Cần có bản lĩnh và nghị lực để vươn tới những thành công mới (0,5 điểm)
Câu 2
- Yêu cầu về kĩ năng:
- Thí sinh phải nắm vững kĩ năng làm bài nghị luận văn học, vận dụng tốt các thao tác giải thích, phân tích, bình luận và chứng minh một vấn đề qua tác phẩm cụ thể.
- Bố cục rõ ràng, chặt chẽ, khoa học, hợp lí. Diễn đạt trôi chảy, lưu loát, văn viết giàu hình ảnh và cảm xúc. Không mắc lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp.
- Yêu cầu về kiến thức:
- Học sinh phải biết vận dụng kiến thức lí luận văn học và kiến thức về một tác phẩm để giải thích, bình luận và chứng minh vấn đề.
- Thí sinh có thể đưa ra những ý kiến, trình bày theo nhiều cách khác nhau, nhưng cần chính xác, hợp lí, rõ ràng, thuyết phục và nêu được các ý cơ bản dưới đây.
- Câu thơ hay: là sản phẩm lao động sáng tạo của nhà thơ, kết tinh những tư tưởng, tình cảm mà nhà thơ muốn gửi gắm qua hình thức phù hợp (0.5 điểm)
- Đọc: là hành động tiếp nhận và thưởng thức của người đọc (0,5 điểm)
- Tình người: là tư tưởng, tình cảm, cảm xúc tạo nên giá trị nội dung của thơ (0,5 điểm)
=> Quan niệm nhấn mạnh giá trị của thơ là những tư tưởng, tình cảm được biểu hiện trong thơ. Tình cảm, cảm xúc càng sâu sắc, mãnh liệt, lớn lao càng khiến thơ lay động lòng người (0,5 điểm)
- Đối tượng của thơ là thế giới tâm hồn, tình cảm của con người. Câu thơ, bài thơ bao giờ cũng biểu đạt tình cảm, tư tưởng của người nghệ sĩ (0,5 điểm)
- Cảm xúc càng mãnh liệt, càng thăng hoa thì thơ càng có nhiều khả năng chinh phục, ám ảnh trái tim người đọc (0,5 điểm)
- Với người đọc, đến với bài thơ là để trải nghiệm một tâm trạng, một cảm xúc và kiếm tìm sự đồng điệu của tâm hồn (0,5 điểm)
- Tuy nhiên, nói "không thấy câu thơ" không có nghĩa là câu thơ không tồn tại mà hình thức biểu hiện đó đã đồng nhất với nội dung tình cảm của tác phẩm (0,5 điểm)
- Tình người trong bài thơ "Nói với con":
+ Thể hiện qua lời cha nói với con về cội nguồn sinh dưỡng:
- Con lớn lên trong tình yêu thương, trong sự nâng niu và mong chờ của cha mẹ (1 điểm)
- Con trưởng thành trong cuộc sống lao động, nghĩa tình của quê hương (1 điểm)
+ Thể hiện qua lời cha nói với con về những đức tính cao đẹp của người đồng mình:
- Ca ngợi người đồng mình sống vất vả mà mạnh mẽ, bền bỉ, gắn bó, chung thủy; có ý chí tự lực tự cường, biết chấp nhận và vượt qua gian nan thử thách bằng nghị lực, niềm tin (1 điểm)
- Cha mong con biết sống nghĩa tình, thủy chung với quê hương; biết chấp nhận và vượt qua gian nan thử thách; có một nhân cách cao đẹp, sức sống hồn nhiên, khoáng đạt, mạnh mẽ (1 điểm)
+ Cha dặn dò con phải biết giữ gìn và phát huy truyền thống quê hương và có ý chí vươn lên trong cuộc sống (0,5 điểm)
=> Qua lời tâm tình của cha với con, nhà thơ Y Phương đã diễn tả xúc động, thấm thía tình cha con. Tình cảm ấy đã hòa quyện với tình yêu quê hương, đất nước. Từ đó khơi dậy mạch nguồn đạo lý truyền thống của dân tộc. (0,5 điểm)
- Hình thức biểu đạt:
- Thể thơ: tự do, nhịp thơ linh hoạt (0,5 điểm)
- Từ ngữ, hình ảnh: cụ thể, mộc mạc mà có tính khái quát, giàu chất thơ, rất tiêu biểu cho cách tư duy của người miền núi (0,5 điểm)
- Biện pháp nghệ thuật: điệp từ, điệp cấu trúc, so sánh, đối lập,... (0,5 điểm)
- Giọng điệu: tâm tình, thiết tha, thấm thía (0,5 điểm)
- Nói với con của nhà thơ Y Phương là một bài thơ hay. Bài thơ đã thể hiện được tình cảm gia đình, quê hương, dân tộc chân thành, sâu sắc, thấm thía qua hình thức nghệ thuật độc đáo, hấp dẫn (0,5 điểm)
- Bài học đối với người sáng tác và người thưởng thức, tiếp nhận:
- Người sáng tác: người làm thơ bên cạnh sự sâu sắc, mãnh liệt của tình cảm, sự phong phú của cảm xúc cần nghiêm túc, công phu trong lao động nghệ thuật (0,25 điểm)
- Người đọc: không ngừng trau dồi tri thức để hiểu và đồng cảm với tác giả (0,25 điểm)