Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Đề thi thử THPT Quốc gia môn Ngữ văn năm 2015 trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn, Bình Định (Lần 4)

Đề thi thử THPT Quốc gia môn Ngữ văn năm 2015

Đề thi thử THPT Quốc gia môn Ngữ văn năm 2015 trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn, Bình Định (Lần 4) có đáp án đi kèm, là tài liệu luyện thi THPT Quốc gia môn Văn hữu ích dành cho các bạn học sinh, giúp các bạn củng cố và luyện tập kiến thức môn Văn hiệu quả.

Đề thi thử THPT Quốc gia môn Ngữ Văn năm 2016 tỉnh Thanh Hóa

Đề thi thử THPT Quốc gia môn Ngữ văn lần 3 năm 2015 trường THPT Hàn Thuyên, Bắc Ninh

SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO BÌNH ĐỊNH
TRƯỜNG THPT CHUYÊN LÊ QUÝ ĐÔN

ĐỀ CHÍNH THỨC
KHẢO SÁT CHẤT LƯỢNG LỚP 12, THÁNG 5/2015
Môn: NGỮ VĂN
Ngày khảo sát: 22/05/2015
Thời gian làm bài: 180 phút (không kể thời gian phát đề)

Phần I. Đọc - hiểu (3,0 điểm)

Đọc đoạn trích sau đây và trả lời các câu hỏi từ câu 1 đến câu 4:

Bộ sử kí của Tư Mã Thiên mà các nhà Nho vẫn công nhận là kiểu mẫu văn hay kia nếu không phát sinh từ trong buồng gan uất ức của ông"Thái sử" kia thì ở đâu ra. Gần chúng ta hơn là các nhà tiền bối như: Nguyễn Du, Cao Bá Nhạ, Nguyễn Công Trứ, Yên Đổ, Tú Xương, Phan Sào Nam, Nguyễn Khắc Hiếu cũng vậy. Những câu văn mà hiện còn truyền tụng cũng đều biểu hiện những buồng tim đã chán chê hay tê tái với thế cuộc nhân tình. Không có một khối óc sôi nổi, không có một thế giới quan, nhân sinh quan sinh động thì không thể sản sinh được một áng danh văn.

(Đặng Thai Mai)

(Chú thích: Tư Mã Thiên (145 TCN – 86 TCN), tên tự là Tử Trường, là tác giả bộ Sử ký nổi tiếng; ông làm chức Thái sử lệnh đời nhà Hán.)

Câu 1: Xác định phương thức biểu đạt chính của đoạn văn trên. (0,25 điểm)

Câu 2: Trong đoạn văn trên, tác giả Đặng Thai Mai có dẫn ra các nhà thơ như: Yên Đổ, Tú Xương, Phan Sào Nam, Nguyễn Khắc Hiếu. Những nhà thơ này đều có tác phẩm được học trong chương trình Ngữ văn THPT. Hãy kể tên các tác phẩm mà anh/chị đã học của bốn nhà thơ đó.(0,5 điểm)

Câu 3: Xác định thao tác lập luận của đoạn văn trên và chỉ ra luận điểm của lập luận đó.(0,5 điểm)

Câu 4: Viết đoạn văn ngắn - khoảng 5-7 dòng - nêu ý kiến của anh/chị về quan điểm của Đặng Thai Mai: "Không có một khối óc sôi nổi, không có một thế giới quan, nhân sinh quan sinh động thì không thể sản sinh được một áng danh văn" (0,25 điểm)

Đọc đoạn thơ sau đây và trả lời các câu hỏi từ câu 5 đến câu 8:

1. Kể tuổi tôi còn hơn tuổi bác,
Tôi lại đau trước bác mấy ngày;
Làm sao bác vội về ngay,
Chợt nghe, tôi bỗng chân tay rụng rời.

5. Ai chẳng biết chán đời là phải,
Sao vội vàng đã mải lên tiên;
Rượu ngon không có bạn hiền,
Không mua không phải không tiền không mua.

9. Câu thơ nghĩ đắn đo không viết,
Viết đưa ai, ai biết mà đưa.
Giường kia treo cũng hững hờ,
Đàn kia gảy cũng ngẩn ngơ tiếng đàn.

(trích bài thơ Khóc Dương Khuê của Nguyễn Khuyến)

(Chú thích: Dương Khuê (1839-1902) là bạn thân của Nguyễn Khuyến. Khi nghe tin Dương Khuê mất, Nguyễn Khuyến viết bài thơ này. Bài thơ lúc đầu được viết bằng chữ Hán, sau đó tác giả tự dịch ra tiếng Việt.)

Câu 5: Tóm tắt nội dung đoạn thơ bằng một câu không quá 20 chữ (0,25 điểm)

Câu 6: Đoạn thơ trên được viết theo thể thơ gì ? Cho biết cách hiệp vần của thể thơ đó. (0,5 điểm)

Câu 7: Chỉ ra và nêu tác dụng của các biện pháp tu từ trong đoạn thơ từ câu 5 đến câu 8 (0,5 điểm)

Câu 8: Câu thơ nghĩ đắn đo không viết,

Viết đưa ai, ai biết mà đưa;

Anh/chị hãy cho biết: tại sao tác giả lại "đắn đo không viết"? Hai câu thơ trên cho thấy mối quan hệ của Nguyễn Khuyến và Dương Khuê như thế nào? (0,25 điểm)

Phần II. Làm văn (7,0 điểm)

Câu 1 (3 điểm):

Trên chuyên mục Thanh niên & cuộc sống của báo Thanh niên các số 132, 133, 134 ra các ngày 12, 13, 14 tháng 5 năm 2015, có một câu hỏi đặt ra cho giới trẻ được nhiều người thảo luận sôi nổi:

"Nhiều tiền sẽ đem lại thành công?"

Hãy viết bài văn khoảng 600 từ, nêu ý kiến của anh/ chị về câu hỏi đó.

Câu 2 (4 điểm):

Chất sử thi của truyện ngắn Rừng xà nu (Nguyễn Trung Thành) thể hiện ở nhiều phương diện của tác phẩm nhưng đậm nét nhất là ở đề tài, hình thức kể chuyện và hình tượng nhân vật Tnú.

Anh/chị hãy làm rõ nhận xét trên.

Đáp án đề thi thử THPT Quốc gia môn Ngữ văn năm 2015

Phần I. Đọc hiểu (3,0 điểm)

Câu 1: Phương thức biểu đạt chính: nghị luận

  • Điểm 0,25: trả lời đúng
  • Điểm 0,0: trả lời sai

Câu 2: Yêu cầu HS nêu đúng tên các tác phẩm đã học trong chương trình THPT của 4 nhà thơ, cụ thể:

  • Yên Đổ: Thu điếu – Câu cá mùa thu (hoặc: Tiến sĩ giấy ; Khóc Dương Khuê)
  • Tú Xương: Thương vợ (hoặc Vịnh khoa thi hương)
  • Phan Sào Nam: Lưu biệt khi xuất dương
  • Nguyễn Khắc Hiếu: Hầu trời
    • Điểm 0,5: nêu đúng tên 4 tác phẩm của 4 nhà thơ tương ứng
    • Điểm 0,25: nêu đúng tên ít nhất 2 tác phẩm của 2 nhà thơ tương ứng
    • Điểm 0,0: không thuộc 2 trường hợp trên

Câu 3: HS nêu được 2 ý. Ý 1: đoạn văn sử dụng thao tác lập luận quy nạp. Ý 2: luận điểm của lập luận: Không có một khối óc sôi nổi, không có một thế giới quan, nhân sinh quan sinh động thì không thể sản sinh được một áng danh văn.

  • Điểm 0,5: nêu đúng 2 ý
  • Điểm 0,25: nêu đúng 1 ý
  • Điểm 0,0: nêu sai

Câu 4: Ý kiến của người làm bài theo hướng đồng tình, khẳng định quan điểm đúng đắn của Đặng Thai Mai, bởi vì: những nhà văn, nhà thơ lớn, người sáng tạo nên những kiệt tác vô giá đều là những con người có một thế giới quan tiến bộ, một nhân sinh quan thấm đẫm tinh thần nhân văn.

  • Điểm 0,25: đáp ứng yêu cầu trên
  • Điểm 0,0: viết một vài câu không rõ ý

Câu 5: Nỗi đau khôn tả của Nguyễn Khuyến khi mất bạn (hoặc: nỗi đau rụng rời, hẫng hụt trước sự ra đi vĩnh viễn của bạn)

  • Điểm 0,25: nêu đúng ý không vượt quá 20 chữ
  • Điểm 0,0: không rõ ý hoặc dài dòng

Câu 6: HS nêu được 2 ý. Ý 1: thể thơ song thất lục bát. Ý 2: Cách hiệp vần của thể thơ song thất lục bát như sau: ở cặp song thất, tiếng cuối của câu 1 vần với tiếng thứ 5 của câu 2; ở cặp lục bát, tiếng cuối câu lục vần với tiếng thứ 6 câu bát; cặp song thất và cặp lục bát vần với nhau theo cách tiếng cuối của câu thất thứ 2 vần với tiếng cuối câu lục.

  • Điểm 0,5: nêu đúng 2 ý
  • Điểm 0,25: Nêu đúng 1 ý
  • Điểm 0,0: không đúng ý nào

Câu 7: HS nêu 2 ý. Ý 1: chỉ ra các biện pháp tu từ: nói giảm (lên tiên - chết); điệp từ (từ không lặp lại 5 lần). Ý 2: nêu tác dụng: dùng cụm từ lên tiên để nói về cái chết nhằm xoa dịu nỗi đau; điệp từ không nhằm nhấn mạnh nỗi đau hụt hẫng trước sự ra đi vĩnh viễn của bạn

  • Điểm 0,5: nêu đúng 2 ý
  • Điểm 0,25: nêu đúng một biện pháp tu từ và nói đúng tác dụng của nó
  • Điểm 0,0: nói sai

Câu 8: Nguyễn Khuyến "đắn đo không viết" là vì bạn đã mất rồi, còn ai đọc thơ mình nữa mà viết. Hai câu thơ cho thấy giữa Nguyễn Khuyến và Dương Khuê là một tình bạn tri âm tri kỉ

  • Điểm 0,25: nêu được ý trên
  • Điểm 0,0: nói vu vơ không rõ nội dung gì.

Phần II. Làm văn (7,0 điểm)

Câu 1 (3,0 điểm):

* Yêu cầu chung: Thí sinh biết kết hợp kiến thức và kĩ năng về loại bài nghị luận xã hội để tạo lập văn bản. Bài viết phải có bố cục đầy đủ, rõ ràng; văn viết có cảm xúc; diễn đạt trôi chảy, bảo đảm tính liên kết; không mắc lỗi chính tả, từ ngữ, ngữ pháp.

* Yêu cầu cụ thể:

1. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận (0,5 điểm):

  • Điểm 0,5 điểm: Trình bày đầy đủ các phần mở bài, thân bài, kết luận. Phần mở bài biết dẫn dắt hợp lí và nêu được vấn đề; phần thân bài biết tổ chức thành nhiều đoạn văn liên kết chặt chẽ với nhau cùng làm sáng tỏ vấn đề; phần kết bài khái quát được vấn đề và thể hiện được nhận thức của cá nhân.
  • Điểm 0,25: trình bày đầy đủ ba phần mở bài, thân bài, kết luận, nhưng các phần chưa thể hiện được đầy đủ yêu cầu như trên; phần thân bài chỉ có 1 đoạn văn.
  • Điểm 0: Thiếu mở bài hoặc kết luận, thân bài chỉ có 1 đoạn văn hoặc cả bài viết chỉ có 1 đoạn văn.

2. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận (0,5 điểm):

  • Điểm 0,5: xác định đúng vấn đề cần nghị luận: thí sinh nêu ý kiến của mình về câu hỏi: Nhiều tiền sẽ đem lại thành công?
  • Điểm 0, 25: Xác định chưa rõ vấn đề cần nghị luận, nêu chung chung.
  • Điểm 0: Xác định sai vấn đề cần nghị luận, trình bày lạc sang vấn đề khác.

3. Chia vấn đề cần nghị luận thành các luận điểm phù hợp; các luận điểm được triển khai theo trình tự hợp lí, có sự liên kết chặt chẽ; sử dụng tốt các thao tác lập luận để triển khai các luận điểm (trong đó phải có thao tác giải thích, chứng minh, bình luận); biết kết hợp giữa nêu lí lẽ và đưa dẫn chứng; dẫn chứng phải lấy từ thực tiễn đời sống, cụ thể và sinh động (1,0 điểm).

Thí sinh có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau theo những gợi ý sau:

a) Giải thích: Thành công là đạt được kết quả mà mình đã nổ lực, cố gắng, phấn đấu thực hiện. Sự thành công mang đến cho con người ý nghĩa cuộc sống.

b) Bàn luận: Nhiều tiền có đem lại thành công không? Nhiều tiền có đồng nghĩa với thành công?

  • Nếu mục tiêu đề ra là kiếm tiền, thì kiếm được nhiều tiền là thành công. Làm có nhiều tiền là một biểu hiện của sự thành công vì tiền là một trong những thước đo giá trị. Tuy nhiên đây chỉ là sự thành công trong việc kiếm tiền, mà kiếm tiền không phải là mục tiêu duy nhất của cuộc sống.
  • Sự thành công trong việc kiếm tiền không đồng ngh a với sự thành công trong cuộc sống vì sự thành công trong cuộc sống phải hội tụ được nhiều yếu tố như: sự chiến thắng bản thân; được mọi người tôn trọng, nể phục; tạo dựng được một gia đình êm ấm; có một người bạn đời biết yêu thương và chia xẻ; thỏa mãn khao khát sáng tạo trong công việc; có sức khỏe; được nổi tiếng, được tỏa sáng... Những yếu tố này không thể mua được được bằng tiền. Chính vì vậy, có nhiều người có đầy đủ tiền bạc, quyền lực và cả địa vị vẫn không cảm thấy hạnh phúc. Ngược lại, có nhiều người thành công, được thế giới ngưỡng mộ mà không có nhiều tiền. Mẹ Teresa chẳng hạn. Cô gái trẻ Malala Yousafzai cũng vậy.
  • Quan niệm thành công là có nhiều tiền là quan niệm phiến diện. Thử hỏi một người không nghề nghiệp, không có học thức, bỗng nhiên được "trời cho" bằng "trò chơi" vé số, có được năm bảy tỉ đồng, trở thành tỉ phú. Có thể gọi họ là người thành công? Nếu có tiền là thành công thì những người buôn lậu, ma túy... cũng được gọi là thành công sao?
  • Nhiều người, đặc biệt là giới trẻ đang lầm tưởng có nhiều tiền là thành công.

c) Bài học nhận thức hành động

  • Đồng tiền là phương tiện để đi đến hạnh phúc, chứ không phải là mục đích sau cùng. Tiền bạc rất quan trọng vì đó là "điều kiện cần" để đạt đến nhiều loại thành công khác nhưng nếu coi nó là mục đích sau cùng của cuộc đời thì đó là quan niệm sai lầm.
  • Khát vọng có được nhiều tiền là chính đáng nhưng không vì thế mà bất chấp tất cả, chà đạp lên lẽ phải, sự thật, quyền sống của người khác để có được tiền.
  • Sự thành công trong cuộc sống gắn liền với hạnh phúc, gắn liền với những giá trị nhân văn.
  • Điểm 1,0: Đáp ứng được các yêu cầu trên
  • Điểm 0,75: Cơ bản đáp ứng được các yêu cầu trên, song một trong các luận điểm còn chưa đầy đủ hoặc liên kết chưa thật chặt chẽ
  • Điểm 0,5: Đáp ứng 1/2 đến 2/3 các yêu cầu trên.
  • Điểm 0,25: Đáp ứng được 1/3 các yêu cầu trên.
  • Điểm 0: Không đáp ứng được bất kì yêu cầu nào trong các yêu cầu trên.

4. Sáng tạo (0,5 điểm)

  • Điểm 0,5: Có nhiều cách diễn đạt độc đáo và sáng tạo (viết câu, sử dụng từ ngữ, hình ảnh và các yếu tố biểu cảm,...); thể hiện được quan điểm và thái độ riêng, sâu sắc nhưng không trái với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.
  • Điểm 0,25: Có một số cách diễn đạt độc đáo và sáng tạo; thể hiện được một số suy nghĩ riêng sâu sắc nhưng không trái với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.
  • Điểm 0: Không có cách diễn đạt độc đáo và sáng tạo; không có quan điểm và thái độ riêng hoặc quan điểm, thái độ trái với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.

5. Chính tả, dùng từ, đặt câu (0,5 điểm):

  • Điểm 0,5: Không mắc lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu.
  • Điểm 0,25: Mắc một số lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu.
  • Điểm 0: Mắc nhiều lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu.

Câu 2 (4,0 điểm):

* Yêu cầu chung: Thí sinh biết kết hợp kiến thức và kĩ năng về dạng bài nghị luận văn học để tạo lập văn bản. Bài viết phải có bố cục đầy đủ, rõ ràng; văn viết có cảm xúc; thể hiện khả năng cảm thụ văn học tốt; diễn đạt trôi chảy, bảo đảm tính liên kết; không mắc lỗi chính tả, từ ngữ, ngữ pháp

* Yêu cầu cụ thể:

1. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận (0,5 điểm):

  • Điểm 0,5: trình bày đầy đủ các phần mở bài, thân bài, kết luận. Phần mở bài biết dẫn dắt hợp lí và nêu được vấn đề; phần thân bài biết tổ chức thành nhiều đoạn văn liên kết chặt chẽ với nhau cùng làm sáng tỏ vấn đề; phần kết bài khái quát được vấn đề và thể hiện được ấn tượng, cảm xúc sâu đậm của cá nhân.
  • Điểm 0,25: trình bày đầy đủ ba phần mở bài, thân bài, kết luận, nhưng các phần chưa thể hiện được đầy đủ yêu cầu trên; phần thân bài chỉ có 1 đoạn văn.
  • Điểm 0: thiếu mở bài hoặc kết luận, thân bài chỉ có 1 đoạn văn hoặc cả bài viết chỉ có 1 đoạn văn.

2. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận (0,5 điểm): Làm rõ tính sử thi của truyện Rừng xà nu qua việc phân tích các phương diện: đề tài, hình thức kể chuyện và hình tượng nhân vật Tnú.

  • Điểm 0,5: xác định đúng vấn đề cần nghị luận:
  • Điểm 0,25: xác định chưa rõ vấn đề cần nghị luận, chỉ nêu chung chung.
  • Điểm 0: xác định sai vấn đề cần nghị luận, trình bày lạc sang vấn đề khác.

3. Chia vấn đề cần nghị luận thành các luận điểm phù hợp; các luận điểm được triển khai theo trình tự hợp lí, có sự liên kết chặt chẽ; sử dụng tốt các thao tác lập luận để triển khai các luận điểm; biết kết hợp giữa nêu lí lẽ và đưa dẫn chứng (2,0 điểm).

Thí sinh có thể có những cách trình bày khác nhau nhưng cần có các ý sau:

a) Giới thiệu vài nét về tác giả, tác phẩm và vấn đề nghị luận

b) Làm rõ tính sử thi của truyện Rừng xà nu qua việc phân tích đề tài, hình thức kể chuyện và hình tượng nhân vật Tnú

  • Thế nào là một tác phẩm văn học mang tính sử thi? Đó là tác phẩm đề cập đến những vấn đề trọng đại có ý nghĩa sống còn của đất nước, của dân tộc. Nhân vật trung tâm là người có số phận gắn bó với cộng đồng, kết tinh những phẩm chất cao quí của cộng đồng, nhân danh cộng đồng mà chiến đấu, hy sinh. Cái riêng tư, đời thường nếu được nói đến thì chủ yếu cũng là để nhấn mạnh thêm trách nhiệm và tình cảm của cá nhân với cộng đồng. Tác phẩm có tính sử thi thường có một giọng điệu say mê, trang trọng, có ngôn ngữ đẹp một cách tráng lệ, hào hùng.
  • Về đề tài: Rừng xà nu đã tái hiện không khí của một thời cách mạng miền Nam, qua câu chuyện về cuộc nổi dậy của làng Xô Man. Xung đột chính của câu chuyện là xung đột giữa dân làng và bọn Mỹ - Diệm. Xung đột ấy được tích tụ, dồn nén và cuối cùng bùng nổ bằng cuộc nổi dậy dùng giáo mác tiêu diệt một tiểu đội lính giặc, giải phóng buôn làng. Hình ảnh làng Xô-Man, con đường đi của người dânXô-Man có tính chất tiêu biểu cho phong trào cách mạng miền Nam vào những năm cuối thập niên 50 và cả khi Mỹ đổ bộ vào miền Nam mở rộng chiến tranh vào đầu những năm 60 của thế kỉ XX.
  • Về hình thức kể chuyện: Rừng xà nu có lối kể độc đáo. Câu chuyện về cuộc đời của Tnú và cuộc nổi dậy của làng Xô Man được vị già làng là cụ Mết kể cho dân làng nghe trong một đêm Tnú về thăm làng. Sau bữa cơm tối, dân làng tập trung lại nhà cụ Mết bên bếp lửa xà nu bập bùng, bên ngoài "lấm tấm một trận mưa đêm, rì rào như gió nhẹ". Trong cái không khí thật trang nghiêm, cụ Mết kể bằng cái giọng trầm trầm. Người kể như muốn truyền lại cho con cháu những trang lịch sử hào hùng cuả cộng đồng. Cách kể này gần với cách kể khan - sử thi anh hùng ca - của các bộ tộc ở Tây Nguyên.
  • Về hình tượng nhân vật Tnú: Tnú được xây dựng như một đại biểu ưu tú của người dân Xô-Man
    • Tnú luôn được đặt trong quan hệ với cộng đồng, với cách mạng nhiều hơn là quan hệ đời tư. Cộng đồng Xô-Man luôn dõi theo buớc đi của Tnú, hành động anh hùng của Tnú khiến cho cả làng đều cảm động, nguỡng mộ, tự hào.
    • Nhân vật Tnú hiện lên qua hành động nhiều hơn là qua đời sống nội tâm và hầu như không có những băn khoăn, trăn trở về số phận, về cái tôi của mình.
    • Con đường trưởng thành của Tnú rất tiêu biểu cho con đường đi của các dân tộc Tây Nguyên trong thời đại đấu tranh giải phóng. Từ nhỏ anh đã tham gia công tác cách mạng. Anh đã từng bị bắt, bị tra tấn và bị tù đày. Vợ con anh bị giặc sát hại, hai bàn tay anh bị giặc đốt cháy bằng nhựa xà nu. Nhưng sự tàn bạo của kẻ thù không khuất phục ý chí chiến đấu của Tnú. Vượt ngục trở về, Tnú làm theo lời dặn của anh Quyết, tổ chức trai tráng trong làng chuẩn bị giáo mác để khởi nghĩa; làng Xô-Man được giải phóng, Tnú vẫn tiếp tục tham gia lực lượng quân giải phóng để tiêu diệt hết những thằng Dục khác mà đem lại cuộc sống tự do cho núi rừng. Có thể nói Tnú là một bước tiến mới trong nhận thức và biểu hiện những phẩm chất của một người anh hùng lí tưởng.
  • Điểm 2,0: đáp ứng được các yêu cầu trên
  • Điểm 1,5 - 1,75: cơ bản đáp ứng được các yêu cầu trên, song một trong các luận điểm còn chưa được trình bày đầy đủ hoặc liên kết chưa thực sự chặt chẽ.
  • Điểm 1,0 -1,25: đáp ứng 1/2 đến 2/3 các yêu cầu trên.
  • Điểm 0,5 - 0,75: Đáp ứng được 1/3 các yêu cầu trên.
  • Điểm 0,25: Hầu như không đáp ứng được yêu cầu nào trong các yêu cầu trên.
  • Điểm 0: Không đáp ứng được bất kì yêu cầu nào trong các yêu cầu trên.

4. Sáng tạo (0,5 điểm)

  • Điểm 0,5: có nhiều cách diễn đạt độc đáo và sáng tạo (viết câu, sử dụng từ ngữ, hình ảnh và các yếu tố biểu cảm,...); văn viết giàu cảm xúc; thể hiện khả năng cảm thụ văn học tốt; có quan điểm và thái độ riêng sâu sắc nhưng không trái với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.
  • Điểm 0,25: có một số cách diễn đạt độc đáo và sáng tạo; thể hiện được một số suy ngh riêng sâu sắc nhưng không trái với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.
  • Điểm 0: không có cách diễn đạt độc đáo và sáng tạo; không có quan điểm và thái độ riêng hoặc quan điểm, thái độ trái với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.

5. Chính tả, dùng từ, đặt câu (0,5 điểm):

  • Điểm 0,5: không mắc lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu.
  • Điểm 0,25: mắc một số lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu.
  • Điểm 0: mắc nhiều lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu.
Đánh giá bài viết
1 847
Sắp xếp theo

    Môn Văn khối D

    Xem thêm