Đề thi thử THPT Quốc gia môn Ngữ văn lần 3 năm 2015 trường THPT Hàn Thuyên, Bắc Ninh
Đề thi thử THPT Quốc gia môn Văn
Đề thi thử THPT Quốc gia môn Ngữ văn lần 3 năm 2015 trường THPT Hàn Thuyên, Bắc Ninh là đề thi thử đại học năm 2015 môn Văn có đáp án. Đây là tài liệu tham khảo hữu ích dành cho giáo viên và học sinh tham khảo, luyện thi đại học môn Văn, ôn thi tốt nghiệp năm 2015, chuẩn bị tốt cho kì thi Quốc gia sắp tới.
Đề thi thử ĐH môn Văn lần 2 năm 2015 trường THPT Hàn Thuyên, Bắc Ninh
Đề thi thử đại học môn Văn 2015 lần 1 THPT Hàn Thuyên, Bắc Ninh
SỞ GD&ĐT BẮC NINH TRƯỜNG THPT HÀN THUYÊN | ĐỀ THI THỬ KỲ THI THPT QUỐC GIA – LẦN 3 NĂM HỌC 2014 - 2015 Môn: Ngữ văn Thời gian làm bài: 180 phút (không kể thời gian giao đề) |
Phần I. Đọc hiểu (3.0 điểm)
Đọc văn bản sau đây và trả lời các câu hỏi từ Câu 1 đến Câu 4:
Báo điện tử Dân trí ra ngày 21/8/2014 đưa tin:
Sáng ngày 21/8, cây cầu mang tên "Khuyến học và Dân trí" bắc qua thượng nguồn sông Gianh tại xã Trọng Hóa, huyện miền núi Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình chính thức khánh thành trong niềm vui khôn tả của bà con nhân dân hai bản Ông Tú và bản Hưng.
Phát biểu tại Lễ khánh thành cầu "Khuyến học và Dân trí" tại bản Ông Tú, nhà báo Phạm Huy Hoàn, Tổng biên tập báo điện tử Dân trí, Giám đốc quỹ khuyến học Việt Nam bày tỏ lời cảm ơn chân thành về sự hiện diện của các vị đại biểu và các em học sinh tại buổi lễ.
Tổng biên tập báo điện tử Dân trí, Phạm Huy Hoàn nhấn mạnh, tại nơi đây, từ nhiều năm qua chúng ta đã chứng kiến cảnh các cháu học sinh phải bơi qua sông tới trường, rất nguy hiểm đến tính mạng. Qua cuộc vận động trên báo, bạn đọc báo Dân trí đã đóng góp được số tiền hơn 1,3 tỉ đồng.
Đây là nguồn đóng góp tự nguyện của đông đảo bạn đọc báo Dân trí, trong đó có cả nguồn tiết kiệm của rất nhiều học sinh đồng lứa với các cháu có mặt trong buổi lễ hôm nay. Số tiền trên đã được chuyển giao tới Hội Khuyến học tỉnh Quảng Bình và Ủy ban nhân dân huyện Minh Hóa để bổ sung vào nguồn vốn thực hiện Nghị quyết 30a của Chính phủ trong ngân sách của huyện Minh Hóa cho dự án xây cầu và làm đường lên từ hai bờ sông tại bản Ông Tú và bản Hưng.
Tổng biên tập báo Dân trí Phạm Huy Hoàn cũng cho biết, đây là cây cầu thứ 7 có sự đóng góp của bạn đọc báo điện tử Dân trí, được chính quyền địa phương đồng thuận cho mang tên "Khuyến học và Dân trí". Trước đó, đã có 6 cây cầu "Khuyến học và Dân trí" được xây dựng, hoàn thành và đưa vào sử dụng tại các tỉnh Kiên Giang, Hậu Giang, Quảng Nam, Cần Thơ và Thanh Hóa.
(Dẫn theo Cầu "Khuyến học và Dân trí" thứ 7 được khánh thành tại Quảng Bình, http://www.dantri.com.vn)
Câu 1: Văn bản trên thuộc phong cách ngôn ngữ nào? (0.25 điểm)
Câu 2: Văn bản trên nói về sự kiện gì? Sự kiện ấy đã được những người trong cuộc đón nhận ra sao? (0.5 điểm)
Câu 3: Tại sao cây cầu lại được mang tên là "Khuyến học và Dân trí"? (0.25 điểm)
Câu 4: Từ sự kiện được nêu trong văn bản, anh (chị) hãy suy nghĩ về tinh thần trách nhiệm với cộng đồng của tất cả chúng ta (trả lời trong khoảng 10-12 dòng) (0.5 điểm)
Đọc đoạn thơ sau đây và trả lời các câu hỏi từ Câu 5 đến Câu 8:
Anh ra khơi
Mây treo ngang trời những cánh buồm trắng
Phút chia tay, anh dạo trên bến cảng
Biển một bên và em một bên.
Biển ồn ào, em lại dịu êm
Em vừa nói câu chi rồi mỉm cười lặng lẽ
Anh như con tàu, lắng sóng từ hai phía
Biển một bên và em một bên.
Ngày mai, ngày mai khi thành phố lên đèn
Tàu anh buông neo dưới chùm sao xa lắc
Thăm thẳm nước trời nhưng anh không cô độc
Biển một bên và em một bên....
1981. (Trích Thơ tình người lính biển - Trần Đăng Khoa)
Câu 5. Chỉ ra phương thức biểu đạt chính của đoạn thơ trên? (0,25 điểm)
Câu 6. Xác định 02 biện pháp tu từ được tác giả sử dụng trong hai dòng thơ: "Anh như con tàu, lắng sóng từ hai phía. Biển một bên và em một bên"? (0,25 điểm)
Câu 7. Nhân vật trữ tình trong đoạn thơ là ai? Nêu nội dung chính của đoạn thơ? (0,5 điểm)
Câu 8. Anh/chị hãy nhận xét về dòng thơ cuối cùng ở mỗi khổ? Trả lời trong khoảng 5-7 dòng. (0,5 điểm)
Phần II. Làm văn(7.0 điểm)
Câu 1 (3.0 điểm)
Trong bức thư gửi thầy giáo của con, một vị phụ huynh viết:
Xin thầy hãy giúp cháu có đủ sức mạnh để không chạy theo đám đông khi tất cả mọi người đều chạy theo như thế.
Anh/ chị hiểu nguyện vọng của vị phụ huynh này như thế nào? Hãy viết một bài văn ngắn khoảng 600 từ phát biểu suy nghĩ của mình về điều đó?
Câu 2 (4.0 điểm)
Cảm nhận của anh/chị về vẻ đẹp riêng của hai đoạn thơ sau:
Rải rác biên cương mồ viễn xứ
Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh
Áo bào thay chiếu anh về đất
Sông Mã gầm lên khúc độc hành
(Tây Tiến - Quang Dũng, Ngữ Văn 12, tập 1, NXBGDVN, 2012)
Có biết bao người con gái con trai
Trong bốn nghìn lớp người giống ta lứa tuổi
Họ đã sống và chết
Giản dị và bình tâm
Không ai nhớ mặt đặt tên
Nhưng họ đã làm ra Đất Nước
(Đất nước - Nguyễn Khoa Điềm, Ngữ Văn 12, tập 1, NXBGDVN, 2012)
Đáp án đề thi thử THPT Quốc gia môn Ngữ văn
Bộ đề thi thử THPT Quốc gia năm 2016 môn Ngữ văn - Số 1
A. Hướng dẫn chung
- Giám khảo cần nắm vững yêu cầu của Hướng dẫn chấm thi để đánh giá tổng quát bài làm của thí sinh. Do đặc trưng của môn Ngữ văn nên giám khảo cần linh hoạt trong quá trình chấm, khuyến khích những bài viết có cảm xúc, sáng tạo nhưng không trái với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.
- Việc chi tiết hóa điểm số của các câu (nếu có) trong Hướng dẫn chấm thi phải đảm bảo không sai lệch với tổng điểm của mỗi câu và được thống nhất trong hội đồng chấm thi.
B. Hướng dẫn chấm cụ thể
Phần I. Đọc hiểu (3.0 điểm)
1. Yêu cầu về kĩ năng:
- Thí sinh có kĩ năng đọc- hiểu văn bản.
- Diễn đạt rõ ràng, không mắc các lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp.
2. Yêu cầu về kiến thức:
Câu 1 (0.25 điểm)
Văn bản trên thuộc phong cách ngôn ngữ: báo chí
- Điểm 0.25: Trả lời đúng ý trên.
- Điểm 0: Trả lời sai hoặc không trả lời.
Câu 2 (0.5 điểm)
Bản tin nói về sự kiện khánh thành cầu "Khuyến học và Dân trí" bắc qua thượng nguồn sông Gianh tại xã Trọng Hóa, huyện miền núi Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình. Sự kiện ấy đã được những người trong cuộc (dân bản Ông Tú và bản Hưng, các em học sinh, những người đại diện của báo Dân trí và Quỹ Khuyến học Việt Nam...) đón nhận với niềm vui khôn tả, vì kế hoạch xây cầu đã được hoàn tất và niềm mơ ước về cây cầu đã thành hiện thực.
- Điểm 0.5: Trả lời đúng, đủ các ý trên.
- Điểm 0.25: Trả lời được nửa các ý trên.
- Điểm 0: Trả lời sai hoặc không trả lời.
Câu 3 (0.25 điểm)
Cầu được mang tên là "Khuyến học và Dân trí" vì đơn vị khởi xướng xây cầu và góp vốn đầu tiên là Quỹ Khuyến học Việt Nam và báo Dân trí.
- Điểm 0.25: Trả lời đúng ý trên.
- Điểm 0: Trả lời sai hoặc không trả lời.
Câu 4 (0.5điểm)
Sự kiện được nêu trong bản tin, gợi nhiều suy nghĩ về tinh thần trách nhiệm với cộng đồng của tất cả chúng ta:.... (Học sinh có thể diễn đạt theo nhiều cách nhưng phải hợp lí, chặt chẽ)
- Điểm 0.5: Trả lời đúng, bày tỏ được quan điểm, suy nghĩ của bản thân về tinh thần trách nhiệm với cộng đồng
- Điểm 0.25: Trả lời sơ sài.
- Điểm 0: Trả lời sai hoặc không trả lời.
Câu 5 (0.25 điểm)
Phương thức biểu đạt chính của đoạn thơ: phương thức biểu cảm/biểu cảm.
- Điểm 0.25: Trả lời đúng ý trên.
- Điểm 0: Trả lời sai hoặc không trả lời.
Câu 6 (0.25 điểm)
Trả lời đúng 2 biện pháp tu từ: so sánh (ở dòng thơ Anh như con tàu...), ẩn dụ/điệp ngữ (trong câu Biển một bên...).
- Điểm 0.25: Trả lời đúng ý trên.
- Điểm 0: Trả lời sai hoặc không trả lời.
Câu 7 (0.5 điểm)
- Nhân vật trữ tình trong đoạn thơ là anh – người lính.
- Nội dung chính của đoạn thơ: Đoạn thơ kể về phút chia tay của nhân vật anh, của tác giả với nhân vật em để lên đường làm nhiệm vụ của người lính biển. Phút giây đó có sự hòa quyện tình yêu đôi lứa với tình yêu quê hương; đồng thời, nhắn nhủ anh không cô độc vì được sống trong tình em và tình biển, tình quê hương.
- Có thể diễn đạt theo cách khác nhưng phải có sức thuyết phục.
- Điểm 0.5: Trả lời đúng, đủ các ý trên.
- Điểm 0.25: Trả lời được nửa các ý trên.
- Điểm 0: Trả lời sai hoặc không trả lời.
Câu 8 (0.5 điểm)
Nhận xét về các dòng thơ cuối cùng ở mỗi khổ: Biển một bên và em một bên.
- Nghệ thuật: Có thể trả lời theo các cách: lặp câu/ điệp khúc/ láy lại/ lặp nguyên vẹn ý
- Nội dung: Nhấn mạnh tình cảm cá nhân hòa vào vào tình cảm cộng đồng.
Có thể diễn đạt theo cách khác nhưng phải hợp lí, thuyết phục.
- Điểm 0.5: Trả lời đúng, đủ các ý trên.
- Điểm 0.25: Câu trả lời chung chung, không rõ ý
- Điểm 0: Trả lời sai hoặc không trả lời
Phần II. Làm văn (7.0 điểm)
Câu 1 (3.0 điểm)
1. Yêu cầu về kĩ năng:
- Thí sinh biết cách làm bài nghị luận xã hội;
- Đảm bảo cấu trúc của 1 bài văn nghị luận: mở bài, thân bài, kết bài.
- Vận dụng tốt các thao tác lập luận
- Không mắc lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp;
- Khuyến khích những bài viết sáng tạo.
2. Yêu cầu về kiến thức:
Thí sinh có thể trình bày theo nhiều cách nhưng cần làm nổi bật các ý sau đây:
a. Giải thích (0.25đ)
- Sức mạnh: khả năng tác động hoặc chịu/không chịu tác động một cách mạnh mẽ, tạo hiệu quả ở mức độ cao.
- Chạy theo đám đông: làm theo người khác một cách thiếu suy nghĩ, dễ dãi, làm theo mà không biết chuyện gì đang xảy ra.
-> Ý của vị phụ huynh: mong muốn con mình có đủ khả năng, bản lĩnh, có chính kiến để không bị ảnh hưởng bởi những tác động xấu của đời sống.
b. Bình luận: (1.25đ)
- Một nguyện vọng đúng đắn, chính đáng và hết sức tha thiết của người cha yêu thương con, có trách nhiệm, có hiểu biết sâu sắc:
- Đám đông chạy theo nhau (tất cả mọi người) mà vị phụ huynh nói ở đây là một xu thế a dua, nhiều người tham gia cùng một sự việc nhưng hoàn toàn không có chính kiến, không hiểu bản chất sự việc. Họ chiếm ưu thế về số lượng nhưng không có sự liên kết, không có sự đồng tâm hiệp lực nên không tạo ra sức mạnh bền vững. Sức mạnh này có tính nhất thời, song có thể gây hậu quả nghiêm trọng.
- Những người chạy theo đám đông là những người thiếu bản lĩnh, thiếu niềm tin vào bản thân, dễ bị lôi kéo, kích động. Hành vi chạy theo đám đông là hành vi đáng phê phán...
- Khi có sức mạnh (được tạo nên bởi ý thức về giá trị, về năng lực...của bản thân), con người tin vào khả năng của bản thân, có bản lĩnh để không chạy theo người khác một cách mù quáng.
- Người thầy có vai trò vô cùng quan trọng trong việc giúp học trò có được sức mạnh trên, được phụ huynh đề cao: xin thầy hãy giúp cháu.
c. Liên hệ: (1.25đ)
- Thực tế hiện nay: xu thế chạy theo đám đông trong cuộc sống là khá phổ biến, nhất là trong giới trẻ.
- Tác hại của việc chạy theo đám đông, của thói a dua: hình thnahf một thói quen xấu là chỉ biết làm theo người khác. Lối hành xử ấy dễ dẫn đến việc đánh mất bản ngã, thiếu bản lĩnh, thiếu tính tiên phong,...trong cuộc sống.
d. Bài học nhận thức và hành động (0.25đ)
- Cần phân biệt đúng sai, tốt xấu trong các mối quan hệ xã hội, giữa cá nhân với cộng đồng.
- Rèn luyện bản lĩnh sống, nâng cao tinh thần tự chủ.
3. Cách cho điểm:
- Điểm 3: Đáp ứng tất cả các yêu cầu về kiến thức và kĩ năng, có thể mắc một vài lỗi nhỏ về chính tả, diễn đạt.
- Điểm 2-2.5: Đáp ứng phần lớn các yêu cầu về kiến thức và kĩ năng, có thể mắc một số lỗi chính tả, diễn đạt.
- Điểm 1-1.5: Đáp ứng được một phần yêu cầu về kiến thức và kĩ năng, mắc nhiều lỗi chính tả, diễn đạt.
- Điểm 0: Lạc đề hoàn toàn hoặc không làm bài.
Câu 2. (4.0 điểm)
1. Yêu cầu về kĩ năng: Nắm vững phương pháp làm bài nghị luận văn học. Bố cục rõ ràng, thuyết phục, có khả năng phân tích, khái quát, tổng hợp vấn đề. Diễn đạt trôi chảy, câu văn sáng rõ, giàu cảm xúc; không mắc lỗi chính tả, ngữ pháp.
2. Yêu cầu về kiến thức:
MB:
- Giới thiệu tác giả, tác phẩm
- Giới thiệu vấn đề cần nghị luận(0.25 điểm)
TB:
a. Cảm nhận về 2 đoạn thơ: (2.5 điểm)
- Đoạn thơ trong bài Tây Tiến:
- Thí sinh có thể có những cách trình bày khác nhau, nhưng cần làm nổi bật được tinh thần yêu nước, anh dũng và sự hi sinh bi tráng của người lính Tây Tiến. Những nấm mồ rải rác thầm lặng, lẻ loi nơi xa xôi, hoang vắng. Tinh thần dũng cảm, sẵn sàng cống hiến tuổi trẻ cho đất nước. Cái chết đơn sơ nhẹ nhàng, thanh thản. Lời ai điếu dữ dội của thiên nhiên tiễn đưa linh hồn tử sĩ. Ngòi bút vừa hiện thực vừa lãng mạn, giọng điệu vừa bi thương vừa hùng tráng, nói giảm nói tránh, thể thơ thất ngôn với ngôn ngữ trang trọng, cổ kính qua hệ thống từ Hán Việt....
- Đoạn thơ trong bài Đất nước:
- Thí sinh có thể có những cách trình bày khác nhau, nhưng cần làm nổi bật được sự khám phá về đất nước dưới góc nhìn lịch sử. Trong đó nhà thơ bộc lộ lòng trân trọng ngợi ca, biết ơn với nhân dân - những người anh hùng vô danh đã cống hiến, hi sinh một cách tự nguyện, thầm lặng để làm nên đất nước. Thể thơ tự do với những câu dài ngắn linh hoạt, ngôn ngữ bình dị...Giọng điệu tâm tình nhẹ nhàng, sâu lắng...
b. Chỉ ra điểm tương đồng và khác biệt để thấy được vẻ đẹp riêng của mỗ đoạn: (1.0 điểm)
Thí sinh có thể diễn đạt theo nhiều cách khác nhau, nhưng cần làm nổi bật được:
- Sự tương đồng:
- Hai đoạn thơ cùng ngợi ca tinh thần yêu nước của những người đã ngã xuống trong công cuộc đấu tranh bảo vệ đất nước. Họ hi sinh một cách tự nguyện, thanh thản, nhẹ nhàng mà thầm lặng.
- Sự khác biệt :
- Đoạn thơ trong bài "Tây Tiến", ra đời vào thời kì đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp, khắc họa vẻ đẹp rất hào hùng, bi tráng của người lính Tây Tiến, họ là những con người cụ thể - những chàng trai xuất thân từ Hà Nội, lần đầu lên miền Tây hoang vu, xa xôi để chiến đấu với lí tưởng cao đẹp. Giọng điệu vừa bi thương vừa hùng tráng, biện pháp nói giảm. nói tránh, thể thơ thất ngôn với ngôn ngữ trang trọng, cổ kính, thể hiện rõ hồn thơ Quang Dũng tinh tế, hào hoa, đậm chất lãng mạn.
- Đọan thơ trong đoạn trích "Đất nước" ra đời trong kháng chiến chống Mĩ, khắc họa hình ảnh tập thể (nhân dân) dưới góc nhìn lịch sử, trân trọng những người bình dị, vô danh nhưng đã làm ra đất nước. Thể thơ tự do, bộc lộ rõ phong cách thơ Nguyễn Khoa Điềm: giàu chất suy tư, cảm xúc lắng đọng, thể hiện tâm tư của người trí thức đứng về nhân dân.
KB: Khẳng định lại vấn đề (0.25 điểm)
3. Cách cho điểm:
- Điểm 4: Đáp ứng tất cả các yêu cầu về kiến thức và kĩ năng, có thể mắc một vài lỗi nhỏ về chính tả, diễn đạt.
- Điểm 2.5-3: Đáp ứng phần lớn các yêu cầu về kiến thức và kĩ năng, có thể mắc một vài lỗi nhỏ về chính tả, diễn đạt.
- Điểm 1.5-2: Đáp ứng được một phần yêu cầu về kiến thức và kĩ năng, mắc nhiều lỗi chính tả, diễn đạt.
- Điểm 1: Chưa hiểu kĩ đề, mắc nhiều lỗi diễn đạt, dùng từ.
- Điểm 0: Lạc đề hoàn toàn hoặc không làm bài.