Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Đề thi thử THPT Quốc gia môn Ngữ văn năm 2016 trường THPT Nguyễn Huệ, Phú Yên (Lần 1)

Đề thi thử THPT Quốc gia môn Ngữ văn năm 2016

Đề thi thử THPT Quốc gia môn Ngữ văn năm 2016 trường THPT Nguyễn Huệ, Phú Yên (Lần 1) được VnDoc.com giới thiệu tới các bạn, nhằm giúp các bạn tự luyện tập đề thi thử, ôn thi THPT Quốc gia 2016, luyện thi đại học môn Văn hiệu quả. Mời các bạn cùng tham khảo.

Bộ đề thi thử THPT Quốc gia năm 2016 môn Ngữ văn - Số 4

Đề thi thử THPT Quốc gia môn Ngữ văn năm 2016 trường THPT Chuyên Nguyễn Huệ, Hà Nội (Lần 2)

SỞ GD – ĐT PHÚ YÊN

Trường THPT Nguyễn Huệ

ĐỀ THI THỬ THPT QUỐC GIA

Môn: Ngữ văn

(Thời gian làm bài: 180 phút)

Phần I. Đọc hiểu (3,0 điểm)

Đọc đoạn trích sau đây và trả lời các câu hỏi từ Câu 1 đến Câu 4:

...Tình trạng quy hoạch các khu đô thị chưa gắn với vấn đề xử lý chất thải, nước thải nên ô nhiễm môi trường ở các thành phố lớn, các khu công nghiệp, khu đô thị đang ở mức báo động. Trong tổng số 183 khu công nghiệp trong cả nước, có trên 60% khu công nghiệp chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung. Các đô thị chỉ có khoảng 60% – 70% chất thải rắn được thu gom, cơ sở hạ tầng thoát nước và xử lý nước thải, chất thải nên chưa đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường...Hầu hết lượng nước thải chưa được xử lý đều đổ thẳng ra sông, hồ và dự báo đến năm 2010 là 510.000m3/ngày. Một ví dụ đau lòng của việc xả nước thải, hẳn không ai không biết, là trường hợp của con sông Thị Vải bị ô nhiễm bởi hoá chất thải ra từ nhà máy của công ti bột ngọt Vê Đan suốt 14 năm liền. Điều này khiến cho con sông bị ô nhiễm nghiêm trọng ảnh hưởng tới cuộc sống của nhiều người dân ở xung quanh...

(Nguồn internet-2010)

Câu 1. Văn bản trên thuộc phong cách ngôn ngữ nào? (0,25 điểm)

Câu 2. Nêu nội dung và đặt nhan đề cho đoạn trích. (0,5 điểm)

Câu 3. Trong đoạn trích, tác giả sử dụng thao tác lập luận nào là chủ yếu? (0,25 điểm)

Câu 4. Trình bày suy nghĩ của (anh/chị) về việc bảo vệ môi trường (Viết trong khoảng 5-7 dòng). (0,5 điểm)

Đọc đoạn thơ sau đây và trả lời các câu hỏi từ Câu 5 đến Câu 8

... "Có nơi nào như Đất nước chúng ta
Viết bằng máu cả ngàn chương sử đỏ
Khi giặc đến vạn người con quyết tử
Cho một lần Tổ quốc được sinh ra
Biển mùa này sóng dữ phía Hoàng Sa
Các con mẹ vẫn ngày đêm bám biển
Mẹ Tổ quốc vẫn luôn ở bên ta
Như máu ấm trong màu cờ nước Việt
Biển Tổ quốc đang cần người giữ biển
Máu ngư dân trên sóng lại chan hòa
Máu của họ ngân bài ca giữ nước
Để một lần Tổ quốc được sinh ra"...

(Trích "Tổ quốc ở Trường Sa" - Nguyễn Việt Chiến)
(Tưởng nhớ những chiến sĩ hy sinh ở đảo đá Gạc Ma)

Câu 5. Xác định phương thức biểu đạt chính của đoạn thơ trên? (0,25 điểm)

Câu 6. Hãy chỉ ra các biện pháp tu từ và cho biết hiệu quả của các biện pháp tu từ được sử dụng trong hai câu thơ ''Mẹ Tổ quốc vẫn luôn ở bên ta/ Như máu ấm trong màu cờ nước Việt'' (0,5 điểm)

Câu 7. Tác giả đã tái hiện lại tinh thần "vì nước quên thân" của những chiến sĩ ở đảo Gạc Ma qua những cụm từ nào? (0,25 điểm)

Câu 8. Trình bày suy nghĩ về trách nhiệm của tuổi trẻ trong việc giữ gìn biển đảo quê hương (viết một đoạn văn khoảng 5 -7 dòng). (0,5 điểm)

Phần II. Làm văn (7,0 điểm)

Câu 1. (3,0 điểm)

Nhà văn V. HuyGô từng nói: "Trên đời này chỉ có một thứ mà ta phải cúi đầu thán phục đó là tài năng và chỉ có một thứ mà người ta phải quỳ gối tôn trọng đó là lòng tốt."

Viết một bài văn ngắn (khoảng 600 từ) trình bày suy nghĩ của anh (chị) về ý kiến trên.

Câu 2. (4,0 điểm)

...Khi ta lớn lên Đất Nước đã có rồi
Đất Nước có trong những cái "ngày xửa ngày xưa.." mẹ thường hay kể
Đất Nước bắt đầu với miếng trầu bây giờ bà ăn
Đất Nước lớn lên khi dân mình biết trồng tre mà đánh giặc.
Tóc mẹ thì bới sau đầu
Cha mẹ thương nhau bằng gừng cay muối mặn
Cái kèo, cái cột thành tên
Hạt gạo phải một nắng hai sương xay, giã, giần, sàng
Đất Nước có từ ngày đó..
Đất là nơi anh đến trường
Nước là nơi em tắm
Đất Nước là nơi ta hò hẹn
Đất Nước là nơi em đánh rơi chiếc khăn trong nỗi nhớ thầm ...

(Trích Đất Nước – Trường ca mặt đường khát vọng của Nguyễn Khoa Điềm)

Cảm nhận về đoạn thơ trên và làm sáng tỏ ý kiến: việc vận dụng chất liệu văn hóa dân gian của Nguyễn Khoa Điềm không chỉ đơn thuần là hình thức biểu hiện mà còn góp phần khẳng định tư tưởng Đất Nước của nhân dân.

Đáp án đề thi thử THPT Quốc gia môn Ngữ văn năm 2016

Phần I. Đọc hiểu (3,0 điểm)

1. Văn bản trên thuộc phong cách ngôn ngữ báo chí

2. - Nội dung: Ô nhiễm môi trường ở các thành phố lớn, các khu công nghiệp, khu đô thị đang ở mức báo động.

- Nhan đề: Học sinh có thể đặt nhan đề khác nhau miễn là thâu tóm được chủ đề

3. Đoạn trích, tác giả sử dụng thao tác lập luận chứng minh.

4. Viết đoạn đưa ra một vài biện pháp bảo vệ môi trường: không vứt rác bừa bãi, thu gom đổ rác đúng nơi quy định; tham gia trồng cây xanh góp phần giảm ô nhiễm môi trường và tao cảnh quan...

5. Phương thức biểu đạt chính của đoạn thơ: biểu cảm

6. Biện pháp tu từ được sử dụng trong hai câu thơ "Mẹ Tổ quốc vẫn luôn ở bên ta/ Như máu ấm trong màu cờ nước Việt''

  • Biện pháp tu từ ẩn dụ "Mẹ Tổ quốc", so sánh "Như máu ấm''...
  • Tác dụng: Nhấn mạnh Tổ quốc luôn ở trong tim như dòng máu ấm luôn tồn tại trong mỗi người Việt Nam.

7. Tác giả đã tái hiện lại tinh thần "vì nước quên thân" của những chiến sĩ ở đảo Gạc Ma qua những cụm từ: vạn người con quyết tử, vẫn ngày đêm bám biển...

8. Nêu trách nhiệm tuổi trẻ trong giữ gìn biển đảo quê hương: Gửi thư đến các lính Hải đảo để chia sẻ động viên và tiếp sức cho các anh thêm nghị lực để trông giữ biển đảo. Sẵn sàng chuẩn bị tinh thần tham gia trực tiếp vào công cuộc giữ gìn biển đảo quê hương bằng tất cả những gì mình có thể...

Phần II. Làm văn (7,0 điểm)

Câu 1. (3,0 điểm) Nhà văn V. HuyGô từng nói: "Trên đời này chỉ có một thứ mà ta phải cúi đầu thán phục đó là tài năng và chỉ có một thứ mà người ta phải quỳ gối tôn trọng đó là lòng tốt."

I. Yêu cầu về kĩ năng:

  • Biết kết hợp các thao tác nghị luận để làm bài văn nghị luận xã hội.
  • Bố cục rõ ràng, lập luận chặt chẽ, diễn đạt sáng rõ, lưu loát.

II. Yêu cầu về nội dung:

  • Giới thiệu khái quát vấn đề
  • Giải thích ý kiến:
    • Tài năng: Khả năng đặc biệt, sự khéo léo hơn người, trí sáng tạo vượt bậc.
    • Lòng tốt: Tấm lòng vị tha, khoan dung và nhân hậu.
    • Cúi đầu thán phục và quỳ gối tôn trọng là cách nói hình ảnh thể hiện thái độ đánh giá cao nhất đối với những phẩm chất quí giá và trí tuệ con người .

=> Đề cao, coi trọng tôn vinh những gì đẹp đẽ, có giá trị trong trí tuệ và phẩm cách của con người, coi đó là cái duy nhất đáng coi trọng, ngưỡng mộ.

  • Bàn luận, chứng minh
    • Vì sao phải cúi đầu thán phục đối với tài năng: Vì tài năng là biểu hiện cao nhất của khả năng trí tuệ của con người, là điều kiện tốt nhất để con người khẳng định giá trị của bản thân và đóng góp cho cuộc sống chung của cả cộng đồng. Đối diện với tài năng, ta không chỉ được chiêm ngưỡng, thán phục mà còn được mở rộng tầm hiểu biết, nâng cao nhận thức để tự hoàn thiện bản thân. (dẫn chứng)
    • Vì sao phải quỳ gối tôn trọng đối với lòng tốt: Vì lòng tốt xét đến cùng là sự hy sinh, dâng hiến cho người, cho đời trên cơ sở của tinh thần nhân đạo. Để tốt với người, với đời, mỗi cá nhân cần biết vượt qua những nhu cầu cá nhân ích kỷ, biết đứng cao hơn chính bản thân mình để có thể yêu thương thật lòng, giúp đỡ chân tình, tha thứ thực sự. Những nỗ lực vì người khác xuất phát từ lòng tốt luôn đáng để tôn vinh (dẫn chứng)
    • Tuy nhiên không nên tuyệt đối hoá vị trí của tài năng và lòng tốt vì trong cuộc sống, trong con người vẫn còn có nhiều phẩm chất khác cần được coi trọng.
    • Cần xác lập mối quan hệ giữa tài năng và lòng tốt (liên hệ với quan điểm của Hồ Chí Minh: Có tài mà không có đức là vô dụng. Có đức mà không có tài không làm được việc gì).
    • Phê phán những hiện tượng sống ích kỉ, vô cảm, không chịu rèn luyện để nâng cao kiến thức.
  • Bài học nhận thức và hành động:
    • Đề cao những điều tốt đẹp có giá trị trong trí tuệ và phẩm chất của con người.
    • Cần rèn luyện tri thức, phải biết yêu thương, sự quan tâm chia sẻ để cuộc sống ngày một tốt đẹp hơn

Câu 2. (4,0 điểm) Cảm nhận về đoạn thơ "Khi ta...nỗi nhớ" và làm sáng tỏ ý kiến: việc vận dụng chất liệu văn hóa dân gian của Nguyễn Khoa Điềm không chỉ đơn thuần là hình thức biểu hiện mà còn góp phần khẳng định tư tưởng Đất Nước của nhân dân.

I. Yêu cầu về kĩ năng:

  • Nắm vững phương pháp làm bài văn nghị luận văn học
  • Bố cục chặt chẽ, văn lưu loát, có cảm xúc.

II. Yêu cầu về nội dung:

  • Giới thiệu vài nét về tác giả, tác phẩm và giới hạn đề.
  • Cảm nhận về đất nước qua các phương diện: Phương diện hình thành và phát triển với chiều sâu văn hóa, không gian địa lí, thời gian lịch sử
    • Đất nước đã có từ lâu đời.
    • Đất nước phát triển gắn liền với
      • Những câu chuyện cổ tích, ca dao
      • Truyền thống văn hoá, quá trình hình thành phong tục tập quán (ăn trầu, bới tóc..)
      • Cuộc sống lao động vất vả để chinh phục thiên nhiên và những cuộc kháng chiến chống ngoại xâm (hạt gạo, cái cột, cái kèo; cây tre,...)
      • Những con người sống ân nghĩa, thuỷ chung.
    • Trong không gian địa lý bao la, tất cả đều trở nên gần gũi thiêng liêng. Gần gũi và thân thương như con đường rợp bóng hàng cây mà hằng ngày anh đi học, gần gũi như dòng nước trong xanh, mát lành nơi em tắm, gần gũi như cây đa, giếng nước, mái đình nơi ta hò hẹn.

-> Giọng thơ trầm lắng, trang nghiêm vừa tâm tình tha thiết qua những chất liệu văn hoá dân gian quen thuộc, hình ảnh thơ gần gũi, gợi được chiều sâu của không gian, thời gian lịch sử với những thăng trầm của dân tộc, cấu trúc thơ tăng tiến (đã có và bắt đầu và lớn lên...)... từ đó khẳng định Đất nước không xa xôi, trừu tượng mà luôn hiện hữu trong những gì gần gũi, thiêng liêng nhất của cuộc sống, tâm hồn mỗi người.

  • Làm sáng tỏ ý kiến
    • Hình thức biểu hiện: Vận dụng chất liệu văn hóa dân gian
      • Hình ảnh Đất Nước vừa hiện lên vừa giản dị gần gũi, vừa thiêng liêng sâu lắng, gắn liền với câu chuyện cổ tích ...
      • Phong tục người Việt (Hình ảnh người phụ nữ với mái tóc bới sau đầu)
      • Lối sống trọn nghĩa, trọn tình, thuỷ chung "Cha mẹ thương nhau bằng gừng cay muối mặn"
      • Cuộc sống sinh hoạt của nhân dân lao động ("Cái kèo, cái cột thành tên", "Hạt gạo phải một nắng hai sương xay, giã, giần, sàng" ...)
      • Tâm hồn, tình cảm của con người Việt Nam (Nước ... nhớ thầm)
    • Đất Nước hiện lên gắn liền với những phong tục tập quán với lối sống, nếp nghĩ qua kho tàng văn học dân gian, qua bản sắc văn hoá ....chứa đựng mơ ước, khát vọng, quan niệm về vẻ đẹp phẩm chất của tâm hồn dân tộc. Gương mặt Đất Nước hiên lên thật sống động, lung linh: trong cuộc sống, trong lao động và trong chiến đấu -> góp phần khẳng định Đất Nước của nhân dân.
  • Đánh giá chung
    • Tác giả vận dụng khéo léo chất liệu văn hóa dân gian. Nhà thơ luôn viết hoa hai từ Đất Nước tạo nên sự thành kính, thiêng liêng... Ngôn ngữ mộc mạc, giản dị, lời thơ nhẹ nhàng. Qua đoạn thơ, nhà thơ đã mang đến cho người đọc vẻ đẹp của một Đất Nước giàu văn hóa cổ truyền. Đất Nước của truyền thống, phong tục tươi đẹp mang đậm dấu ấn của tư tưởng Đất Nước của nhân dân.
Chia sẻ, đánh giá bài viết
3
Sắp xếp theo
    🖼️

    Gợi ý cho bạn

    Xem thêm
    🖼️

    Môn Văn khối D

    Xem thêm