Đề thi thử THPT Quốc gia năm 2016 môn Lịch sử trường THPT Lý Thường Kiệt, Bình Thuận (Lần 2)

Đề thi thử THPT Quốc gia năm 2016 môn Lịch sử

Đề thi thử THPT Quốc gia năm 2016 môn Lịch sử trường THPT Lý Thường Kiệt, Bình Thuận (Lần 2) là đề thi thử đại học năm 2016 môn Sử có đáp án đi kèm. Đây là tài liệu ôn tập môn Lịch sử hữu ích, giúp các bạn luyện tập và củng cố kiến thức môn Sử hiệu quả, từ đó bước vào kì thi THPT Quốc gia, luyện thi Đại học được tốt nhất.

Đề thi thử THPT Quốc gia năm 2016 môn Lịch sử trường THPT Lý Thường Kiệt, Bình Thuận (Lần 1)

Đề thi thử THPT Quốc gia môn Lịch sử năm 2015 trường THPT Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh

SỞ GD & ĐÀO TẠO BÌNH THUẬN
TRƯỜNG THPT LÝ THƯỜNG KIỆT

ĐỀ THI THỬ THPT QUỐC GIA LẦN 2 NĂM 2016
MÔN: LỊCH SỬ
Thời gian làm bài: 180 phút

Câu 1 (3.0 điểm)

Xu thế toàn cầu hóa hiện nay được biểu hiện trong những lĩnh vực nào? Những thời cơ và thách thức nào đang đặt ra cho dân tộc Việt Nam trong xu thế toàn cầu hóa.

Câu 2 (2.0 điểm)

Trình bày nội dung Chính cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt của Đảng Cộng sản Việt Nam và cho biết vì sao Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời là một bước ngoặt lịch sử vĩ đại của cách mạng Việt Nam.

Câu 3 (3.0 điểm)

Nêu hoàn cảnh, nội dung cơ bản của Hiệp định Sơ bộ (6 - 3 - 1946). Trên cơ sở phân tích ý nghĩa của Hiệp định, hãy cho biết việc kí Hiệp định đã để lại những bài học gì cho chính sách đối ngoại của Đảng ta trong xu thế hội nhập hiện nay?

Câu 4 (2.0 điểm)

Trong cuộc kháng chiến chống Mĩ, cứu nước của dân tộc ta (1954 –1975), chiến thắng quân sự nào đã có tác động quyết định đến thắng lợi trên mặt trận ngoại giao? Hãy trình bày chiến thắng đó. Nêu mối quan hệ giữa mặt trận quân sự và mặt trận ngoại giao.

Đáp án đề thi thử THPT Quốc gia năm 2016 môn Lịch sử

Câu 1: Xu thế toàn cầu hóa hiện nay được biểu hiện trong những lĩnh vực nào? Những thời cơ và thách thức nào đang đặt ra cho dân tộc Việt Nam trong xu thế toàn cầu hóa. (3.0đ)

  • Biểu hiện của toàn cầu hóa
    • Sự phát triển nhanh chóng của quan hệ thương mại quốc tế: từ sau CTTGII đến cuối thập kỉ 90, giá trị trao đổi thương mại quốc tế tăng 12 lần
    • Sự phát triển và tác động to lớn của các công ty xuyên quốc gia: trên TG có khoảng 500 công ty xuyên quốc gia lớn, kiểm soát 25% tổng sản phẩm của TG và 3/4giá trị trao đổi thương mại toàn cầu
    • Sự sáp nhập và hợp nhất các công ty thành những tập đoàn lớn, nhất là các công ti KH – KT, nhằm nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước
    • Sự ra đời của các tổ chức liên kết kinh tế, thương mại, tài chính quốc tế và khu vực (EU, ASEAN, IMF...).
    • Như vậy toàn cầu hóa là xu thế khách quan không thể đảo ngược.
  • Thời cơ và thách thức đặt ra cho dân tộc Việt Nam
    • Thời cơ:
      • Nguồn vốn, công nghệ, kinh nghiệm quản lí, thị trường rộng lớn, sự phân công lao động xã hội,tạo cơ hội cho Việt Nam
      • Mở rộng quan hệ hợp tác hữu nghị, tận dụng những thành tựu KH -KT và các nguồn lực khác của TG, nhanh chóng đưa nước ta tiến lên kịp với thời đại
      • Góp phần chuyển biến cơ cấu kinh tế, đòi hỏi cải cách sâu rộng để nâng cao tính cạnh tranh và hiệu quả của nền kinh tế.
    • Thách thức:
      • Trình độ lực lượng sản xuất của ta còn thấp kém
      • Âm mưu diễn biến hòa bình của các thế lực thù địch,nguy cơ chệch hướng XHCN
      • Nguy cơ suy thoái đạo đức, làm trầm trọng thêm bất công xã hội và phân hóa giàu nghèo.
      • Làm cho mọi mặt của cuộc sống con người kém an toàn, tạo ra nguy cơ tiềm ẩn mất bản sắc dân tộc và độc lập tự chủ của các quốc gia.
      • Tình trạng ô nhiễm môi trường, bệnh tật, tai nạn lao động, giao thông....

Toàn cầu hóa vừa là thời cơ, cơ hội lớn cho các nước phát triển, đồng thời cũng tạo ra những thách thức lớn đối với các nước đang phát triển trong đó có Việt Nam.

Câu 2: Trình bày nội dung Chính cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt của Đảng Cộng sản Việt Nam và cho biết vì sao Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời là một bước ngoặt lịch sử vĩ đại của cách mạng Việt Nam. (2.0đ)

  • Nội dung Cương lĩnh:
    • Đường lối chiến lược cách mạng Việt Nam là tiến hành cách mạng tư sản dân quyền và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản.
    • Nhiệm vụ là đánh đổ đế quốc Pháp, bọn phong kiến và tư sản phản cách mạng
    • Lực lượng cách mạng là công nhân, nông dân, tiểu tư sản, trí thức ; còn phú nông, trung và tiểu địa chủ, tư sản thì lợi dụng hoặc trung lập.
    • Đảng Cộng sản Việt Nam giữ vai trò lãnh đạo – đội tiên phong của giai cấp vô sản.
    • Phải liên lạc với các dân tộc bị áp bức và vô sản thế giới.

Đây là cương lĩnh giải phóng dân tộc sáng tạo, kết hợp đúng đắn vấn đề dân tộc và giai cấp. Độc lập và tự do là tư tưởng cốt lõi của cương lĩnh này

  • Việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam đã tạo ra bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử cách mạng Việt Nam:
    • Chấm dứt thời kì khủng hoảng về giai cấp và đường lối lãnh đạo cách mạng nước ta. Chứng tỏ giai cấp vô sản đã trưởng thành và đủ sức lãnh đạo cách mạng Đảng trở thành chính đảng duy nhất lãnh đạo, từ đây cách mạng Việt Nam có đường lối đúng đắn, khoa học, sáng tạo.
    • Cách mạng Việt Nam trở thành một bộ phận khăng khít của cách mạng thế giới.
    • Đảng ra đời là sự chuẩn bị tất yếu đầu tiên có tính quyết định cho những bước phát triển nhảy vọt.

Câu 3: Nêu hoàn cảnh, nội dung cơ bản của Hiệp định Sơ bộ (6 - 3 - 1946). Trên cơ sở phân tích ý nghĩa của Hiệp định, hãy cho biết việc kí Hiệp định đã để lại những bài học gì cho chính sách đối ngoại của Đảng ta trong xu thế hội nhập hiện nay? (3.0đ)

  • Hoàn cảnh:
    • Sau khi chiếm đóng các đô thị ở Nam bộ và Nam Trung Bộ, thực dân Pháp tiến quân ra Bắc nhằm thôn tính cả nước ta
    • Pháp điều đình với Chính phủ Trung Hoa Dân quốc kí hiệp ước Hoa - Pháp (28 – 2 - 1946)
    • Hiệp ước Hoa - Pháp đã đặt nhân dân ta trước sự lựa chọn: Một là đánh Pháp, hai là hòa hoãn, nhân nhượng Pháp
    • Ngày 3 – 3 – 1946, Ban thường vụ Trung ương Đảng họp do Hồ Chí Minh chủ trì, đã chọn giải pháp "Hòa để tiến".
    • Chiều 6 – 3 – 1946, tại Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh kí Hiệp định sơ bộ.
  • Nội dung
    • Chính phủ Pháp công nhận nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là một quốc gia tự do, có chính phủ, nghị viện, quân đội, tài chính riêng và là thành viên của liên bang Đông Dương, nằm trong khối Liên hiệp Pháp.
    • Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thỏa thuận cho 15.000 quân ra Bắc thay quân Trung Hoa Dân quốc làm nhiệm vụ giải giáp quân Nhật, rút dần trong thời hạn 5 năm.
    • Hai bên ngừng bắn ở Nam bộ
  • Ý nghĩa, của Hiệp định và bài học
    • Ta tránh được cuộc chiến đấu bất lợi vì phải chống lại nhiều kẻ thù cùng một lúc.
    • Đảng và Chính phủ ta đã lợi dụng mâu thuẫn về quyền lợi giữa quân Trung Hoa Dân quốc và Pháp để đẩy được 20 vạn quân Trung Hoa Dân quốc và bọn tay sai ra khỏi nước ta.
    • Ta có thêm thời gian hòa bình để cũng cố chính quyền cách mạng, chuẩn bị lực lượng mọi mặt cho cuộc kháng chiến lâu dài chống Pháp sau này
    • Về mặt pháp lí, chính phủ Pháp phải thừa nhận nước ta là một nước tự do, không còn là thuộc địa của Pháp.

Đây là một biện pháp cực kì sáng suốt được ghi vào lịch sử cách mạng nước ta như một mẫu mực trong nguyên tắc ngoại giao về "lợi dụng mâu thuẫu trong hàng ngũ kẻ thù và sự nhân nhượng có nguyên tắc" và cũng là bài học cho chính sách đối ngoại hiện nay.

Câu 4: Trong cuộc kháng chiến chống Mĩ, cứu nước của dân tộc ta (1954 –1975), chiến thắng quân sự nào đã có tác động quyết định đến thắng lợi trên mặt trận ngoại giao? Hãy trình bày chiến thắng đó. Nêu mối quan hệ giữa mặt trận quân sự và mặt trận ngoại giao. (2.0đ)

Chiến thắng quân sự trong cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước tác động trực tiếp đến thắng lợi của cuộc đấu tranh trên mặt trận ngoại giao là chiến thắng trong trận "Điện Biên Phủ trên không" trong 12 ngày đêm cuối 1972 (18-29 /12/1972)

Để giành quân sự quyết định, buộc ta kí Hiệp định có lợi cho Mĩ, từ 18-12 → 29-12-1972 Mĩ mở cuộc tập kích chiến lược bằng máy bay B52 vào Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố khác ...

Quân dân miền Bắc đã đập tan cuộc tập kích chiến lược đường không bằng máy bay B52 của chúng, làm nên trận "Điện Biên Phủ trên không". Thắng lợi này ta buộc Mĩ phải tuyên bố ngừng hẳn các hoạt động chống phá miền Bắc (15/1/1973) và phải kí Hiệp định Pari về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam (27/1/1973)

Mối quan hệ giữa mặt trận quân sự và mặt trận ngoại giao:

  • Ngay từ đầu cuộc kháng chiến chống Mĩ, cứu nước, Đảng đã chủ trương đẩy mạnh đấu tranh trên cả ba mặt trận: chính trị, quân sự, ngoại giao
  • Sau thắng lợi trong hai mùa khô 1965- 1966 và 1966 – 1967, Đảng chủ trương mở thêm mặt trận đấu tranh ngoại giao.
  • Thắng lợi trên mặt trận quân sự luôn có tác động đến thắng lợi trên bàn đàm phán:
    • Sau cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, Mĩ buộc phải ngồi vào bàn đàm phán với ta tại Hội nghị Pari
    • Sau chiến thắng của ta trong trận "Điện Biên Phủ trên không", Mĩ phải kí Hiệp định Pari (27/1/1973), chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam.

Từ những sự kiện trên cho thấy: thắng lợi trên mặt trận quân sự luôn quyết định thắng lợi trên bàn đàm phán, nhưng thắng lợi trong trận "Điện Biên Phủ trên không" đã đóng vai trò quyết định buộc Mĩ phải kí Hiệp định Pari, chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam.

Đấu tranh quân sự và đấu tranh ngoại giao có mối quan hệ hỗ trợ thúc đẩy lẫn nhau, thắng lợi quân sự trên chiến trường sẽ quyết định thắng lợi trên bàn đàm phán. Chúng ta chỉ giành thắng lợi trên bàn đàm phán trên cơ sở thắng lợi trên chiến trường. Đấu tranh ngoại giao còn đóng vai trò tích cực chủ động thúc đẩy chiến tranh nhanh chóng khết thúc.

Đánh giá bài viết
1 370
Sắp xếp theo

Môn Lịch Sử khối C

Xem thêm