Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Đề thi thử THPT Quốc gia năm 2016 môn Ngữ văn trường THPT Quỳnh Lưu 2, Nghệ An

Đề thi thử THPT Quốc gia năm 2016 môn Ngữ văn

Đề thi thử THPT Quốc gia năm 2016 môn Ngữ văn trường THPT Quỳnh Lưu 2, Nghệ An được VnDoc.com sưu tầm và đăng tải, là tài liệu luyện thi THPT Quốc gia môn Văn hữu ích dành cho các bạn thí sinh chuẩn bị bước vào kì thi THPT Quốc gia 2016.

Đề thi thử THPT Quốc gia năm 2016 môn Ngữ văn trường THPT Chuyên Đại học Vinh (Lần 1)

Đề thi minh họa và đáp án kỳ thi THPT Quốc gia năm 2016 môn Ngữ văn

SỞ GD & ĐT NGHỆ AN

TRƯỜNG THPT QUỲNH LƯU 2

ĐỀ THI THỬ THPT QUỐC GIA NĂM 2016

Môn: Ngữ văn

Thời gian làm bài: 180 phút

I. Phần I. Đọc hiểu (3,0 điểm)

Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi từ Câu 1 đến Câu 4

Những hiện tượng nảy sinh trong giới trẻ thể hiện qua âm nhạc, thời trang, và lối sống cho thấy một lớp văn hoá mới - văn hoá giới trẻ - đã ra đời, hoàn toàn phù hợp với những biến đổi về cơ cấu kinh tế, xã hội của đất nước trong thời đại mới, đặc biệt là ở những đô thị lớn...Với những đặc điểm của một xã hội mang tính chất hiện đại phản ánh xã hội đô thị Việt Nam đương đại mang lại cho giới trẻ nhiều tự do và chọn lựa hơn...Tuy nhiên, bên cạnh đó, chủ nghĩa hiện đại phản ánh cũng đem đến những lo âu và bấp bênh khi những đổi thay ồ ạt đang diễn ra trên toàn thế giới bao gồm trong nó cả sự mơ hồ do không hề có những chuẩn mực nhất định nào cho những thay đổi này. Đây là những khó khăn mà thế hệ trẻ phải đối mặt trong quá trình xây dựng bản sắc cho riêng mình, những bản sắc đang trong giai đoạn định hình được miêu tả là vụn vặt và rời rạc. Quá trình này đòi hỏi thanh niên phải luôn tỉnh táo, độc lập, làm chủ được những mối quan hệ cũng như tương lai của bản thân. Thực tế cho thấy thanh niên ngày nay phải đối mặt với rất nhiều khó khăn. Những định kiến dựa vào văn hoá truyền thống do vậy sẽ chỉ làm tăng thêm nơi họ sự mơ hồ vốn có. Văn hoá giới trẻ là một thực tế xã hội cần được công nhận. Thanh niên ngày nay rất năng động và luôn nỗ lực hết sức để khẳng định mình. Chúng ta cần khuyến khích điều đó. Cách suy nghĩ cởi mở, khách quan là rất cần thiết trong việc hỗ trợ thế hệ trẻ chọn lựa cho mình một hướng đi đúng đắn.

(Dẫn theo Lê Thu Hường- Lê Duy Thể, http: // www.vanhoahoc.com.)

Câu 1. Đoạn văn trên đề cập tới vấn đề gì? (0.5 điểm)

Câu 2. Tác giả quan tâm đến những hiện tượng nào nảy sinh trong giới trẻ? (0,25 điểm)

Câu 3. Tác giả xác định thanh niên cần phải làm gì để xây dựng bản sắc riêng cho mình? (0,25 điểm)

Câu 4. Theo tác giả, xã hội cần làm gì để hỗ trợ giới trẻ lựa chọn con đường đi đúng đắn? Đánh giá về góc nhìn này? (0,5 điểm)

Đọc đoạn thơ sau và trả lời các câu hỏi từ Câu 5 đến Câu 8.

Nấm mồ xanh
như một giọt lệ ngưng
trên hình hài Tổ quốc
chúng tôi đến bên anh như lá xanh non cúi nhìn cội rễ
một màu thạch thảo thanh tao.
Từ nơi nào mẹ đã tiễn anh đi?
mái rạ, bờ đê hàng cây, góc phố...
đê vẫn xanh và bờ cây còn gió...

(Viết bên mộ liệt sĩ vô danh - Tuyết Nga)

Câu 5. Chỉ ra phương thức biểu đạt chính của đoạn thơ? (0,25 điểm )

Câu 6. Xác định biện pháp tu từ có trong đoạn thơ trên? Tác dụng? (0,5 điểm)

Câu 7. Từ đoạn thơ, nghĩ gì khi thấy có những người làm giả hồ sơ thương binh, bệnh binh? (0.25 điểm)

Câu 8. Viết đoạn văn ngắn (6-8 dòng) trình bày cảm xúc của anh (chị) khi đọc đoạn thơ trên (0.5 điểm)

Phần II. Làm văn (7,0 điểm)

Câu 1. (3,0 điểm)

Ta hay chê rằng cuộc đời méo mó
Sao ta không tròn ngay tự trong tâm.

(Trích Tự sự- Nguyễn Quang Hưng)

Viết một bài văn (khoảng 600 chữ) trình bày những suy nghĩ của anh/chị được gợi ra từ hai câu thơ trên.

Câu 2. (4,0 điểm)

Khi ta lớn lên Đất Nước đã có rồi
Đất Nước có trong những cái "ngày xửa ngày xưa"...mẹ thường hay kể.
Đất Nước bắt đầu với miếng trầu bây giờ bà ăn
Đất Nước lớn lên khi dân mình biết trồng tre mà đánh giặc
Tóc mẹ thì bới sau đầu
Cha mẹ thương nhau bằng gừng cay muối mặn
Cái kèo, cái cột thành tên
Hạt gạo phải một nắng hai sương xay, giã, giần, sàng
Đất Nước có từ ngày đó...

(Đất Nước-Trích trường ca Mặt đường khát vọng, Nguyễn Khoa Điềm, Ngữ văn 12, Tập một, NXB Giáo dục Việt Nam, 2012, tr.118 )

Bàn về đoạn thơ trên, có ý kiến cho rằng: Trong đoạn thơ Nguyễn Khoa Điềm đã cố gắng thể hiện hình ảnh Đất nước gần gũi, giản dị. Đó là cách để đi vào lòng người, cũng là cách nhà thơ đi con đường riêng của mình không lặp lại người khác.

Ý kiến của anh (chị).

Đáp án đề thi thử THPT Quốc gia năm 2016 môn Ngữ văn

Phần I. Đọc hiểu (3,0 điểm)

Câu 1. Đoạn văn trên đề cập tới vấn đề: về vấn đề văn hóa của giới trẻ

  • Điểm 0,5: Trả lời đúng ý trên
  • Điểm 0,25: Trả lời chung chung hoặc mới chỉ đưa ra vấn đề có liên quan.
  • Điểm 0: trả lời sai vấn đề hoặc không trả lời

Câu 2. Tác giả quan tâm đến những hiện tượng nảy sinh trong giới trẻ: âm nhạc, thời trang, lối sống.

  • Điểm 0,25: Trả lời đúng theo các ý trên:
  • Điểm 0: Trả lời sai hoặc không trả lời

Câu 3. Tác giả xác định thanh niên cần phải tỉnh táo, độc lập, làm chủ được những mối quan hệ cũng như tương lai của bản thân.

  • Điểm 0,25: Trả lời đúng theo các ý trên:
  • Điểm 0: Trả lời sai hoặc không trả lời

Câu 4. Theo tác giả, xã hội cần: cần khuyến khích, có cách suy nghĩ cởi mở, khách quan để hỗ trợ giới trẻ lựa chọn con đường đi đúng đắn

  • Đánh giá về góc nhìn này: Đây là góc nhìn biện chứng, khoa học, dân chủ, nhân văn.
  • Điểm 0,5: Trả lời đúng các ý trên
  • Điểm 0,25: Trả lời đúng vấn đề trách nhiệm của xã hội mà đánh giá góc nhìn.
  • Điểm 0: trả lời sai, trả lời chung chung hoặc không trả lời

Câu 5. Phương thức biểu đạt chính của đoạn thơ: phương thức biểu cảm/biểu cảm.

  • Điểm 0,25: Trả lời đúng theo 1 trong 2 cách trên
  • Điểm 0: Trả lời sai hoặc không trả lời

Câu 6.

  • Xác định biện pháp tu từ có trong đoạn thơ trên và nêu tác dụng
    • Biện pháp ẩn dụ, so sánh: Nấm mồ xanh như một giọt lệ ngưng trên hình hài Tổ quốc; chúng tôi đến bên anh như lá xanh non cúi nhìn cội rễ
    • Tác dụng: Khẳng định nỗi xúc động của tác giả khi nghĩ về mất mát đau thương, sự cống hiến, sự hi sinh của các anh- những liệt sĩ sĩ vô danh. Xương máu các anh đã vẽ nên hình hài đất nước. Đồng thời thể hiện tấm lòng biết ơn của thế hệ hôm nay với các liệt sĩ đã ngã xuống vì sự bình yên của Tổ quốc.
  • Điểm 0,5: Trả lời đúng các ý trên
  • Điểm 0,25: Trả lời đúng vấn đề biện pháp tu từ mà chưa xác định được ý nghĩa hoặc mới chỉ xác định và nêu tác dụng được một biện pháp.
  • Điểm 0: trả lời sai, trả lời chung chung hoặc không trả lời

Câu 7. Từ đoạn thơ, nghĩ gì khi thấy có những người làm giả hồ sơ thương binh, bệnh binh. Suy nghĩ: sự phẫn nộ, day dứt, xót xa... vì đó là hành động vô đạo đức, vi phạm pháp luật.

  • Điểm 0, 25: Trả lời đúng các ý trên
  • Điểm 0: trả lời sai, trả lời chung chung hoặc không trả lời

Câu 8. Viết đoạn văn ngắn (6-8 dòng) trình bày cảm xúc của anh (chị) khi đọc đoạn thơ trên.

  • Về hình thức: đúng yêu cầu một đoạn văn, đúng dung lượng
  • Nội dung: trình bày được cảm xúc: sự xúc động, tự hào, biết ơn...
  • Điểm 0,5: Thực hiện đúng yêu cầu trên.
  • Điểm 0,25: Thực hiện đúng yêu cầu về hình thức nhưng chưa trình bày rõ cảm xúc của bản thân hoặc thực hiện chưa chuẩn các yêu cầu về hình thức.
  • Điểm 0: Câu trả lời chung chung, không rõ ý hoặc không có câu trả lời.

II. Làm văn (7,0 điểm)

Câu 1. (3,0 điểm)

* Yêu cầu chung: Thí sinh biết kết hợp kiến thức và kĩ năng về dạng bài nghị luận xã hội để tạo lập văn bản. Bài viết phải có bố cục đầy đủ, rõ ràng; văn viết có cảm xúc; diễn đạt trôi chảy, bảo đảm tính liên kết; không mắc lỗi chính tả, từ ngữ, ngữ pháp.

* Yêu cầu cụ thể:

a) Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận (0,5 điểm):

  • Điểm 0,5 điểm: Trình bày đầy đủ các phần Mở bài, Thân bài, Kết luận. Phần Mở bài biết dẫn dắt hợp lí và nêu được vấn đề; phần Thân bài biết tổ chức thành nhiều đoạn văn liên kết chặt chẽ với nhau cùng làm sáng tỏ vấn đề; phần Kết bài khái quát được vấn đề và thể hiện được nhận thức của cá nhân.
  • Điểm 0,25: Trình bày đầy đủ ba phần Mở bài, Thân bài, Kết luận, nhưng các phần chưa thể hiện được đầy đủ yêu cầu như trên; phần Thân bài chỉ có 1 đoạn văn.
  • Điểm 0: Thiếu Mở bài hoặc Kết luận, Thân bài chỉ có 1 đoạn văn hoặc cả bài viết chỉ có 1 đoạn văn.

b) Xác định đúng vấn đề cần nghị luận (0,5 điểm):

  • Điểm 0,5: Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: thái độ tích cực của con người trước cuộc sống, nhất là khi nó không như ta mong đợi.
  • Điểm 0, 25: Xác định chưa rõ vấn đề cần nghị luận, nêu chung chung.
  • Điểm 0: Xác định sai vấn đề cần nghị luận, trình bày lạc sang vấn đề khác.

c) Chia vấn đề cần nghị luận thành các luận điểm phù hợp; các luận điểm được triển khai theo trình tự hợp lí, có sự liên kết chặt chẽ; sử dụng tốt các thao tác lập luận để triển khai các luận điểm (trong đó phải có thao tác giải thích, chứng minh, bình luận); biết kết hợp giữa nêu lí lẽ và đưa dẫn chứng; dẫn chứng phải lấy từ thực tiễn đời sống, cụ thể và sinh động (1,0 điểm):

  • Điểm 1,0: Đảm bảo các yêu cầu trên; có thể trình bày theo định hướng sau:
    • Giải thích ý kiến để thấy được: Cuộc đời "méo mó: không bằng phẳng, gập ghềnh, ẩn chứa nhiều cái xấu cái ác, ẩn chứa gian nhiều truân, thử thách, ...không như con người mong muốn. Bởi vậy con người cần "tròn tự trong tâm": cần có cái nhìn lạc quan, tích cực, cần có ý chí nghị lực để vượt qua khó khăn, nghịch cảnh chứ không phải chỉ chê bai, oán trách.
    • Chứng minh tính đúng đắn (hoặc sai lầm; hoặc vừa đúng, vừa sai) của ý kiến bằng việc bày tỏ sự đồng tình (hoặc phản đối; hoặc vừa đồng tình, vừa phản đối) đối với ý kiến. Lập luận phải chặt chẽ, có sức thuyết phục.
      • Bản chất cuộc đời là không đơn giản, không bao giờ hoàn toàn là những điều tốt đẹp, thậm chí có vô vàn những điều "méo mó", thử thách bản lĩnh, ý chí của con người. Thái độ "tròn tự trong tâm" là thái độ tích cực, chủ động trước hoàn cảnh.
      • Thái độ "tròn tự trong tâm" sẽ giúp ích nhiều cho cá nhân và xã hội. Thái độ, suy nghĩ của bản thân sẽ chi phối hành động, từ đó quyết định công việc ta làm Cùng một hoàn cảnh có người chỉ ngồi than khóc còn người "tròn tự trong tâm" sẽ nỗ lực để đi qua thử thách đó và hướng đến thành công. Đây là thái độ sống đúng, làm đúng, không gục ngã trước khó khăn, trước phi lý bất công.
      • Nêu và phê phán một số hiện tượng tiêu cực: "ta hay chê", chỉ biết than thở, không tích cực suy nghĩ và hành động.
    • Bình luận để rút ra bài học cho bản thân và những người xung quanh về vấn đề lựa chọn thái độ sống đúng đắn: đứng trước cái "méo mó" của nhân sinh, cần có cái nhìn lạc quan, hành động quyết đoán, tôi rèn nghị lực để chống chọi với hoàn cảnh, để cải tạo hoàn cảnh...để cuộc sống có ý nghĩa hơn.
  • Điểm 0,75: Cơ bản đáp ứng được các yêu cầu trên, song một trong các luận điểm (giải thích,chứng minh, bình luận) còn chưa đầy đủ hoặc liên kết chưa thật chặt chẽ.
  • Điểm 0,5: Đáp ứng 1/2 đến 2/3 các yêu cầu trên.
  • Điểm 0,25: Đáp ứng được 1/3 các yêu cầu trên.
  • Điểm 0: Không đáp ứng được bất kì yêu cầu nào trong các yêu cầu trên.

d) Sáng tạo (0,5 điểm)

  • Điểm 0,5: Có nhiều cách diễn đạt độc đáo và sáng tạo (viết câu, sử dụng từ ngữ, hình ảnh và các yếu tố biểu cảm,...) ; thể hiện được quan điểm và thái độ riêng, sâu sắc nhưng không trái với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.
  • Điểm 0,25: Có một số cách diễn đạt độc đáo và sáng tạo; thể hiện được một số suy nghĩ riêng sâu sắc nhưng không trái với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.
  • Điểm 0: Không có cách diễn đạt độc đáo và sáng tạo; không có quan điểm và thái độ riêng hoặc quan điểm, thái độ trái với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.

e) Chính tả, dùng từ, đặt câu (0,5 điểm):

  • Điểm 0,5: Không mắc lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu.
  • Điểm 0,25: Mắc một số lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu.
  • Điểm 0: Mắc nhiều lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu.

Câu 2. (4,0 điểm)

* Yêu cầu chung: Thí sinh biết kết hợp kiến thức và kĩ năng về dạng bài nghị luận văn học để tạo lập văn bản. Bài viết phải có bố cục đầy đủ, rõ ràng; văn viết có cảm xúc; thể hiện khả năng cảm thụ văn học tốt; diễn đạt trôi chảy, bảo đảm tính liên kết; không mắc lỗi chính tả, từ ngữ, ngữ pháp.

* Yêu cầu cụ thể:

a) Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận (0,5 điểm):

  • Điểm 0,5 điểm: Trình bày đầy đủ các phần Mở bài, Thân bài, Kết luận. Phần Mở bài biết dẫn dắt hợp lí và nêu được vấn đề; phần Thân bài biết tổ chức thành nhiều đoạn văn liên kết chặt chẽ với nhau cùng làm sáng tỏ vấn đề; phần Kết bài khái quát được vấn đề và thể hiện được ấn tượng, cảm xúc sâu đậm của cá nhân.
  • Điểm 0,25: Trình bày đầy đủ ba phần Mở bài, Thân bài, Kết luận, nhưng các phần chưa thể hiện được đầy đủ yêu cầu trên; phần Thân bài chỉ có 1 đoạn văn.
  • Điểm 0: Thiếu Mở bài hoặc Kết luận, Thân bài chỉ có 1 đoạn văn hoặc cả bài viết chỉ có 1 đoạn văn.

b) Xác định đúng vấn đề cần nghị luận (0,5 điểm):

  • Điểm 0,5: Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Trong đoạn thơ đầu tác giả Nguyễn Khoa Điềm đã xây dựng một hình ảnh Đất nước gần gũi, giản dị bằng những hình thức nghệ thuật đặc biệt nhất là sử dụng thành công chất liệu văn hóa dân gian.
  • Điểm 0,25: Xác định chưa rõ vấn đề cần nghị luận, chỉ nêu chung chung.
  • Điểm 0: Xác định sai vấn đề cần nghị luận, trình bày lạc sang vấn đề khác.

c) Chia vấn đề cần nghị luận thành các luận điểm phù hợp; các luận điểm được triển khai theo trình tự hợp lí, có sự liên kết chặt chẽ; sử dụng tốt các thao tác lập luận để triển khai các luận điểm (trong đó phải có thao tác phân tích, so sánh); biết kết hợp giữa nêu lí lẽ và đưa dẫn chứng (2,0 điểm):

  • Điểm 2,0: Đảm bảo các yêu cầu trên; có thể trình bày theo định hướng sau:
    • Giới thiệu nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm, trường ca Mặt đường khát vọng và chương Đất nước.
    • Giải thích ý kiến: Ý kiến này khẳng định: nhà thơ đã xây dựng hình ảnh một Đất nước giản dị, quen thuộc với tất cả mọi người chứ không phải là một Đất nước kì vĩ, xa xôi. Nội dung đó được thể hiện qua những hình thức nghệ thuật đặc biệt. Đây chính là nét riêng trong phong cách nghệ thuật của nhà thơ.
    • Phân tích đoạn thơ để làm rõ ý kiến: đoạn thơ thể hiện cảm nhận mới mẻ và độc đáo về đất nước.
      • Tác giả đã cảm nhận đất nước trong chiều sâu văn hóa – lịch sử và trong cuộc sống đời thường của mỗi con người. Nhà thơ không dùng niên đại và sự kiện lịch sử để nói về đất nước, mà dùng giọng điệu quen thuộc của cổ tích bắt đầu bằng ''ngày xửa ngày xưa...''.
        • Sự ra đời của Đất nước gắn với sự ra đời của những truyện cổ tích, của phong tục ăn trầu và tập quán búi tóc sau đầu, của lối sống chung thủy tình nghĩa, của truyền thống chống ngoại xâm kiên cường và bền bỉ, của truyền thống lao động cần cù, của cách ăn cách ở trong sinh hoạt...
        • Nói cách khác, sự ra đời của Đất nước gắn liền với sự hình thành văn hóa, lối sống, phong tục tập quán của người Việt Nam, gắn với đời sống gia đình. Những gì làm nên Đất nước cũng là những gì làm nên điệu hồn dân tộc, làm nên sự sống của mỗi người. Vì vậy mà Đất nước hiện lên vừa thiêng liêng, tôn kính, lại vừa gần gũi, thân thiết.
      • Cái đặc biệt của Nguyễn Khoa Điềm là đã nói về sự ra đời của Đất Nước bằng một cách nói giản dị đến bất ngờ. Đó là:
        • Sử dụng nhuần nhuyễn, sáng tạo chất liệu văn hóa dân gian (dùng những hình ảnh gần gũi trong cuộc hằng ngày, những tình cảm gia đình thân thương, những hình ảnh quen thuộc của ca dao, cổ tích, truyền thuyết...). Tác giả chỉ bắt lấy linh hồn của những câu chuyện, những phong tục... để từ đó đem đến cho người đọc những trường liên tưởng sâu xa. Vì vậy mà Đất nước trong mỗi người đẹp một cách riêng đồng thời ĐN hiện lên trong tâm thức người đọc cả một chiều dài văn hóa.
        • Kết hợp chất chính luận và trữ tình. Giọng thơ trữ tình trầm lắng, cảm xúc dồn nén. Nén trong từng câu chữ là vốn sống, vốn văn hóa, tình yêu Đất nước. Ngôn ngữ dung dị.
    • Bình luận về ý kiến: Đây là một ý kiến chính xác đã khái quát được giá trị nội dung, nghệ thuật của đoạn thơ và thấy được những phát hiện mới mẻ của Nguyễn Khoa Điềm về đề tài Đất nước - Đất nước của Nhân dân, của ca dao thần thoại, của đời thường.
      • Bởi vậy, mỗi nhà thơ khi sáng tạo cần tạo cho mình một lối đi riêng, đó là con đường duy nhất để khẳng định tên tuối của nhà thơ, sức sống của tác phẩm,
    • Thí sinh có thể có những cảm nhận và diễn đạt khác nhưng phải hợp lí, có sức thuyết phục.
  • Điểm 1,5 - 1,75: Cơ bản đáp ứng được các yêu cầu trên, song một trong các luận điểm còn chưa được trình bày đầy đủ hoặc liên kết chưa thực sự chặt chẽ.
  • Điểm 1,0 -1,25 : Đáp ứng 1/2 đến 2/3 các yêu cầu trên.
  • Điểm 0,5 - 0,75: Đáp ứng được 1/3 các yêu cầu trên.
  • Điểm 0,25: Hầu như không đáp ứng được yêu cầu nào trong các yêu cầu trên.
  • Điểm 0: Không đáp ứng được bất kì yêu cầu nào trong các yêu cầu trên.

d) Sáng tạo (0,5 điểm)

  • Điểm 0,5: Có nhiều cách diễn đạt độc đáo và sáng tạo (viết câu, sử dụng từ ngữ, hình ảnh và các yếu tố biểu cảm,...); văn viết giàu cảm xúc; thể hiện khả năng cảm thụ văn học tốt; có quan điểm và thái độ riêng sâu sắc nhưng không trái với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.
  • Điểm 0,25: Có một số cách diễn đạt độc đáo và sáng tạo; thể hiện được một số suy nghĩ riêng sâu sắc nhưng không trái với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.
  • Điểm 0: Không có cách diễn đạt độc đáo và sáng tạo; không có quan điểm và thái độ riêng hoặc quan điểm, thái độ trái với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.

e) Chính tả, dùng từ, đặt câu (0,5 điểm):

  • Điểm 0,5: Không mắc lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu.
  • Điểm 0,25: Mắc một số lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu.
  • Điểm 0: Mắc nhiều lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu.
Chia sẻ, đánh giá bài viết
1
Chọn file muốn tải về:
Chỉ thành viên VnDoc PRO/PROPLUS tải được nội dung này!
79.000 / tháng
Đặc quyền các gói Thành viên
PRO
Phổ biến nhất
PRO+
Tải tài liệu Cao cấp 1 Lớp
Tải tài liệu Trả phí + Miễn phí
Xem nội dung bài viết
Trải nghiệm Không quảng cáo
Làm bài trắc nghiệm không giới hạn
Mua cả năm Tiết kiệm tới 48%
Sắp xếp theo
    🖼️

    Gợi ý cho bạn

    Xem thêm
    🖼️

    Môn Văn khối D

    Xem thêm