Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Đề thi thử THPT Quốc gia năm 2017 môn Ngữ văn trường THPT thị xã Quảng Trị (Lần 1)

Đề thi thử THPT Quốc gia 2017 môn Ngữ văn

Nhằm giúp các bạn học sinh lớp 12 có thêm tài liệu ôn thi chuẩn bị tốt cho kì thi THPT Quốc gia sắp diễn ra, VnDoc mời các bạn cùng tham khảo: Đề thi thử THPT Quốc gia năm 2017 môn Ngữ văn trường THPT thị xã Quảng Trị (Lần 1). Chúc các bạn ôn thi tốt và có kết quả cao trong kì thi THPT sắp tới.

Đề thi thử THPT Quốc gia năm 2017 môn Ngữ văn trường THPT Quế Võ số 1, Bắc Ninh (Lần 2)

Đề thi thử THPT Quốc gia năm 2017 môn Ngữ văn trường THPT thị xã Quảng Trị (Lần 2)

SỞ GD&ĐT QUẢNG TRỊ
TRƯỜNG THPT THỊ XÃ QUẢNG TRỊ
ĐỀ THI THỬ THPT QUỐC GIA NĂM 2017 (LẦN I)
Môn: NGỮ VĂN

Thời gian làm bài: 120 phút
(Không kể thời gian giao đề)

I. PHẦN ĐỌC - HIỂU (3,0 điểm)

Đọc văn bản sau đây và thực hiện các yêu cầu từ câu 1 đến câu 4:

Hằng đêm, hàng trăm bạn trẻ gác lại công việc của mình để đến với những lớp học miễn phí tại nhà mở, mái ấm hay trong nhà chùa giúp các em không may mắn. Những gia sư không lương này tâm niệm: "Sống là cho, đâu chỉ nhận riêng mình".

Từ ý tưởng "Thay đổi xã hội từ những điều nhỏ nhất", dự án Gia sư tình nguyện, do bạn Hồ Diên Tuấn Anh, 23 tuổi, cựu sinh viên Đại học Bách khoa TPHCM khởi xướng, hoạt động được một năm qua. Ban đầu chỉ 3 thành viên dạy học miễn phí cho các em ở các nhà mở, mái ấm, ở chùa; các em có hoàn cảnh khó khăn, sau gần 4 tháng, hoạt động có ý nghĩa này thu hút hơn 500 bạn trẻ tham gia.

Gia tài của nhóm gia sư tình nguyện là 19 lớp học với gần 600 học sinh. Mỗi lớp học như vậy có 20 em học sinh và có 5 - 7 bạn tình nguyện viên dạy 3 buổi trong tuần vào các buổi tối. Đây là khoảng thời gian các gia sư không lương rảnh rỗi và các em học sinh đông đủ nhất. Với những em mới bắt đầu đi học, các bạn tình nguyện viên sẽ dạy các em học thuộc bảng chữ cái, học ghép vần rồi học cộng trừ. Với những em lớn hơn thì sẽ dạy thêm môn Anh văn rồi dạy các môn Toán, Lý, Hóa cho các em học cấp 2-3.

(Theo Văn Hiếu - Báo Tiền Phong ngày 24 tháng 03 năm 2015).

Câu 1 (0,5 điểm): Văn bản trên được viết theo phong cách ngôn ngữ nào? Đặc trưng của phong cách ngôn ngữ ấy?

Câu 2 (0,5 điểm): Nêu nội dung của văn bản.

Câu 3 (1,0 điểm): Em hiểu như thế nào về ý tưởng "Thay đổi xã hội từ những điều nhỏ nhất" được nói đến trong văn bản?

Câu 4 (1,0 điểm): Việc làm của các bạn trẻ ở trên là sự tiếp nối truyền thống gì của dân tộc Việt Nam? Tìm một số câu tục ngữ, ca dao nói về truyền thống ấy.

II. PHẦN LÀM VĂN (7,0 điểm)

Câu 1 (2,0 điểm):

Hãy viết 01 đoạn văn (khoảng 200 từ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về quan niệm "Sống là cho, đâu chỉ nhận riêng mình" được gợi ra từ đoạn trích phần Đọc – hiểu.

Câu 2 (5,0 điểm):

Cảm nhận của anh/chị về vẻ đẹp tâm hồn người phụ nữ trong tình yêu qua bài thơ "Sóng" của Xuân Quỳnh.
------- Hết--------
Ghi chú: Giám thị không giải thích gì thêm
Họ và tên thí sinh: ........................................ Số báo danh: .........

Đáp án đề thi thử THPT Quốc gia năm 2017 môn Ngữ văn

A. HƯỚNG DẪN CHUNG

1. Giám khảo cần nắm vững yêu cầu của Hướng dẫn chấm để đánh giá tổng quát bài làm của thí sinh, tránh cách đếm ý cho điểm. Do đặc trưng của môn Ngữ văn nên giám khảo cần linh hoạt trong quá trình chấm, khuyến khích những bài viết có cảm xúc, sáng tạo nhưng không trái với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.

2. Việc chi tiết hóa điểm số của các câu (nếu có) trong Hướng dẫn chấm phải đảm bảo không sai lệch với tổng điểm của mỗi câu và được thống nhất.

3. Sau khi cộng điểm toàn bài, không làm tròn.

B. ĐÁP ÁN - BIỂU ĐIỂM

I. PHẦN ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)

Câu 1

a. Văn bản trên thuộc phong cách ngôn ngữ báo chí.

b. Tính thông tin thời sự. Tính ngắn gọn. Tính sinh động, hấp dẫn.

Câu 2 Văn bản kể về một việc làm từ thiện của một nhóm cựu sinh viên. Họ mở lớp dạy học miễn phí cho các trẻ em nghèo, gặp hoàn cảnh khó khăn ở các nhà mở, mái ấm hay ở chùa. Tính đến nay việc làm đó đã thu hút được hơn 500 bạn trẻ tham gia thay nhau dạy cho 19 lớp hoc.

Câu 3 Ý tưởng "thay đổi xã hội từ những điều nhỏ nhất" có thể xem là mục đích, động cơ hành động vô cùng cao đẹp của những bạn trẻ. Bằng việc làm nhỏ nhưng vô cùng ý nghĩa của mình, họ đã giúp cho những trẻ em nghèo, thiếu may mắn có cơ hội được học tập và trưởng thành như bao bạn bè cùng trang lứa. Việc làm đó đã đem lại những giá trị tốt đẹp cho xã hội, góp phần làm cho xã hội trở nên tốt đẹp hơn và chắc chắn nó sẽ còn lan tỏa rộng rãi trong cộng đồng.

Câu 4

a. Việc làm của các bạn trẻ ở trên là sự tiếp nối truyền thống đạo lí tốt đẹp "tương thân tương ái', "lá lành đùm lá rách" của dân tộc Việt Nam ta.

b. Một số câu tục ngữ ca dao nói về truyền thống ấy như:

"Thương người như thể thương thân"

"Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ",

"Bầu thương lấy bí cùng
Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn"

II. PHẦN LÀM VĂN (7,0 điểm)

Câu 1: (2,0 điểm)

1. Giải thích: "Sống là cho, đâu chỉ nhận riêng mình"

"Sống là cho, đâu chỉ nhận riêng mình" là một quan niêm sống mang ý nghĩa cống hiến, hi sinh cho sự phát triển của cộng đồng. Một quan niệm đúng đắn về vấn đề cho và nhận trong cuộc đời.

2. Bàn luận, chứng minh

  • Con người là tổng hòa các mối quan hệ xã hội, con người không thể tồn tại nếu chỉ sống vị kỉ mà không biết nghĩ đến người khác.
  • Xã hội sẽ không thể phát triển nếu mỗi cá nhân chỉ lo xây dựng hạnh phúc, tạo dựng lợi ích cá nhân mà quên đi lợi ích của người khác.Chỉ khi con người biết nghĩ về người khác , biết cống hiên thì mới có thể làm cho xã hội tốt đẹp.
  • Đạo lí truyền thống của dân tộc là lá lành đùm lá rách, thương người như thể thương thân, là đạo lí cao đẹp từ ngàn đời nay. Mỗi người cần ghi nhớ và phát huy. (Dẫn chứng từ văn bản trên và từ thực tế đời sống..)
  • Trong hoàn cảnh xã hội hiện đại, con người sống thực dụng hơn, nghĩ về bản thân nhiều hơn, một lối sống biết cống hiến, biết cho đi lại càng vô cùng có ý nghĩa, càng cần thiết để làm cho xã hội trở nên tốt đẹp hơn.

3. Bài học nhận thức và hành động:

  • Một lối sống vì người khác là một lối sống đẹp, tuy nhiên cũng không phải chỉ hoàn toàn nghĩ đến người khác mà quên đi cá nhân mình. Cần biết dung hòa hai lối sống để có được lối sống tích cực mà có ý nghĩa nhất.
  • Kêu gọi hành động xây dựng lối sống đẹp.

Câu 2 (5,0 điểm)

MB

  • Giới thiệu về tác giả, tác phẩm: Xuân Quỳnh là một trong những nhà thơ nữ tiêu biểu nhất thời chống Mĩ cứu nước. Thơ Xuân Quỳnh là tiếng nói đầy cảm xúc, có sắc thái rất riêng, đậm chất nữ tính của một tâm hồn phụ nữ rất thông minh, sắc sảo, giàu yêu thương. Sóng được sáng tác năm 1967, là bài thơ đặc sắc viết về tình yêu, rất tiêu biểu cho phong cách thơ Xuân Quỳnh.
  • Giới thiệu về luận đề: Bài thơ Sóng là tiếng lòng chân thành, bộc lộ vẻ đẹp tâm hồn của người phụ nữ trong tình yêu.

TB

  • Giới thiệu hình tượng sóng: là một sáng tạo độc đáo của Xuân Quỳnh. Sóng là sự ẩn thân, hóa thân của nhân vật trữ tình "em". Qua hình tượng sóng, Xuân Quỳnh diễn tả cụ thể, sinh động những trạng thái, cung bậc tình cảm, tâm hồn của người phụ nữ trong tình yêu: nhân hậu, khao khát yêu thương và luôn hướng tới một tình yêu cao thượng, lớn lao.
  • Cảm nhận về vẻ đẹp tâm hồn của người phụ nữ trong tình yêu:
    • Thể hiện tiếng nói của trái tim tuổi trẻ mang khát vọng tình yêu muôn thuở (Ôi con sóng ngày xưa/ Và ngày sau vẫn thế/ Nỗi khát vọng tình yêu/ Bồi hồi trong ngực trẻ).
    • Khao khát khám phá sự bí ẩn của qui luật tình yêu nhưng không tìm thấy câu trả lời (Em cũng không biết nữa/ Khi nào ta yêu nhau).
    • Bộc lộ một tình yêu sôi nổi, đắm say, nồng nàn, mãnh liệt, một nỗi nhớ cồn cào, da diết, chiếm lĩnh cả thời gian và không gian (Con sóng dưới lòng sâu/Con sóng trên mặt nước ... Lòng em nhớ đến anh/ Cả trong mơ còn thức... ).
    • Luôn hướng tới một tình yêu thủy chung, son sắt (Nơi nào em cũng nghĩ/ Hướng về anh – một phương).
    • Ước vọng có một tình yêu vĩnh hằng, bất tử để làm đẹp cho cuộc đời (Làm sao được tan ra/ Thành trăm con sóng nhỏ/ Giữa biển lớn tình yêu/ Để ngàn năm còn vỗ).
  • Đặc sắc nghệ thuật: ẩn dụ(mượn hình tượng sóng để thể hiện tình yêu một cách sinh động, gợi cảm), thể thơ năm chữ với nhịp điệu linh hoạt, nhịp nhàng gợi âm vang của sóng, ngôn từ giản dị, trong sáng, hình ảnh thơ giảu sức gợi với sự sóng đôi của các cặp hình tượng: sóng - bờ // em – anh. Mượn qui luật thiên nhiên để thể hiện qui luật tình cảm...
  • Bàn luận chung: Bài thơ đã thể hiện nổi bật vẻ đẹp tâm hồn người phụ nữ trong tình yêu: chân thành, say đắm, nồng nàn, mãnh liệt, thủy chung, trong sáng, cao thượng. Nó vừa mang nét đẹp tình yêu của người phụ nữ Việt Nam truyền thống, vừa có nét táo bạo, chủ động đến với tình yêu của người phụ nữ Việt Nam hiện đại.

KB. Sóng là bài thơ tiêu biểu của Xuân Quỳnh và của thơ ca Việt Nam hiện đại viết về đề tài tình yêu. Giá trị nhân văn của bài thơ chính là sự khắc họa vẻ đẹp tâm hồn người phụ nữ trong tình yêu. Liên hệ bản thân...

Chia sẻ, đánh giá bài viết
1
Sắp xếp theo
    🖼️

    Gợi ý cho bạn

    Xem thêm
    🖼️

    Môn Văn khối D

    Xem thêm