Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Giải bài tập SGK GDCD 11 bài 2: Hàng hóa - tiền tệ - thị trường

Giải bài tập SGK GDCD 11 bài 2: Hàng hóa – tiền tệ - thị trường được VnDoc sưu tầm và đăng tải xin gửi tới bạn đọc cùng tham khảo. Đây là lời giải hay cho các câu hỏi trong sách giáo khoa nằm trong chương trình giảng dạy môn GDCD lớp 11. Hi vọng rằng đây sẽ là những tài liệu hữu ích trong công tác giảng dạy và học tập của quý thầy cô và các em học sinh. Mời các bạn cùng tham khảo chi tiết và tải về bài viết dưới đây nhé.

Câu 1 trang 26 sgk GDCD 11

Hãy cho biết những sản phẩm tiêu dùng nào trong gia đình em là hàng hóa, hoặc không phải là hàng hóa? Vì sao?

Xem đáp án
  • Những sản phẩm trong gia đình em là hàng hóa bao gồm: ti vi, tủ lạnh, xe máy, điều hòa, máy giặt, xe đạp…. Sở dĩ những sản phẩm đó được xem là hàng hóa vì nó có thể được đem ra trao đổi, buôn bán.
  • Những sản phẩm trong gia đình em không phải là hàng hóa bao gồm: cơm, nước, thức ăn… Sở dĩ những sản phẩm đó không được xem là hàng hóa vì nó không phải là hàng hóa được đem ra trao đổi buôn bán.

Câu 2 trang 26 sgk GDCD 11

Hãy nêu một số ví dụ thể hiện giá trị sử dụng của hàng hóa được phát hiện dần cùng với sự phát triển của khoa học – kĩ thuật?

Xem đáp án

Quả dừa từ xa xưa chỉ đơn thuần là một thứ quả để lấy nước uống giải khát mùa hè. Tuy nhiên, cùng với những phát triển khoa học cũng, quả dừa đã dần trở thành loại quả được chế biến với nhiều các sản phẩm khác nhau. Ngoài nước dừa, người ta còn biết lấy mu dừa làm thạch, tạo nên các loại kẹo dừa thơm ngon hấp dẫn. Ngoài ra, dừa còn được sử dụng để chế biến thành một loại mĩ phẩm được nhiều chị em phụ nữ yêu thích đó chính là dầu dừa….

Câu 3 trang 26 sgk GDCD 11

Tại sao giá trị hàng hóa không do thời gian lao động cá biệt quyết định, mà do thời gian lao động xã hội cần thiết quyết định?

Hướng dẫn giải:

Sở dĩ giá trị hàng hóa không do thời gian lao động cá biệt quyết định, mà do thời gian lao động xã hội cần thiết quyết định là bởi vì:

  • Giá trị của hàng hóa do thời gian lao động xã hội cần thiết để tạo ra hàng hóa đó quyết định.
  • Thời gian lao động xã hội cần thiết để sản xuất hàng hóa là thời gian cần thiết cho bất cứ lao động nào tiến hành với một trình độ thành thạo trung bình và có một cường độ trung bình, trong những điều kiện trung bình so với hoàn cảnh xã hội nhất định. Như vậy, dựa vào thời gian lđ xã hội cần thiết thì ta sẽ đưa ra được mức giá trị hàng hóa hợp lí, không làm rối loạn thị trường.
  • Nếu như giá trị hàng hóa được thời gian lao động cá biệt quyết định, thì một loại hàng hóa sẽ có nhiều mệnh giá khác nhau.

VD: Cũng làm một đôi dép nhưng người A làm trong 1 giờ, người B làm trong 2 giờ, người C làm trong 3 giờ--> mức giá cả do mỗi người sản xuất A, B, C đó sẽ đưa ra khác nhau theo thời gian mà họ làm ra đôi dép ấy…

Câu 4 trang 26 sgk GDCD 11

Trình bày nguồn gốc ra đời và bản chất của tiền tệ?

Hướng dẫn giải:

* Nguồn gốc

Tiền tệ xuất hiện là kết quả của quá trình phát triển lâu dài của sản xuất, trao đổi hàng hóa và các hình thái giá trị.

Có 4 hình thái giá trị:

  • Hình thái giá trị đơn giản: xuất hiện khi xã hội Công xã nguyên thủy tan rã, sự trao đổi mang tính ngẫu nhiên.
  • Hình thái giá trị đầy đủ hay mở rộng: Khi sản xuất hàng hóa phát triển hơn, số lượng hàng hóa được đem ra trao đổi nhiều hơn, một hàng hóa có thể trao đổi được với nhiều hàng hóa khác.
  • Hình thái chung của giá trị: giá trị của hàng hóa thể hiện ở một hàng hóa đóng vai trò vật ngang giá chung. Người ta mang hàng hóa của mình đổi lấy vật ngang giá chung, rồi dùng vật ngang giá chung đổi lấy thứ hàng hóa mình cần. Các địa phương, vùng khác nhau thì hàng hóa làm vật ngang giá chung cũng khác nhau.
  • Hình thái tiền tệ: Có nhiều vật ngang giá chung làm cho trao đổi giữa các địa phương khó khăn, đòi hỏi phải có vật ngang giá chung thống nhất. Ban đầu, vật ngang giá chung cố định là vàng và bạc, hình thái của giá trị xuất hiện. Những vàng có ưu thế hơn bạc nên cuối cùng hình thái tiền tệ được cố định ở vàng.

* Bản chất

Tiền tệ là hàng hóa đặc biệt được tách ra làm vật ngang giá chung cho tất cả các hàng hóa, là sự thể hiện chung của giá trị, đồng thời, tiền tệ biểu hiện mối quan hệ sản xuất giữa người sản xuất hàng hóa.

Câu 5 trang 26 sgk GDCD 11

Phân tích các chức năng của tiền tệ. Em đã vận dụng được những chức năng nào của tiền tệ trong đời sống?

Hướng dẫn giải:

Phân tích chức năng của tiền tệ:

  • Chức năng làm thước đo giá trị: Được thể hiện khi tiền được dùng để đo lường và biểu hiện giá trị của hàng hóa. Giá trị của hàng hóa được biểu hiện bằng một lượng tiền nhất định gọi là giá cả hàng hóa. Giá cả hàng hóa được quyết định bởi các yếu tố khác nhau, do đó trên thị trường giá cả có thể bằng, thấp hơn hoặc cao hơn giá trị. Nếu các điều kiện khác không thay đổi, giá trị của hàng hóa cao thì giá cả của nó cao và ngược lại.
  • Chức năng làm phương tiện lưu thông: Được thể hiện khi tiền làm môi giới trong quá trình trao đổi hàng hóa theo công thức: H – T – H. Trong đó H –T là quá trình bán, T – H là quá trình mua. Người ta bán hàng hóa lấy tiền rồi dùng tiền để mua hàng hóa mình cần.
  • Chức năng làm phương tiện cất trữ: Được thể hiện khi tiền rút khỏi lưu thông và được cất trữ lại để khi cần thì đem ra mua hàng. Sở dĩ tiền tệ làm được chức năng này là vì tiền là đại biểu cho của cải của xã hội dưới hình thái giá trị, nên việc cất trữ tiền là hình thức cất trữ của cải. Nhưng để làm được chức năng phương tiện cất trữ thì tiền phải đủ giá trị, tức là tiền đúc bằng vàng hoặc những của cải bằng vàng.
  • Chức năng phương tiện thanh toán: Được thể hiện khi tiền tệ được dùng để chi trả sau khi giao dịch, mua bán như: trả tiền mua chịu hàng hóa, trả nợ, nộp thuế,... Chức năng này làm cho quá trình mua bán diễn ra nhanh hơn, nhưng cũng làm cho những người sản xuất và trao đổi hàng hóa phụ thuộc vào nhau nhiều hơn.
  • Chức năng tiền tệ thế giới: Thể hiện khi trao đổi hàng hóa vượt khỏi biên giới quốc gia, tiền làm nhiệm vụ di chuyển của cả từ nước này sang nước khác, nên đó phải là tiền vàng hoặc tiền được công nhận là phương tiện thanh toán quốc tế. Việc trao đổi tiền của nước này theo tiền của nước khác được tiến hành theo tỉ giá hối đối. Tỉ giá hối đoái là gía cả của đồng tiền nước này được tính bằng đồng tiền nước khác.

Em đã vận dụng được một số chức năng của tiền tệ trong đời sống. Cụ thể là:

  • Làm phương tiện lưu thông: Em đã tự làm những sản phẩm Handmade sau đó đem bán cho các bạn để lấy tiền. Em tiếp tục dùng số tiền đó để mua một số vật liệu còn thiếu để làm hàng và bán cho các bạn.
  • Làm phương tiện thanh toán: Em dùng số tiền của mình để mua những hàng hóa, đồ dùng học tập hàng ngày…
  • Làm phương tiện cất trữ: em đã dùng những đồng tiền mà mình có được như tiền lì xì, tiền thưởng học sinh giỏi, tiền bố mẹ thưởng điểm 10 để bỏ vào con lợn tiết kiệm.

Câu 6 trang 27 sgk GDCD 11

Trình bày nội dung của quy luật lưu thông tiền tệ. Lạm phát có ảnh hưởng như thế nào đối với đời sống?

Hướng dẫn giải:

Nội dung của quy luật lưu thông tiền tệ:

Tiền là hình thức biểu hiện giá trị của hàng hóa, phục vụ cho sự lưu thông hàng hóa. Vì vậy, lưu thông tiền tệ do lưu thông hàng hóa quyết định.

Nội dung quy luật lưu thông tiền tệ là xác định số lượng tiền tệ cần thiết cho lưu thông hàng hóa ở mỗi thời kì nhất định.

Quy luật này được thể hiện như sau: M = P x Q/V

Trong đó:

M: Số lượng tiền tệ cần thiết cho lưu thông

P: mức giá của đơn vị hàng hóa

Q: số lượng hàng hóa đem ra lưu thông

V: số vòng luận chuyển trung bình của một đơn vị tiền tệ.

Như vậy, lượng tiền cần thiết cho lưu thông tỉ lệ thuận với tổng số giá cả của hàng hóa đem ra lưu thông và tỉ lệ nghịch với số vòng luân chuyển trung bình của một đơn vị tiền tệ. Đây là quy luật chung của lưu thông tiền tệ.

Lạm phát đã ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống.

Chúng ta chỉ cần hiểu đơn giản là lạm phát thì đồng nghĩa với việc đồng tiền mất giá, giá cả các mặt hàng đều tăng lên. Đời sống nhân dân (nhất là những người nông thôn và người nghèo) ngày càng trở nên khốn đốn hơn.

Ví dụ: trước đây bạn muốn mua một hộp màu chỉ có 5 nghìn đồng nhưng khi lạm phát hộp màu đó không còn là 5 nghìn nữa mà nó thậm chí lên 10 nghìn hoặc 15 nghìn.

Câu 7 trang 27 sgk GDCD 11

Tại sao nói giá cả là “mệnh lệnh” của thị trường đối với mọi người sản xuất và lưu thông hàng hóa?

Hướng dẫn giải:

Sự biến động của cung – cầu, giá cả trên thị trường đã điều tiết các yếu tố sản xuất từ ngành này sang ngành khác, luân chuyển hàng hóa từ nơi này sang nơi khác.

Khi giá cả một hàng hóa nào đó tăng lên sẽ kích thích xã hội sản xuất ra hàng hóa đó nhiều hơn, nhưng lại làm cho nhu cầu của người tiêu dùng về hàng hóa đó bị hạn chế.

Ngược lại, khi giá cả một hàng hóa giảm xuống sẽ kích thích tiêu dùng và hạn chế việc sản xuất hàng hóa đó.

Câu 8 trang 27 sgk GDCD 11

Thị trường là gì? Em hãy nêu một số ví dụ về sự phát triển của sản xuất hàng hóa và thị trường ở địa phương mình?

Hướng dẫn giải:

Thị trường là lĩnh vực trao đổi, mua bán mà ở đó các chủ thể kinh tế tác động qua lại lẫn nhau để xác định giá cả và số lượng hàng hóa, dịch vụ. Thị trường xuất hiện, phát triển cùng với sự ra đời và phát triển của sản xuất và lưu thông hàng hóa.

Ví dụ về sự phát triển của sản xuất hàng hóa ở địa phương em:

  • Trước đây, việc sản xuất hàng hóa ở địa phương em còn nhỏ lẻ, manh mún và không có nhiều. Chủ yếu là mọi người học xong đều lên thành phố lập nghiệp.
  • Tuy nhiên, mấy năm trở lại đây, nhờ sự chỉ đạo của cấp trên cũng như các chính sách hỗ trợ, nhiều hộ gia đình đã hăng hái tăng gia sản xuất. Một số gia đình làm nghề trồng hoa tươi, một số gia đình trồng cây rau củ sạch, một số gia đình thì chăn nuôi, làm các mô hình vườn – ao – chuồng. Phần lớn gia đình thì theo nghề làm gồm và đóng gạch…. Mỗi gia đình đều có một ngành riêng và tất cả đều cố gắng làm ăn. Điều đó làm cho địa phương ngày càng khang trang và phát triển hơn so với trước đó.

Câu 9 trang 27 sgk GDCD 11

Hãy nêu một số ví dụ về sự vận dụng các chức năng của thị trường đối với người sản xuất và người tiêu dùng?

Hướng dẫn giải:

Khi một người mang hàng hóa ra bán trên thị trường, hàng hóa nào phù hợp với nhu cầu của thị trường, chất lượng tốt khiến người mua hài lòng thì bán được, người bán có lãi, tiếp tục hoạt động sản xuất kinh doanh của mình.

Chức năng thông tin giúp người bán hàng đưa ra quyết định phù hợp, kịp thời để thu lợi nhuận.

Người mua cũng căn cứ vào chất lượng, nhu cầu của bản thân và những thông tin trên thị trường để mua có lợi nhất.

Câu 10 trang 27 sgk GDCD 11

Theo em, mỗi công dân cần phải làm gì đối với sự phát triển kinh tế thị trường ở nước ta hiện nay?

Hướng dẫn giải:

Theo em, để thị trường nước ta ngày càng phát triển, mỗi công dân chúng ta đều phải có sự đóng góp của mình dù ít hay nhỏ. Ví dụ như:

  • Thực hiện phong trào người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, tăng cường dùng hàng trong nước để khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển, tái đầu tư sản xuất.
  • Khi tham gia vào thị trường cần mua bán lành mạnh, không buôn bán gian lận để tạo một thị trường đảm bảo, có uy tín được người mua tin tưởng.
  • Tránh để xảy ra tình trạng lạm phát. Bởi xảy ra lạm phát rất dễ nhưng giải quyết được lạm phát rất khó.
  • Học tập tốt, rèn luyện tốt ban thân để có thể trở thành một công dân tốt, người lao động tốt có kiến thức để đóng góp cho đất nước.

Bài tiếp theo: Giải bài tập SGK GDCD 11 bài 3: Quy luật giá trị trong sản xuất và lưu thông hàng hóa

Trên đây VnDoc.com vừa gửi tới bạn đọc bài viết Giải bài tập SGK GDCD 11 bài 2: Hàng hóa - tiền tệ - thị trường để bạn đọc cùng tham khảo. Chắc hẳn qua bài viết bạn đọc đã nắm được những ý chính cũng như trau dồi được nội dung kiến thức của bài viết rồi đúng không ạ? Bài viết tổng hợp lời giải từ câu 1 đến câu 10 trong sách giáo khoa môn GDCD lớp 11 bài 2. Hi vọng qua bài viết này bạn đọc có thể học tập tốt hơn môn Giáo dục công dân lớp 11. Để giúp bạn đọc có thêm nhiều tài liệu học tập hơn nữa, VnDoc.com mời các bạn cùng tham khảo thêm tài liệu học tập các môn Toán lớp 11, Ngữ văn lớp 11...

Để giúp bạn đọc có thể giải đáp được những thắc mắc và trả lời được những câu hỏi khó trong quá trình học tập. VnDoc.com mời bạn đọc cùng đặt câu hỏi tại mục hỏi đáp học tập của VnDoc. Chúng tôi sẽ hỗ trợ trả lời giải đáp thắc mắc của các bạn trong thời gian sớm nhất có thể nhé.

Chia sẻ, đánh giá bài viết
5
Sắp xếp theo
    🖼️

    Gợi ý cho bạn

    Xem thêm
    🖼️

    Giải bài tập GDCD 11

    Xem thêm