Giải thích câu tục ngữ An cư lạc nghiệp
Văn mẫu lớp 8: Giải thích câu tục ngữ An cư lạc nghiệp được VnDoc sưu tầm và giới thiệu nhằm giúp các em học sinh và phụ huynh tham khảo các bài Ngữ văn 8 nhằm củng cố kỹ năng cần thiết cho bài kiểm tra sắp tới đây của mình. Mời các em học sinh cùng tham khảo.
Câu tục ngữ An cư lạc nghiệp
Một trong những quan niệm sống đúng đắn và ý nghĩa sâu sắc mà ông cha ta khẳng định về mối quan hệ giữa cuộc sống và sự nghiệp chính là câu tục ngữ "An cư lạc nghiệp", trong lịch sử đất nước, vua Lý Công Uẩn cũng vì mục đích an cư lạc nghiệp mới dời kinh đô từ Hoa Lư - Ninh Bình về thành Đại La và đổi tên thành Thăng Long. Câu tục ngữ đã khẳng định tầm quan trọng của việc an cư cũng như mối quan hệ giữa an cư và lạc nghiệp trong cuộc đời mỗi con người.
"An cư lạc nghiệp" mới nghe qua có thể hình dung ra một cuộc sống thanh bình, yên ổn và thịnh vượng mà con người muôn đời hướng đến, tuy nhiên khi nghiền ngẫm thật kĩ từng khía cạnh ta mới thấu rõ được giá trị của câu nói. Câu nói đề cập tới hai khía cạnh quan trọng nhất của cuộc đời con người, chính là an cư và lạc nghiệp. "An cư" được hiểu là nơi cư trú an toàn mang tính ổn định lâu dài, đó có thể là một ngôi nhà để trú mưa trú nắng, một mái ấm gia đình để có động lực và chia sẻ mọi thứ trong cuộc sống, hay đơn giản là một nơi thuận tiện, phù hợp với hoàn cảnh sinh sống của mình. Nơi được gọi là an cư sẽ là nơi đáp ứng được những nhu cầu tối thiểu, tất yếu của cuộc sống sinh hoạt con người, con người tìm được nơi an cư là tìm được nơi để sinh sống thoải mái, ổn định để lo những việc khác của cuộc sống. "Lạc nghiệp" là sự gây dựng sự nghiệp, có được sự nghiệp tốt, tìm được niềm vui trong sự nghiệp của mình, lạc nghiệp cũng có nghĩa là có được một cuộc sống sung túc, an lạc. Giữa "an cư" và "lạc nghiệp" tưởng chừng như hoàn toàn tách biệt với nhau nhưng thực chất lại có mối quan hệ rất khăng khít, tác động qua lại và ảnh hưởng lẫn nhau.
Người ta thường nói có an cư thì mới có lạc nghiệp, quả thực đúng như vậy, chỉ khi con người ta lo được những vấn đề thiết yếu nhất của cuộc sống như nơi ở, chốn ăn, chỗ nghỉ mới có thể nghĩ đến việc tạo dựng sự nghiệp. Khi chưa an cư, có nghĩa là cuộc sống còn nay đây mai đó, từng ngày lo chỗ ăn nghỉ thì không thể tập trung làm việc, công việc có làm cũng không hiệu quả dẫn tới sự nghiệp còn xa vời và mờ nhạt. Chỉ khi có một nơi ở ổn định, hoàn toàn yên tâm về những vấn đề sinh hoạt của cuộc sống, người ta mới có thể bắt tay vào công việc, dồn hết sự tập trung vào công việc của mình. Nơi an cư rất quan trọng đối với người muốn có sự nghiệp, bởi không chỉ là nơi trú ngụ mà đó còn là bến đỗ dừng chân sau những lo toan, mệt mỏi và buồn phiền của cuộc sống. Mái ấm gia đình là một ví dụ điển hình về an cư, gia đình sẽ là nơi đáp ứng nhu cầu sinh hoạt thiết yếu của ta, cho ta sự chở che và cảm thông chia sẻ, là nguồn động viên và động lực để ta tiếp tục sự nghiệp, mới có được sự nghiệp thành công viên mãn.
Tuy nhiên, cũng phải để ý đến khía cạnh "lạc nghiệp", có làm công việc theo đúng khả năng và mục đích của mình thì cuộc sống an cư mới có ý nghĩa, khi đã an cư ta phải tìm kiếm công việc, hướng đến xây dựng sự nghiệp, đó mới thực sự là an cư bền vững. Bởi nếu an cư mà không hướng đến sự nghiệp thì khó để duy trì cuộc sống an cư đó được lâu bền, con người cần phải lao động để lo cho những hoạt động sống, có lao động không ngừng mới tích lũy được nhiều, xây dựng cuộc sống đầy đủ, ấm no, sung túc. Chỉ khi không phải lo toan đến cơm áo gạo tiền, người ta mới tìm đến được sự an lạc, đó cũng chính là mục đích của an cư lạc nghiệp. Trong thời đại ngày nay, tiêu chuẩn về nơi an cư được đơn giản hóa đi rất nhiều, điển hình như những người sống mưu sinh ở những thành phố lớn, họ chỉ cần một căn phòng trọ có thể che mưa, che nắng, có chỗ nghỉ ngơi là có thể yên tâm làm việc. An cư có thể linh hoạt miễn sao con người ta có thể tiếp tục theo đuổi công việc, ước mơ và sự nghiệp của mình, đó chính là sự thích nghi cao độ của con người đối với hoàn cảnh và sự phát triển của xã hội. An cư "tạm thời" để "lạc nghiệp" và khi đã lạc nghiệp rồi sẽ "an cư" ổn định.
Có thể nói, câu tục ngữ "An cư lạc nghiệp" như một kế hoạch, chiến lược và định hướng của cuộc đời mỗi người, giá trị của câu tục ngữ vẫn luôn giữ nguyên vẹn trong mọi hoàn cảnh thời đại, là một trong những lý tưởng sống mà con người nên cố gắng đạt được.
Trên đây VnDoc đã tổng hợp các bài văn mẫu Giải thích câu tục ngữ An cư lạc nghiệp cho các bạn tham khảo ý tưởng khi viết bài. Ngoài ra các bạn có thể xem thêm chuyên mục Soạn văn 8 mà VnDoc đã chuẩn bị để học tốt hơn môn Ngữ văn lớp 8 và biết cách soạn bài lớp 8 các Tác giả - tác phẩm Ngữ văn 8 trong sách Văn tập 1 và tập 2. Mời các em học sinh, các thầy cô cùng các bậc phụ huynh tham khảo.