Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Nghị luận về thói ích kỉ | Nghị luận về lối sống ích kỉ lớp 8

Viết bài văn nghị luận về thói ích kỉ với các bài văn mẫu hay và đa dạng sẽ giúp các em có thêm tài liệu tham khảo, để học tập tốt môn Ngữ văn 8.

A. Lập dàn ý nghị luận về thói ích kỉ

Dàn ý nghị luận về lối sống ích kỉ mẫu 1

1. Mở bài: Giới thiệu và dẫn dắt vào vấn đề cần nghị luận: lối sống ích kỉ.

2. Thân bài

a. Giải thích

  • Ích kỉ: chỉ biết nghĩ đến bản thân mình và lợi ích của bản thân mà vô cảm, thờ ơ, lãnh đạm, không quan tâm trước nỗi đau khổ, bất hạnh của người khác. Những người ích kỉ chỉ biết vun vén cho bản thân mình, luôn chỉ muốn người khác dành cho mình những điều tốt đẹp nhất.

b. Phân tích

- Biểu hiện của người ích kỉ:

  • Luôn đặt lợi ích của bản thân lên hàng đầu, sẵn sàng vì lợi ích của bản thân mà không quan tâm đến người khác, thậm chí là sống thờ ơ, vô cảm.
  • Không biết yêu thương, chan hòa, sẻ chia, giúp đỡ những người xung quanh, những người có hoàn cảnh khó khăn. Người ích kỉ là những người không muốn cho đi.
  • Chỉ muốn nhận những thứ, những điều tốt đẹp nhất về bản thân mình, không biết nhường nhịn người khác.

- Tác hại của sự ích kỉ:

  • Người ích kỉ sẽ không được mọi người yêu quý, tôn trọng, thậm chí nếu sự ích kỉ dẫn đến tham lam sẽ làm cho bạn bị người khác xa lánh.
  • Tính ích kỉ sẽ đi kèm với những tính xấu khác như tham lam, nhỏ mọn,… dần dần sẽ khiến bản thân người ích kỉ trở thành một người xấu, cô độc.

c. Chứng minh

  • Học sinh tự lấy dẫn chứng về những con người ích kỉ, chỉ biết đến bản thân mình, luôn vì lợi ích của mình mà không quan tâm đến người khác để minh họa cho bài làm văn của mình.

d. Phản đề

  • Bên cạnh đó vẫn còn có nhiều người có tấm lòng nhân hậu, sống tình nghĩa, biết yêu thương và san sẻ với những người xung quanh, biết thương cảm với những mảnh đời bất hạnh; những người này và những thông điệp tốt đẹp cần được chia sẻ và lan tỏa nhiều hơn trong cộng đồng để mọi người biết đến và học tập.

3. Kết bài: Khái quát lại vấn đề nghị luận: sự ích kỉ của con người trong xã hội hiện nay, đồng thời rút ra bài học cho bản thân.

Dàn ý nghị luận về lối sống ích kỉ mẫu 2

1. Mở bài: Giới thiệu vấn đề cần nghị luận: lối sống ích kỉ (Một trong những vấn đề nổi cộm của xã hội hiện nay chính là lối sống ích kỉ).

Lưu ý: Học sinh tự lựa chọn cách viết mở bài trực tiếp hoặc gián tiếp tùy thuộc vào năng lực của bản thân mình.

2. Thân bài

a. Giải thích

  • Ích kỉ: chỉ biết nghĩ đến bản thân mình và lợi ích của bản thân mà vô cảm, thờ ơ, lãnh đạm, không quan tâm trước nỗi đau khổ, bất hạnh của người khác.

b. Phân tích

  • Xã hội ngày càng phát triển, con người bận rộn với cuộc sống, với những dự định riêng của mình nên đôi lúc vô hình chung tạo nên khoảng cách giữa người với người, ít có thời gian quan tâm đến người khác hơn và chỉ chú tâm vào lợi ích của bản thân mình.
  • Đôi lúc sự ích kỉ đến từ bản chất của người đó, vì ích kỉ nên chỉ nghĩ đến bản thân mình mà không quan tâm, để ý đến những người xung quanh, chỉ muốn nhận lại mà không muốn cho đi.
  • Sự ích kỉ đôi lúc là do chịu ảnh hưởng từ những người xung quanh. Nếu những người xung quanh chỉ nghĩ đến bản thân mình, không ai quan tâm, chia sẻ với ai điều gì sẽ dần hình thành cho những người khác tính cách này.

c. Chứng minh

  • Học sinh tự lấy những dẫn chứng để minh họa cho bài làm văn của mình.
  • Lưu ý: dẫn chứng phải xác thực, gần gũi, tiêu biểu và được nhiều người biết đến.

d. Phản biện

  • Trong cuộc sống vẫn còn có nhiều người có tấm lòng nhân hậu, sống tình nghĩa, biết yêu thương và san sẻ với những người xung quanh, biết thương cảm với những mảnh đời bất hạnh; những người này và những thông điệp tốt đẹp cần được chia sẻ và lan tỏa nhiều hơn trong cộng đồng để mọi người biết đến và học tập.

3. Kết bài: Khái quát lại vấn đề nghị luận: sự ích kỉ của con người trong xã hội hiện nay, đồng thời rút ra bài học cho bản thân.

B. Viết bài văn nghị luận về thói ích kỉ

Nghị luận về lối sống ích kỉ Mẫu 1

Từ xưa đến nay, ích kỉ vẫn luôn là một thói hư tật xấu mà con người ta chán ghét, mong muốn xóa bỏ. Thói xấu này đã tồn tại âm ỉ trong xã hội từ rất lâu. Và cho đến tận cuộc sống hiện đại ngày nay vẫn chưa thể hoàn toàn đẩy lùi.

Ích kỉ là cách gọi chung cho kiểu tính cách luôn chỉ nghĩ cho bản thân mình, luôn đặt bản thân mình lên hàng đầu trong mọi trường hợp. Chỉ cần thỏa mãn bản thân, thì người khác có bị tổn thương, mất mát ra sao cũng mặc kệ. Thậm chí, họ còn không từ thủ đoạn nào, sẵn sàng làm mọi thứ để thỏa mãn bản thân, dành phần hơn về phía mình. Điều đó không chỉ gây tha hóa người có thói ích kỉ, khiến họ trở thành kẻ xấu trong tập thể. Bị mọi người chán ghét, xa lánh, cô lập. Mà hơn hết, nó gây ảnh hưởng đến lợi ích chung, sự đoàn kết của một tập thể. Điều đó là vô cùng tai hại, bởi gián tiếp gây mâu thuẫn nội bộ, cản trở tình cảm đoàn kết của mọi người, giảm hiệu suất làm việc nhóm.

Trong xã hội hiện đại ngày nay, khi cái tôi dần được tôn trọng, cơ hội thể hiện bản sắc cá nhân cho mỗi người ngày càng nhiều, đã dần trở thành cơ hội cho sự ích kỉ len lỏi và phát triển mạnh mẽ. Điều đó gián tiếp khiến cho cái ta dần bị bóp nghẹt bởi cái tôi bị biến chất từ thói ích kỉ. Do đó, chúng ta cần hành động ngay hôm nay để xóa bỏ thói xấu này. Trước hết, là từ các phương án giáo dục và tuyên truyền, ngay từ khi còn nhỏ cho các bạn học sinh. Để các bạn thấm nhuần sự độc hại của thói ích kỉ, hiểu hơn về niềm vui của sự sẻ chia, nhường nhịn, giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống. Sau đó, là có những cách lên án, phê phán thích hợp với các hành động biểu lộ sự ích kỉ một cách độc hại, sỗ sàng. Cuối cùng, quan trọng nhất, chính là ý thức của bản thân mỗi người. Chỉ khi bản thân mỗi người trong chúng ta tự thấu hiểu, điều chỉnh bản thân mình, không cho thói ích kỉ xuất hiện và ngự trị tâm hồn, thì khi đó nó sẽ dần dần biến mất.

Bản thân em không phải là chưa từng xuất hiện suy nghĩ ích kỉ, mong muốn mọi thứ tốt đẹp phải về mình. Nhưng nhớ tới thầy cô, bố mẹ tin yêu, em đã tự mình đập tan suy nghĩ đó, để sống chan hòa, giàu tình yêu thương với mọi người. Em tin rằng, chỉ cần chúng ta muốn, thực sự muốn thì việc xóa tan lối sống ích kỉ sẽ sớm trở thành hiện thực.

Nghị luận về lối sống ích kỉ Mẫu 2

Con người sinh ra đều xấu phát từ con số 0 tròn trĩnh. Có những người cố gắng vươn lên, trau dồi bản thân để hướng đến thành công và những điều tốt đẹp nhưng cũng có những người sống theo chiều hướng tiêu cực, chỉ biết đến bản thân mình một cách ích kỉ.

Vậy thế nào là ích kỉ? Ích kỉ là việc mỗi chúng ta chỉ biết nghĩ đến bản thân mình và lợi ích của bản thân mà vô cảm, thờ ơ, lãnh đạm, không quan tâm trước nỗi đau khổ, bất hạnh của người khác. Xã hội ngày càng phát triển, con người bận rộn với cuộc sống, với những dự định riêng của mình nên đôi lúc vô hình chung tạo nên khoảng cách giữa người với người, ít có thời gian quan tâm đến người khác hơn và chỉ chú tâm vào lợi ích của bản thân mình. Tuy nhiên, có đôi lúc sự ích kỉ đến từ bản chất của người đó, vì ích kỉ nên chỉ nghĩ đến bản thân mình mà không quan tâm, để ý đến những người xung quanh, chỉ muốn nhận lại mà không muốn cho đi. Sự ích kỉ còn là do chịu ảnh hưởng từ những người xung quanh. Nếu những người xung quanh chỉ nghĩ đến bản thân mình, không ai quan tâm, chia sẻ với ai điều gì sẽ dần hình thành cho những người khác tính cách này.

Tuy nhiên, trong cuộc sống hiện nay vẫn còn có nhiều người có tấm lòng nhân hậu, sống tình nghĩa, biết yêu thương và san sẻ với những người xung quanh, biết thương cảm với những mảnh đời bất hạnh; những người này và những thông điệp tốt đẹp cần được chia sẻ và lan tỏa nhiều hơn trong cộng đồng để mọi người biết đến và học tập.

Sự ích kỉ mang đến cho con người những cái lợi nhỏ nhưng mang lại cho ta những thiệt thòi, những tác động tiêu cực. Không một ai là hoàn hảo, nhưng khi ta biết cố gắng hoàn thiện bản thân và vươn lên phía trước, chúng ta sẽ đạt được những thành quả xứng đáng với công sức bỏ ra.

Nghị luận về lối sống ích kỉ Mẫu 3

Có ai đó đã từng nói: “Khi cuối cùng khoa học cũng tìm ra trung tâm của vũ trụ, sẽ có người ngạc nhiên vì biết rằng mình không phải là nó.” Sống với tư tưởng rằng mình là trung tâm của vũ trụ là cách nói khác của sự ích kỷ.

Thế nào là sự ích kỷ? Ích kỷ là lối sống chỉ biết nghĩ cho mình, luôn suy tính thiệt hơn, lúc nào cũng chăm chăm vun vén cho lợi ích của cá nhân mà thờ ơ, vô cảm, thậm chí sẵn sàng chà đạp lên hạnh phúc của người khác để đạt được mục đích của mình.

Từ những biểu hiện nhỏ, ích kỷ là khi ta không muốn, từ chối hướng dẫn giải bài tập cho bạn bè trong lớp vì sợ mất thời gian, sợ rằng bạn sẽ giỏi hơn, là thái độ ganh ghét, đố kị khi thấy hàng xóm “ăn nên làm ra” hơn nhà mình … Lớn lao hơn, ích kỷ là khi ta tìm mọi cách trốn tránh nghĩa vụ quân sự vì sợ khó, sợ khổ, sợ công việc dang dở mà không nghĩ rằng nếu đất nước lâm nguy, ai sẽ là người cầm súng đứng lên bảo vệ Tổ quốc, là khi bạn sẵn sàng ăn cắp ý tưởng của đồng nghiệp để đem lại lợi lộc, thành tích cho mình, …

Ích kỷ là một lối sống tiêu cực mà bất cứ ai cũng dễ dàng mắc phải. “Bệnh chủ quan, bệnh ích kỷ, bệnh hẹp hòi, v.v., mỗi chứng bệnh là một kẻ địch. Mỗi kẻ địch bên trong là một bạn đồng minh của kẻ địch bên ngoài. Địch bên ngoài không đáng sợ. Địch bên trong đáng sợ hơn, vì nó phá hoại từ trong phá ra. Vì vậy, ta phải ra sức đề phòng những kẻ địch đó, phải chữa hết những chứng bệnh đó” (Hồ Chí Minh). Ích kỷ khiến con người trở nên xấu xa, hẹp hòi. Họ không còn biết vui cho niềm vui của người khác, buồn cho nỗi buồn của người khác, luôn mong muốn mình được hơn người khác. Và rồi họ sẽ tự cô lập bản thân mình với phần còn lại từng ngày, từng ngày, để rồi chính họ sẽ trở thành những người cô đơn, bị bạn bè xa lánh. Sự ích kỷ cũng là nguyên nhân dẫn đến căn bệnh vô cảm, bởi khi quá đề cao lợi ích, ham muốn của bản thân cũng là lúc con người thờ ơ, lãnh đạm với cuộc sống của những người xung quanh. Trong một xã hội có quá nhiều người ích kỷ thì thật là nguy hại. Ai cũng chăm chăm cho lợi lộc của bản thân sẽ khiến hoạt động nhóm mất hiệu quả, xã hội không còn sự hòa nhập và không thể phát triển. Chẳng phải chính bởi sự ích kỷ, bởi lòng tham vô đáy của một số người mà họ có thể tham ô hàng chục tỉ đồng từ ngân sách nhà nước, chà đạp lên cuộc sống của người dân để hưởng lợi cho mình? Bởi xã hội còn những con người như thế, nên đời sống của nhân dân vẫn cứ khó khăn, mà chúng ta mãi không thể vươn lên sánh vai với bạn bè quốc tế…

Nhà văn Trung Quốc Cố Tây Tước trong cuốn tiểu thuyết “Nơi nào đông ấm” đã viết: “Ai mà không ích kỉ nghĩ cho mình, đó là chuyện thường tình, không ích kỉ, có mà là thánh nhân, mà thánh nhân thì không tồn tại ở thế giới này.” Đúng vậy, chúng ta không thể phủ nhận sự ích kỷ là một thứ cảm xúc vẫn luôn tồn tại trong bản thân mỗi con người. Nhưng để cùng tồn tại và phát triển, con người phải biết hạn chế tối đa những điều đó để cùng chung sống và cùng dựng xây tương lai tốt đẹp. “Tuổi trẻ chấm dứt khi tính vị kỷ kết thúc; sự trưởng thành bắt đầu khi ta sống vì người khác.” (Hermann Hesse). Ngay từ lúc này, hãy dành thời gian quan sát và để tâm đến những người xung quanh, biết gỡ bỏ cái tôi của mình khi cần thiết, biết đặt lợi ích cộng đồng lên trên hết, hãy giao lưu hòa nhập với bạn bè, sẵn sàng tham gia các hoạt động đoàn thể để phá vỡ lớp băng bao phủ quanh mỗi người, không ngừng rèn luyện bản thân bằng cách giúp đỡ mọi người trong khả năng của mình. Hạn chế và dẹp bỏ sự ích kỷ không phải điều đơn giản, nhưng đó là một quá trình xứng đáng! Thật đáng xấu hổ thay cho những con người vị kỷ, hám danh hám lợi mà bỏ quên, dẫm đạp lên quyền lợi của người khác. Đó là những con người đáng phê phán, làm chậm sự phát triển chung của toàn xã hội.

“Con người hay phạm một ít sai lầm, ví như lúc mất đi rồi mới phát hiện người luôn bên cạnh làm bạn với mình đã không còn nữa. Lúc bàn tay trống rỗng mới ý thức được thứ còn lại mà bản thân mình có chỉ là tham lam cùng ích kỉ vô cùng tận” (Thiên Hạ Vô Bệnh). Bạn ơi, chúng ta đừng cứ mãi ích kỷ nhé, để rồi sau này chính chúng ta sẽ là người hối hận…

Nghị luận về lối sống ích kỉ Mẫu 4

Cuộc sống ngày càng phát triển theo hướng hiện đại, con người bận rộn chạy đua với thời gian. Dường như chúng ta không còn dành cho nhau nhiều tình cảm như trước, thay vào đó là cách sống vô cảm, chỉ biết nghĩ đến bản thân mình. Đấy cũng chính là lí do mà ngày nay, căn bệnh “ích kỉ” ngày càng lan rộng hơn.

Vậy thế nào là ích kỉ? Ích kỉ là chỉ biết nghĩ đến bản thân mình và lợi ích của bản thân mà vô cảm, thờ ơ, lãnh đạm, không quan tâm trước nỗi đau khổ, bất hạnh của người khác. Người ích kỉ là người vô cảm, vô tâm, đặt quyền lợi và nhu cầu của bản thân lên trên tất thảy mọi thứ.

Sự ích kỉ bắt nguồn từ khi xã hội ngày càng phát triển, con người bận rộn với cuộc sống, với những dự định riêng của mình nên đôi lúc vô hình chung tạo nên khoảng cách giữa người với người, ít có thời gian quan tâm đến người khác hơn và chỉ chú tâm vào lợi ích của bản thân mình. Đôi lúc sự ích kỉ đến từ bản chất của người đó, vì ích kỉ nên chỉ nghĩ đến bản thân mình mà không quan tâm, để ý đến những người xung quanh, chỉ muốn nhận lại mà không muốn cho đi. Nguyên nhân của sự ích kỉ còn là do chịu ảnh hưởng từ những người xung quanh. Nếu những người xung quanh chỉ nghĩ đến bản thân mình, không ai quan tâm, chia sẻ với ai điều gì sẽ dần hình thành cho những người khác tính cách này, sống khép mình trước người khác.

Tuy nhiên, trong cuộc sống vẫn còn có nhiều người có tấm lòng nhân hậu, sống tình nghĩa, biết yêu thương và san sẻ với những người xung quanh, biết thương cảm với những mảnh đời bất hạnh; những người này và những thông điệp tốt đẹp cần được chia sẻ và lan tỏa nhiều hơn trong cộng đồng để mọi người biết đến và học tập.

Mỗi chúng ta được tự lựa chọn cho mình cách sống, cách cư xử, cách làm người. Chính vì thế hãy sống hết mình để sau này nhìn lại không có gì phải hối tiếc và hãy sống với chủ nghĩa, tư tưởng: những điều cho đi là những điều còn mãi.

Nghị luận về lối sống ích kỉ Mẫu 5

Để có thể sống chân chính và ngẩng cao đầu tự hào về hai tiếng con người thì trên hành trình gian nan ấy, quả thực chúng ta cần cố gắng và nỗ lực rất nhiều. Chúng ta cần có bản lĩnh, trái tim nhân hậu vị tha và đặc biệt là biết cách giết chết con rắn độc “ích kỉ” đang ẩn náu trong tâm hồn mỗi người. Hãy xóa bỏ nó ngay nếu bạn không muốn mình trở thành một con người sống mà chỉ biết lấy bản thân mình .

Lòng ích kỉ là sự vị kỉ cá nhân, là thái độ và suy nghĩ chỉ biết vì lợi ích cá nhân, chỉ biết mưu mô, toan tính và sân si với những lợi ích của bản thân, không biết cách sống cho - nhận một cách hài hòa cân đối. Dĩ nhiên, là con người chưa bao giờ là hoàn hảo cả, tuy nhiên đừng cứ trách cuộc đời hay méo mó, sao ta không tròn tự trong tâm. Vậy nên, lòng ích kỉ là một con rắn độc nó luôn âm thầm luồn lách vào bên trong tâm hồn bạn, chỉ cần chút sơ hở nó sẽ chiến thắng và bạn sẽ bị nó khuất phục.

Ai cũng đều muốn mang lợi ích về mình, đều nghĩ cho bản thân trong những tình huống phải tính toán hơn thiệt, điều ấy sẽ gây ra lòng ích kỉ. Sự ích kỉ sẽ đến khi khát vọng biến thành tham vọng, khi cá nhân không thể suy nghĩ cho cộng đồng, khi cái tôi chiến thắng và át chế cái ta chung. Lòng ích kỉ khiến ta chỉ biết nghĩ cho bản thân, thành ra quanh co với những ham muốn cá nhân, đánh mất mình trong vòng xoáy của lợi ích và thù hận. Lòng ích kỉ sẽ gây ra tâm lí đố kị, ghen ghét với những ai đạt được thành công hay hạnh phúc hơn mình, từ đó muốn tìm mọi cách để chiến thắng đối phương, dùng mọi thủ đoạn để hạ gục đối thủ. Do vậy tâm hồn không bao giờ được thanh thản nhẹ nhõm thậm chí còn thấy áp lực và mệt mỏi vì quay cuồng và bị sai khiến bởi lòng tự ái. Bản thân với cái tôi đề cao quá cao sẽ đánh mất mình giữa cộng đồng và nhân quần rộng lớn. Rồi dần dần sẽ mất đi tình đồng loại nhân cách cao thượng và sự vị tha của tâm hồn. Đẩy ta gần hơn dưới hố sâu của tội lỗi và cơn cuồng nộ của tranh đấu, giành giật. chính vì thế, con người dễ bị sa ngã, xói mòn và băng hoại về đạo đức, chết dần chết mòn đi vì những lợi ích ti tiện và tầm thường của cá nhân, chạy theo những giá trị nhất thời mà mất đi giá trị và tâm hồn cao quý của loài người.

Hãy nhìn những con người cứ mãi quanh quẩn trong vòng danh lợi, đấu đá và ganh ghét lẫn nhau xem, họ đã bị cộng đồng xa lánh, từ chối bởi cá nhân chỉ có thể hòa hợp với cộng đồng khi biết cân đối, hài hòa giữa cống hiến và hưởng thụ. Sự ích kỉ cũng là một biểu hiện của việc muốn hưởng thụ vậy. Thử hỏi, nếu ai cũng sống bằng lòng ích kỉ, cũng sống với cái tôi cao ngất ngưởng ấy, xã hội và nhân quần sẽ đi về đâu. Liệu còn đâu làm điểm tựa cho sự bền vững được chăng. Một người chỉ biết có ích kỉ, chỉ biết có cá nhân sẽ sớm bị đào thải, bị xa lánh và tấy chay với những tham vọng và ham muốn vô độ của bản thân.

Nhưng để có thể sống cống hiến, hi sinh, vị tha mà không tham sân si với những lợi ích tầm thường, dễ dãi cần phải là người có bản lĩnh, nhân cách cao thượng. biết hi sinh, chấp nhận mình vì mọi người, mình không là duy nhất, cần hiểu rõ vai trò của cá nhân trong mối quan hệ với cộng đồng. không quá tham lam và thái độ cố hữu, bảo thủ, đấy cũng là một hướng sáng để bạn mở ra cánh cửa của tình yêu trong trái tim.

Còn gì cao quý và hãnh diện hơn cho một thái độ sống vị tha, cống hiến quên mình. Không phải lúc nào ta cũng là duy nhất, ta cần yêu quý bản thân nhưng đó không có nghĩa là bạn được phép sống ích kỉ. Thật vui biết bao khi một trái đất ngập tràn yêu thương và lòng ích kỉ trở thành biển hồ chết.

C. Đoạn văn nghị luận về thói ích kỉ

Đoạn văn 200 chữ nghị luận về lối sống ích kỉ Mẫu 1

Lối sống ích kỉ là một thuật ngữ không còn xa lạ với chúng ta. Đây là một vấn đề nan giải trong xã hội, mà từ khi xuất hiện cho đến nay đã rất lâu rồi, nhưng vẫn chưa có biện pháp giải quyết triệt để. Những người có lối sống ích kỉ, là những người luôn chỉ biết nghĩ cho bản thân mình, không quan tâm đến người khác. Họ chỉ muốn nhận thêm, lấy thêm chứ không hề chia sẻ cho người khác. Sự ích kỉ đó khiến hỏ tự đóng bản thân lại trong một cái hộp kín, tách biệt với tập thể, trở thành một người cô độc, thậm chí là bị tẩy chay. Bởi chẳng ai muốn giao lưu, kết bạn với một người ích kỉ cả. Không chỉ vậy, những người có tính cách như vậy, còn dễ dẫn đến các hành động, suy nghĩ xấu xa nhằm thỏa mãn tham vọng của bản thân, bất chấp việc gây bất lợi cho người khác. Để đẩy lùi hiện tượng này, chúng ta cần đặt nặng vấn đề giáo dục sự yêu thương, chia sẻ cho mỗi người ngay từ khi còn là một đứa trẻ. Chỉ khi bản thân một người biết yêu thương, biết chia sẻ và hiểu được ý nghĩa, niềm vui của điều đó, thì họ mới có thể từ bỏ lối sống ích kỉ. Lúc đó, chúng ta sẽ có một cộng đồng đoàn kết, ấm áp tình người.

Đoạn văn 200 chữ nghị luận về lối sống ích kỉ Mẫu 2

Chúng ta được sinh ra và lớn lên như ngày hôm nay dựa một phần rất lớn vào tình cảm yêu thương của mọi người xung quanh. Chính vì thế chúng ta cần sống tình nghĩa và bài trừ sự ích kỉ ra khỏi cuộc sống của mình. Ích kỉ là tính xấu, chỉ những người chỉ biết nghĩ đến bản thân mình và lợi ích của bản thân mà vô cảm, thờ ơ, lãnh đạm, không quan tâm trước nỗi đau khổ, bất hạnh của người khác và luôn chỉ muốn người khác dành cho mình những điều tốt đẹp nhất. Lòng ích kỉ khiến ta chỉ biết nghĩ cho bản thân, thành ra quanh co với những ham muốn cá nhân, đánh mất mình trong vòng xoáy của lợi ích và thù hận. Lòng ích kỉ sẽ gây ra tâm lí đố kị, ghen ghét với những ai đạt được thành công hay hạnh phúc hơn mình, từ đó muốn tìm mọi cách để chiến thắng đối phương, dùng mọi thủ đoạn để hạ gục đối thủ. Sự ích kỉ không chỉ khiến con người tách rời xã hội mà nó còn khiến cho người đó trở nên tiêu cực hơn khi chỉ chăm chú vào những lợi ích của mình mà mặc kệ người khác, mặc kệ nỗi đau của đồng loại. Những người có lối sống, có nét tính cách này cần thay đổi bản thân, sống chan hòa, nghĩ đến mọi người nhiều hơn nếu muốn có cuộc sống tốt đẹp hơn. Tuy nhiên, chúng ta cũng phải nhắc đến những tấm gương sống có ích, chan hòa, giàu tình yêu thương mà chúng ta phải kể đến. Họ luôn hướng đến những lợi ích chung của con người, luôn muốn cống hiến những điều tốt đẹp nhất cho xã hội,… Những người này thật đáng tán dương, ca ngợi và học tập theo. Mọi sai lầm đều có thể sửa chữa, cách sống cũng có thể thay đổi nếu bản thân bạn thực sự muốn. Hãy trở thành một công dân tốt, yêu thương mọi người và sẵn sàng cho đi.

Đoạn văn 200 chữ nghị luận về lối sống ích kỉ Mẫu 3

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã từng viết: “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng. Để làm gì em biết không? Để gió cuốn đi…”. Câu nói khuyên nhủ con người sống có tình yêu thương, biết cho đi. Thế nhưng trong cuộc sống hiện nay vẫn còn có rất nhiều người sống ích kỉ. Ích kỉ là việc mỗi người chỉ biết nghĩ đến bản thân mình và lợi ích của bản thân mà vô cảm, thờ ơ, lãnh đạm, không quan tâm trước nỗi đau khổ, bất hạnh của người khác. Những người ích kỉ chỉ biết vun vén cho bản thân mình, luôn chỉ muốn người khác dành cho mình những điều tốt đẹp nhất. Người sống ích kỉ là những người luôn đặt lợi ích của bản thân lên hàng đầu, sẵn sàng vì lợi ích của bản thân mà không quan tâm đến người khác, thậm chí là sống thờ ơ, vô cảm. Họ không biết yêu thương, chan hòa, sẻ chia, giúp đỡ những người xung quanh, những người có hoàn cảnh khó khăn, không muốn cho đi chỉ muốn nhận những thứ, những điều tốt đẹp nhất về bản thân mình, không biết nhường nhịn người khác. Sự ích kỉ có những tác hại to lớn đối với cuộc sống của con người. Người ích kỉ sẽ không được mọi người yêu quý, tôn trọng, thậm chí nếu sự ích kỉ dẫn đến tham lam sẽ làm cho bạn bị người khác xa lánh. Tính ích kỉ sẽ đi kèm với những tính xấu khác như tham lam, nhỏ mọn,… dần dần sẽ khiến bản thân người ích kỉ trở thành một người xấu, cô độc. Tuy nhiên, trong xã hội vẫn còn có nhiều người có tấm lòng nhân hậu, sống tình nghĩa, biết yêu thương và san sẻ với những người xung quanh, biết thương cảm với những mảnh đời bất hạnh; những người này và những thông điệp tốt đẹp cần được chia sẻ và lan tỏa nhiều hơn trong cộng đồng để mọi người biết đến và học tập. Mỗi chúng ta chỉ được sống một lần duy nhất, hãy trở thành một người bao dung, rộng lượng, mang lại nhiều giá trị tốt đẹp cho người khác cũng như cho cuộc đời để sau này không có gì hối hận.

Đoạn văn 200 chữ nghị luận về lối sống ích kỉ Mẫu 4

Dẫu biết cuộc sống không phải một xứ sở diệu kì nơi sự tốt bụng và vị tha lên ngôi, vốn dĩ cuộc sống toàn một màu u ám. Nhưng cuộc sống với sự xuống cấp của đạo đức, bầu trời trong xanh chuyển dần thành màu xám đục, hỗn loạn và đầy vết bẩn một phần đóng góp không nhỏ chính vì sự ích kỉ và lòng tham của con người. Con người luôn kêu gào họ cô độc, họ không được quan tâm để ý nhưng chính họ lại chẳng hề mảy may đến người khác. Ích kỉ, ích kỉ và ích kỉ, nó tạo nên một xã hội toàn sự tư lợi và bất nhân. Bạn có biết về những quan chức cấp cao, họ luôn nói vì dân thương dân mà làm tất cả nhưng khi vén bức màn sự thật, tất cả chỉ là những kẻ đó đang nuôi “Hầu bao” ngày một lớn, sự ích kỉ và lòng tham xui khiến những con người không ngừng biến chất tha hóa. Có đôi lúc họ sống chỉ biết chăm chăm lợi ích của bản thân mà chà đạp lên tình thương, sự quan tâm và lợi ích của người khác. Cái đau đớn xót xa nhất của toàn nhân loại là loài người đa dần tách ra, trà đạp lẫn nhau để đạt được những thứ mình muốn. Ích kỉ dần trở thành một lối sống tiêu cực nên nó sẽ sinh ra sự thù hận và ghen ghét đố kị nếu ai đó có được nhiều lợi ích hơn mình. Người ta sẵn sàng vứt bỏ mọi thứ tình bạn tình yêu, tất cả những mối quan hệ mình có để đánh đổi một thứ lợi ích tầm thường không đáng. Nhưng có một sự ích kỉ trong cuộc sống được người ta thừa nhận đó chính là sự ích kỉ trong tình yêu. Tình yêu là thứ tình cảm giữa hai người, vốn dĩ không dành cho người thứ ba, chính vì vậy khi xuất hiện một điều trái lẽ tự nhiên, người ta sinh ra sự ích kỉ, sự sở hữu vốn có trong bản tình con người. Bên cạnh đó, chúng ta nên lên án mạnh mẽ những kẻ sống thờ ơ vô cảm như một anh thanh niên nhìn thấy một cụ già bị ngã nhưng không chịu dừng lại dù chỉ một phút để đỡ bà cụ dậy vì một lí do đơn giản: “Không thể đến lớp trễ, sẽ bị cô giáo phạt năng mất”. Hay những kẻ chỉ biết đến bản thân, không bao giờ nhường nhịn vì người khác. Ta nên chọn một loại thuốc hữu hiệu cho căn bệnh thế kỉ ấy để cuộc sống trở nên tươi đẹp.

-----------------------------------------------------------------------------------

Ngoài ra, mời các em tham khảo thêm các tài liệu Ngữ văn lớp 8 Sách mới khác do đội ngũ giáo viên VnDoc biên soạn, cùng các bài soạn văn chi tiết nhất tại Soạn Văn 8 Cánh Diều , Soạn Văn 8 Kết nối tri thức , Soạn Văn 8 Siêu ngắn Chân trời sáng tạo . Chúc các em học tập tốt!

Chia sẻ, đánh giá bài viết
41
Chỉ thành viên VnDoc PRO tải được nội dung này!
79.000 / tháng
Đặc quyền các gói Thành viên
PRO
Phổ biến nhất
PRO+
Tải tài liệu Cao cấp 1 Lớp
Tải tài liệu Trả phí + Miễn phí
Xem nội dung bài viết
Trải nghiệm Không quảng cáo
Làm bài trắc nghiệm không giới hạn
Mua cả năm Tiết kiệm tới 48%
Sắp xếp theo
    🖼️

    Gợi ý cho bạn

    Xem thêm
    🖼️

    Văn mẫu lớp 8 Sách mới

    Xem thêm