Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Nghị luận về nghiện game lớp 8

Nghị luận về vấn đề học sinh nghiện game online là tài liệu học tập bổ ích gồm gồm dàn ý và các bài văn mẫu hay được VnDoc biên soạn và sưu tầm nhằm giúp các em học sinh có thêm tư liệu tham khảo, củng cố kĩ năng nghị luận xã hội.

A. Nghị luận về nghiện game Dàn ý

Lập dàn ý Nghị luận về vấn đề nghiện game - Mẫu 1

1. Mở bài: Giới thiệu vấn đề cần nghị luận: học sinh nghiện game online.

(M: Một trong những vấn đề nổi cộm thu hút sự quan tâm của toàn dư luận hiện nay chính là tình trạng học sinh nghiện game online).

2. Thân bài

a. Thực trạng

  • Game online hay trò chơi điện tử là phương thức giải trí vô cùng phổ biến trên thị trường hiện nay với nhiều loại trò chơi khác nhau rất phong phú và đa dạng.
  • Đối tượng chơi game online bao gồm nhiều lứa tuổi, tầng lớp khác nhau từ học sinh đến người đi làm, cả nam và nữ. Tỉ lệ những người chơi game ngày càng gia tăng với tốc độ chóng mặt.
  • Tình trạng nghiện game online ở học sinh ngày càng nhiều, có nhiều trường hợp các em học sinh trốn học đi chơi điện tử bị gia đình phát hiện, cũng có nhiều trường hợp các em chơi game quên thời gian ảnh hưởng đến học tập và sức khỏe.

b. Nguyên nhân

  • Chủ quan: ham mê cá nhân của các em, tính hiếu thắng, muốn chứng minh bản thân mình tài giỏi và việc chưa nhận thức được tầm quan trọng của việc học tập cũng như hoàn thiện bản thân.
  • Khách quan: sự cuốn hút của trò chơi, sự quản lí lỏng lẻo từ gia đình, nhà trường,…

c. Hậu quả

  • Ảnh hưởng trực tiếp đến thị giác, sức khỏe, tiêu tốn nhiều thời gian.
  • Ảnh hưởng đến kết quả học tập, khi chơi những trò chơi bạo lực còn ảnh hưởng đến việc phát triển nhân cách,…

d. Giải pháp

  • Mỗi người cần biết tự hạn chế thời gian chơi điện tử của mình sao cho hợp lí nhất để không gây ảnh hưởng đến cuộc sống và công việc.
  • Gia đình và nhà trường cần có biện pháp kiểm soát, giám sát các em trong việc sử dụng internet và chơi các game online sao cho hợp lí.

3. Kết bài: Khái quát lại vấn đề nghị luận: học sinh nghiện game online và rút ra bài học, liên hệ bản thân.

Lập dàn ý Nghị luận về vấn đề nghiện game - Mẫu 2

1. Mở bài: Giới thiệu vấn đề cần nghị luận: hiện tượng nghiện game online.

2. Thân bài

a. Thực trạng

  • Thị trường Game online rất phổ biến và là một phương thức giải trí được ưa chuộng. Ngày càng có nhiều em nhỏ trong các độ tuổi khác nhau chơi các trò chơi online.
  • Mỗi ngày có hàng trăm nghìn tài khoản game được lập ra trong đó có rất nhiều tài khoản của các em học sinh khi game online phát triển cả về hình thức và chất lượng.
  • Nếu ngày trước, game online được chơi nhiều trên máy tính thì hiện nay các trò chơi điện tử này lại được phát triển rộng rãi trên điện thoại di động.

b. Nguyên nhân

  • Sự quản lí lỏng lẻo của cha mẹ: Các bậc phụ huynh bận rộn với công việc nên cách tốt nhất để con em mình ngoan ngoãn nghe lời đó là đưa cho chúng điện thoại hoặc laptop.
  • Tính tò mò cũng là yếu tố kích thích các em chơi game: thấy người lớn chơi game, nghe bạn bè kể về những câu chuyện trong game,…

c. Hậu quả

  • Sự ảnh hưởng đến quá trình phát triển trí tuệ của trẻ.
  • Nghiện game còn có thể gây ra các ảo giác khiến các em có những hành vi không đúng đắn: trộm cắp tiền bạc của gia đình để chơi game, giết hại người khác vì tưởng đó là đối thủ của mình trong game…
  • Ảnh hưởng đến mắt của các em, không ít những trường hợp hiện nay các em học sinh bị cận thị phải đeo kính từ rất sớm.

d. Giải pháp

  • Mỗi bậc phụ huynh hãy dành nhiều thời gian hơn cho con em của mình; hạn chế tối đa thời gian trẻ sử dụng điện thoại, máy tính, internet,…
  • Nhà trường và thầy cô cần phối hợp với phụ huynh tổ chức nhiều hơn các hoạt động ngoại khóa cũng như tuyên truyền, giáo dục trẻ về tác hại của game online.
  • Pháp luật cũng cần có thêm những quy định về các trò chơi điện tử, đặt ra giới hạn những trò chơi lành mạnh trẻ em được phép chơi và những trò dành cho người lớn.

3. Kết bài: Khái quát lại những tác hại của việc nghiện game online và rút ra bài học cho bản thân.

B. Nghị luận về nghiện game lớp 8 Ngắn gọn

Nghị luận về nghiện game Ngắn nhất Mẫu 1

Nghiện game online không phải là một vấn đề mới lạ trong cuộc sống hiện nay. Tuy nhiên, nó vẫn đang tồn tại và ngày một trầm trọng hơn, đặc biệt là với lứa tuổi học sinh.

Ngày nay, các trò chơi online ngày càng nhiều và hấp dẫn hơn. Các bạn học sinh có thể chơi nó ở trên điện thoại hoặc máy tính, ipad mọi lúc, mọi nơi mà không cần ra quán net như thế hệ trước. Vì vậy, việc các bạn học sinh mắc chứng nghiện game online ngày càng nhiều và nặng nề hơn. Tác hại của điều này thật quá rõ ràng. Trước hết, việc chăm chăm vào điện thoại, máy tính để chơi game quá nhiều khiến cho mắt và cơ thể của các bạn yếu dần đi. Việc giữ một tư thế quá lâu khi chơi game cũng ảnh hưởng không ít đến cột sống đang trong giai đoạn phát triển. Cùng với đó, việc dành quá nhiều thời gian để chơi game, sẽ làm giảm sự chú ý dành cho các hoạt động khác. Và tất nhiên, là các bạn ấy sẽ cắt bớt thời gian của việc học, giao lưu cùng bạn bè để chơi game. Khiến không chỉ chất lượng việc học bị giảm sút, mà các mối quan hệ xã hội khác cũng bị thu hẹp. Vì vậy, việc nghiện game online có thể xem là một căn bệnh cần phải chữa trị sớm. Để làm được điều này, gia đình và nhà trường cần quan tâm hơn đến các bạn học sinh. Đưa ra các biện pháp xử phạt, răn đe các trường hợp bỏ học để chơi game. Tăng cường tuyên truyền về tác hại của game online, hướng các bạn học sinh tới các hoạt động vui chơi, giải trí khác lành mạnh hơn. Tuy nhiên, quan trọng nhất, vẫn là ý thức của chính các bạn học sinh. Tự các bạn phải biết cân đối thời gian giữa việc học và vui chơi của mình, tránh gây ra các hậu quả đáng buồn.

Em tin rằng, chỉ cần các bạn học sinh thật sự cố gắng, nỗ lực thì việc đẩy lùi được vấn nạn nghiện game online trong môi trường học đường sẽ không còn xa vời nữa.

Nghị luận về nghiện game Ngắn nhất Mẫu 2

Game online thực ra là một trò chơi giải trí lành mạnh giúp cho đầu óc thư giãn và thoải mái sau những căng thằng. Nhưng hiện nay, game online đối với một số bạn trẻ đã không còn giữ được sự trong sáng đó nữa. Vấn đề nghiện game online đang khiến cho phụ huynh và rất nhiều người khác nhức nhối vì chưa giải quyết triệt để.

Game online là những trò chơi qua mạng Internet, với nhiều loại hình khác nhau, thoải mái cho bạn trẻ lựa chọn. Nếu chỉ chơi để giải trí thì nó không ảnh hưởng đến học hành nhưng nếu như nghiện, mê mẩn quá thì sẽ dẫn đến nhiều điều tai hại. Đó là nghiện game. Nghiện game được định nghĩa chính là sa vào trò chơi đó mà không thể thoát ra được, chìm đắm trong thế giới game, sao nhãng việc học tập cũng như khiến cho tinh thần không còn minh mẫn nữa.

Hiện nay tình trạng nghiện game online đang diễn ra rất nhiều, đặc biệt ở học sinh, sinh viên. Vì đây là lứa tuổi dễ bị sa vào những trò chơi vô bổ, chưa phải lo nghĩ nhiều đến tương lai, hoặc bị bạn bè dụ dỗ, lôi kéo cùng chơi. Game online nếu chơi không khoa học sẽ bị nghiện, chất nghiện nằm ở trong những trò chơi. Và không phải trò nào cũng có thể gây nghiện được.

Những quán game đang ngày càng mọc lên nhảm nhảm, ngoài phố, trong ngõ, đâu đâu cũng thấy game. Đây là một trong những điểm hút học sinh, sinh viên. Bản thân các em không kiềm chế được sự tò mò, kích thích của trò chơi mà sa vào.

C. Nghị luận về nghiện game Đoạn văn

Đoạn văn nghị luận về nghiện game - Mẫu 1

Chúng ta đang sống trong một xã hội ngày càng phát triển và tiến bộ mạnh mẽ về công nghệ thông tin. Tuy nhiên, sự phát triển và tiến bộ ấy có thật sự đem lại cho con người những lối sống và thói quen tốt? Một trong những vấn đề đáng chú ý hiện nay đó chính là vấn đề học sinh nghiện game online. Vậy “nghiện game” là hình thức gì mà lại khiến cuộc sống của chúng ta trở nên đảo lộn như vậy? Trước hết, “game” là tên gọi chung của những trò chơi điện tử có thể nhìn thấy trên nhiều thiết bị như tablet, smartphone, laptop, PC.. “Nghiện” là việc bị lệ thuộc hay sa đà quá nhiều vào game. Game là một phương tiện tuyệt vời giải tỏa căng thẳng, nhưng nghiện game thì rất tiêu cực. Ta có thể thấy rõ hình ảnh thực tế của một vài em học sinh có thể cầm chiếc điện thoại quay ngang hàng giờ đồng hồ, hay việc ngồi ì trước chiếc máy tính suốt cả một ngày. Quả thật, học sinh ghé thăm tiệm net còn nhiều hơn số lượng học sinh ghé vào những thư viện hay hiệu sách. Trước hết phải kể đến ý thức của một số người. Họ mải chơi, chán học hoặc có thể bị bạn bè dụ dỗ, rủ rê,.... Hiện tượng này có thể bắt nguồn từ phía gia đình khi con cái thiếu vắng sự động viên, quan tâm của bố mẹ. Việc chơi game dẫn đến suy giảm sức khoẻ thể chất và tinh thần. Còn nguy hiểm hơn đó chính là khi tiếp cận phải những game bạo lực, cổ súy cho những hành vi dại dột. Có thể chúng ta chưa thể quên được game cá voi xanh, còn được gọi là "Thử thách cá voi xanh" yêu cầu người chơi tự tử. Nghiện game dẫn đến sao nhãng việc học, bạn sẽ dễ dàng đánh mất tuổi trẻ và quãng đời học sinh đẹp đẽ của mình. Nghiện game là một hành vi hết sức nguy hiểm, vậy có biện pháp nào để chúng ta phòng tránh nó không? Trước tiên, chính bản thân mỗi người chúng ta phải xác định được rõ ràng việc chúng ta tìm đến game là một trò chơi giải trí cho vui, không được mê muội, đắm chìm vào nó quá nhiều. Bên cạnh đó, thay vì chơi game, chúng ta có thể tăng thêm trải nghiệm cho bản thân bằng nhiều cách như tham gia các hoạt động ngoại khóa,du lịch, cắm trại, làm việc tình nguyện,… Nhà trường cũng như gia đình phải có biện pháp để giáo dục và ngăn chặn kịp thời những thói quen xấu đó. Mỗi người trẻ cần nhận thức rõ tác hại của game online để tránh sa vào tình trạng đáng báo động.

Đoạn văn nghị luận về nghiện game - Mẫu 2

Với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ như hiện nay, trò chơi điện tử càng trở nên phổ biến trong xã hội, đặc biệt là đối với lứa tuổi học sinh, thanh – thiếu niên. Trò chơi điện tử là các trò chơi giải trí được chơi trên các thiết bị điện tử như tivi, máy tính, smartphone,… Trò chơi điện tử có hình thức khá đa dạng, độ hấp dẫn cao với hệ thống đồ họa kích thích thị giác, thao tác mượt mà, tạo hứng thú cho người chơi.. Như một tờ giấy có hai mặt, trò chơi điện tử khi được con người sử dụng vừa có những lợi ích tích cực, nhưng lại vừa tiềm ẩn những hậu quả tiêu cực. Về mặt tích cực, trò chơi điện tử là một dạng của hoạt động giải trí, giúp con người có thể thư giãn, giảm stress sau những giờ học, giờ làm việc mệt mỏi. Không chỉ vậy, trò chơi điện tử cũng có tác dụng kích thích tư duy, trí não và sự nhay nhạnh, nhạy cảm trong phản xạ của con người. Thế nhưng, do cách sử dụng chưa hợp lý của con người mà vô tình, trò chơi điện tử đã gián tiếp tạo ra những tệ nạn, thói xấu trong xã hội. Có thể lấy ví dụ là tình trạng nghiện game, nghiện chơi điện tử ở lứa tuổi học sinh. Rất nhiều em học sinh dành quá nhiều thời gian cho các trò chơi điện tử, thậm chí bỏ học, trốn học, ăn trộm tiền của bố mẹ, bạn bè để đi chơi điện tử, nạp thẻ game,… Tình trạng này gây ra hậu quả khôn lường, không chỉ ảnh hưởng đến tình hình học tập của học sinh mà còn ảnh hưởng đến quá trình phát triển nhân cách của con người, an ninh trật tự của xã hội. Chính vì vậy, mỗi chúng ta cần có cái nhìn đúng đắn về trò chơi điện tử và tạo cho mình lối sống văn minh, cao đẹp.

D. Nghị luận về vấn đề nghiện game

Nghị luận về nghiện game ở học sinh - Mẫu 1

Trong cuộc sống thường nhật, có rất nhiều vấn đề nóng nhận được sự quan tâm của dư luận. Một trong số đó phải kể đến là tình trạng nghiện Game online của trẻ em hiện nay.

Thực tế hiện nay thị trường Game online rất phổ biến và là một phương thức giải trí được ưa chuộng. Ngày càng có nhiều em nhỏ trong các độ tuổi khác nhau chơi các trò chơi online. Mỗi ngày có hàng trăm nghìn tài khoản game được lập ra trong đó có rất nhiều tài khoản của các em học sinh khi game online phát triển cả về hình thức và chất lượng. Nếu ngày trước, game online được chơi nhiều trên máy tính thì hiện nay các trò chơi điện tử này lại được phát triển rộng rãi trên điện thoại di động. Người chơi không cần phải ra quán net hay phải có máy tính, laptop nữa mà chỉ cần chiếc điện thoại cũng có thể trở thành game thủ chính hiệu.

Nguyên nhân của việc ngày càng nhiều trẻ em nghiện game online không thể không nhắc đến đó là sự quản lí lỏng lẻo của cha mẹ. Các bậc phụ huynh bận rộn với công việc nên cách tốt nhất để con em mình ngoan ngoãn nghe lời đó là đưa cho chúng điện thoại hoặc laptop. Việc các em thường xuyên tiếp xúc với các thiết bị này là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc chơi và nghiện game online. Ngoài sự quản lí lỏng lẻo của phụ huynh thì tính tò mò cũng là yếu tố kích thích các em chơi game: thấy người lớn chơi game, nghe bạn bè kể về những câu chuyện trong game,…

Hậu quả của việc nghiện game online đầu tiên phải kể đó là sự ảnh hưởng đến quá trình phát triển trí tuệ của trẻ khi mà trong suy nghĩ của các em lúc nào cũng hướng về game, bỏ qua lời dạy dỗ của thầy cô, cha mẹ. Không những thế, nghiện game còn có thể gây ra các ảo giác khiến các em có những hành vi không đúng đắn, thực tế có nhiều trường hợp trẻ em trộm cắp tiền bạc của gia đình để chơi game, giết hại người khác vì tưởng đó là đối thủ của mình trong game… Bên cạnh đó, việc chơi game nhiều sẽ ảnh hưởng đến mắt của các em, không ít những trường hợp hiện nay các em học sinh bị cận thị phải đeo kính từ rất sớm. Đó là những hậu quả tất yếu của việc nghiện game.

Để khắc phục tình trạng nghiện game online ở trẻ em cần lắm những sự chung tay của người lớn. Mỗi bậc phụ huynh hãy dành nhiều thời gian hơn cho con em của mình; hạn chế tối đa thời gian trẻ sử dụng điện thoại, máy tính, internet,…Nhà trường và thầy cô cần phối hợp với phụ huynh tổ chức nhiều hơn các hoạt động ngoại khóa cũng như tuyên truyền, giáo dục trẻ về tác hại của game online. Ngoài ra, pháp luật cũng cần có thêm những quy định về các trò chơi điện tử, đặt ra giới hạn những trò chơi lành mạnh trẻ em được phép chơi và những trò dành cho người lớn để bảo đảm hạn chế cho trẻ chơi các trò chơi bạo lực quá sớm.

Chơi game online để giải trí không xấu, nhưng để trẻ em chơi những trò chơi bạo lực và nghiện game là hành vi đáng bị lên án. Mỗi bậc phụ huynh hãy có cách dạy con thông minh để chúng phát triển tốt nhất và trở thành người có ích cho xã hội.

Nghị luận về nghiện game ở học sinh - Mẫu 2

Ngày nay, game online (hay còn gọi là trò chơi điện tử) đang dần tràn ngập vào nước ta và phạm vi ảnh hưởng ngày càng rộng ra. Do tính hiếu kì, sự tò mò và sự lôi cuốn hấp dẫn của trò chơi điện tử đã thu hút nhiều người chơi. Có không ít người không thể khống chế được sự ham thích, say mê khi tham gia chơi game, điều đó đã vô tình gây nên tình trạng “nghiện game” đáng bức xúc, nhất là ở lứa tuổi học sinh. Vậy thực trạng, nguyên nhân và biện pháp của nó như thế nào chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu nhé!

Trước tiên ta sẽ tìm hiểu về khái niệm của game và việc nghiện game là như thế nào? Game thực chất là từ của nước ngoài để chỉ một trò chơi điện tử trên máy tính, mang tính giải trí, thỏa mãn cơn căng thẳng. Nhưng nếu chơi game một cách hăng say, mê mẩn thì nghiện game sẽ đến; đó là hiện tượng quá đam mê, cuồng nhiệt, bỏ mặc mọi thứ xung quanh kể cả ăn uống nghỉ ngơi mà chỉ để chăm chú vào các trò chơi trên mạng. Điều này quả thật nguy hiểm!

Chơi game online là một hiện tượng rất phổ biến hiện nay. Hầu hết đều tập trung ở giới trẻ và chủ yếu là lứa tuổi học sinh từ lớp nhỏ đến đại học. Các hàng quán, tiệm Internet xuất hiện ngày càng nhiều, cũng vì thế mà số lượng học sinh chơi liên tục hàng giờ liền ngày càng tăng khủng khiếp. Đi dọc khắp các tiệm Internet, ta không khó để gặp học sinh đến đó không phải để tra cứu thông tin, tìm kiếm kiến thức phục vụ cho việc học mà lại ngồi chơi điện tử. Nhiều bạn còn ngồi suốt cả buổi chỉ để tập trung vào trò chơi trên vi tính. Các bạn quên chuyện cơm nước, thậm chí bỏ học chỉ để chơi, trong đầu lúc nào cũng chỉ tơ tưởng đến trò chơi điện tử vô bổ ấy khiến đầu óc mệt mỏi, người lờ đờ, uể oải. Đó quả là một thực trạng đáng báo động đỏ.

Vậy các bạn có biết lí do vì sao mà lứa tuổi học sinh lại chơi game nhiều như vậy không? Do trò chới điện tử có tính đa dạng, đủ mọi thể loại game nên nó đã thu hút, làm lôi cuốn nhiều giới trẻ vào cái thế giới nửa thực nửa hư ấy. Ngoài ra, do ý thức của các bạn chưa cao, chưa làm chủ được bản thân; hễ gặp một trò chơi mới và thú vị thì các bạn ấy sẵn sàng bỏ cả buổi học để chơi cho đến khi nào thỏa mãn mới thôi. Cũng có thể do bị bạn bè xấu lôi kéo vào những thú vui tiêu khiển không bổ ích này. Hoặc do cha mẹ quản lí lỏng lẻo, không quan tâm, đoái hoài gì đến việc học hành của con mình, chơi hay học như thế nào thì cũng mặc kệ. Nhiều bậc phụ huynh mải mê kiếm tiền lo cho cuộc sống mà lại quên đi mất thời giờ dành cho con, săn sóc cho con.

Trò chơi điện tử cũng có hai mặt của nó. Nếu mình biết kiềm chế, chơi điện tử với một thời gian hợp lý thì trò chơi điện tử giúp con người rèn luyện tính tư duy, nhạy bén, nhanh tay, nhanh mắt xử lí các tình huống thách đố một cách sáng tạo, khéo léo. Hơn thế nữa một số trò chơi điện tử du nhập từ nước ngoài vào, do đó khi chơi ta sẽ trau dồi được vốn từ vựng tiếng Anh, mở rộng hiểu biết của mình hơn với thế giới bên ngoài. Đồng thời trò chơi điện tử cũng giúp chúng ta thư giãn, giải tỏa những căng thẳng sau những giờ làm việc, học tập mệt mỏi. Nếu chúng ta biết tận dụng những mặt lợi của game thì nó quả thật rất bổ ích. Nhưng nếu chúng ta sa vào “nghiện game” thì nó sẽ gây ra nhiều tác hại khó lường, ghê gớm. Ngồi chơi liên tục nhiều giờ ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe, mệt mỏi, làm cho đầu óc căng thẳng vì phải tập trung vào các trò chơi; gây ra những bệnh về mắt như cận thị, loạn thị và những bệnh thần kinh ảnh hưởng đến khả năng tư duy, tiếp thu kiến thức của não như: đau đầu, chóng mặt. Không chỉ có thế, ham mê trò chơi điện tử còn dẫn đến việc học bị sao lãng. Các bạn nghiện game thường mải chơi, bỏ tiết, trốn học vì thế mà dẫn đến việc không thể hiểu bài, không làm được bài tập cho dù đó là dễ nhất. Từ đó dẫn đến việc học hành sa sút, vì khi nghiện thì đầu óc chỉ tập trung, mơ mộng đến trò chơi điện tử. Như vậy, vô tình việc nghiện game đã làm hủy hoại tương lai chính mình. Ngoài ra, chơi game hạng nặng còn dễ tạo ảo giác vì những cảnh bạo lực, chém giết nhau. Hơn nữa ham chơi điện tử còn tiêu tốn một khoản tiền một cách vô ích, có khi làm thay đổi quá trình hình thành nhân cách. Để có tiền chơi game thì lại ăn cắp tiền của cha mẹ, thậm chí trấn lột tiền của bạn bè, người ngoài để rồi bị vi phạm pháp luật.

Nghiện game là một việc hết sức nguy hiểm, vậy có biện pháp nào để chúng ta phòng tránh nó không? Trước tiên, chính bản thân mỗi người chúng ta phải kiên quyết xem game là một trò chơi giải trí cho vui, không được mê muội vào nó quá nhiều. Chúng ta cần phải tuyên truyền cho giới trẻ nên dành nhiều thời gian cho các hoạt động ngoại khóa như: du lịch, cắm trại, làm việc tình nguyện,… Nhà trường cũng như gia đình phải có biện pháp ngăn chặn kịp thời những thói quen xấu đó. Đồng thời các bậc phụ huynh cũng nên quan tâm tới chuyện học hành của con, dành nhiều thời gian săn sóc cho con hơn.

Tóm lại, trò chơi điện tử chỉ là thú vui mang tính giải trí, đừng lạm dụng và phụ thuộc vào cái trò chơi gây tác hại khó lường ấy. Bản thân mỗi chúng ta cần nâng cao ý thức về những mặt lợi, mặt hại của game online.

-----------------------------------------------------------------------------------

Ngoài ra, mời các em tham khảo thêm các tài liệu Ngữ văn lớp 8 Sách mới khác do đội ngũ giáo viên VnDoc biên soạn, cùng các bài soạn văn chi tiết nhất tại Soạn Văn 8 Cánh Diều , Soạn Văn 8 Kết nối tri thức , Soạn Văn 8 Siêu ngắn Chân trời sáng tạo . Chúc các em học tập tốt!

Chia sẻ, đánh giá bài viết
231
Sắp xếp theo
    🖼️

    Gợi ý cho bạn

    Xem thêm
    🖼️

    Văn mẫu lớp 8 Sách mới

    Xem thêm