Viết bài văn phân tích một tác phẩm văn học: Thu Điếu lớp 8

Viết bài văn phân tích một tác phẩm văn học: Thu Điếu lớp 8 với các bài văn mẫu hay và đa dạng sẽ giúp các em có thêm tài liệu tham khảo, để học tập tốt môn Ngữ văn 8.

Bản quyền tài liệu thuộc về VnDoc.
Nghiêm cấm mọi hành vi sao chép với mục đích thương mại.

1. Phân tích bài thơ Thu Điếu lớp 8

Thu Điếu hay còn được gọi là Câu cá mùa thu chính là một trong ba bài thơ về mùa thu nổi tiếng của nhà thơ Nguyễn Khuyến. Cho đến nay, đây vẫn được xem là một thi phẩm tiêu biểu về mùa thu của vùng quê Bắc Bộ, và về nghệ thuật sáng tác thơ thất ngôn bát cú Đường Luật của thơ ca trung đại Việt Nam.

Bài thơ đi theo cấu trúc quen thuộc của những bài thơ thất ngôn bát cú Đường Luật, với bố cục gồm bốn phần đề - thực - luận - kết. Trong đó, sáu câu thơ đầu sẽ tập trung khắc họa hình ảnh thiên nhiên, còn riêng hai câu thơ cuối sẽ là nơi tác giả gửi gắm những tình cảm, suy tư của chính mình.

“Ao thu lạnh lẽo nước trong veo,
Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo.”

Hai câu đề đã phác họa những nét đầu tiên, cơ bản nhất của bức tranh thiên nhiên mùa thu. Các tính từ lạnh lẽo, trong veo, tẻo teo đã gieo liên tục các vần “eo” - một vần có âm điệu kéo dài, rất giàu sức biểu cảm, gây ấn tượng dùng dằng, dài dòng không ngắt hẳn trong âm điệu. Với nhà thơ, mùa thu cũng có màu riêng của nó, đó là màu trong veo - một gam màu dịu nhẹ, thanh tao, thuần khiết vô ngần. Trong bầu không ấy, xuất hiện một mặt ao làm trung tâm. Những chiếc ao ở trong vườn chính là đặc trưng tiêu biểu của những ngôi nhà ở vùng đồng bằng Bắc Bộ. Giữa mặt ao, xuất hiện một chiếc thuyền câu bé tẻo teo. Sự nhỏ bé của chiếc thuyền vô tình làm rộng ra không gian xung quanh, không gian của mặt hồ. Gợi lên sự lạc lõng của chiếc thuyền trong không khí thu lạnh lẽo.

Sóng biếc theo làn hơi gợn tí,
Lá vàng trước gió sẽ đưa vèo.

Sau khi phác họa chung về mùa thu, nhà thơ Nguyễn Khuyến bước sang phần thực với những chi tiết giàu sức gợi, sức tả hơn về cảnh vật mùa thu. Đó là những gợn sóng trên mặt hồ mang màu “biếc”. Không rõ đó là màu xanh của nước hồ hay là màu xanh của mây trời trên cao kia soi bóng xuống. Nhưng chắc chắn một điều rằng, sắc xanh biếc ấy đã đem lại một không khí mát mẻ, dịu nhẹ, trong lành, rất hòa hợp với sắc trong veo của cả mùa thu được tả ở câu đề. Cùng với đó, là sự xuất hiện của “lá vàng”. Lá vàng là một hình ảnh mang tính ước lệ vô cùng quen thuộc trong thơ trung đại. Nhắc đến lá vàng là người ta nhớ ngay đến mùa thu. Chỉ một hình ảnh chiếc lá vàng bay trong gió, nhà thơ đã thành công khắc họa một hàng cây xơ xác trong gió thu, với những chiếc lá héo úa, run rẩy trong gió lạnh, chờ được thổi về với cội nguồn. Cách mượn một chi tiết nhỏ nhưng tiêu biểu và đặc trưng để tả cả một cảnh thiên nhiên rộng lớn ấy, chính là bút pháp chấm phá điểm nhãn đặc trưng trong thi pháp văn học trung đại. Tinh tế hơn nữa, chính là cách mà Nguyễn Khuyến miêu tả những chuyển động của các sự vật đó. Sóng biếc chỉ “hơi gợn tí”, lá vàng chỉ “khẽ đưa vèo”. Các chuyển động ấy đều rất nhẹ và rất khẽ, không đủ để phá vỡ không gian yên tĩnh xung quanh, nhưng cũng đủ để tạo nên những nhịp thở cho bức tranh mùa thu thêm phần sống động. Nhờ sự chuyên chú và nhạy cảm của mình, nhà thơ đã bắt được những biến chuyển tinh tế ấy, và khắc họa lại trong câu thơ. Cảnh mùa thu ấy không hoành tráng, to lớn mà rất bình dị, mộc mạc, dân dã. Đó là chính là chất quê, là hồn quê rất riêng, rất thuần của Nguyễn Khuyến - điều mà vàng son chốn kinh kì chẳng thể mờ phai được.

Tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt,
Ngõ trúc quanh co khách vắng teo.

Bước sang phần luận, bức tranh mùa thu lại được mở rộng hơn. Nếu ở các câu thơ trước, tác giả chủ yếu miêu tả theo chiều ngang, thì lúc này lại mở rộng thêm cả về chiều cao và chiều sâu. Ở trên cao xa kia, là những tầng mây lơ lửng, là nền trời xanh ngắt. Khác với màu xanh biếc dễ chịu của mặt ao, sắc xanh ngắt của nền trời là một màu xanh đậm hơn, rõ rệt hơn và không hề pha thêm một sắc nào khác trên diện tích rộng lớn. Điều đó làm cho bầu trời bỗng nhiên chẳng còn biên giới nào, dường như vô tận. Đây là một đặc trung rõ nét của bầu trời mùa thu - được nhà thơ miêu tả một cách trực tiếp, chân thực thay vì sử dụng các hình ảnh ước lệ thường gặp. Sau khi lên tít trên cao, Nguyễn Khuyến lại đi sâu vào đến tận cùng những ngõ ngách. Càng đi sâu ông càng nhận ra sự vắng vẻ, yên ả, tĩnh lặng của nơi này. Cùng với ao hồ, những ngõ nhỏ có tường rào là hàng trúc xanh cũng là nét đẹp tiêu biểu của làng quê Bắc Bộ. Hình ảnh ấy chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp ở bất kì một thôn xóm nào. Chỉ với hai câu luận, Nguyễn Khuyến đã mở rộng đến vô cùng cả ba chiều kích (chiều rộng, chiều cao và chiều sâu). Càng mở rộng, không gian càng thoáng đãng, bao la, nhưng cũng càng thêm trống trải, vắng vẻ, lạnh lẽo và cô đơn. Chính vì vậy, tầm mắt lại đành quay về trung tâm của bức tranh lúc ban đầu - chiếc thuyền trên mặt ao:

Tựa gối, buông cần lâu chẳng được,
Cá đâu đớp động dưới chân bèo.

Nhân vật trữ tình xuất hiện trong tư thế “tựa gối, buông cần” cho thấy ông đang thực hiện hành động câu cá, trên một chiếc thuyền con giữa ao thu. Dù câu đã lâu nhưng chẳng được con cá nào mắc câu cả, nhưng ông vẫn rất thảnh thơi, đủng đỉnh, không có chút gì là vội vàng. Có lẽ ông đang tận hưởng thiên nhiên mùa thu tươi đẹp xung quanh mình, chứ không phải tập trung để câu cá. Nhân vật trữ tình đã hòa làm một với thiên nhiên, đồng điệu vào bức tranh thu tĩnh lặng. Nét động duy nhất trong cảnh ấy chính là chú cá kiếm mồi dưới chân bèo. Nhưng cái động ấy thật sự quá bé nhỏ, không đủ để tạo nên một âm thanh hay biến động nào trên mặt nước như những cơn sóng biếc. Nhưng bởi vì không gian xung quanh tĩnh lặng, yên ắng quá đỗi, nên tác giả mới có thể cảm nhận được chuyển động tinh vi này. Đó chính là nghệ thuật lấy động để tả tĩnh. Lấy cái chuyển động bé nhỏ để làm bật lên cái tĩnh lặng của cả không gian rộng lớn. Rõ ràng là cá vẫn đang kiếm ăn ở dưới chân bèo, nhưng cần câu buông mãi lại không có cá cắn câu. Điều đó khiến em cho rằng thực ra dây câu chẳng hề có lưỡi câu, nên cá cứ bơi qua, bơi lại mãi vẫn chẳng mắc. Nhà thơ chỉ mượn việc câu cá, để được thư giãn, được thảnh thơi hòa mình vào không gian. Tại đây, ông để cho tâm hồn mình được lắng lại, để tự thẩm thấu những cô đơn, hiu quạnh trong nội tâm. Khi đất nước đứng trước cảnh lầm than, mà bản thân ông lại chẳng thể góp sức, hiện đang lánh đời ở một làng quê nhỏ. Nỗi lòng ấy của nhà thơ, khiến ông nhìn bức tranh thu quanh mình càng thêm trống trải, heo hắt. Bởi cái trống vắng và tĩnh lặng ấy đến từ chính bản thân ông. Mà người ta vẫn thường nói “Người buồn thì cảnh có vui bao giờ”.

Nhà thơ Nguyễn Khuyến thực sự là một nghệ sĩ tài hoa khi thuần thục sử dụng các thi pháp văn học trung đại một cách tinh tế vào từng câu thơ, như đăng đối, lấy tĩnh tả động, ước lệ, chấm phá điểm nhãn… Nhờ vậy, ông đã khắc họa nên một bức tranh mùa thu tuyệt đẹp với những đặc trưng của mùa thu đồng bằng Bắc Bộ. Cho đến nay, mùa thu vẫn luôn là một nàng thơ khiến biết bao thi sĩ ngợi ca, nhưng Thu Điếu của Nguyễn Khuyến vẫn luôn là một thi phẩm tiêu biểu khó có thể thay thế được.

2. Phân tích một bài thơ thất ngôn bát cú hoặc tứ tuyệt Đường luật Ngắn gọn

>> Tham khảo đầy đủ các bài văn ngắn gọn tại đây Viết bài văn phân tích một bài thơ thất ngôn bát cú hoặc tứ tuyệt Đường luật lớp 8 Ngắn gọn

3. Phân tích một bài thơ thất ngôn bát cú hoặc tứ tuyệt Đường luật Hay Nhất

>> Tham khảo đầy đủ các bài văn hay tại đây Viết bài văn phân tích một bài thơ thất ngôn bát cú hoặc tứ tuyệt Đường luật lớp 8

------------------------------------------------------------------------------------

Ngoài ra, mời các em tham khảo thêm các tài liệu Ngữ văn lớp 8 Sách mới khác do đội ngũ giáo viên VnDoc biên soạn, cùng các bài soạn văn chi tiết nhất tại Soạn Văn 8 Cánh Diều , Soạn Văn 8 Kết nối tri thức , Soạn Văn 8 Siêu ngắn Chân trời sáng tạo . Chúc các em học tập tốt!

Đánh giá bài viết
154 61.588
Sắp xếp theo

    Văn mẫu lớp 8 Sách mới

    Xem thêm