Hướng dẫn cảm thụ văn học lớp 3 bài Trận bóng dưới lòng đường

Cảm thụ văn học bài Trận bóng dưới lòng đường - Tiếng Việt lớp 3

Cảm thụ văn học lớp 3 bài Trận bóng dưới lòng đường là tài liệu tham khảo giúp các em học sinh có thêm nhiều vốn từ phong phú để cảm nhận tốt về bài đọc, hiểu được nội dung chính của bài văn. Tài liệu này sẽ giúp các em rèn luyện thêm kỹ năng viết văn và cách hoàn thành những bài văn cảm thụ hoàn chỉnh.

Cảm thụ văn học lớp 3 bài Trận bóng dưới lòng đường

Trận bóng dưới lòng đường

1. Trận đấu vừa bắt đầu thì Quang cướp được bóng. Quang bấm nhẹ bóng sang cánh phải cho Vũ. Vũ dẫn bóng lên. Bốn, năm cầu thủ đội bạn lao đến. Vũ ngần ngừ giây lát. Chợt nhận ra cánh trái trống hẳn đi, Vũ chuyền bóng cho Long. Long như chỉ đợi có vậy, dốc bóng nhanh về phía khung thành đối phương. Cái đầu húi cua của cậu bé chúi về phía trước. Bỗng một tiếng “kít…ít” làm cậu sững lại. Chỉ chút nữa thì cậu đã tông phải xe gắn máy. Bác đi xe nổi nóng làm cả bọn chạy tán loạn.

2. Nhưng chỉ được một lát, bọn trẻ hết sợ, lại hò nhau xuống lòng đường. Lần này, Quang quyết định chơi bóng bổng. Còn cách khung thành chừng năm mét, em co chân sút rất mạnh. Quả bóng vút lên, nhưng lại đi chệch lên vỉa hè và đập vào đầu một cụ già. Cụ lảo đảo, ôm lấy đầu và khuỵu xuống. Một bác đứng tuổi vội đỡ lấy cụ. Bác quát to:

– Chỗ này là chỗ chơi bóng à?

Đám học trò hoảng sợ bỏ chạy.

3. Từ một gốc cây, Quang lén nhìn sang. Bác đứng tuổi xuýt xoa, hỏi han ông cụ. Một chiếc xích lô xịch tới. Bác đứng tuổi vừa dìu ông cụ lên xe, vừa bực bội:

– Thật là quá quắt!

Quang sợ tái cả người. Bỗng cậu thấy cái lưng còng của ông cụ sao giống lưng ông nội thế. Cậu bé vừa chạy theo chiếc xích lô, vừa mếu máo:

– Ông ơi…cụ ơi…! Cháu xin lỗi cụ.

Cách đọc

Đọc với giọng kể chuyện, nhẹ nhàng, chậm rãi. Biết ngắt nghỉ đúng chỗ, nhấn giọng ở những từ ngữ gợi tả: dẫn bóng, ngần ngừ, dốc bóng, chúi, sững lại, nổi nống, lảo đảo, khuỵu xuống, xuýt xoa, xịch tới,… Biết đọc phân biệt lời dẫn chuyện với lời các nhân vật (bác đứng tuổi, Quang); bước đầu biết thay đổi giọng đọc cho phù hợp với nội dung từng đoạn.

Gợi ý cảm thụ

Tình huống truyện ở đây là tình huống bất ngờ: bất ngờ vì Long mải đá bóng suýt tông vào xe máy; bất ngờ vì Quang đá bóng trúng đầu cụ già đi đường; bất ngờ vì Quang thấy cái lưng còng của cụ rất giống ông nội mình.

Truyện bắt đầu bằng một tình huống giàu kịch tính, các bạn nhỏ say mê theo trái bóng ở dưới lòng đường. Nhan đề của câu chuyện đã xuất hiện mâu thuẫn, chơi bóng đá phải ở trong sân chứ sao lại ở dưới lòng đường, nơi có rất nhiều người qua lại?

Phần đầu câu chuyện, tác giả tường thuật lại trận bóng ngay từ phút bắt đầu với nhịp độ nhanh, khẩn trương, ráo riết. Hoạt động của người chơi bóng được miêu tả bởi một loạt các động từ: cướp được bóng, bấm nhẹ bóng sang cánh phải, dẫn bóng, lao đến, chuyền bóng, dốc bóng.

Trận bóng phải dừng lần đầu vì Long mải đá bóng suýt tông phải xe gắn máy. May mà bác đi xe dừng lại kịp. Bác nổi nóng khiến cả bọn chạy tán loạn. Lần thứ hai, sự cố xảy ra rất bất ngờ, Quang sút bóng chệch lên vỉa hè, đập vào đầu một cụ già qua đường, làm cụ lảo đảo, ôm đầu, khuỵu xuống. Nếu lần đầu, “cả bọn chạy tán loạn” vì sợ bác đi xe máy thì lần hai, “đám học trò hoảng sợ bỏ chạy”, chỉ còn cậu bé gây ra tội lỗi trốn dựa vào gốc cây “lén nhìn sang”, “sợ tái người” vì những chuyện động trời rất nguy hiểm do mình gây ra.

Quang có lỗi vì làm cụ già bị thương. Quang biết ân hận, đã chạy theo xích lô xin lỗi ông cụ. Quang là người giàu tình cảm, biết nhận ra lỗi của mình. Nhìn thấy cái lưng còng của cụ già, bạn thấy cụ giống ông nội mình. Bạn thương cụ, ân hận vì đã gây ra tai nạn đáng tiếc.

Lỗi lầm của Quang và các bạn có thể được thông cảm và tha thứ. Các bạn còn nhỏ tuổi, trẻ người non dạ, chưa thực hiện tốt nếp sống văn minh nơi công cộng. Chi tiết cuối cùng của câu chuyện rất xúc động, đố là những giọt nước mắt hối hận của Quang, và lời xin lỗi muộn mằn: “Ông ơi…cụ ơi…! Cháu xin lỗi cụ”.

Thông qua lời kể giản dị, chân thực, với nhiều cung bậc trạng thái cảm xúc, tác giả Nguyễn Minh muốn khuyên các em: tuyệt đối không chơi bóng dưới lòng đường vì sẽ gây tai nạn cho chính mình, cho người qua đường. Người lớn cũng như trẻ em đều phải tôn trọng luật giao thông, tôn trọng các luật lệ, quy tắc của cộng đồng. Không được làm phiền, gây hoạ cho người khác.

Ngoài tài liệu lớp 3 trên, các em học sinh có thể tham khảo thêm các dạng Đề thi học kì 1 lớp 3Đề thi học kì 2 lớp 3 mới nhất được cập nhật.

Đánh giá bài viết
1 153
Sắp xếp theo

    Tiếng Việt lớp 3 Chân trời

    Xem thêm