Lý thuyết Kinh tế và Pháp luật 10 Cánh diều bài 17
Chúng tôi xin giới thiệu bài Lý thuyết Kinh tế pháp luật lớp 10 bài 17: Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường sách Cánh diều hay, chi tiết cùng với bài tập trắc nghiệm chọn lọc có đáp án giúp học sinh nắm vững kiến thức trọng tâm, ôn luyện để học tốt môn Kinh tế pháp luật 10.
Bài: Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường
Phần 1. Lý thuyết Kinh tế pháp luật 10 bài 17
1. Quy định của Hiến pháp về kinh tế
- Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, phát huy nội lực, hội nhập, hợp tác quốc tế, gắn kết chặt chẽ với phát triển văn hoá, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ môi trường, thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.
- Nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo. Các thành phần kinh tế đều là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân. Các chủ thể thuộc các thành phần kinh tế bình đẳng, hợp tác và cạnh tranh theo pháp luật.
- Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện để doanh nhân, doanh nghiệp và cá nhân, tổ chức khác đầu tư, sản xuất, kinh doanh, phát triển bền vững các ngành kinh tế, góp phần xây dựng đất nước.
- Đất đai, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, nguồn lợi ở vùng biển, vùng trời, tài nguyên thiên nhiên khác và các tài sản do Nhà nước đầu tư, quản lí là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lí.
2. Quy định của Hiến pháp về văn hóa, giáo dục
- Về văn hoá, Hiến pháp năm 2013 khẳng định:
+ Mục đích, chính sách phát triển nền văn hoá ở Việt Nam là xây dựng và phát triển nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc và tiếp thu tinh hoa văn hoá nhân loại.
+ Nhà nước, xã hội phát triển văn học, nghệ thuật nhằm đáp ứng nhu cầu tinh thần đa dạng và lành mạnh của nhân dân, phát triển các phương tiện thông tin đại chúng cho nhu cầu thông tin của nhân dân, phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
+ Nhà nước, xã hội tạo môi trường xây dựng gia đình Việt Nam ấm no, tiến bộ, hạnh phúc, xây dựng con người Việt Nam có văn hoá, giàu lòng yêu nước, có ý thức thực hiện trách nhiệm công dân.
- Về giáo dục, Hiến pháp năm 2013 tiếp tục khẳng định:
+ Phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu nhằm nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài
+ Nhà nước ưu tiên đầu tư và thu hút các nguồn đầu tư khác cho giáo dục
+ Chăm lo phát triển giáo dục giáo dục mầm non
+ Đảo đảm giáo dục tiểu học là bắt buộc, Nhà nước không thu học phí
+ Từng bước phổ cập giáo dục trung học, phát triển giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp, thực hiện chính sách học bổng, học phí hợp lý
+ Nhà nước ưu tiên phát triển giáo dục ở miền núi, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn
+Ưu tiên sử dụng, phát triển nhân tài, tạo điều kiện để người khuyết tật và người nghèo được học văn hóa và học nghề.
3. Quy định của Hiến pháp về khoa học, công nghệ và môi trường
- Về khoa học, công nghệ, Hiến pháp năm 2013 khẳng định:
+ Phát triển khoa học, công nghệ là quốc sách hàng đầu, giữ vai trò then chốt trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
+ Nhà nước ưu tiên đầu tư và khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư nghiên cứu, phát triển, chuyển giao, ứng dụng có hiệu quả thành tựu khoa học và công nghệ, bảo đảm quyền nghiên cứu khoa học và công nghệ, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ.
+ Nhà nước tạo điều kiện để mọi người tham gia và được thụ hưởng lợi ích từ các hoạt động khoa học và công nghệ.
Phát triển khoa học, công nghệ là quốc sách hàng đầu
- Về môi trường, Hiến pháp năm 2013 quy định:
+ Nhà nước có chính sách bảo vệ môi trường, quản lý và sử dụng hiệu quả, bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên, bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học, chủ động phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu.
+ Nhà nước khuyến khích mọi hoạt động bảo vệ môi trường, phát triển, sử dụng năng lượng mới, năng lượng tái tạo.
+ Tổ chức, cá nhân gây ô nhiễm môi trường, làm suy kiệt tài nguyên thiên nhiên và suy giảm đa dạng sinh học phải bị xử lý nghiêm và có trách nhiệm khắc phục, bồi thường thiệt hại.
Sản xuất điện Mặt Trời tại Việt Nam
4. Thực hiện nghĩa vụ tuân theo Hiến pháp về kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường
- Để thực hiện nghĩa vụ tuân theo Hiến pháp về kinh tế, văn hoá, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường, mỗi người cần:
+ Chủ động tìm hiểu về nền kinh tế, các thành phần kinh tế theo quy định của Hiến pháp.
+ Tích cực tham gia các hoạt động, phong trào về văn hoá, bảo vệ, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hoá dân tộc; tiếp thu tinh hoa văn hoá nhân loại.
+ Nghiêm túc thực hiện các quy định của Hiến pháp về giáo dục để thực hiện tốt quyền và nghĩa vụ học tập của bản thân.
+ Tích cực nghiên cứu, trau dồi tri thức, chiếm lĩnh các tri thức khoa học.
+ Tự giác, hăng hái tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường do nhà trường, địa phương tổ chức.
Nhân dân tham gia bảo vệ môi trường
B. Trắc nghiệm Kinh tế pháp luật 10 bài 17
Câu 1. Hiến pháp năm 2013 quy định vấn đề phát triển bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu, an ninh năng lượng ở lĩnh nào?
A. Chính trị.
B. Môi trường.
C. Khoa học.
D. Công nghệ.
Hướng dẫn giải
Đáp án đúng là: B
Hiến pháp năm 2013 về môi trường đã thể hiện được những vấn đề mới của thời đại như vấn đề phát triển bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu, an ninh năng lượng… Cụ thể: Hiến pháp ghi nhận quyền được sống trong môi trường trong lành và nghĩa vụ bảo vệ môi trường của mọi người (Điều 42); Hiến pháp cũng quy định tổ chức, cá nhân gây ô nhiễm môi trường, làm suy kiệt tài nguyên thiên nhiên và suy giảm đa dạng sinh học phải bị xử lý nghiêm và có trách nhiệm khắc phục, bồi thường thiệt hại (Điều 63).
Câu 2. Hiến pháp năm 2013 khẳng định nền kinh tế Việt Nam có những đặc điểm gì?
A. Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
B. Nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế.
C. Kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo.
D. Cả A, B, C đều đúng.
Hướng dẫn giải
Đáp án đúng là: D
Hiến pháp năm 2013 khẳng định: Nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, trong đó kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo.
Câu 3. Mục đích, chính sách phát triển nền văn hoá ở Việt Nam là gì?
A. Xây dựng và phát triển nền văn hoá tiên tiến.
B. Đậm đà bản sắc dân tộc.
C. Tiếp thu tinh hoa văn hoá nhân loại.
D. Cả A, B, C đều đúng.
Hướng dẫn giải
Đáp án đúng là: D
Về văn hoá, Hiến pháp năm 2013 khẳng định mục đích, chính sách phát triển nền văn hoá ở Việt Nam là xây dựng và phát triển nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc và tiếp thu tinh hoa văn hoá nhân loại.
Câu 4. Hiến pháp năm 2013 tiếp tục khẳng định phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu với mục đích gì?
A. Nhằm nâng cao trình độ nhận thức, năng lực trí tuệ của nhân dân.
B. Phát triển nguồn nhân lực đất nước.
C. Bồi dưỡng nhân tài góp phần xây dựng đất nước.
D. Cả A, B, C đều đúng.
Hướng dẫn giải
Đáp án đúng là: D
Về giáo dục, Hiến pháp năm 2013 tiếp tục khẳng định phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu với mục đích “nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài”
Câu 5. Hiến pháp năm 2013 khẳng định lĩnh vực nào giữ vai trò then chốt trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước?
A. Văn hóa.
B. Chính trị.
C. Khoa học, công nghệ.
D. Môi trường.
Hướng dẫn giải
Đáp án đúng là: C
Về khoa học, công nghệ, Hiến pháp năm 2013 khẳng định phát triển khoa học, công nghệ là quốc sách hàng đầu, giữ vai trò then chốt trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Câu 6. Hiến pháp năm 2013 quy định Nhà nước quy định những nội dung gì sau đây về lĩnh vực môi trường?
A. Chính sách bảo vệ môi trường.
B. Quản lý và sử dụng hiệu quả, bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên.
C. Bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học.
D. Cả A,B, C đều đúng.
Hướng dẫn giải
Đáp án đúng là: D
Về môi trường, Hiến pháp năm 2013 quy định Nhà nước có chính sách bảo vệ môi trường, quản lý và sử dụng hiệu quả, bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên, bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học, chủ động phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu,…
Câu 7. Công dân cần có trách nhiệm gì trong việc thực hiện nghĩa vụ tuân theo Hiến pháp về kinh tế, văn hoá, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường?
A. Chủ động tìm hiểu về nền kinh tế, các thành phần kinh tế theo quy định của Hiến pháp.
B. Tích cực tham gia các hoạt động, phong trào về văn hoá, bảo vệ, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hoá dân tộc.
C. Nghiêm túc thực hiện các quy định của Hiến pháp về các lĩnh vựC.
D. Cả A, B, C đều đúng.
Hướng dẫn giải
Đáp án đúng là: D
Để thực hiện nghĩa vụ tuân theo Hiến pháp về kinh tế, văn hoá, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường, mỗi người cần chủ động tìm hiểu về nền kinh tế, các thành phần kinh tế theo quy định của Hiến pháp. Tích cực tham gia các hoạt động, phong trào về văn hoá, bảo vệ, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hoá dân tộc; tiếp thu tinh hoa văn hoá nhân loại. Nghiêm túc thực hiện các quy định của Hiến pháp về các lĩnh vực.
Câu 8. Nhà nước, xã hội phát triển văn học, nghệ thuật nhằm mục đích gì?
A. Đáp ứng nhu cầu tinh thần đa dạng và lành mạnh của nhân dân.
B. Phát triển các phương tiện thông tin đại chúng.
C. Đáp ứng nhu cầu thông tin của Nhân dân, phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốC.
D. Cả A, B, C đều đúng.
Hướng dẫn giải
Đáp án đúng là: D
Trích Điều 60 Hiến pháp năm 2013, về lĩnh vực văn hóa, Nhà nước, xã hội phát triển văn học, nghệ thuật nhằm đáp ứng nhu cầu tinh thần đa dạng và lành mạnh của Nhân dân; phát triển các phương tiện thông tin đại chúng nhằm đáp ứng nhu cầu thông tin của Nhân dân, phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Câu 9. Trong Hiến pháp quy định những nội dung nào sau đây về giáo dục?
A. Nhà nước ưu tiên đầu tư và thu hút các nguồn đầu tư khác cho giáo dục
B. Chăm lo giáo dục mầm non; bảo đảm giáo dục tiểu học là bắt buộc.
C. Phát triển giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp.
D. Cả A, B, C đều đúng.
Hướng dẫn giải
Đáp án đúng là: D
Trích Điều 61 Hiến pháp năm 2013, về giáo dục, Nhà nước ưu tiên đầu tư và thu hút các nguồn đầu tư khác cho giáo dục; chăm lo giáo dục mầm non; bảo đảm giáo dục tiểu học là bắt buộc, Nhà nước không thu học phí; từng bước phổ cập giáo dục trung học; phát triển giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp; thực hiện chính sách học bổng, học phí hợp lí.
Câu 10. Các nội dung về văn hoá, giáo dục được quy định tại Hiến pháp có ý nghĩa gì đối với đời sống của người dân và đất nước?
A. Giúp nâng cao đời sống người dân, đảm bảo cho người dân có một cuộc sống ấm no, đầy đủ.
B. Đáp ứng các nhu cầu cả về vật chất lẫn tinh thần của người dân.
C. Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
D. Cả A, B, C đều đúng.
Hướng dẫn giải
Đáp án đúng là: D
Các nội dung về văn hóa, giáo dục được quy định tại Hiến pháp có ý nghĩa:
- Giúp nâng cao đời sống người dân, đảm bảo cho người dân có một cuộc sống ấm no, đầy đủ, được đáp ứng các nhu cầu cả về vật chất lẫn tinh thần.
- Các chính sách này cũng nhằm mục đích xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
>>>> Bài tiếp theo: Lý thuyết Kinh tế và Pháp luật 10 Cánh diều bài 18
Trên đây là toàn bộ nội dung bài Lý thuyết Kinh tế và Pháp luật 10 bài 17: Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường sách Cánh diều. Các em học sinh tham khảo thêm Kinh tế & Pháp luật 10 Chân trời sáng tạo và Kinh tế & Pháp luật lớp 10 Kết nối tri thức. VnDoc liên tục cập nhật lời giải cũng như đáp án sách mới của SGK cũng như SBT các môn cho các bạn cùng tham khảo.