Một số trò chơi dân gian cho trẻ mầm non
TRÒ CHƠI DÂN GIAN VIỆT NAM CHO TRẺ 3, 4, 5 TUỔI
Để chuẩn bị tốt nhất cho chương trình Tết thiếu nhi 01/06, Tết Trung Thu... hay những ngày lễ khác, thầy cô giáo thường tổ chức những trò chơi dân gian thiếu nhi cho các em nhỏ, mang đến không khí vui tươi và gắn kết hơn. VnDoc.com mời các bạn tham khảo tài liệu Một số trò chơi dân gian cho trẻ mầm non trong bài viết này.
1. ĐẾM SAO
Đặc điểm trò chơi: Tập thể, nhóm đội
Cách chơi: Tất cả ngồi thành một vòng tròn, một người đứng ngoài vòng, phía sau lưng mọi người. Bắt đầu từ một người bất kỳ, vừa đi vừa hát:
Một ông sao sáng
Hai ông sáng sao
Tôi đố anh chị nào
Một hơi đếm hết
Từ một ông sao sáng
Đến 10 ông sáng sao.
Mỗi từ đập vào vai một người, đến từ sao cuối cùng, trúng vào người nào thì người ấy phải đọc một hơi không nghỉ: "Một ông sao sáng, hai ông sáng sao, ba ông sao sáng... Cho đến 10 ông sáng sao. Yêu cầu phải đếm một hơi không được ngừng và phải luân phiên "sao sáng" với "sáng sao" không được lộn. Số lẻ là "sao sáng" và số chẵn là "sáng sao". Nếu hết hơi hay đọc sai là bị phạt.
2. DUNG DĂNG DUNG DẺ
Đặc điểm trò chơi: Như một trò thể dục nhẹ cho các cháu từ 3 đến 6 tuổi
Cách chơi: Một người lớn đứng giữa, các cháu nhỏ đứng hai bên, tất cả nắm tay nhau vừa đi vừa đung đưa ra phía trước rồi ra sau theo nhịp bài đồng dao:
Dung dăng dung dẻ
Dắt trẻ đi chơi
Đến cửa nhà trời
Lạy cậu lạy mợ
Cho cháu về quê
Cho dê đi học
Cho cóc ở nhà
Cho gà bới bếp
Ù à ù ập
Ngồi xập xuống đây.
Đến câu "Ngồi xập xuống đây" thì tất cả cùng ngồi xổm một lát, rồi đứng dậy vừa đi vừa hát tiếp.
3. CHI CHI CHÀNH CHÀNH
Đặc điểm trò chơi: Tập thể, luyện nhanh nhẹn, phản xạ. Không đòi hỏi phải có sân chơi.
Đối tượng chơi: Nhi đồng
Cách chơi:
Một người đứng xòe bàn tay ra, các người khác giơ một ngón tay trỏ ra đặt vào lòng bàn tay đó, người đó đọc nhanh:
"Chi chi chành chành
Cái đanh thổi lửa
Con ngựa chết trương
Ba vương ngũ đế
Chấp dế đi tìm
Ù à ù ập."
Đến chữ "ập" thì người đó nắm tay lại, còn mọi người thì cố gắng rút tay thật mạnh, ai rút không kịp bị nắm trúng thì xòe ra, đọc câu đồng dao cho người khác chơi.
4. BỊT MẮT BẮT DÊ
Cách 1:
Đặc điểm trò chơi: Rèn luyện thính giác, óc phán đoán. Cần một sân rộng vừa đủ cho số lượng người chơi
Đối tượng chơi: Nhi đồng, thiếu nhi
Cách chơi:
Sau khi chơi trò chơi "Tay trắng tay đen" để loại ra 2 người. Hai người đó sẽ chơi oẳn tù tì, người thua sẽ bịt mắt đi tìm dê, người thắng làm dê.
Những người còn lại đứng thành vòng tròn. Người làm dê phải luôn miệng kêu "be, be" và né tránh người bị bịt mắt đang tìm cách bắt dê. Người làm dê không được chạy ra ngoài vòng tròn, nếu phạm luật sẽ bị bịt mắt. Khi nào người bịt mắt bắt được dê thì thay đổi người khác
Cách 2:
Sau khi chơi trò "Tay trắng tay đen" và "Oẳn tù tì", người thua sẽ phải bị bịt mắt và đi tìm dê, những người khác làm dê chạy nhảy xung quanh.
Những người làm dê phải luôn miệng kêu "be, be" hoặc trêu chọc người bị bắt làm dê, phải luôn né tránh người bị bịt mắt đang tìm cách bắt dê. Khi nào người bị bịt mắt chạm vào con dê nào thì người đó bị bịt mắt.
Sau khi dùng khăn tay bịt mắt, mọi người sẽ chạy xung quanh người bịt mắt bằng cách đập vào vai hay vuốt má người bị bịt mắt rồi chạy khi người đó chụp mình. Khi người bị bịt mắt chụp được người nào, phải đoán và nói tên người đó. Nếu nói đúng thì người bị bắt bị bịt mắt, nếu nói sai trò chơi tiếp tục như cũ. Người bị bắt có thể lừa người bị bịt mắt bằng cách khụy chân xuống giả làm người lùn hoặc kiễng chân lên cao, cốt làm sao cho người bị bịt mắt không đoán ra mình.
5. MÈO ĐUỔI CHUỘT
Chuẩn bị: Sân bãi bằng phẳng, rộng rãi.
Cách chơi:
- Cho trẻ đứng thành 2 vòng tròn, vòng tròn nhỏ bên trong, vòng tròn lớn bên ngoài. Một trẻ làm Mèo và một trẻ làm Chuột đứng quay lưng vào nhau trong vòng tròn nhỏ.
- Một trẻ vòng tròn trong, một trẻ vòng tròn ngoài đứng đối diện nắm hai tay nhau giơ cao làm thành hang.
- Khi nghe hiệu lệnh của cô, trẻ làm Chuột chạy trước và trẻ làm Mèo đuổi theo. Chuột chạy vào hang nào thì Mèo phải chạy vào hang đó. Trong khi đó, các trẻ làm hang đồng thanh đọc:
Đã là Mèo
Phải bắt Chuột
Bắt được Chuột
Là chén liền
Đã là chuột
Trông thấy Mèo
Phải chạy ngay.
- Khi Mèo bắt được Chuột ở hang nào thì hai trẻ làm hang đó đổi vai thành Mèo và Chuột, còn hai trẻ làm Mèo. Chuột sẽ nắm tay nhau làm hang.
*Yêu cầu:
- Cô cho trẻ đổi vai cho nhau đến hết số trẻ được làm Mèo hoặc Chuột.
- Cho trẻ chơi liên tục 10 – 15 phút không hạn chế số lần chơi của trẻ.
6. RỒNG RẮN LÊN MÂY
Chuẩn bị:
- Sân bãi rộng rãi, bằng phẳng.
Cách chơi:
- 1 trẻ đóng vai "ông chủ" và ngồi một chỗ.
- Những trẻ còn lại nối đuôi nhau thành hàng dài, đi vòng vèo trong sân, vừa đi vừa đọc:
'Rồng rắn lên mây
Có cái cây lúc lắc
Có cái nhà điểm binh
Có ông chủ ở nhà không?"
- Khi đọc đến câu "Có ông chủ ở nhà không?" trẻ d ừng lại trước mặt "ông chủ" có thể trả lời "có hoặc không". Nếu "ông chủ" trả lời "không" trẻ sẽ di tiếp, vừa đi vừa đọc những câu trên. Nếu "ông chủ" trả lời "có" cả nhóm trả lời những câu hỏi xin của "ông chủ".
Ông chủ: Cho xin khúc đầu?
Cả nhóm: Những xương cùng xẩu
Ông chủ: Cho xin khúc giữa?
Cả nhóm: Chả có gì ngon
Ông chủ: Cho xin khúc đuôi?
Cả nhóm: Tha hồ mà đuổi.
- Sau câu "Tha hồ mà đuổi", "ông chủ" chạy đuổi bắt cho được "khúc đuôi" (người cuối cùng) còn cả nhóm sẽ chạy tránh, người đứng đầu nhóm dang hai tay che chở cho cả nhóm không bị bắt. Nếu trẻ làm "ông chủ" bắt được "khúc đuôi" thỉ trẻ đổi vai và chơi lại từ đầu.
* Yêu cầu: Cho trẻ chơi liên tục trong khoảng thời gian 10 – 15 phút, không hạn chế số lần chơi của trẻ.
7. ĐUA THUYỀN
Chuẩn bị: Sân bãi rộng rãi, bằng phẳng.
Cách chơi:
- Chia trẻ thành các nhóm nhỏ (mỗi nhóm 7 – 8 trẻ, có thể chia nhóm trẻ trai, gái riêng).
- Cô cho trẻ ngồi thành hàng dọc theo từng nhóm, trẻ ngồi sau cặp chân vào hết vòng bụng của trẻ ngồi trước thành một chiếc thuyền đua.
- Khi nghe hiệu lệnh của cô, tất cả các thuyền đua dùng sức hai tay của tất cà các thành viên trong nhóm nâng cơ thể lên và tiến về phía trước cho đến đích.
* Yêu cầu:
- Các thuyền đua phải cố gắng bám chặc vào nhau để không bị đứt thuyền khi đang di chuyển.
- Cô có thể chuẩn bị các giải thưởng để thưởng cho các đội về 1, 2, 3.
8. CHIM BAY CÒ BAY
Đặc điểm trò chơi: Tập thể, luyện sự chú ý và phản xạ tốt, tập thể dục nhẹ nhàng. Cần một khoảng sân rộng mỗi chiều chừng 5m.
Đối tương chơi: Nhi đồng
Cách chơi:
Mọi người đứng chung quanh tạo thành một vòng tròn, một người điều khiển trò chơi đứng giữa. Người điều khiển hô "chim bay" đồng thời nhảy bật lên, giang hai cánh tay như chim đang bay. Cùng lúc đó mọi người phải làm động tác và hô theo người điều khiển. Nếu người điều khiển hô những vật không bay được như "nhà bay" hay "bàn bay" mà người nào làm động tác bay theo người điều khiển hay những vật bay được mà lại không làm động tác bay thì sẽ bị phạt bằng cách lò cò một vòng bên ngoài vòng tròn. Trong lúc người bị phạt lò cò, mọi người có thể vừa vỗ tay vừa hát các câu đồng dao có ý chọc bạn như:
Xấu hổ
Lấy rổ mà che
Lấy nong mà đậy
Lấy chày đập bóng.
Để lôi cuốn hơn, có thể biến tấu thêm phần "cá lặn" hay "tàu lặn, vịt lặn"... để xem kẽ với trò "Chim bay, cò bay"
9. CÁ SẤU LÊN BỜ
Đặc điểm trò chơi: Chơi tập thể nhóm, đội. Luyện tập phản xạ nhanh nhẹn. Cần một sân chơi vừa đủ, khoảng 20m2.
Cách chơi:
Vạch 2 đường vạch cách nhau từ 3m trở lên tùy độ tuổi của nhóm chơi làm bờ. Người "bị" sẽ làm cá sấu đi lại ở giữa 2 vạch đó và tìm bắt người ở dưới nước hoặc có một chân ở dưới nước. (Tức thò 1 chân ra khỏi vạch hay nhảy ra khỏi vạch)
Những người còn lại đứng ngoài hai bên vạch, nghĩa là đứng trên bờ vừa chọc tức cá sấu bằng cách đợi các sấu ở xa thì thò một chân xuống nước vừa vỗ tay hát "cá sấu, cá sấu lên bờ".
Khi nào cá sấu quay lại thì lại nhảy lên bờ. Người nào nhảy lên không kịp bị cá sấu bắt được phải thay làm các sấu. Nếu cá sấu bắt được một lúc hai người, thì 2 người đó sẽ xác định ai sẽ làm cá sấu qua trò chơi oẳn tù tì.
Nếu cá sấu không nhanh nhẹn khi bắt người khác thay thế thì bị làm cá sấu đến lúc "chảy nước mắt cá sấu" hay mệt quá thì thôi.
Trò chơi lại quay về lại ban đầu để tìm con cá sấu khác
10. CÁO VÀ THỎ
Mục đích:
- Rèn luyện phản xạ nhanh, khéo léo.
- Phát triển ngôn ngữ.
Chuẩn bị: Khoảng sân hoặc lớp trống.
Luật chơi: Mỗi chú thỏ (1 bạn chơi) có một cái hang (1 bạn chơi khác đóng). Thỏ phải nấp vào đúng hang của mình. Chú thỏ nào chậm chân sẽ bị cáo bắt hoặc chạy về nhầm hang của mình sẽ bị ra ngoài một lần chơi.
Cách chơi:
Chọn một cháu làm cáo ngồi rình ở góc lớp. Số trẻ còn lại làm thỏ và chuồng thỏ. Cứ mỗi trẻ làm thỏ thì có một trẻ làm chuồng. Trẻ làm chuồng chọn chỗ đứng của mình và vòng tay ra phía trước đón bạn khi bị cáo đuổi. Trước khi chơi, cô yêu cầu các chú thỏ phải nhớ đúng chuồng của mình. Bắt đầu trò chơi, các chú thỏ nhảy đi kiếm ăn, vừa nhảy vừa giơ bàn tay lên đầu vẫy vẫy (giống tai thỏ) vừa đọc bài thơ:
Trên bãi cỏ
Chú thỏ con
Tìm rau ăn
Rất vui vẻ
Thỏ nhớ nhé
Có cáo gian
Đang rình đấy
Thỏ nhớ nhé
Chạy cho nhanh
Kẻo cáo gian
Tha đi mất.
Khi đọc hết bài thì cáo xuất hiện, cáo "gừm, gừm" đuổi bắt thỏ. Khi nghe tiếng cáo, các chú thỏ chạy nhanh về chuồng của mình. Những chú thỏ bị cáo bắt đều phải ra ngoài một lần chơi. Sau đó, đổi vai chơi cho nhau.
Lưu ý: Thời gian cáo xuất hiện luôn thay đổi (có khi mới đọc được nửa bài hoặc mấy câu) để trẻ tập phản xạ nhanh.