Châu Á là nơi ra đời của nhiều tôn giáo lớn trên thế giới: Ấn Độ giáo, Phật giáo, Ki-tô giáo và Hồi giáo.
Phật giáo và Ấn Độ giáo được ra đời ở khu vực Nam Á.
Ki-tô giáo và Hồi giáo được ra đời ở khu vực Tây Á.
Bốn tôn giáo lớn đóng vai trò đáng kể trong lịch sử văn hóa nhân loại. Đó là những tôn giáo xuất hiện từ thời xa xưa ở châu Á. Ấn Độ giáo ra đời vào thế kỉ đầu của thiên niên kỉ thứ nhất trước Công nguyên, Phật giáo ra đời vào thế kỉ VI trước Công nguyên. Trên vùng Tây Á, Ki-tô giáo được hình thành từ đầu Công nguyên (tại Pa-le-xtin) và Hồi giáo vào thế kỉ VII sau Công nguyên (tại A-rập Xê-út). Mỗi tôn giáo thờ một hoặc một số vị thần khác nhau. Các tôn giáo đều khuyên răn tín đồ làm việc thiện, tránh điều ác.
Tôn giáo có thể được định nghĩa là một hệ thống các văn hoá, tín ngưỡng, đức tin bao gồm các hành vi và hành động được chỉ định cụ thể, các quan niệm về thế giới, thể hiện thông qua các kinh sách, khải thị, các địa điểm linh thiêng, lời tiên tri, quan niệm đạo đức, hoặc tổ chức, liên quan đến nhân loại với các yếu tố siêu nhiên, siêu việt hoặc tâm linh. Tuy nhiên, hiện tại chưa có sự đồng thuận học thuật về những gì chính xác cấu thành một tôn giáo.