Phân tích bài thơ Phản chiêu hồn
Văn mẫu: Phân tích bài thơ Phản chiêu hồn được VnDoc.com tổng hợp và sưu tầm gồm các bài văn mẫu lớp 10 hay dành cho các em học sinh tham khảo, củng cố kỹ năng cần thiết cho bài kiểm tra viết môn Ngữ văn 10 sắp tới đây của mình. Mời các em học sinh cùng tham khảo chi tiết và tải về tại đây nhé.
Phân tích tác phẩm Phản chiêu hồn
Bài thơ “Phản chiêu hồn” là một bài thơ có tứ độc đáo. Sự lưu truyền của bài thơ mấy trăm năm qua đã khẳng định giá trị tư tưởng và nghệ thuật của nó. Bài thơ giàu giá trị hiện thực và giá trị nhân đạo cao cả.
Khuất Nguyên là nhà thơ yêu nước vĩ đại của Trung Quốc thế kỷ IV trước Công nguyên. Thời đại Khuất Nguyên sống được gọi là thời Chiến Quốc, khi mười hai nước lớn thời Xuân Thu đã hợp thành bảy nước lớn hơn tranh giành quyền binh, đánh lẫn nhau để rồi đến năm 221 trước công nguyên, Tần Thủy Hoàng thôn tính tất cả, thống nhất Trung Quốc lập ra nhà Tần. Nước Sở, Tổ quốc của Khuất Nguyên từng là xứ sở hùng mạnh nhưng lúc đó bắt đầu suy vong. Sở Hoài Nguyên lúc đầu trọng dụng Khuất Nguyên do tài năng và dòng dõi của ông, sau khi bọn gian thần gièm pha, vì những cải cách chính trị của ông đề ra ngày càng mâu thuẫn với quyền lợi của bọn chúng. Khuất Nguyên bị Sở Hoài Nguyên ruồng bỏ, thậm chí bắt ông đi đày xuống phương Nam. Suốt những năm phiêu bạt, Khuất Nguyên vẫn một lòng trung thành với lý tưởng của mình, hướng về nhân dân, đất nước. Năm 287 trước công nguyên, Sính Đô là kinh thành nước Sở bị quân Tần đánh chiếm và tàn phá, nước Sở trước nguy cơ bị diệt vọng, Khuất Nguyên tuyệt vọng, ông nhảy xuống sông Mịch La tự vẫn. Tống Ngọc, một danh sĩ thời Chiến Quốc, học trò của Khuất Nguyên thương thầy mà gọi hồn về, đó là quan điểm tôn sư trọng đạo. Nguyễn Du viết bài Phản Chiêu hồn không phải chống lại Tống Ngọc thương thầy gọi hồn về. Nguyễn Du cũng xuất phát từ lòng thương vô hạn đối với Khuất Nguyên nhưng lại ở khía cạnh khác.
Khuất Nguyên để lại nhiều tác phẩm thơ ca bất hủ như Ly Tao, Thiên vấn, Cửu chương, cửu ca… Đó là những tác phẩm văn học có giá trị nghệ thuật và tư tưởng lớn, thể hiện tinh thần yêu nước và tâm hồn cao đẹp của Khuất Nguyên, trở thành mẫu mực của văn học qua nhiều thời đại về sau.
Nguyễn Du đồng cảm với Khuất Nguyên vì hai ông đều có những hoàn cảnh bất đắc chí. Sự thối nát của xã hội thời Khuất Nguyên có khác gì sự mục ruỗng của chế độ phong kiến cuối thế kỷ XVIII thời Nguyễn Du sống. Đây là sự đồng cảm tâm hồn của hai nhà thơ lớn cách nhau hai nghìn năm. Có thể nói chỉ có thiên tài Nguyễn Du mới viết được bài thơ sâu sắc cả giá trị hiện thực và giá trị nhân đạo như bài “Phản chiêu hồn”.
Theo Nguyễn Du cái xã hội hiện thời đã trở nên xa lạ, dù là một mảnh hồn cũng không một chốn dung thân. Theo Nguyễn Du thì Khuất Nguyên cao khiết quá, trong sáng quá đến nỗi không có người tri kỷ, đồng hành. Bài Phản Chiêu Hồn đề cập đến một số vấn đề lớn của xã hội với mong muốn hồn Khuất Nguyên không nên trở về. Vì trở về nơi không xứng đáng với tấm lòng trong sạch của Khuất Nguyên.
Hồn ơi! Hồn ơi! Sao không về?
Đông,Tây,Nam, Bắc không có nơi nào nương tựa đâu!
Lên trời, xuống đất đều không được
Về đất Yên đất Dĩnh mà làm gì?
Thành quách vẫn như cũ, nhưng nhân dân đã khác rồi,
Bụi bay mù mịt bẩn cả quần áo.
Nguyễn Du đã miêu tả lại cảnh tượng hiện nay nơi đất nước Khuất Nguyên từng sống, thật bi đát và tang thương. Trước hết là bọn cầm quyền sống xa hoa, cậy quyền, ỷ thế, ra đường thì vênh vang xe ngựa, về nhà thì vỗ ngực đứng ngồi bàn tán tự coi mình là bậc cao nhân, tài đức thời thịnh như Nghiêu Thuấn. Nhưng lột cái vỏ bề ngoài của chúng đi thì bên trong là nọc độc, nanh vuốt, cắn xé người ngọt xớt…
Họ đi ra ngựa ngựa xe xe, họ ở nhà vênh vênh váo váo
Đứng ngồi bàn tán tựa như ông Cao, ông Quỳ.
Hồn không thấy mấy trăm châu ở Hồ Nam đó sao?
Chỉ có những người gầy gò, không ai béo tốt.
Những loại người này không phải chỉ có số lượng ít, chúng ở khắp nơi khắp chốn. Tiếp đến đối lập với chúng là những dân đen mà Khuất Nguyên yêu mến, bảo vệ. Họ cũng khác xưa ở sự nghèo khổ suốt miền Hồ Nam toàn những người gầy gò, chẳng có ai béo tốt. Họ đang sống trong cảnh bị thống trị đã mất niềm tin và ngột ngạt, nếu Khuất Nguyên có trở về thì họ cũng cho ông không hiểu gì cả.
Một xã hội đen tối như thế, chỗ nào cũng thấy Thượng Quan và ở đâu trên mặt đất cũng là sông Mịch La. Nếu Khuất Nguyên trở về có thể coi là lỗi thời. Vì sau thời Tam Hoàng không còn tồn tại cách sống trung nghĩa! Nếu hổ báo trên rừng không ăn thịt thì cá dưới nước cũng rỉa xác đến chết.
Với những hình ảnh miêu tả chân thực Nguyễn Du đã làm hiện hình một xã hội Trung Quốc đen tối, ngột ngạt, thối nát. Bọn thống trị thì hiểm độc, nhân dân thì đói khổ, người sống trung nghĩa thì bế tắc. Phản Chiêu hồn chính là bài thơ trùm đắp cái buồng uất âm ỉ thành nộ khí gây nên sấm chớp bão bùng của sự phản kháng cao độ, phủ nhận cuộc đời đang sống một cách không thương tiếc.
Nhà thơ đã nhắc nhở hồn Khuất Nguyên tới hai từ Thượng Quan và Mịch La, vốn là hai danh từ riêng chỉ con người và một địa điểm cụ thể rất cá biệt. Nhưng đối với Khuất Nguyên và người cùng thời thì Thượng Quan là một quyền thần xu nịnh, gian ác nổi tiếng. Nó có mặt ở mọi xó xỉnh cuộc đời. Còn Mịch La là nơi đã chôn vùi một cách oan nghiệt tài năng của một con người trung nghĩa. Đó là dòng sông mang đầy uất hận… Nhưng cả hai cái danh từ cá biệt này đã trở thành phổ biến thì nhan nhản trong cuộc đời, trùm lên hết thảy mọi chốn mọi nơi:
"Đời sau ai cũng là Thượng Quan
Mặt đất đâu đâu cũng là sông Mịch La"
Ông đã khẳng định với hồn Khuất Nguyên rằng, trong xã hội tràn ngập mọi nơi những Thượng Quan và Mịch La thì bi kịch người trí thức như Khuất Nguyên là không thể tránh khỏi, là mang ý nghĩa phổ biến.
"Cá rồng không ăn, hùm sói cũng ăn"
Bi kịch đã dành sẽ là phổ biến, nhưng còn tình trạng bế tắc về lý tưởng như Khuất Nguyên cũng là thường tình, cho nên Nguyễn Du thương người mà kêu lên những lời băn khoăn, da diết:
"Hồn ai! Hồn ai! Hồn làm thế nào?"
Như một câu hỏi đặt ra trước vận mệnh một con người còn sống, không thể trả lời!
Từ số phận và hoàn cảnh của Khuất Nguyên, với bốn câu thơ kết thúc, Nguyễn Du đã khái quát nâng lên thành những số phận, cảnh ngộ phổ biến, bao quát cả không gian và thời gian. Do vậy ý nghĩa phê phán sự xấu xa độc ác trong xã hội phong kiến ở thời đại Nguyễn Du và ở Trung Quốc và Việt Nam đều có ý nghĩa sâu sắc.
Nhà văn Lỗ Tấn sau này, đã nhiều lần gọi xã hội Trung Quốc là xã hội ăn thịt người. Nhưng trong Phản Chiêu hồn có hiện lên bằng những hình ảnh cụ thể gây ấn tượng rất mạnh. Phản Chiêu hồn là bài thơ Nguyễn Du viết về Khuất Nguyên với những tên đất, tên người của một thời quá khứ. Bằng những chuyện nước người, nhưng nỗi đau bi phẫn, căm giận thì không phải lấy ra từ sách vở hoặc qua suy ngẫm mà bắt nguồn từ lòng nhân ái, từ sự yêu thương sâu sắc đối với những con người trung nghĩa phải sống trong cái xã hội bản chất là ăn thịt người của nó.
Bài Thơ phản văn chiêu hồn như một nỗi niềm tâm trạng sâu kín của nhà thơ. Ông không chỉ xót thương cho Khuất Nguyên mà xót thương cho chính mình và những vị quan thanh liêm nhưng sống trong xã hội thối nát, bế tắc đến cùng đường.
-------------------------------
Phân tích bài thơ Phản chiêu hồn vừa được VnDoc.com gửi tới bạn đọc. Qua bài viết chắc hẳn bạn đọc đã nắm được những ý chính cần có trong bài viết rồi đúng không ạ? Bài thơ cho thấy sự sắc bén, chứa chan tinh thần nhân đạo. Phần đầu bài thơ là một tiếng gọi hồn ai oán. Vừa ai oán vừa van xin. Bài viết cho thấy hình ảnh bọn vua chúa thống trị, bọn nịnh thần và hình ảnh nhân dân được đặt trong thế đối lập đã làm nổi bật sự bất công, vô nhân đạo của một xã hội điêu linh suy tàn mà hồn không chỗ tựa nương nữa. Phản chiêu hồn viết về một nhân vật lịch sử, một đề tài lịch sử: Bi kịch của một nhà thơ yêu nước đã xảy ra hơn hai nghìn năm trước, thế mà kì lạ thay, câu thơ của Nguyễn Du vẫn tràn đầy xúc cảm. Giá trị tố cáo hiện thực gắn liền với tinh thần nhân đạo bao la là cốt cách, là vẻ đẹp bài thơ Phản Chiêu Hồn. Mong rằng qua bài viết bạn đọc có thêm tài liệu để học tập nhé.
Trên đây VnDoc tổng hợp các dạng bài văn mẫu lớp 10: Phân tích bài thơ Phản chiêu hồn cho các bạn tham khảo ý tưởng khi viết bài. Ngoài ra các bạn có thể xem thêm chuyên mục Soạn văn 10 mà VnDoc đã chuẩn bị để học tốt hơn môn Ngữ văn lớp 10 và biết cách soạn bài lớp 10 và các tác giả - tác phẩm Ngữ văn 10 trong sách Văn tập 1 và tập 2. Mời các em học sinh, các thầy cô cùng các bậc phụ huynh tham khảo.