Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm
Vinh's Nguyễn's Văn học

Phân tích cái tôi trữ tình của Xuân Diệu trong đoạn trích: "Tôi muốn tắt nắng đi...hoài xuân"

Phân tích cái tôi trữ tình của xuân diệu trong đoạn trích :

"Tôi muốn tắt nắng đi cho màu đừng nhạt mất

..........................................

Tôi không chờ nắng hạ mới hoài xuân "

3
3 Câu trả lời
  • Bé Gạo
    Bé Gạo

    Thơ mới trong tiến trình phát triển của nó, là kết quả của hành trình đi tìm kiếm và khẳng định cái tôi. Thời đại ấy chúng ta đã chứng kiến nhiều cái tôi độc đáo như: Thế Lữ, Lưu Trọng Lư, Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, Huy Cận,… Nhưng nếu phải chọn ra những cái tôi đặc biệt thì không thể không nhắc tới Xuân Diệu – cái tôi “rạo rực, thiết tha” luôn “khát khao giao cảm với đời” song cũng đầy băn khoăn, lo sợ trước sự trôi chảy của thời gian. Đoạn trích đã ghi lại dấu ấn về một cái tôi như thế!

    Đến thời điểm, năm 1938 khi mà Vội vàng ra đời, cái tôi trong thơ chẳng còn lạ lẫm nữa và ngay cả Xuân Diệu cũng đã khẳng định được cho mình một cái tôi độc đáo trên văn đàn. Trước hết, đó là một cái tôi yêu đời, yêu cuộc sống, yêu con người rất mãnh liệt. Ngay mở đầu bài thơ ông đã thẳng thắn, trực tiếp bộc lộ:

    Tôi muốn tắt nắng đi

    Cho màu đừng nhạt mất.

    Tôi muốn buộc gió lại

    Cho hương đừng bay đi.

    Cái tôi ấy đã bắt đầu bằng hai ước muốn vô cùng táo bạo và phi lí. Đó là muốn đoạt quyền của tạo hóa để giữ màu đừng nhạt, hương đừng bay. Sự táo bạo ở chỗ, nhà thơ như muốn can thiệp vào quy luật của tự nhiên để ngưng đọng thời gian, để giữ lại tất thảy những gì thuộc về cuộc sống bên mình. Đó là điều không tưởng. Chính bởi thế, người ta mới thấy tôi chất chứa một tình yêu cháy bỏng với cuộc đời. Hẳn phải yêu tha thiết lắm mới có ước muốn ngông cuồng, phi lí đến vậy hay là bởi sợ thời gian trôi sẽ cuốn nó đi mất nên mới ao ước khác thường như thế? Có lẽ cả hai. Bởi Xuân Diệu luôn yêu đời, yêu cuộc sống nhưng cũng rất hay lo sợ, ám ảnh vì nó sẽ không tồn tại mãi. Thế nên, chỉ còn cách sống vội vàng mới làm được điều ấy. Những dòng thơ năm chữ ngắn gọn như dồn nén cảm xúc đã mở đầu cho màn đối thoại về lí do cho sự sống vội vàng. Để sang khổ thứ hai, giọng thơ, thể thơ thay đổi là bước đầu lí giải cho điều ấy.

    Của ong bướm này đây tuần tháng mật

    Tôi không chờ nắng hạ mới hoài xuân.

    Một bức tranh thiên nhiên, cuộc sống tràn ngập hương sắc, mùi vị hiện ra trước mặt người đọc. Những ong bướm, hoa đồng nội, lá cành tơ, yến anh, ánh sáng, tháng giêng… những thứ bình dị, gần gũi bỗng dưng thi vị, nên thơ đến lạ thường. Sở dĩ vậy là vì nhà thơ đã nhìn thấy ở chúng những khoảnh khắc thật đẹp, thật viên mãn, thật căng tràn sức sống và ngây ngất xuân tình. Nó đang ở lúc đắm say, mơn mởn, tươi non nhất: ong bướm tuần tháng mật, hoa đồng nội xanh rì, lá cành tơ phơ phất, yến anh khúc tình si, ánh sáng chớp hàng mi, tháng giêng ngon như một cặp môi gần. Xuân Diệu đã không bỏ lỡ mà thâu tóm gọn nó, căng mọi giác quan để cảm nhận nó một cách tuyệt diệu nhất. Chính chúng ta – người đọc, khi thưởng thức cũng mơ tưởng theo những đắm say từ những thứ vô cùng bình dị, gần gũi mà bấy lâu nay có khi vô tình bỏ qua. Điệp từ của, này đây cứ liên tiếp, dồn dập như lời mời chào, vẫy gọi chúng ta cùng nhau thưởng thức. Những thứ quen thuộc ấy dưới cặp mắt “xanh non, biếc rờn”, qua lăng kính của tình yêu, của mùa xuân đã trở thành một bữa tiệc trần gian đầy tươi đẹp. Nhà phê bình Hoài Thanh đã thực chí lí khi cho rằng: “Xuân Diệu đã đốt cảnh bồng lai xua ai nấy về hạ giới”. Thổi hồn, gửi gắm tình yêu vào những điều, những thứ giản dị, bình thường từ cuộc sống cũng là một quan niệm đầy tính triết lý nhân sinh mà cái tôi trữ tình đã thể hiện được trong bài thơ.

    Nhưng bên cạnh đó, cái tôi trữ tình còn thể hiện sự độc đáo trong cách bộc lộ quan niệm thẩm mĩ có phần khác biệt so với trước đây. Qua hai câu thơ: - Và này đây ánh sáng chớp hàng mi, - Tháng giêng ngon như một cặp môi gần, nhà thơ đã nói lên điều đó. Bằng cảm xúc yêu đời, yêu người, cái tôi trữ tình đã không ngần ngại khẳng định, vẻ đẹp của tạo hóa không phải bắt nguồn từ thiên nhiên, mà từ con người. Thứ ánh sáng bình minh kia le lói cũng chỉ đẹp như cái chớp hàng mi của người thiếu nữ. Hay tháng giêng – khởi đầu của mùa xuân, được mĩ vị hóa thành “ngon như một cặp môi gần”, tức cũng đắm say như cái hồn nồng cháy của đôi tình nhân. Ánh sáng, tháng giêng là thuộc về thiên nhiên. Vậy mà giờ đây thiên nhiên lại phải đem cái chuẩn mực vẻ đẹp của con người để so sánh. Cái tôi trữ tình bởi thế đã khéo léo ca ngợi, đề cao vị trí của con người. Không có một thứ gì khác, con người chính là sản phẩm tuyệt vời nhất của tạo hóa. Khẳng định giá trị của con người là cách để cái tôi trữ tình đưa ra một quan niệm thẩm mĩ giàu ý nghĩa nhân sinh.

    Có thể nói, cái tôi trữ tình trong đoạn trích thực sự mang nhiều ý nghĩa hơn là cảm xúc của một nhân vật trong thơ. Cái tôi đã rất mạnh dạn thể hiện sự khát khao giao cảm với đời bằng một quan niệm sống đầy ý nghĩa tích cực, nhân sinh mang tầm triết lý. Cái tôi ấy đã theo cả một đời thơ Xuân Diệu để giúp ông ngay cả thời điểm là một thanh niên mười tám, đôi mươi giữa lúc bối cảnh đất nước lầm than, nô lệ vẫn sẽ vững vàng, vẫn tin tưởng vào cuộc sống thực tại để mai sau hòa nhập với đời, với mọi người, với những chiến công vang dội của dân tộc sau này.

    0 Trả lời 21/03/23
    • Milky Nugget
      Milky Nugget

      Vội vàng sống, vội vàng yêu, vội vàng khát khao đến cuồng si và điên dại. Xuân Diệu – chính ông đã viết lên những vần thơ hối hả và cuồng nhiệt như thế. Mà ở đó, cái tôi trữ tình đã được nhà thơ gửi gắm bao tình cảm nồng nàn thiết tha: tình yêu cuộc sống mãnh liệt, yêu thiên nhiên đắm say với những ước muốn tưởng chừng như táo bạo và ngông cuồng. Xuân Diệu đã sớm nhận thức được sự tàn phá ghê gớm của thời gian đối với tuổi xuân, với cuộc đời, nên ông băn khoăn, day dứt “tiếc nuối cả đất trời”. Với những tâm tư và tình cảm ấy, ông đã đặt bút viết nên những vần thơ mang tên “Vội vàng” đúng như tâm trạng của mình.

      Xuân Diệu từng được đánh giá là “nhà thơ mới nhất trong các nhà thơ mới” (Hoài Thanh). Ông đã đem đến cho thơ ca đương thời một sức sống mới, một nguồn cảm xúc mới, thể hiện một quan niệm sống mới mẻ cùng với những cách tân nghệ thuật đầy sáng tạo. Ông là nhà thơ của tình yêu, của mùa xuân và tuổi trẻ với một giọng thơ sôi nổi, đắm say, yêu đời thắm thiết. Bài thơ “Vội vàng” là một trong những đứa con tinh thần quý báu của ông. Ở đó, cái tôi trữ tình được Xuân Diệu thể hiện một cách rất sâu sắc và đầy triết lý.

      Tất cả cũng chỉ vì lòng ông quá yêu thiên nhiên, yêu cuộc sống, yêu đến nỗi muốn làm chủ cả vũ trụ:

      “Tôi muốn tắt nắng đi

      Cho màu đừng nhạt mất

      Tôi muốn buộc gió lại

      Cho hương đừng bay đi”.

      Những gì mà Xuân Diệu muốn lúc này là “tắt nắng”, là “buộc gió” – những hành động không một ai có thể thực hiện được, thậm chí là chưa từng ai nghĩ đến. Vậy mà nhà thơ lại viết ra rất thẳng thắn và bộc trực. Không những thế, ông còn liên tục dùng đại từ “tôi muốn”. “Tôi muốn” thời gian ngừng trôi, muốn cuộc sống luôn luôn tỏa màu nắng, muốn gió cứ thổi mãi không ngừng. Vẫn biết những ước muốn ấy không bao giờ trở thành hiện thực nhưng Xuân Diệu vẫn khát khao đến cháy bỏng được đắm mình vào những gì tươi đẹp nhất của thiên nhiên. Trong cảm nhận của ông, mọi thứ đều đang rất đẹp, rất tuyệt vời:

      “Của ong bướm này đây tuần tháng mật

      Này đây hoa của đồng nội xanh rì;

      Này đây lá của cành tơ phơ phất;

      Của yến anh này đây khúc tình si

      Và này đây ánh sáng chớp hàng mi,

      Mỗi buổi sớm thần Vui hằng gõ cửa;

      Tháng giêng ngon như một cặp môi gần”.

      Cảnh sắc thiên nhiên dường như đang được bày biện không khác gì một mâm cỗ cao sang với đầy đủ các món ăn thơm ngon bổ dưỡng. Món nào cũng quen thuộc nhưng được chế biến một cách rất mới lạ và độc đáo qua cái tôi trữ tình đang khao khát cuộc sống của hồn thơ Xuân Diệu. Thứ gia vị đặc biệt mà ông cho vào những món ăn ấy chính là tình cảm nồng nàn thiết tha đang dâng trào trong trái tim ông, là những biện pháp nghệ thuật ấn tượng chưa từng có nhà thơ nào sử dụng. Thế nên, món nào cũng ngon, cũng hấp dẫn. Nào là ong bướm đầy mật ngọt, hoa cỏ đồng nội xanh rì, nào là lá của cành tơ phơ phất, hay yến anh trong khúc tình si, rồi ánh sáng mỗi ban mai lùa vào hàng mi vừa thức giấc. “Tháng giêng ngon như một cặp môi gần”. Tác giả đã lấy cái trừu tượng, cái vô hạn của thời gian so sánh ngang bằng với cái rất chi tiết, cụ thể: cặp môi gần. Có rất nhiều câu hỏi đặt ra, thế nào là “cặp môi gần”, cặp môi ấy có vị gì chăng mà Xuân Diệu lại so sánh tháng giêng ngon như một cặp môi gần? Mỗi người một cảm nhận. Xuân Diệu cũng vậy, với tình yêu thiên nhiên, yêu cuộc sống đang cháy bỏng trong ông thì mọi thứ đều đẹp, đều ngon. Giống như ai đó đã từng nói “yêu nhau yêu cả đường đi”. Tháng giêng ngon lành của Xuân Diệu ở đây cũng vậy, ngon không phải vì ăn ngon mà vì mọi thứ đều mang lại cho ông một cảm giác no nê sảng khoái vô cùng, khiến ông phải thốt lên:

      “Tôi sung sướng. Nhưng vội vàng một nửa

      Tôi không chờ nắng hạ mới hoài xuân”.

      Dấu chấm được đặt ngay giữa câu khiến nhịp thơ bị ngắt quãng như sự băn khoăn, day dứt của nhà thơ trước những thay đổi không thể nào kiểm soát được của thời gian. Thế nên ông tự nhắc mình “không chờ nắng hạ mới hoài xuân”.

      0 Trả lời 21/03/23
      • Pé heo
        Pé heo

        Tham khảo thêm về Phân tích cái tôi trữ tình trong bài thơ Vội vàng: https://vndoc.com/phan-tich-cai-toi-tru-tinh-trong-bai-tho-voi-vang-cua-xuan-dieu-166511#mcetoc_1d5qugf4l1

        0 Trả lời 21/03/23

        Văn học

        Xem thêm