Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Phân tích nghệ thuật mô tả các pho tượng của Huy Cận trong bài thơ "Các vị La Hán chùa Tây Phương"

Văn mẫu lớp 12: Phân tích nghệ thuật mô tả các pho tượng của Huy Cận trong bài thơ "Các vị La Hán chùa Tây Phương" được VnDoc.com tổng hợp và sưu tầm gồm các bài văn mẫu lớp 12 hay dành cho các em học sinh tham khảo, củng cố kỹ năng cần thiết cho bài kiểm tra viết môn Ngữ văn 12 sắp tới đây của mình. Mời các em học sinh cùng tham khảo.

Nghệ thuật mô tả các pho tượng của Huy Cận trong bài thơ "Các vị La Hán chùa Tây Phương" mẫu 1

"Các vị La Hán chùa Tây Phương" là một bài thơ không chỉ hay về nội dung mà còn có nhiều đặc sắc về nghệ thuật. Mà nghệ thuật chủ yếu là mô tả và khắc họa các pho tượng

Viết về mười tám vị La Hán chùa Tây Phương, người làm thơ đứng trước một khó khăn: đó là làm thế nào cho người đọc hình dung được một cách sinh động hình ảnh của từng pho tượng lại cũng phải làm cho người đọc có một cái nhìn tổng quát về tất cả mười tám pho tượng. Nếu Huy Cận đi theo hướng tả lại lần lượt mười tám pho tượng ấy, mỗi pho tượng một khổ thơ thì người đọc sẽ thấy đủ mặt từng vị một nhưng bài thơ sẽ quá dài, không cần thiết. Nhưng nếu đi theo hướng khái quát chung thì người đọc lại không thể hình dung được một cách sinh động mỗi một pho tượng như thế nào. Trước yêu cầu ấy, Huy Cận đã có một giải pháp nghệ thuật hợp lý: phối hợp đặc tả cụ thể với bao quát toàn thể. Nhờ đó mà đem đến cho người đọc một cảm nhận khá toàn diện: vừa có riêng vừa có chung, vừa gần vừa xa. vừa có điểm trọng tâm, vừa có diện mở rộng, vừa chi li cụ thể, lại vừa khái quát tổng thể... đủ để cho người đọc hình dung được về cái thế giới riêng của mười tám vị La Hán này.

Ba khổ thơ đầu nghiêng về đặc tả. Còn ba khổ thơ tiếp theo lại nghiêng về bao quát. Huy Cận chỉ chọn ba gương mặt tiêu biểu cho ba tâm tính, ba khí chất, ba thời điểm điển hình của cuộc họp này.

Pho tượng thứ nhất xem ra là một tâm tính điềm đạm, bình tĩnh như là phong thái của người từng trải. Mặc dù trong lòng rối bời lên một tâm sự lớn nhưng vẫn có khả năng kiềm chế, tiết chế, không cho cảm xúc lộ ra ngoài. Pho tượng này hiện ra với dáng điệu trầm ngâm, lặng lẽ suy tưởng một mình. Nhưng bên trong cái dáng lặng lẽ, ít lời ấy người ta vẫn thấy rõ một ngọn lửa lòng, một ngọn hoả tâm đang thiêu đốt:

"Đây vị xương trần chân với tay

Có chi thiêu đốt tấm thân gầy

Trầm ngâm đau khổ sâu vòm mắt

Tự bấy ngồi y cho đến nay".

Ở khổ thứ hai, nhà thơ miêu tả pho tượng dường như tương phản với vị trên Đây là pho tượng có một tâm tính xốc nổi và nông nổi. Tất cả nhiệt tình bên trong đều tràn cả ra ngoài, tất cả những cảm xúc đều hiện ra trong cử chỉ, hành động. Tâm tình của pho tượng ấy làm toát lên một sự nôn nóng, vội vã, hấp tấp. Phải chăng đây là một người trẻ tuổi, còn đầy sức lực:

"Có vị mắt giương, mày nhíu xệch

Trán như nổi sóng, biển luân hồi

Môi cong chua chát, tâm hồn héo

Gân vặn bàn tay mạch máu sôi".

Còn vị thứ ba lại tiêu biểu cho một tâm tính, một khi chất khác. Vị này có vẻ an phận, buông xuôi. Sau khi suy nghĩ và cảm thấy những nghĩ suy đã làm cho mình mệt mỏi, cho nên có thái độ phó mặc, ngại đương đầu với những gì quyết liệt, dữ dội, phức tạp. Tuy nhiên, cũng không thể lảng tránh được, nỗi đau khổ của cuộc đời cứ dội đến đôi tai dài rộng

"Có vị chân tay co xếp lại

Tròn xoe tựa thể chiếc thai non

Nhưng đôi tai rộng dài ngang gối

Cả cuộc đời nghe đủ chuyện buồn… "

Nhìn vào dáng điệu của ba pho tượng này chúng ta còn thay mỗi tư thế cũng điển hình cho một thời khác. Phải chăng vị thứ nhất tiêu biểu cho thời điểm cuộc họp mới bắt đầu, câu hỏi vừa mới tung ra, các thành viên còn bình tĩnh và tự tin rằng có thể sẽ tìm kiếm được câu trả lời? Còn vị thứ hai lại tiêu biểu cho thời điểm cuộc họp vào lúc ráo riết nhất, căng thẳng nhất. Tất cả đều nung nấu, lao tâm khổ tứ để tìm kiếm câu trả lời nhưng mà vẫn chưa ra. Nhìn vào pho tượng này người ta còn thấy được cả không khí oi ả, bức xúc của cuộc họp. Vị cuối cùng phải chăng là thời điểm mà mọi kiếm tìm đến vô vọng rồi? Rõ ràng Huy Cận đã chọn ba pho tượng để đặc tả một cách rất chính xác. Ý nghĩa điển hình rất cao. Chỉ cần ba pho tượng ấy thôi đã đủ cho người đọc hình dung về tâm trạng của mười làm pho còn lại.

các vị la hán chùa tây phươngNhư chúng ta đã biết, Huy Cận đã phát hiện ra dụng ý của các nghệ nhân ngày xưa chỉ là mượn đề tài tượng Phật để nói về cuộc đời thực, cho nên mỗi một pho tượng mang một vẻ mặt con người Điều đó khiến cho Huy Cận cần phải nhận diện được từng tính cách của người, thân phận người, gương mặt người trong từng pho tượng gỗ. Làm thế nào để cho mỗi pho tượng hiện ra là một con người sống động? Đó chính là câu hỏi đầy khó khăn. Để trả lời câu hỏi này, Huy Cận đã sử dụng một nghệ thuật rất cổ truyền nhưng cũng rất phù hợp: biến cái tĩnh thành cái động. Các pho tượng này vốn bằng gỗ được đặt bất động tại chùa Tây Phương Nhưng các nghệ nhân ngày xưa là những bàn tay tài hoa. dường như đã thổi vào đó sự sống. Cho nên pho tượng nào cũng sống động, mọi đường nét, hình khối để diễn tả gương mặt tượng, dáng điệu tượng đều làm toát lên được đời sống nội tâm ở bên trong. Đến lượt mình, Huy Cận đã biến những hình tượng điêu khắc thành những hinh tượng của thi ca. Một lần nữa, họ hiện ra như những con người thực. Mỗi trạng thái tỉnh của tượng đều hoá thành trạng thái động của người. Vị thứ nhất thỉ "trầm ngâm đau khổ", tự bấy ngồi y cho đến nay".

Nghĩa là bước vào cuộc họp, vị ấy đã chọn một tư thế ngồi và cứ ngồi y nguyên ở đấy suốt hai thế kỷ qua. Có vị thì sau khi suy nghĩ đã co mình, tay chân thu lại giống như động tác thu minh của một con người an phận. Chúng ta có cảm tưởng như động tác ấy vừa mới diễn ra. Nhưng sống động nhất có lẽ vẫn là pho tượng thứ hai. Chúng ta có cảm giác như từ pho tượng toát ra cả hơi ấm của sự sống. Bên dưới lồng ngực là trái tim đang đập mãnh liệt, bên dưới làn da, mạch máu đang chạy, cặp mắt vừa mới giương lên, vầng trán nổi sóng mà nhất là đôi môi và bàn tay: "môi cong chua chát", "gân vặn bàn tay". Có thể nói ở đây Huy Cận có phần nào bị ảnh hưởng lối cảm nhận và diễn tả của nhà điêu khắc Rôđanh ở bức tượng "Người suy nghĩ".

Nhà điêu khắc này đã tà một người suy nghĩ đang trong trạng thái căng thẳng nhất, không chỉ có trí não hoạt động mà tất cả bắp cơ, mọi đường gân. thớ thịt đang được tập trung dồn vào việc nghỉ ngơi ở pho tượng này cũng thế, Vị La Hán đang căng toàn thân một cách ráo riết, quyết liệt mong tìm kiếm được ngay câu trả lời. Đó là cực điểm của sự suy nghĩ. Cho nên tác giả đã dồn vào đấy rất nhiều động từ nhằm thể hiện một nội tâm sôi động, bức xúc: "mắt giương", "mày nhíu xệch", "Trán như nổi sóng"... Qua cách tả của Huy Cận, mười tám pho tượng đều như thế: Mặt cúi, mặt nghiêng, mặt ngoảnh sau", "quay theo tám hướng" Tất cà khiến cho không khí trở nên cực kỳ căng thẳng: "cuồn cuộn đau thương chảy dưới trời”. Và cho đến bây giờ, hai trăm năm đã trôi qua. không khí ấy vẫn chưa hề tiêu tan, những vết hằn trên mặt tượng vẫn còn nguyên, chưa chịu giãn ra

"Các vị La Hán chùa Tây Phương" là một thành công của Huy Cận. Thành công ấy trước hết thuộc về tình yêu của tác giả đối với cha ông. Bài thơ thể hiện một sự cảm thông lớn đối với nỗi đau khổ, bế tắc trong quá khứ. Nhưng nếu chỉ có một tình thương đơn thuần thì cũng chưa thể có sáng tạo nghệ thuật.

Thành công của bài thơ còn thuộc về tài hoa của Huy Cận Ông đã biết phát huy những thủ pháp nghệ thuật phù hợp để khắc họa những hình tượng của mình. Nhờ đó mà giờ đây, bên cạnh mười tám pho tượng của ngành điêu khắc Việt Nam, nên thơ ca hiện đại Việt Nam cũng có mười tám vị La Hán được tạc bằng ngôn từ.

Rất có thể những người tinh thông Phật giáo viếng thăm chùa Tây Phương sẽ giải thích các pho tượng La Hán kia một cách khác chăng. Nhưng Huy Cận thì không hề quan sát và miêu tả các vị ấy theo quan điểm Phật giáo. Nhà thơ không đối thoại với các nhà Phật học mà đối thoại với "bác thợ cả" ngày xưa đã tạc nên 18 pho tượng tuyệt vời này như những công trình nghệ thuật phản ánh thời đại của mình, đúng vào cái thế kỷ mà Nguyễn Du viết Truyện Kiêu và Văn Chiêu hồn.

Nghệ thuật mô tả các pho tượng của Huy Cận trong bài thơ "Các vị La Hán chùa Tây Phương" mẫu 2

Các vị La Hán chùa Tây Phương (được sáng tác cuối năm 1960) là bài thơ vào loại trội nhất của Huy Cận từ sau Cách mạng tháng Tám. Phần đặc sắc hơn cả trong bài thơ này là tám khổ thơ đầu, khắc họa các hình ảnh các pho tượng La Hán ở chùa Tây Phương (huyện Thạch Thất, tỉnh Hà Tây). Có người xem đoạn thơ này là những bức “điêu khắc bằng lời” làm sống dậy các pho tượng gỗ rất nổi tiếng của chùa Tây Phương. Hơn nữa, hình tượng thơ ở đây còn chứa đựng những suy ngẫm triết lí về nhân sinh và một thời đại lịch sử mà xã hội “quằn quại, đau khổ trong những biến động và bế tắc không tìm được lối ra”, như Lời dẫn của chính tác giả ở đầu bài thơ đã viết.

Đoạn thơ này khai triển theo hướng đi từ những ấn tượng chung đến sự miêu tả khắc họa ba pho tượng cụ thể và cuối cùng tả bao quát cả quần thể các bức tượng La Hán.

Thể thơ đầu diễn tả ấn tượng chung: nỗi vương vấn, băn khoăn ám ảnh trong tâm trí nhà thơ sau khi thăm chùa Tây Phương và các pho tượng La Hán. Đến nơi cửa Phật mà lòng chẳng hề thấy thanh thản siêu thoát, bởi chính những tượng Phật ở đây lại trĩu nặng những nét đau thương rất người, làm dội lên một nỗi băn khoăn, một câu hỏi:

Há chẳng phải đây là xứ Phật,

Mà sao ai nấy mặt đau thương?

Như để làm rõ và sâu sắc thêm cho cảm tượng chung ở trên, trong ba khổ thơ tiếp theo Huy Cận đi vào khắc họa ba pho tượng cụ thể với những hình hài và tư thế rất khác nhau nhưng đều cùng thể hiện những nỗi đau khổ và bế tắc của nhân thế.

Pho tượng thứ nhất:

Đây vị xương- trần chân với tay

Có chi thiêu đốt tấm thân gầy

Trầm ngâm đau khổ sầu vòm mắt

Từ bấy ngồi y cho đến nay.

Bằng việc khắc họa sự gầy gò, trần trụi của thân hình và tư thế bất động của ngoại hình, tác giả đã làm nổi bật lên sức mạnh của tư tưởng, tâm linh: nhà tu hành mãi sống với những ý tưởng và suy tư của mình đến khô héo cả hình hài! Những ý tưởng nung nấu trong tâm trí có thể thiêu đốt cả thể xác con người thì đó phải là những ý tưởng mạnh mẽ và sâu sắc. Nhà thơ đã làm nổi rõ được tài năng của nhà nghệ sĩ điêu khắc: đùng cái tĩnh mà nói được cái động, bằng sự khắc họa ngoại hình mà diễn tả được sức sống nội tâm nhân vật.

Ở pho tượng thứ hai, Huy Cận lại cảm nhận được một nét đặc sắc khác của tài năng các nghệ nhân tạc tượng: khắc họa những chuyển động mạnh mẽ của thân thể để diễn tả những vận động sôi sục dữ dội trong nội tâm. Câu thơ với hàng loạt động từ và trạng từ diễn tả những động tác và trạng thái rất căng thẳng, mạnh mẽ, đặc biệt là trên khuôn mặt của pho tượng: mắt giương, mày nhíu xệch, trán như nổi sóng, môi cong chua chát, gân vặn, mạch máu sôi. Đó đâu là những chuyển động của thân thể, của đường gân thớ thịt mà chính là bộc lộ sự dồn nén sôi sục của tâm linh tưởng như muôn phá tung những giới hạn thân xác chứa đựng nó; một sự trăn trở dữ dội tìm đường giải thoát nhưng cũng thật là bất lực.

Ở pho tượng thứ ba, nhà thơ chú ý đến một tư thế và một hình hài khác lạ:

Có vị chân tay co xếp lại

Tròn xoe tựa thể chiếc thai non.

Trái với sự trăn trở dữ dội ở bức tượng trên, ở đây con người dường như không còn một vận động nào nữa. Trong cái dáng dấp lạ lùng này, con người dường như dã hoàn toàn xa lánh với ngoại giới, phải chăng đã đạt đến sự tịch diệt, vô cảm? Nhưng nghệ nhân tạc tượng đà đặc biệt diễn tả một đôi tai khác thường: “rộng dài ngang gối”. Đôi tay có tướng mạo của Phật ấy, với Huy Cận, chính là để nhà tu hành “Cả cuộc đời nghe đủ chuyện buồn”, để đón nhận và cảm thông với ngàn vạn nỗi đau khổ của chúng sinh trong cõi trần gian bể khổ này như nhà Phật từng quan niệm.

Sau khi đã đặc tả ba pho tượng tiêu biểu, tác giả tả bao quát cả nhóm tượng đồng thời thể hiện những liên tưởng và suy ngẫm của mình về con người và nhân thế được gợi ra từ hình ảnh các tượng La Hán này. Đây không phải là một vài cá nhân đau khổ mà là hình của cả một chúng sinh đau khổ, là cả một “nhân loại” của một quá khứ bế tắc quằn quại đã hiện hình về từ vực thẳm đau thương, tụ họp lại dưới mái chùa này:

“Mỗi người một vẻ, mặt con người

Cuồn cuộn đau thương cháy dưới trời”

Bằng cảm xúc mạnh mẽ và trí tưởng tượng phong phú, nhà thơ đã biến những pho tượng gỗ bất động kia thành những sinh thể hiện ra với những quằn quại, trăn trở và tâm trạng căng thẳng sục sôi, một ‘‘Cuộc họp lạ lùng trăm vật vã” mà các pho tượng gỗ cũng “đổ mồ hôi”, Tác giả nhìn ra cuộc tụ họp những khổ đau này là ở thời điểm cao độ của sự vật vã căng thẳng, khi mà “Bấy nhiêu quằn quại run lần chót” trước khi các nhà tu hành bước được vào cối tịch diệt của Phật.

Cũng từ những pho tượng này, Huy Cận cảm nhận được nỗi khát khao tìm lối ra và sự bế tắc vô phương giải thoát của cha ông ta trong một thời quá khứ (mà ở đoạn tiếp theo của bài thơ, tác giả sẽ chỉ rõ đổ là thời đại của Nguyễn Du):

Mặt cúi, mặt nghiêng mặt ngoảnh sau

Quay theo tám hướng hỏi trời sâu

Một câu hỏi lớn. Không lời đáp

Cho đến bây giờ mặt vẫn chau.

Sự suy tưởng của tác giả mặc dù có định hướng rõ ràng về một thời đại lịch sử, nhưng nó có cơ sở trên sự quan sát và rung cảm trực tiếp từ các pho tượng; không những không thoát ly khỏi các hình tượng điêu khắc mà còn truyền vào các hình tượng ấy một ý nghĩa triết lí về nhân sinh và lịch sử.

Thành công của Huy Cận trong bài thơ pác vị La Hán chùa Tây Phương, đặc biệt là ở tấm khổ đầu, trước hết là sự quan sát tinh tế và khả năng miêu tả giàu sức tạo hình với bút pháp già dặn, vừa sinh động vừa cô đúc, nhiều sức gợi. Nhưng ở chiều sâu của nó, bài thơ còn là sự tiếp nối và giải tỏa cho những nỗi đau đời, những nỗi sầu nhân thế của tác giả Lửa thiêng, một hồn thơ như chính nhà thơ tự thay, luôn luôn “tủi nắng sầu mưa – Cùng đất nước mà nặng buồn sông núi” (Mai sau). Vì thế sự cảm xúc và suy tưởng của nhà thơ về các pho tượng La Hán chùa Tây Phương còn là một sự đồng cảm thấm thía; và phải chăng có thể nói Huy Cận đã thấu hiểu được nỗi lòng và ý tưởng của các nghệ nhân tài hoa xưa đã gửi vào các pho tượng này những tác phẩm vẫn được xem như là đỉnh cao của nghệ thuật điêu khắc gỗ Việt Nam.

Trên đây VnDoc hướng dẫn các bạn học tốt bài Văn mẫu lớp 12: Phân tích mối quan hệ kế thừa – phát triển giữa con người “kẻ sĩ hiện đại” với con người Nho sĩ truyền thống. Ngoài ra các bạn có thể xem thêm chuyên mục Soạn văn 12 mà VnDoc đã chuẩn bị để học tốt hơn môn Ngữ văn lớp 12 và biết cách soạn bài lớp 12 và các Tác giả - Tác phẩm Ngữ Văn 12 trong sách Văn tập 1 và tập 2, mời các bạn tham khảo.

Đánh giá bài viết
1 238
Sắp xếp theo

    Văn mẫu lớp 12

    Xem thêm