Sáng kiến kinh nghiệm - Một số kinh nghiệm khi soạn câu hỏi trắc nghiệm Vật lý
Sáng kiến kinh nghiệm - Một số kinh nghiệm khi soạn câu hỏi trắc nghiệm Vật lý đưa ra một số kinh nghiệm về việc giảng dạy và đưa ra các câu hỏi trắc nghiệm môn vật lý trong trường phổ thông. Tài liệu này giúp các thầy cô hoàn thiện thêm kỹ năng sư phạm của mình trong giảng dạy.
SÁNG KIẾN KINH NGHIỆM LỚP 12 MÔN VẬT LÝ
Một số kinh nghiệm khi soạn câu hỏi trắc nghiệm Vật lý
I. Lời mở đầu
Trong sự nghiệp “công nghiệp hóa, hiện đại hóa” để xây dựng và phát triển nước Việt Nam trở thành một nước giàu mạnh thì vấn đề đào tạo nguồn nhân lực, đào tạo các con người có tri thức, có đạo đức, có năng lực làm việc, lĩnh hội và sử dụng các công nghệ hiện đại ....đã đặt ra một trách nhiệm nặng nề cho toàn ngành giáo dục và cả xã hội. Để đáp ứng được các đòi hỏi của xã hội, ngành giáo dục đào tạo phải đổi mới cả chương trình giáo dục, đổi mới phương pháp giảng dạy và cả đổi mới phương pháp kiểm tra đánh giá cho phù hợp.
Trong việc đổi mới phương pháp kiểm tra, đánh giá học sinh trong học tập thì phương pháp trắc nghiệm khách quan là một phương án được Bộ giáo dục đào tạo chọn lựa và đang áp dụng cho các môn Vật lý, Hóa học, Sinh vật và Ngoại ngữ trong thi tốt nghiệp và tuyển sinh đại học. Cho nên việc ra đề trắc nghiệm để kiểm tra học sinh trong quá trình học tập và để rèn luyện cho học sinh tiếp cận phương pháp trắc nghiệm, cách làm bài tập trắc nghiệm là một việc hết sức cần thiết đối với mỗi giáo viên các bộ môn Vật lý, Hóa học, Sinh vật và Ngoại ngữ.
Tuy nhiên, phần lớn giáo viên không được đào tạo hoặc tập huấn trong việc ra đề trắc nghiệm nên gặp không ít khó khăn trong việc ra đề, khi ra đề còn có những vấp váp, những sai sót trong các phương án trả lời hoặc câu dẫn và câu trả lời không khớp, câu dẫn không rõ ràng…
Bản thân tôi là một giáo viên vật lý đang trực tiếp giảng dạy ở lớp 12, nên việc ra đề trắc nghiệm là một việc làm thường xuyên trong cả năm học bao gồm cả đề kiểm tra, đề luyện thi tốt nghiệp, thi cao đẳng, đại học. Khi ra đề trắc nghiệm, bản thân tôi cũng gặp một số vấp váp sai sót… và khi nghiên cứu các đề trắc nghiệm của các đồng nghiệp, hoặc trên mạng Internet tôi cũng phát hiện ra được các sai sót của đồng nghiệp trong việc viết câu hỏi trắc nghiệm khách quan. Từ đó rút ra được một số kinh nghiệm cho bản thân khi sọan thảo đề trắc nghiệm. Vì vậy, tôi cũng mạnh dạn viết ra để trao đổi cùng đồng nghiệp nhằm trao đổi học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau để cùng hoàn thiện và nâng cao tay nghề, phục vụ tốt hơn nữa công tác dạy và học ở nhà trường phổ thông.
II. Sơ lược về trắc nghiệm khách quan:
1.Các loại câu trắc nghiệm khách quan:
1.1. Câu ghép đôi: Cho hai cột nhóm từ, đòi hỏi học sinh phải ghép đúng từng cặp nhóm từ trong hai cột để phù hợp về nội dung:
Ví dụ: Ghép nội dung ở cột bên trái với nội dung ở cột bên phải để trở thành một câu có nội dung đúng
1. Lực là | a. Neton |
2. Khối lượng là | b. Lực của trái đất tác dụng vào các vật ở gần mặt đất. |
3. Trọng lực là | c. đại lượng đặc trưng cho mức quán tính của vật |
4. Đơn vị của lực là | d. nguyên nhân làm thay đổi vận tốc của một vật đang chuyển động |
Trả lời: 1d, 2c, 3b ,4a.
1.2. Câu điền khuyết: Nêu một mệnh đề bị khuyết một bộ phận yêu cầu học sinh phải tìm từ thích hợp để điền vào chổ trống:
Ví dụ: Khi truyền từ không khí vào nước thì ……………của âm không đổi.
Trả lời: Tần số
1.3. Câu đúng /sai: Đưa ra một nhận định,học sinh phải chọn một trong hai phương án đúng hoặc sai để trả lời
Ví dụ: Hạt α là hạt mang điện tích dương
a. Đúng b. Sai
Trả lời: a