Sinh học 11 Kết nối tri thức bài 9

Sinh 11 Kết nối tri thức bài 9: Hô hấp ở động vật được VnDoc.com tổng hợp và xin gửi tới bạn đọc cùng tham khảo. Mời các bạn cùng theo dõi để có thêm tài liệu giải bài tập Sinh 11 Kết nối tri thức nhé.

Dừng lại và suy ngẫm trang 54 SGK Sinh 11 Kết nối

Câu 1: Phân tích mối liên quan của các giai đoạn trong quá trình hô hấp.

Bài làm

Quá trình hô hấp ở người và Thú gồm 5 giai đoạn: thông khí (hít vào và thở ra), trao đổi khí ở phổi, vận chuyển khí O2 và CO2 , trao đổi khí ở mô và hô hấp tế bào. Các giai đoạn này có liên quan mật thiết với nhau, giai đoạn này là điều kiện để giai đoạn sau diễn ra: Thông qua trao đổi khí với môi trường (thông khí, trao đổi khí ở phổi), O2 được vận chuyển đến tế bào tham gia vào quá trình trao đổi khí ở mô rồi vào tế bào để thực hiện hô hấp tế bào. Thông qua trao đổi khí ở mô, CO2 sinh ra từ hô hấp tế bào được đưa vào máu rồi được vận chuyển đến bề mặt trao đổi khí (phổi), rồi thải ra môi trường qua động tác thở ra.

Câu 2: Tại sao cơ thể động vật bắt buộc phải lấy O2 từ môi trường và thải CO2 ra môi trường?

Bài làm

Cơ thể động vật bắt buộc phải lấy O2 từ môi trường và thải CO2 ra môi trường vì:

- Lấy O2 từ môi trường bên ngoài cung cấp cho hô hấp tế bào, tạo năng lượng cho các hoạt động sống của cơ thể.

- Thải CO2 sinh ra từ hô hấp tế bào vào môi trường, đảm bảo cân bằng môi trường trong cơ thể.

Dừng lại và suy ngẫm trang 56 SGK Sinh 11 Kết nối

Câu 1: Quan sát Hình 9.2, cho biết thủy tức và giun đất trao đổi khí với môi trường sống như thế nào.

Sinh học 11 Kết nối tri thức bài 9

Bài làm

Sự trao đổi khí với môi trường sống ở thủy tức và giun đất được thực hiện qua bề mặt cơ thể: Khí O2 từ môi trường khuếch tán trực tiếp qua lớp biểu bì bao quanh cơ thể vào bên trong, khí CO2 từ bên trong cơ thể khuếch tán trực tiếp qua lớp biểu bì bao quanh cơ thể ra bên ngoài.

Câu 2: Quan sát Hình 9.3 và giải thích tại sao sự phân nhánh của ống khí có thể giúp côn trùng trao đổi khí rất hiệu quả, đảm bảo đủ O2 cho hoạt động bình thường cũng như các hoạt động tích cực, tiêu tốn nhiều năng lượng.

Sinh học 11 Kết nối tri thức bài 9

Bài làm

Sự phân nhánh của ống khí có thể giúp côn trùng trao đổi khí rất hiệu quả, đảm bảo đủ O2 cho hoạt động bình thường cũng như các hoạt động tích cực, tiêu tốn nhiều năng lượng vì:

- Hệ thống ống khí phân nhánh khắp cơ thể tạo ra bề mặt trao đổi khí rất lớn với tế bào, đồng thời, các nhánh nhỏ nhất (ống khí tận) tiếp xúc với bề mặt hầu hết các tế bào đảm bảo sự trao đổi khí O2 và CO2 với tế bào.

- Các ống khí thông với bên ngoài qua các lỗ thở. Lỗ thở có van đóng, mở điều tiết không khí ra, vào ống khí đảm bảo sự thông khí.

Dừng lại và suy ngẫm trang 57 SGK Sinh 11 Kết nối

Câu hỏi: Nghiên cứu Hình 9.4 và 9.5, cho biết tại sao hệ hô hấp của cá xương trao đổi khí với nước rất hiệu quả?

Sinh học 11 Kết nối tri thức bài 9

Bài làm

Hệ hô hấp của cá xương trao đổi khí với nước rất hiệu quả vì:

- Cá xương có một đôi mang, mỗi mang được cấu tạo từ các cung mang, sợi mang và phiến mang → tạo ra diện tích trao đổi khí rất lớn.

- Sự sắp xếp của các mao mạch ở mang cá xương đảm bảo dòng máu trong mao mạch luôn chảy song song nhưng ngược chiều với dòng nước chảy bên ngoài → làm tăng hiệu quả cho quá trình trao đổi khí giữa máu với dòng nước qua phiến mang.

- Hoạt động của các cơ hô hấp làm thay đổi thể tích khoang miệng và khoang mang diễn ra nhịp nhàng → làm cho dòng nước giàu O2 đi qua mang theo một chiều liên tục, không bị ngắt quãng đảm bảo sự thông khí.

Dừng lại và suy ngẫm trang 59 SGK Sinh 11 Kết nối

Câu hỏi: Tại sao hệ hô hấp của người và của Chim trao đổi khí với không khí rất hiệu quả?

Bài làm

• Hệ hô hấp của người trao đổi khí với không khí rất hiệu quả vì:

- Người có 2 lá phổi, phổi được tạo thành từ hàng triệu phế nang tạo nên diện tích bề mặt trao đổi khí rất lớn (gấp hơn 50 lần diện tích da). Đồng thời, phế nang có hệ thống mao mạch bao quanh dày đặc → Những đặc điểm này làm tăng hiệu quả cho quá trình trao đổi khí O2 và CO2 giữa máu chảy trong các mao mạch với dòng không khí ra, vào phế nang.

- Hoạt động của các cơ hô hấp làm thay đổi thể tích lồng ngực và thể tích phổi (khi hít vào lồng ngực và phổi dãn rộng ra, kéo không khí từ ngoài vào phổi) → đảm bảo sự thông khí tại phổi (thông khí nhờ áp suất âm), tạo điều kiện thuận lợi cho sự trao đổi khí.

• Hệ hô hấp của chim trao đổi khí với không khí rất hiệu quả vì:

- Mặc dù phổi của chim không có phế nang nhưng phổi của chim lại thông với hệ thống túi khí. Nhờ sự phối hợp giữa hệ thống túi khí và phổi nên khi hít vào và khi thở ra đều có không khí giàu O2 đi qua phổi theo một chiều, liên tục và không có khí cặn: Khi hít vào, không khí giàu O2 đi vào phổi và vào nhóm túi khí sau, khi thở ra không khí giàu O2 từ nhóm túi khí sau lại đi vào phổi. Ngoài ra, trong phổi của chim, chiều máu chảy trong các mao mạch máu song song và ngược chiều với dòng không khí lưu thông trong các mao mạch khí. Những đặc điểm này làm tăng hiệu quả cho quá trình trao đổi khí O2 và CO2 giữa máu chảy trong các mao mạch với dòng không khí ra, vào phổi.

- Sự thông khí ở phổi chim được thực hiện nhờ hoạt động của cơ hô hấp làm thay đổi thể tích khoang thân và thể tích các túi khí → đảm bảo sự thông khí tại phổi (thông khí nhờ áp suất âm), tạo điều kiện thuận lợi cho sự trao đổi khí.

Dừng lại và suy ngẫm trang 59 SGK Sinh 11 Kết nối

Câu 1: Tìm hiểu qua tài liệu, internet, hỏi bác sĩ, cán bộ y tế, ... về một số bệnh phổ biến ở đường dẫn khí và ở phổi, nguyên nhân gây bệnh, biện pháp phòng tránh các bệnh đó, sau đó kẻ và hoàn thành bảng trong vửo theo mẫu dưới đây:

Tên bệnh

Nguyên nhân gây bệnh

Biện pháp phòng tránh

1....?....

?

?

Bài làm

Tên bệnh

Nguyên nhân gây bệnh

Biện pháp phòng tránh

1. Hen suyễn

  • Nhiễm khuẩn hô hấp trên do vi khuẩn, virus
  • Không khí lạnh
  • Bụi, khói thuốc lá, hóa chất trong không khí
  • Mạt nhà
  • Xúc cảm mạnh, stress
  • Tập luyện thể lực
  • Một số loại thuốc như: ức chế beta, aspirin, ibuprofen, naproxen
  • Một số loại thức ăn và nước uống cụ thể như: tôm, khoai tây chế biến sẵn, trái cây sấy khô, bia, rượu
  • Bệnh lý trào ngược dạ dày thực quản.
  • Tiêm vắc xin phòng cúm
  • Xác định và tránh tiếp xúc với các dị nguyên khởi phát cơn hen
  • Nhận diện các dấu hiệu báo trước của một cơn hen ho, thở dốc hay thở rít
  • Điều trị các cơn hen phế quản càng sớm càng tốt, giúp dự phòng các đợt cấp tiến triển nặng nề hơn
  • Tuân thủ việc điều trị. Không được tự ý ngưng sử dụng thuốc ngay khi thấy triệu chứng thuyên giảm.
  • Tái khám theo hẹn, đảm bảo tuân theo kế hoạch điều trị và kiểm soát bệnh hen mà bác sĩ đề ra.
  • Cần gặp bác sĩ ngay khi có dấu hiệu của cơn hen nặng.
  • Lưu ý đến việc tăng tần suất sử dụng các thuốc hít cắt cơn nhanh vì dấu hiệu này có nghĩa là bệnh lý hen suyễn ở người bệnh vẫn chưa được kiểm soát tốt.

Viêm phế quản cấp

Do virrus, bệnh còn có thể xảy ra do nhiễm trùng vi khuẩn hoặc tiếp xúc nhiều với các chất gây kích thích phổi, ví dụ như khói thuốc, bụi, ô nhiễm không khí.

  • Tránh xa khói thuốc lá
  • Uống nhiều nước
  • Tiêm chủng hàng năm giúp bảo vệ sức khỏe cũng như tránh bị cảm cúm và bảo vệ chống lại một số loại viêm phổi
  • Rửa tay với nước rửa tay thường xuyên để giảm nguy cơ mắc bệnh
  • Tránh tiếp xúc với những người bị cảm lạnh hoặc cúm nếu bạn đang có vấn đề về sức khỏe
  • Đeo khẩu trang y tế: Nếu bị COPD, bạn nên đeo khẩu trang tại nơi làm việc nếu phải tiếp xúc với khói, bụi hoặc khi ở nơi đông người.

Xơ nang

Do nhận gen di truyền xơ nang từ cả bố và mẹ. Nếu trẻ chỉ nhận được một gen bệnh từ mẹ hoặc từ bố thì trẻ chỉ mang mầm bệnh chứ không mắc bệnh. Tuy nhiên, nếu trẻ nhận được gen di truyền xơ nang từ cả bố và mẹ thì trẻ sẽ bị bệnh. Xơ nang có thể di truyền trong gia đình.

Để bảo vệ sức khỏe, bệnh nhân bệnh xơ nang cần duy trì lối sống lành mạnh bao gồm tiêm phòng vaccine giúp ngăn ngừa nhiễm trùng đường hô hấp, không hút thuốc, rửa tay thường xuyên và bổ sung chế độ dinh dưỡng đầy đủ chất. Vì chất nhầy tích tụ có thể ngăn chặn sự hấp thụ chất dinh dưỡng, nên chế độ ăn nhiều kcal, chất béo và chất đạm sẽ giúp ngăn ngừa tình trạng suy nhược của cơ thể.

Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD)

  • Hút thuốc lá (phơi nhiễm các chất khác ít gặp hơn)
  • Yếu tố di truyền
  • Tránh hút thuốc lá
  • Người bệnh sẽ được theo dõi định kỳ hàng tháng
  • Tiêm ngừa vaccine cúm hàng năm và vaccine phế cầu giúp bạn giảm nguy mắc các đợt bùng phát COPD hiệu quả

Câu 2: Ô nhiễm không khí và khói thuốc lá là ảnh hưởng như thế nào đến hô hấp và sức khoẻ con người?

Bài làm

Ô nhiễm không khí là sự xuất hiện của các loại bụi, bụi mịn, bụi siêu mịn hoặc các khí như CO, SO2, NO2. Các hạt bụi tồn tại trong không khí có vai trò quan trọng quyết định chất lượng bầu không khí. Các loại bụi mà mắt thường chúng ta có thể nhìn thấy hay cảm nhận được là các hạt bụi có kích thước lớn. Bên cạnh đó còn có các hạt bụi mịn (nhỏ hơn 1/30 đường kính sợi tóc) thì mắt thường không thể nhìn thấy hay cảm nhận lại là tác nhân gây ra các vấn đề bệnh đường hô hấp nghiêm trọng như: các phản ứng viêm đường hô hấp trên, viêm đường hô hấp dưới, tấn công sau vào mạch máu và quả tim.

Hút thuốc là nguyên nhân chính gây nên ô nhiễm không khí trong nhà, nơi làm việc, trường học, khu vực công cộng. Ngành công nghiệp thuốc lá cùng với cháy rừng hằng năm thải ra 84 triệu tấn khí CO2 trong bầu không khí và thải ra lượng khí độc hại cao gấp 10 lần so với các loại nhiên liệu, tương đương với 20% lượng CO2 mà ngành hàng không thương mại thải ra mỗi năm, góp phần làm gia tăng sự nóng lên toàn cầu và gây hiệu ứng nhà kính cho trái đất. Chưa kể hơn 7.000 chất hóa học tạo ra khi hút thuốc.

Câu 3: Tham khảo Bảng 9.1 và cho biết ý nghĩa của việc: Xử phạt người hút thuốc lá ở nơi công cộng (cơ quan, trường học, bệnh viên, ...) và cấm trẻ em dưới 16 tuổi hút thuốc lá.

Sinh 11 Kết nối tri thức bài 9

Bài làm

Bảng 9.1 đã nêu rõ về các chất hoá học trong khói thuốc lá và tác hại của khói thuốc lá đối với cơ thể con người, hầu hết chúng đều có những tác động xấu nên việc xử phạt người hút thuốc lá ở nơi công cộng (cơ quan, trường học, bệnh viên, ...) và cấm trẻ em dưới 16 tuổi hút thuốc lá là một biện pháp giúp bảo vệ sức khoẻ của người. Tuy nhiên, vẫn có một số nơi riêng dành cho những người hút thuốc lá, để việc hút thuốc của người này không ảnh hưởng đến sức khoẻ của người khác.

Luyện tập và vận dụng trang 60 SGK Sinh 11 Kết nối

Câu 1: Tại sao khi nuôi ếch và giun đất, người nuôi phải giữ cho môi trường nuôi luôn ẩm ướt?

Bài làm

Khi nuôi ếch và giun đất, người nuôi phải giữ cho môi trường nuôi luôn ẩm ướt vì: Ếch và giun đất chủ yếu hô hấp qua da. Da ếch và giun đất cần ẩm để thực hiện khuyếch tán không khí dễ dàng, nếu môi trường không đủ ẩm, da ếch và giun đất bị khô, chúng không thực hiện được quá trình trao đổi khí sẽ chết.

Câu 2: Tại sao nuôi tôm cá với mật độ cao người ta thường dùng máy dục khí vào nước nuôi?

Bài làm

Nuôi tôm hay nuôi trồng thuỷ sản nói chung đều cần phải sử dụng đến các thiết bị như máy thổi khí, máy sục khí, máy tạo oxy…Bởi vì, bể nuôi cá và tôm thường bị thiếu oxy làm cho chúng không đủ dưỡng khí để thực hiện quá trình hô hấp. Mục đích của việc này nhằm đảm bảo lượng oxy trong nước giúp cho các cá thể vật nuôi có nguồn oxy để sống khoẻ mạnh và sinh trưởng.

Câu 3: Vận dụng những hiểu biết về hô hấp, hãy đề xuất một số biện pháp giúp hệ hô hấp khoẻ mạnh, hoạt động hiệu quả.

Bài làm

Một số biện pháp giúp hệ hô hấp khoẻ mạnh, hoạt động hiệu quả:

  • Làm sạch đường thở bằng cách xông khí dung bằng nước muối sinh lý;
  • Tập thể dục là biện pháp bảo vệ hệ hô hấp;
  • Uống nhiều nước;
  • Tránh tiếp xúc với các tác nhân ô nhiễm trong không khí;
  • Phòng ngừa nhiễm trùng đường hô hấp;
  • Chú ý đến chế độ dinh dưỡng

-----------------------------------

Bài tiếp theo: Sinh học 11 Kết nối tri thức bài 10

VnDoc.com vừa gửi tới bạn đọc bài viết Sinh 11 Kết nối tri thức bài 9: Hô hấp ở động vật. Hi vọng qua bài viết này bạn đọc có thêm tài liệu để học tập tốt hơn môn Sinh học 11 Kết nối tri thức. Mời các bạn cùng tham khảo thêm tại mục Toán 11 Kết nối tri thức, Hóa học 11 Kết nối tri thức.

Đánh giá bài viết
1 375
Sắp xếp theo

    Sinh học 11 Kết nối tri thức

    Xem thêm