Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Sinh học 11 Cánh Diều bài 6

Sách giáo khoa Sinh học lớp 11 (Bộ sách Cánh Diều) được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông từ năm học 2023-2024 tại quyết định số 4607/QĐ-BGDĐT ngày 28 tháng 12 năm 2022. Dưới đây là hướng dẫn giải Sinh học 11 Cánh Diều bài 6: Dinh dưỡng và tiêu hóa ở động vật được VnDoc.com tổng hợp và xin gửi tới bạn đọc cùng tham khảo để có thêm tài liệu giải bài tập SGK Sinh học 11 sách Cánh Diều mới. Mời các bạn cùng theo dõi bài viết.

Mở đầu trang 40 Sinh học 11

Những loài động vật trong hình 6.1 ăn những thức ăn khác nhau, quá trình tiêu hóa và dinh dưỡng của chúng có khác nhau không? Tại sao?

Mở đầu trang 40 Sinh học 11

Lời giải:

Quá trình tiêu hóa và dinh dưỡng của những loài trên (muỗi, trâu, sư tử) có những điểm giống nhau và khác nhau do sự thích nghi với những loại thức ăn khác nhau:

- Giống nhau: Muỗi, trâu, sử tử đều là những loài động vật có quá trình biến đổi thức ăn diễn ra trong ống tiêu hóa. Trong đó, thức ăn đi qua ống tiêu hóa được tiêu hóa ngoại bào tạo thành chất dinh dưỡng để cơ thể có thể hấp thụ được.

- Khác nhau:

+ Về cách lấy thức ăn: Muỗi lấy thức ăn bằng cách ăn hút (hút dịch lỏng từ cơ thể động vật hoặc thực vật) nhờ vòi chích lỗ. Trâu, sử tử lấy thức ăn bằng cách ăn thức ăn rắn (trâu gặm cỏ, sư tử cắn xé con mồi).

+ Về cách tiêu hóa thức ăn: Sự tiêu hóa thức ăn ở muỗi, sư tử nhanh hơn ở trâu do nguồn thức ăn của chúng giàu dinh dưỡng và dễ tiêu hóa; sự tiêu hóa thức ăn ở trâu có sự tham gia của hệ vi sinh vật cộng sinh;…

I. Quá trình dinh dưỡng ở động vật

Câu hỏi trang 40 Sinh học 11

Quan sát hình 6.2, nêu tên và mô tả các giai đoạn của quá trình dinh dưỡng ở người.

Câu hỏi trang 40 Sinh học 11

Lời giải:

Các giai đoạn của quá trình dinh dưỡng ở người:

1 – Lấy thức ăn: Thức ăn được đưa vào miệng.

2 – Tiêu hóa thức ăn: Thức ăn được vận chuyển trong ống tiêu hóa và được tiêu hóa ngoại bào nhờ quá trình tiêu hóa cơ học và hóa học để tạo nên các chất dinh dưỡng.

3 – Hấp thụ chất dinh dưỡng: Chất dinh dưỡng được hấp thụ vào máu và mạch bạch huyết. Quá trình hấp thụ chất dinh dưỡng chủ yếu diễn ra ở ruột non.

4 – Tổng hợp (đồng hóa) các chất: Chất dinh dưỡng được vận chuyển đến tế bào. Tế bào sử dụng những chất dinh dưỡng đó để tổng hợp thành những chất cần thiết cho các hoạt động sống.

5 – Thải chất cặn bã: Những chất không hấp thụ được đi vào ruột già và biến đổi thành phân rồi đào thải ra ngoài qua hậu môn.

Luyện tập trang 40 Sinh học 11

Quan sát hình 6.2, hình 6.3, hình 6.4 và mô tả đặc điểm từng giai đoạn của quá trình dinh dưỡng ở mỗi loài theo bảng 6.1.

Luyện tập trang 40 Sinh học 11

Luyện tập trang 40 Sinh học 11

Luyện tập trang 40 Sinh học 11

Luyện tập trang 40 Sinh học 11

Lời giải:

Bảng 6.1. Quá trình dinh dưỡng ở bọt biển, thủy tức và người

Giai đoạn

Bọt biển

Thủy tức

Người

Lấy thức ăn

Nhờ roi kéo nước qua các sợi hình trụ của cổ áo, các vụn thức ăn trong nước được thực bào vào trong tế bào cổ áo để tiêu hóa hoặc chuyển cho tế bào amip.

Xúc tu có tế bào gai làm tê liệt con mồi, đưa con mồi vào miệng đến túi tiêu hóa.

Thức ăn được đưa vào miệng.

Tiêu hóa thức ăn

Các vụn thức ăn được tiêu hóa nội bào trong tế bào cổ áo hoặc tế bào amip thành các chất dinh dưỡng.

Con mồi được tiêu hóa ngoại bào và tiêu hóa nội bào: Tế bào tuyến tiết enzyme để tiêu hóa thức ăn thành những phân tử nhỏ trong túi tiêu hóa (tiêu hóa ngoại bào). Những hạt thức ăn nhỏ được đưa bào tế bào tuyến để tiêu hóa tiếp nhờ các không bào tiêu hóa (tiêu hóa nội bào).

Thức ăn được vận chuyển trong ống tiêu hóa và được tiêu hóa ngoại bào nhờ quá trình tiêu hóa cơ học và hóa học để tạo nên các chất dinh dưỡng.

Hấp thụ chất dinh dưỡng

Tế bào amip có khả năng di chuyển tự do trong thành cơ thể giúp vận chuyển chất dinh dưỡng cho tế bào khác của cơ thể.

Các chất dinh dưỡng được giữ lại ở trong tế bào tuyến và có thể được vận chuyển cho tế bào khác của cơ thể.

Chất dinh dưỡng được hấp thụ vào máu và mạch bạch huyết. Quá trình hấp thụ chất dinh dưỡng chủ yếu diễn ra ở ruột non.

Tổng hợp (đồng hóa) các chất

Các chất dinh dưỡng được hấp thụ tham gia hình thành các sợi (gai) xương hoặc hình thành tế bào mới khi cần.

Các chất dinh dưỡng được tế bào sử dụng để tổng hợp thành những chất cần thiết cho các hoạt động sống.

Tế bào sử dụng những chất dinh dưỡng đó để tổng hợp thành những chất cần thiết cho các hoạt động sống.

Thải chất cặn bã

Những chất không hấp thụ được đào thải ra ngoài thông qua hình thức xuất bào rồi theo dòng nước thoát ra ngoài qua lỗ thoát nước.

Những chất không hấp thụ được đào thải ra ngoài thông qua hình thức xuất bào rồi cũng đi ra ngoài môi trường qua lỗ miệng.

Những chất không hấp thụ được đi vào ruột già và biến đổi thành phân rồi đào thải ra ngoài qua hậu môn.

II. Tiêu hóa ở động vật

Luyện tập trang 42 Sinh học 11

Sắp xếp các loài: sán lá, giun đất, gà, cá, chó, bọt biển, vào các nhóm: chưa có cơ quan tiêu hóa, có túi tiêu hóa, có ống tiêu hóa.

Lời giải:

- Nhóm chưa có cơ quan tiêu hóa: bọt biển.

- Nhóm có túi tiêu hóa: sán lá.

- Nhóm có ống tiêu hóa: giun đất, gà, cá, chó.

III. Ứng dụng về dinh dưỡng và tiêu hóa ở người

Luyện tập trang 43 Sinh học 11

Quan sát bảng 6.2 và cho biết sự khác nhau về nhu cầu năng lượng và các chất dinh dưỡng ở các độ tuổi, giới tính, tình trạng mang thai và hoạt động thể lực. Giải thích tại sao có sự khác nhau đó.

Luyện tập trang 43 Sinh học 11

Lời giải:

Sự khác nhau về nhu cầu năng lượng và các chất dinh dưỡng ở các độ tuổi, giới tính, tình trạng mang thai và hoạt động thể lực:

- Theo độ tuổi: Nhu cầu năng lượng và các chất dinh dưỡng tăng dần đến tuổi trưởng thành (15 – 19 tuổi) rồi giảm dần khi tuổi về già. Giải thích: Nhu cầu năng lượng và các chất dinh dưỡng tăng dần đến tuổi trưởng thành (15 – 19 tuổi) do ở độ tuổi này cần nhiều năng lượng và nguyên liệu cho hoạt động sinh trưởng và phát triển thể chất mạnh mẽ. Ngược lại, khi tuổi về già, quá trình sinh trưởng và phát triển giảm dần nên nhu cầu năng lượng và các chất dinh dưỡng giảm dần.

- Theo giới tính: Nhu cầu năng lượng và các chất dinh dưỡng ở nam thường cao hơn ở nữ. Giải thích: Nam giới thường có quá trình sinh trưởng và phát triển thể chất mạnh mẽ hơn, hoạt động thể lực cao hơn,… nên cần nhiều năng lượng và nguyên liệu cho hoạt động sống hơn.

- Theo tình trạng mang thai: Nhu cầu năng lượng và các chất dinh dưỡng ở phụ nữ mang thai cao hơn phụ nữ không mang thai. Giải thích: Phụ nữ mang thai cần nhiều năng lượng và các chất dinh dưỡng hơn bình thường để vừa cung cấp cho cơ thể mẹ vừa cung cấp cho thai nhi phát triển khỏe mạnh.

- Theo hoạt động thể lực: Người hoạt động thể lực nhẹ có nhu cầu năng lượng và các cất dinh dưỡng thấp hơn người hoạt động thể lực trung bình và người hoạt động thể lực nặng. Giải thích: Người hoạt động thể lực nặng tiêu hao nhiều năng lượng cho các hoạt động làm việc ở cường độ cao nên nhu cầu năng lượng và các chất dinh dưỡng ở những người này cao hơn.

Tìm hiểu thêm trang 43 Sinh học 11

Vitamin, chất khoáng và chất xơ không cung cấp năng lượng cho cơ thể nhưng thiếu các chất này có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng. Thiếu vitamin A, vitamin C, vitamin B1, vitamin D, calcium, chất xơ có thể gây ra những bệnh gì?

Lời giải:

- Thiếu vitamin A: Nếu thiếu vitamin A, cơ thể người sẽ mắc nhiều bệnh liên quan đến mắt như quáng gà, tăng sản sinh các tế bào vảy gây sừng hóa bề mặt, làm tổn thương và mất ổn định màn nước mắt từ đó gây khô mắt; hoặc bệnh liên quan đến da như làm cho da bị nhiễm khuẩn gây ngứa, khô, tróc vảy, da sần sùi,... Ngoài ra, thiếu hụt vitamin A còn gây xơ gan hoặc ứ mật mãn tính. Ở trẻ em, nếu thiếu hụt vitamin A thường xuyên dẫn đến mệt mỏi, kém ăn, chậm phát triển, da khô và tóc rụng nhiều, hệ miễn dịch và sức đề kháng yếu nên dễ mắc các bệnh về đường hô hấp, tiêu hóa và da.

- Thiếu vitamin C: Khi thiếu vitamin C sẽ có các triệu chứng như mệt mỏi, thở nông, da dẻ thô ráp, vết thương chậm lành và có những nốt xuất huyết. Ngoài ra, thiếu vitamin C cũng sẽ làm tăng nguy cơ mắc các bệnh như thiếu máu, loãng xương, thoái hóa khớp, tim mạch, scorbut, ung thư,…

- Thiếu vitamin B1: Khi thiếu vitamin B1 sẽ khiến cơ thể ăn uống không ngon miệng, dẫn đến sút cân nhanh chóng, cơ thể rơi vào trạng thái suy nhược, mệt mỏi, thiếu sức sống. Ngoài ra, thiếu vitamin B1 cũng dẫn đến khó thở, rối loạn nhịp tim, yếu cơ, mờ mắt, ảnh hưởng đến dây thần kinh vận động,…

- Thiếu vitamin D: Khi bị thiếu vitamin D sẽ dẫn tới bệnh còi xương ở trẻ em và bệnh loãng xương ở người lớn. Đối với trẻ dưới 2 tuổi, thiếu vitamin D sẽ gây ra các triệu chứng không điển hình như dễ bị kích thích, ra mồ hôi, chậm mọc răng, mềm xương sọ, dễ bị co giật; khi trẻ biết đứng sẽ dễ bị cong vẹo cột sống, chân bị vòng kiềng. Ngoài ra, thiếu vitamin D còn dẫn tới nguy cơ cao mắc các bệnh lí tim mạch, suy giảm nhận thức ở người lớn tuổi, gây ra hen suyễn ở trẻ em và gây ung thư,…

- Thiếu calcium: Ở trẻ em, thiếu calcium sẽ gây bệnh còi xương, suy dinh dưỡng, biến dạng xương, chân vòng kiềng, rối loạn hệ thần kinh, rối loạn nội tiết tố, rối loạn giấc ngủ, co giật các cơ, suy yếu hệ miễn dịch,… Ở người lớn, thiếu calcium sẽ gây bệnh loãng xương, nứt viêm da, phong thấp, hội chứng hạ calcium máu, viêm loét đường tiêu hóa, suy nhược thần kinh, bệnh tim, xơ cứng động mạch,…

- Thiếu chất xơ: Khi thiếu chất xơ sẽ dẫn đến cơ thể bị tăng nguy cơ mắc một số bệnh như bệnh trĩ, bệnh tim mạch, bệnh tiểu đường,…

Vận dụng trang 44 Sinh học 11

Tìm hiểu thông tin và hoàn thành bảng 6.4.

Vận dụng trang 44 Sinh học 11

• Hãy thiết kế một áp phích trình bày về lợi ích của thực phẩm sạch, an toàn đối với sức khỏe của hệ tiêu hóa.

• Đề xuất một số biện pháp dinh dưỡng phù hợp cho bản thân và những người trong gia đình em.

• Tiến hành điều tra về tình trạng béo phì hoặc suy dinh dưỡng của học sinh tại trường em. Báo cáo kết quả thực hiện dự án: thực trạng, nguyên nhân, hậu quả và đề xuất giải pháp khắc phục.

Lời giải:

Bảng 6.4.Nguyên nhân, triệu chứng và cách phòng tránh một số bệnh tiêu hóa thường gặp:

Bệnh thường gặp

Triệu chứng

Cách phòng tránh

Tiêu chảy

Ngộ độc thực phẩm

Đau bụng, tiêu chảy, nôn ói, đau cơ, da tím tái, khó thở, ngưng thở, co giật, trụy mạch, bất tỉnh,.…

Không ăn thực phẩm có dấu hiệu ôi thiu; sử dụng thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng; không sử dụng các thức ăn chứa tác nhân gây dị ứng;…

Táo bón

Đi đại tiện ít hơn 3 lần/1 tuần, phân cứng và khó đẩy phân ra ngoài, phân có đường kính lớn, đau khi đi đại tiện, máu trên bề mặt phân cứng,…

Cung cấp đầy đủ thực phẩm giàu chất xơ, uống đủ nước, thức đẩy hoạt động thể chất, tạo thói quen đi vệ sinh,…

Bệnh giun sán

Đau bụng, người gầy yếu, da xanh,…

Ăn chín, uống sôi; rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh; hạn chế ăn thức ăn sống; vệ sinh môi trường sạch sẽ;…

Sâu răng

Răng đổi màu đen, nâu,…; đau nhói, nhức hoặc đau răng âm ỉ; xuất hiện các lỗ trên răng; răng nhạy cảm với nhiệt độ nóng hoặc lạnh;…

Vệ sinh răng miệng sạch sẽ sau khi ăn, đánh răng bằng kem đánh răng có fluoride, hạn chế ăn uống đồ ngọt, khám răng định kì, điều trị kịp thời theo chỉ dẫn của bác sĩ,…

Viêm dạ dày

Viêm ruột

Tiêu chảy kèm theo nôn mửa; đau chướng bụng, tuy nhiên sau khi tiêu chảy cơn đau bụng thường chấm dứt; có thể sốt hoặc đau đầu;…

Có chế độ ăn uống hợp lí, lành mạnh kết hợp với luyện tập thể dục thể thao vừa sức; hạn chế sử dụng các chất kích thích như rượu, thuốc lá; hạn chế stress;…

Thiết kế một áp phích trình bày về lợi ích của thực phẩm sạch, an toàn đối với sức khỏe của hệ tiêu hóa:

Học sinh tự thiết kế áp phích trình bày về lợi ích của thực phẩm sạch, an toàn đối với sức khỏe của hệ tiêu hóa.

Ví dụ:

Vận dụng trang 44 Sinh học 11

Đề xuất một số biện pháp dinh dưỡng phù hợp cho bản thân và những người trong gia đình:

- Có chế độ dinh dưỡng cân đối (không ăn quá nhiều, không ăn quá ít), phù hợp với độ tuổi, giới tính, tình trạng sức khỏe, tính chất công việc.

- Sử dụng thực phẩm sạch, an toàn, rõ ràng về nguồn gốc, xuất xứ.

- Cần đảm bảo vệ sinh khi chế biến, sử dụng và bảo quản thực phẩm.

- Bảo vệ môi trường sống (bảo vệ nguồn đất, nguồn nước,…).

- Không lạm dụng các thuốc bảo vệ thực vật, thuốc kích thích sinh trưởng và phát triển ở vật nuôi và cây trồng,…

Tiến hành điều tra về tình trạng béo phì hoặc suy dinh dưỡng của học sinh tại trường em. Báo cáo kết quả thực hiện dự án: thực trạng, nguyên nhân, hậu quả và đề xuất giải pháp khắc phục.

Học sinh tiến hành điều tra để thống kê thực trạng, nguyên nhân, hậu quả và đề xuất giải pháp khắc phục tình trạng béo phì hoặc suy dinh dưỡng của học sinh tại trường.

Tham khảo một số thông tin:

Tiêu chí

Bệnh béo phì

Bệnh suy dinh dưỡng

Nguyên nhân

- Do ăn nhiều loại thực phẩm nhiều năng lượng, thực phẩm nhiều mỡ, nhiều đường hoặc muối, các loại thực phẩm chế biến sẵn, đồ ăn nhanh hoặc những loại đồ uống có gas,…

- Do lười vận động.

- Do căng thẳng thường xuyên.

- Do mắc bệnh rối loạn chuyển hóa.

- Do gene di truyền.

- Do bữa ăn nghèo nàn về số lượng và chất lượng.

- Khả năng hấp thu các chất dinh dưỡng kém do các bệnh lí đường tiêu hóa hoặc sau một đợt bệnh nặng, người bệnh cảm thấy không ngon miệng,…

- Do rối loạn tâm thần kinh ảnh hưởng đến thói quen ăn uống như trầm cảm, chứng chán ăn tâm thần,…

- Do trẻ sơ sinh không được bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu tiên.

Hậu quả

- Làm tăng nguy cơ mắc các bệnh như tim mạch, tiểu đường, tiêu hóa, rối loạn nội tiết, tăng nguy cơ ung thư,…

- Tự ti, dễ mắc stress.

- Làm sụt giảm sự phát triển tầm vóc, giảm phát triển trí não, làm suy yếu hệ miễn dịch của cơ thể đặc biệt là đối với trẻ em.

Biện pháp khắc phục

- Thực hiện chế độ ăn khoa học; hạn chế đồ ngọt, đồ giàu tinh bột, đồ uống có gas,…

- Tăng cường vận động, thể dục thể thao hợp lí.

- Giải tỏa stress.

- Cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời và kéo dài ít nhất 2 năm.

- Ăn thức ăn phong phú các loại, thường xuyên thay đổi món ăn, kích thích ngon miệng.

- Tăng cường các hoạt động thể chất.

- Điều trị triệt để các bệnh lí đường tiêu hóa, bệnh lí thần kinh ảnh hưởng đến thói quen ăn uống,…

-------------------------------

Trên đây VnDoc.com vừa gửi tới bạn đọc bài viết Sinh học 11 Cánh Diều bài 6: Dinh dưỡng và tiêu hóa ở động vật. Hi vọng qua bài viết này bạn đọc có thêm tài liệu để học tập tốt hơn môn Sinh học 11 Cánh Diều.

Chia sẻ, đánh giá bài viết
1
Chỉ thành viên VnDoc PRO tải được nội dung này!
79.000 / tháng
Đặc quyền các gói Thành viên
PRO
Phổ biến nhất
PRO+
Tải tài liệu Cao cấp 1 Lớp
Tải tài liệu Trả phí + Miễn phí
Xem nội dung bài viết
Trải nghiệm Không quảng cáo
Làm bài trắc nghiệm không giới hạn
Mua cả năm Tiết kiệm tới 48%
Sắp xếp theo
    🖼️

    Gợi ý cho bạn

    Xem thêm
    🖼️

    Sinh học 11 Cánh diều

    Xem thêm