So sánh mức lương của giáo viên Tiểu Học lâu năm và mới ra trường từ 20.3

Mức lương của giáo viên Tiểu Học lâu năm và mới

Khi Thông tư 02/2021/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo có hiệu lực từ ngày 20/3/2021 tới đây, một trong những vấn đề được giáo viên Tiểu Học quan tâm nhất là chuyển xếp lương khi bổ nhiệm hạng chức danh mới. Liệu có thay đổi gì so với bây giờ không? Mời các bạn tham khảo bài viết để so sánh mức lương của giáo viên Tiểu Học lâu năm và mới ra trường từ 20.3 này nhé.

Từ ngày 20.3.2021, khi 04 Thông tư: 01, 02, 03, 04 của Bộ Giáo dục và Đào tạo có hiệu lực. Nhiều người cho rằng mức lương của giáo viên lâu năm với giáo viên mới ra trường sẽ không có nhiều sự khác biệt. Vậy điều đó có đúng?.

Ví dụ:

- Giáo viên tiểu học hạng II cũ, xếp lương ở bậc 6 hệ số 3,99 khi đáp ứng đủ điều kiện và được bổ nhiệm sang hạng II mới sẽ áp dụng hệ số lương 4,0, bậc 1.

- Giáo viên trung học cơ sở (THCS) hạng II cũ, hệ số 3,66 bậc 5 khi đáp ứng đủ điều kiện thì được bổ nhiệm vào giáo viên THCS hạng II mới, hệ số 4,0, bậc 1…

Tuy nhiên, bốn Thông tư nêu trên chỉ quy định về mức lương theo công thức: Lương = Hệ số x Lương cơ sở. Trong khi đó, ngoài lương cứng này, giáo viên còn được hưởng các khoản phụ cấp và khoản chi ngoài lương khác.

Cụ thể, một trong những khoản phụ cấp mà giáo viên giảng dạy lâu năm được hưởng mà giáo viên mới ra trường chưa được hưởng là phụ cấp thâm niên.

Theo tinh thần của Nghị quyết số 27-NQ/TW, để thực hiện cải cách tiền lương, các chế độ phụ cấp lương hiện hành sẽ được sắp xếp lại. Trong đó, phụ cấp thâm niên sẽ bị bãi bỏ:

Bãi bỏ phụ cấp thâm niên nghề (trừ quân đội, công an, cơ yếu để bảo đảm tương quan tiền lương với cán bộ, công chức. Đồng thời, trong Điều 76 của Luật Giáo dục năm 2019, trong cơ cấu tiền lương của giáo viên cũng không còn đề cập đến phụ cấp thâm niên.

Tuy nhiên, do tình hình COVID-19 đầu năm 2020 đến nay diễn biến phức tạp nên đã lùi thời điểm cải cách tiền lương đến 01.7.2022.

Do đó, đến 01.7.2022, phụ cấp thâm niên của giáo viên mới chính thức bị bãi bỏ. Hiện nay, giáo viên các cấp vẫn đang được hưởng phụ cấp thâm niên cùng các khoản phụ cấp khác.

Như vậy, hiện nay, lương giáo viên sẽ được tính theo công thức sau đây:

Lương = Hệ số x Mức lương cơ sở + các loại phụ cấp (Thâm niên + giảng dạy…) - tiền đóng bảo hiểm xã hội

Trong đó:

- Mức lương cơ sở hiện đang áp dụng là 1,49 triệu đồng/tháng theo Nghị định 38/2019/NĐ-CP;

- Hệ số hiện đang được tính theo từng hạng quy định tại các Thông tư liên tịch số 20, 21, 22 và 23. Sắp tới đây, từ ngày 20/3/2021, giáo viên các cấp sẽ được chuyển hạng và bổ nhiệm sang hạng mới với hệ số lương nêu tại Thông tư số 01, 02, 03 và 04.

- Các loại phụ cấp: Bởi hiện nay, phụ cấp thâm niên vẫn được áp dụng nên tùy vào từng trường hợp, giáo viên có thể được hưởng các loại phụ cấp như: Phụ cấp ưu đãi theo nghề, phụ cấp công tác vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn, phụ cấp khu vực…

- Tiền đóng bảo hiểm xã hội: Giáo viên phải đóng bảo hiểm xã hội với các khoản hưu trí, tử tuất là 8%; bảo hiểm thất nghiệp là 1% và bảo hiểm y tế là 1,5%.

Như vậy, từ ngày 20.3.2021 tới đây, giáo viên dạy lâu năm vẫn được hưởng phụ cấp thâm niên theo quy định hiện nay. Do đó, giáo viên lâu năm sẽ hưởng lương cao hơn hẳn giáo viên mới ra trường từ 20.3.2021.

Cắt phụ cấp thâm niên cũng bỏ luôn lương tính theo hệ số?

Theo phân tích ở trên, đến 01/7/2022, phụ cấp thâm niên của giáo viên sẽ bị bãi bỏ theo tinh thần của Nghị quyết số 27. Tuy nhiên, cần phải lưu ý, theo Nghị quyết 27, không chỉ phụ cấp thâm niên của giáo viên mà việc xếp lương mới của giáo viên cũng thay đổi.

Theo đó, chính sách tiền lương của giáo viên sẽ được cải cách theo hướng xây dựng 01 bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ theo chức danh nghề nghiệp giáo viên theo nguyên tắc:

  • Cùng mức độ phức tạp công việc thì mức lương như nhau;
  • Điều kiện lao động cao hơn bình thường và ưu đãi nghề thì thực hiện bằng chế độ phụ cấp theo nghề;
  • Sắp xếp lại nhóm ngạch và số bậc trong các chức danh nghề nghiệp viên chức, khuyến khích viên chức nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.
  • Việc bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp viên chức phải gắn với vị trí việc làm và chức danh nghề nghiệp.

Đồng thời, quy định mức lương cơ sở nhân với hệ số không thể hiện rõ giá trị thực của tiền lương. Bởi vậy, Nghị quyết này nêu rõ:

Bãi bỏ mức lương cơ sở và hệ số lương hiện nay, xây dựng mức lương cơ bản bằng số tiền cụ thể trong bảng lương mới.

Như vậy, cùng với việc loại bỏ phụ cấp thâm niên của giáo viên thì thời điểm 01/7/2022 cũng là thời điểm mức lương cơ sở và hệ số lương hiện nay cũng bị bãi bỏ. Thay vào đó, giáo viên sẽ được xếp lương bằng số tiền cụ thể trong bảng lương mới.

Từ nay đến 01/7/2022, giáo viên các cấp vẫn được hưởng lương theo quy định tại 04 Thông tư mới được Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành cùng với các khoản phụ cấp mà các giáo viên hiện hưởng. Từ ngày 01/7/2022 trở đi, thì dự kiến mức lương cơ sở và phụ cấp thâm niên bị bãi bỏ, lúc đó giáo viên có thể được hưởng lương theo số tiền cụ thể trong bảng lương mới sau cải cách tiền lương.

Nói tóm lại: Hiện tại hay thậm chí từ ngày 20/3/2021 tới đây, giáo viên dạy lâu năm vẫn được hưởng phụ cấp thâm niên theo quy định hiện nay, thời gian lùi cải cách tiền lương và bỏ phụ cấp thâm niên là từ 1/7/2022. Do đó, không có chuyện giáo viên lâu năm hưởng bằng lương của giáo viên mới ra trường từ ngày 20/3/2021. Các thầy cô nên yên tâm công tác, sẽ có thông báo chính thức từ địa phương nơi bạn đang công tác.

.................................................

Mời quý thầy cô tham khảo thêm: Tài liệu dành cho giáo viên

Trên đây là nội dung chi tiết của So sánh mức lương của giáo viên lâu năm và mới ra trường từ 20.3. Tất cả các tài liệu về Văn bản Giáo dục đào tạo được VnDoc cập nhật và đăng tải thường xuyên. Chi tiết nội dung của các Văn bản, Thông tư mời các bạn cùng theo dõi và tải về sử dụng.

Đánh giá bài viết
1 18.007
Sắp xếp theo

    Văn bản giáo dục

    Xem thêm