Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Suy nghĩ của em về mối quan hệ giữa tài và đức

Văn mẫu lớp 10: Suy nghĩ của em về mối quan hệ giữa tài và đức dưới đây được VnDoc.com tổng hợp và sưu tầm gồm các bài văn mẫu lớp 10 hay cho các em học sinh tham khảo, củng cố kỹ năng cần thiết cho bài kiểm tra môn Ngữ văn 10 sắp tới đây của mình. Mời các em học sinh cùng tham khảo chi tiết và tải về tại đây nhé.

Dàn bài chi tiết: Suy nghĩ về mối quan hệ giữa tài và đức

1./ Mở bài

- Tài và đức là hai khái niệm có mối quan hệ biện chứng, hỗ trợ lẫn nhau, một cá thể muốn thành công trong cuộc sống nhất thiết phải có cả tài và đức.

- "Có tài mà không có đức là người vô dụng, có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó". Thiết nghĩ đó là lời dạy thấm thía và biểu đạt thật chính xác mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa cái tài và cái đức trong mỗi một con người.

2/ Thân bài

* Khái niệm tài và đức:

- Tài được hiểu là tài năng, năng khiếu, thế mạnh của con người trong một hoặc nhiều lĩnh vực. Đó là khả năng tìm tòi, khai thác, sáng tạo hoặc làm một công việc nào đó đạt đến trình độ mà khó có ai có thể làm được, đó là phạm trù năng lực riêng biệt của từng cá nhân.

- Đức là viết tắt của từ đạo đức, thể hiện khía cạnh nhân phẩm, tư cách, thái độ sống, tâm hồn của một con người trong xã hội, được hình thành trong quá trình sống, sự giáo dục từ gia đình, nhà trường và xã hội.

* Biểu hiện:

- Cái tài của con người biểu hiện ở khả năng tư duy, sáng tạo, làm ra những điều tốt đẹp, những phát minh có tầm quan trọng, đóng góp nhiều cho sự phát triển của xã hội.

- Người có đức thể hiện ở tâm hồn trong sáng, suy nghĩ tích cực, luôn hướng đến lợi ích chung của xã hội, tấm lòng nhân hậu lương thiện, một người vì mọi người, luôn sống đúng với những quy tắc chuẩn mực của xã hội. Không có những suy nghĩ xấu xa, trục lợi, tâm địa ích kỷ,...

- Một ví dụ sáng rõ về con người vừa có tài lại có đức đó là Hồ Chí Minh. Trong xã hội hiện đại không thiếu người tài đức, đó là các nhà khoa học đang ngày đêm miệt mài nghiên cứu để cho ra những thành tựu vĩ đại, cống hiến cho nhân loại, đó là những vị bác sĩ tài năng đang ngày đêm cứu chữa cho bệnh nhân, là những nhà giáo tâm huyết, ngày ngày truyền dạy kiến thức, sáng tạo ra những bài giảng hấp dẫn cho học sinh của mình,...

* Mối quan hệ giữa tài và đức:

- Tài năng và đạo đức là hai khái niệm song hành và có mối quan hệ thống nhất, biện chứng với nhau.

- Người có tài nhưng không có đức thì dễ có suy nghĩ lệch lạc, hướng đi sai trái gây hại cho xã hội,

- Người có đức nhưng không có tài thì khó có thể có những cống hiến có ích, xây dựng và phát triển đất nước.

=> Nếu chúng ta có thể dung hòa và phát triển một cách đồng đều cả tài và đức thì sẽ dễ dàng hơn hơn trong việc cống hiến và hành động vì xã hội. Đồng thời người vừa có tài lại vừa có đức luôn khiến người khác phải ngưỡng mộ, trân trọng, yêu quý.

* Bài học:

- Nhận thức được tầm quan trọng của tài và đức, mỗi học sinh chúng ta cần có ý thức rèn luyện đồng đều cả tài năng và đạo đức bằng việc chăm chỉ tham gia học tập, thường xuyên tư duy, suy nghĩ, sáng tạo và phát triển bản thân ở nhiều lĩnh vực.

- Tu dưỡng đạo đức, sống chân thành hòa nhập, yêu thương con người, có tấm lòng lương thiện, bác ái, sẵn sàng giúp đỡ người khác.

3/ Kết bài

- Tài và đức là nhân tố chính làm nên nhân cách của một công dân trong xã hội mới, xã hội của sự phát triển, với những biến đổi liên tục.

- Nếu con người không ý thức được tầm quan trọng của việc hoàn thiện bản thân, rèn luyện những tư cách phẩm chất thích hợp, dung hòa giữa tài và đức thì sẽ rất khó để tồn tại và cống hiến cho đất nước ngày một giàu đẹp.

Suy nghĩ về mối quan hệ giữa tài và đức

Tài và đức là hai khái niệm có mối quan hệ biện chứng, hỗ trợ lẫn nhau, một cá thể muốn thành công trong cuộc sống nhất thiết phải có cả tài và đức, thiếu một trong hai rất khó có thể làm nên chuyện. Như lời Hồ Chủ tịch đã từng dạy trong một buổi nói chuyện với học sinh: "Có tài mà không có đức là người vô dụng, có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó". Thiết nghĩ đó là lời dạy thấm thía và biểu đạt thật chính xác mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa cái tài và cái đức trong mỗi một con người.

Mối quan hệ giữa tài và đức

Bàn về khái niệm tài và đức, "tài" được hiểu là tài năng, năng khiếu hay thế mạnh của con người trong một hoặc nhiều lĩnh vực. Đó là khả năng tìm tòi, khai thác, sáng tạo hoặc làm một công việc nào đó đạt đến trình độ mà khó có ai có thể làm được, là phạm trù năng lực riêng biệt của từng cá nhân. Và đặc biệt không phải ai cũng có thể có cái tài đó, mặc dù phần lớn cái tài của mỗi cá nhân là dựa vào sự nỗ lực cố gắng, trau dồi từng ngày. Còn khái niệm đức, đức là viết tắt của từ đạo đức, thể hiện khía cạnh nhân phẩm, tư cách, thái độ sống, tâm hồn của một con người trong xã hội, được hình thành trong quá trình sống, sự giáo dục từ gia đinh, nhà trường và xã hội. Cả hai yếu tố tài và đức hợp lại làm nên vẻ đẹp toàn diện của một con người, người vừa có tài lại có đức thực sự rất hiếm và rất được trân trọng vì đây sẽ là những cá nhân có nhiều cống hiến cho nhân loại cho xã hội.

Cái tài của con người biểu hiện ở khả năng tư duy, sáng tạo, làm ra những điều tốt đẹp, những phát minh có tầm quan trọng, đóng góp nhiều cho sự phát triển của xã hội. Người có tài đối với lĩnh vực mà mình am hiểu, không chỉ dừng lại ở việc làm tốt, mà còn phát triển, sáng tạo, tìm ra những cái mới, hoàn thành công việc ở mức điêu luyện, tài hoa tựa như một người nghệ sĩ. Người có tài, có những suy nghĩ và cách tư duy khác hẳn so với người thường, điều người thường thấy chỉ có một thì người tài đã nhìn ra mười, thậm chí là một trăm, thêm nữa họ không ưa thích những gì đã cũ kỹ nhàm chán, mà lại mong muốn tìm ra được những cái mới có ích hơn, chứ không đơn thuần chỉ dừng lại ở việc lặp đi lặp lại những cái đã có sẵn. Còn người có đức, có đạo đức thể hiện ở tâm hồn trong sáng, suy nghĩ tích cực, luôn hướng đến lợi ích chung của xã hội, tấm lòng nhân hậu lương thiện, một người vì mọi người, luôn sống đúng với những quy tắc chuẩn mực của xã hội. Không có những suy nghĩ xấu xa, trục lợi, tâm địa ích kỷ,... Người có tài và đức mà tôi ngưỡng mộ nhất chính là vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong xã hội hiện đại cũng có không ít những tấm gương tiêu biểu về con người hội tụ cả hai yếu tố tài và đức, đó là các nhà khoa học đang ngày đêm miệt mài nghiên cứu để cho ra những thành tựu vĩ đại, cống hiến cho nhân loại, đó là những vị bác sĩ tài năng đang ngày đêm cứu chữa cho bệnh nhân mà chẳng màng đến sức khỏe của bản thân, là những nhà giáo tâm huyết, ngày ngày truyền dạy kiến thức, sáng tạo ra những bài giảng hấp dẫn cho học sinh của mình,... Dù là trong bất kỳ lĩnh vực nào thì người hội tụ cả hai yếu tố tài và đức đều đem đến cho nhân loại những cống hiến tốt đẹp, không kể đó là cống hiến to hay nhỏ, được mọi người biết đến hay không.

Tài năng và đạo đức là hai khái niệm song hành và có mối quan hệ thống nhất, biện chứng với nhau. Một con người chỉ có một trong hai khái niệm này thì cho dù có thực sự tuyệt vời trong mặt còn lại cũng vẫn cứ mãi là một sự khuyết thiếu đáng tiếc. Vì đơn giản họ khó có thể đem lại những cống hiến thực sự có ích cho xã hội. Nếu một người chỉ chú trọng vào việc tôn tạo, rèn luyện cái tài năng của mình sao cho thật xuất chúng, nhưng lại quên mất bồi dưỡng cả các giá trị đạo đức, thì lâu dần họ sẽ dễ có những suy nghĩ lệch lạc. Đó là sự ích kỷ, chỉ muốn giữ lại cái tài năng của mình, không muốn chia sẻ cho xã hội hoặc nghiêm trọng hơn cả họ sẽ lợi dụng cái tài năng của mình làm ra những việc gây hại cho tập thể cộng đồng. Ngược lại một con người rèn luyện rất tốt đạo đức, có tấm lòng lương thiện, bác ái, muốn giúp đỡ muốn cống hiến cho xã hội. Nhưng ngặt cái họ không có được tài năng, thì dù tấm lòng có khao khát, muốn làm việc có ích cho xã hội cũng trở nên xa vời, là lực bất tòng tâm, như vậy xem ra cũng chẳng có ý nghĩa gì. Bởi người ta không thể chỉ dùng lời nói, mà còn phải dùng hành động thực tế để chứng minh sự có ích của mình đối với sự phát triển của xã hội.

Nếu chúng ta có thể dung hòa và phát triển một cách đồng đều cả tài và đức thì sẽ dễ dàng hơn hơn trong việc cống hiến và hành động vì xã hội, vì sự phát triển đi lên của dân tộc của đất nước. Đồng thời người vừa có tài lại vừa có đức luôn khiến người khác phải ngưỡng mộ, trân trọng, yêu quý, nhận được sự giúp đỡ, ủng hộ của những người xung quanh, từ đó cuộc sống sẽ trở nên dễ dàng và suôn sẻ hơn cả. Nhận thức được tầm quan trọng của tài và đức mỗi học sinh chúng ta cần có ý thức rèn luyện đồng đều cả tài năng và đạo đức bằng việc chăm chỉ tham gia học tập, thường xuyên tư duy, suy nghĩ, sáng tạo và phát triển bản thân ở nhiều lĩnh vực. Song song đó là ý thức tu dưỡng đạo đức, sống chân thành hòa nhập, yêu thương con người, có tấm lòng lương thiện, bác ái, sẵn sàng giúp đỡ người khác.

Tài và đức không còn là những khái niệm xa lạ, mà nó là nhân tố chính làm nên nhân cách của một công dân trong xã hội mới, xã hội của sự phát triển, với những biến đổi liên tục. Nếu con người còn không ý thức được tầm quan trọng của việc hoàn thiện bản thân, rèn luyện những tư cách phẩm chất thích hợp, dung hòa giữa tài và đức thì sẽ rất khó để tồn tại và cống hiến cho đất nước ngày một giàu đẹp.

---------------------------------------

Suy nghĩ của em về mối quan hệ giữa tài và đức vừa được VnDoc.com gửi tới bạn đọc. Qua bài viết chắc hẳn bạn đọc đã nắm được những ý chính cần có trong bài viết rồi đúng không ạ? Bài viết cho ta thấy rõ được mối quan hệ giữa tài và đức. Tài và đức là hai khái niệm có mỗi quan hệ, hỗ trợ lẫn nhau. "Có tài mà không có đức là người vô dụng, có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó" lời dạy của Bác biểu đạt thật chính xác mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa cái tài và cái đức trong mỗi một con người. Tài là khả năng tìm tòi, khai thác, sáng tạo hoặc làm một công việc nào đó đạt đến trình độ mà khó có ai có thể làm được, là phạm trù năng lực riêng biệt của từng cá nhân, đức là viết tắt của từ đạo đức, thể hiện khía cạnh nhân phẩm, tư cách, thái độ sống, tâm hồn của một con người trong xã hội, được hình thành trong quá trình sống, sự giáo dục từ gia đinh, nhà trường và xã hội. Tài và đức hợp lại làm nên vẻ đẹp toàn diện của một con người. Nếu chúng ta có thể dung hòa và phát triển một cách đồng đều cả tài và đức thì sẽ dễ dàng hơn hơn trong việc cống hiến và hành động vì xã hội, vì sự phát triển đi lên của dân tộc của đất nước. Tài và đức không còn là những khái niệm xa lạ, mà nó là nhân tố chính làm nên nhân cách của một công dân trong xã hội mới, xã hội của sự phát triển, với những biến đổi liên tục. Mong rằng qua bài viết bạn đọc có thêm tài liệu để học tập nhé.

Trên đây VnDoc đã tổng hợp các bài văn mẫu Suy nghĩ của em về mối quan hệ giữa tài và đức cho các bạn tham khảo ý tưởng khi viết bài. Ngoài ra các bạn có thể xem thêm chuyên mục Soạn văn 10 mà VnDoc đã chuẩn bị để học tốt hơn môn Ngữ văn lớp 10 và biết cách soạn bài lớp 10 các bài Tác giả - tác phẩm ngữ văn 10 trong sách Văn tập 1 và tập 2. Mời các em học sinh, các thầy cô cùng các bậc phụ huynh tham khảo.

Chia sẻ, đánh giá bài viết
1
Chọn file muốn tải về:
Chỉ thành viên VnDoc PRO tải được nội dung này!
79.000 / tháng
Đặc quyền các gói Thành viên
PRO
Phổ biến nhất
PRO+
Tải tài liệu Cao cấp 1 Lớp
Tải tài liệu Trả phí + Miễn phí
Xem nội dung bài viết
Trải nghiệm Không quảng cáo
Làm bài trắc nghiệm không giới hạn
Mua cả năm Tiết kiệm tới 48%
Sắp xếp theo
    🖼️

    Gợi ý cho bạn

    Xem thêm
    🖼️

    Văn mẫu lớp 10

    Xem thêm