Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Đề thi thử THPT Quốc gia môn Ngữ văn năm 2016 tỉnh Bình Thuận

Đề thi thử đại học môn Văn có đáp án

Đề thi thử THPT Quốc gia môn Ngữ văn năm 2016 tỉnh Bình Thuận là đề thi mới nhất cập nhật các câu hỏi nghị luận mang tính thời sự. Mời các em tham khảo thử sức với Đề thi thử THPT Quốc gia môn Ngữ văn năm 2016 tỉnh Bình Thuận. Chúc các em làm bài tốt!

Bạn đã dùng hết 2 lần làm bài Trắc nghiệm miễn phí. Mời bạn mua tài khoản VnDoc PRO để tiếp tục! Tìm hiểu thêm
  • Câu 1: (3 điểm)

    Đọc hai đoạn trích (văn, thơ) sau và trả lời câu hỏi:

    Trích 1: "Trong những dòng sông đẹp ở các nước mà tôi thường nghe nói đến, hình như chỉ sông Hương là thuộc về một thành phố duy nhất. Trước khi về đến vùng châu thổ êm đềm, nó đã là một bản trường ca của rừng già, rầm rộ giữa bóng cây đại ngàn, mãnh liệt qua những ghềnh thác, cuộn xoáy như cơn lốc vào những đáy vực bí ẩn, và cũng có lúc nó trở nên dịu dàng và say đắm giữa những dặm dài chói lọi màu đỏ của hoa đỗ quyên rừng. Giữa lòng Trường Sơn, sông Hương đã sống một nửa cuộc đời của mình như một cô gái Digan phóng khoáng và man dại. Rừng già đã hun đúc cho nó một bản lĩnh gan dạ, một tâm hồn tự do và trong sáng. Nhưng chính rừng già nơi đây, với cấu trúc đặc biệt có thể lý giải được về mặt khoa học, đã chế ngự sức mạnh bản năng ở người con gái của mình để khi ra khỏi rừng, sông Hương nhanh chóng mang một sắc đẹp dịu dàng và trí tuệ, trở thành người mẹ phù sa của một vùng văn hóa xứ sở."

    (Trích Ai đã đặt tên cho dòng sông? – Hoàng Phủ Ngọc Tường)

  • 1.
    Phương thức biểu đạt chính của đoạn trích? (0,25 điểm) Biện pháp tu từ nào được cảm nhận qua hình ảnh dòng sông? (0,25 điểm) Tác dụng của biện pháp tu từ đó? (0,25 điểm)
    • Phương thức biểu đạt chính: miêu tả: 0,25 điểm.
    • Biện pháp tu từ: nói ẩn dụ hoặc nhân hóa đều chấp nhận, cho: 0,25 điểm.
    • Nhân hóa để dòng sông trở thành một sinh thể có hồn và đầy cá tính, tạo sự hấp dẫn, lôi cuốn người đọc về vẻ đẹp của dòng sông: 0,25 điểm
  • 2.
    Chỉ ra yếu tố tình thái trong câu: "Trong những dòng sông đẹp ở các nước mà tôi thường nghe nói đến, hình như chỉ sông Hương là thuộc về một thành phố duy nhất" (0,25 điểm), nêu ý nghĩa về cách biểu đạt tình thái đó? (0,25 điểm)
    • Yếu tố tình thái: hình như: 0,25 điểm
    • Biểu đạt tình thái là thể hiện sự cẩn trọng trong đánh giá bao quát vừa bày tỏ niềm tự hào về sự đặc biệt của dòng sông mà không nơi nào có như dòng sông quê hương của mình: 0,25 điểm.
  • 3.
    Anh – chị hãy phân tích giá trị về ý nghĩa "cấu trúc rừng già" khi tác giả viết: "Nhưng chính rừng già nơi đây, với cấu trúc đặc biệt có thể lý giải được về mặt khoa học, đã chế ngự sức mạnh bản năng ở người con gái của mình để khi ra khỏi rừng, sông Hương nhanh chóng mang một sắc đẹp dịu dàng và trí tuệ..."? (0,5 điểm)
    Ở đây tác giả muốn nói đến sự kết cấu tự nhiên bền vững của môi trường sinh thái trong thiên nhiên. (0,25 điểm) Nêu ra sự kiện về "cấu trúc đặc biệt" của "rừng già" như vậy ở thượng nguồn là nói lên vai trò, tác dụng cấu trúc tự nhiên của thiên nhiên, điều đó tạo nên sự thẩm thấu và sức cản, để "chế ngự sức mạnh bản năng" của dòng nước (người con gái) ở thượng nguồn; chính nhờ thế mà khi ra khỏi rừng, dòng nước sông Hương trở nên hiền hòa (nhanh chóng mang một sắc đẹp dịu dàng và trí tuệ...). (0,25 điểm)
  • Trích 2:

    "Trời xanh đây là của chúng ta
    Núi rừng đây là của chúng ta
    Những cánh đồng thơm mát
    Những ngả đường bát ngát
    Những dòng sông đỏ nặng phù sa
    Nước chúng ta
    Nước những người chưa bao giờ khuất
    Đêm đêm rì rầm trong tiếng đất
    Những buổi ngày xưa vọng nói về"

    (Trích Đất nước – Nguyễn Đình Thi)

  • 4.
    Tóm tắt nội dung đoạn thơ trên. (0,25 điểm)
    Tóm tắt nội dung đoạn thơ: Chỉ yêu cầu học sinh nêu được: Nhận thức tự hào về chủ quyền (không gian địa lý – lãnh thổ) và truyền thống bất khuất (thời gian lịch sử) của dân tộc ta từ xưa đến nay. (0,25 điểm)
  • 5.
    Chỉ ra những biện pháp tu từ được sử dụng trong đoạn thơ trên? (0,25 điểm) Tác dụng của các biện pháp tu từ đó? (0,25 điểm)

    Các phép điệp (điệp từ, điệp ngữ, điệp cấu trúc) kết hợp với phép liệt kê trong đoạn thơ, cần phải nêu được 2 phép: điệp từ, điệp ngữ: "đây", "là của chúng ta", "những" "nước"; liệt kê những hình ảnh: trời xanh, núi rừng, dòng sông,... (có thể học sinh không nói đến từ nước và biện pháp liệt kê): (0,25 điểm). Tác dụng: nhằm khẳng định ý thức chủ quyền về lãnh thổ, tự hào về sự trù phú, giàu đẹp của quê hương: (0,25 điểm)

  • 6.
    Viết một đoạn văn ngắn (không quá 10 dòng) nêu cảm nhận về nội dung 4 câu thơ cuối của đoạn trích? (0,5 điểm)

    Yêu cầu viết một đoạn văn ngắn (không quá 10 dòng) thể hiện được các ý cơ bản sau:

    • Khẳng định lại ý thức chủ quyền (Nước chúng ta), với truyền thống lịch sử của một dân tộc là những con người chưa bao giờ chịu khuất phục trước mọi thế lực đe dọa của kẻ thù. (0,25 điểm)
    • Âm thanh "rì rầm" của "ngày xưa vọng nói về" gợi lên khí thiêng có phần huyền bí, như vong linh hồn vía dân tộc đang tụ hội trong lòng đất, lẫn quất đâu đây, đó cũng chính là sức sống mãnh liệt trong tâm hồn, trong tình cảm, trong khí phách đã được hun đúc sẵn có từ nghìn đời ở tinh thần người Việt Nam trong kháng chiến chống ngoại xâm. (0,25 điểm)
  • Câu 2: (3 điểm)

    Trước hiện tượng cá chết dọc theo bờ biển các tỉnh miền Trung (trong tháng 4 năm 2016), từ Hà Tĩnh đến Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế, hãy phát biểu suy nghĩ của anh – chị về những tác hại của hiện tượng ấy đến đời sống hiện nay và ý thức bảo vệ môi trường.

    (Bài viết không quá 1 trang giấy thi).

    Về kiến thức và kỹ năng, yêu cầu phải đạt được những chuẩn sau trong quá trình tạo lập văn bản:

    1. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận: Mở bài, thân bài, kết luận. Phần mở bài nêu được vấn đề; phần thân bài biết tổ chức thành nhiều đoạn văn liên kết chặt chẽ với nhau cùng làm sáng tỏ vấn đề; phần kết bài phải kết luận được vấn đề. (0,25 điểm)

    2. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận:

    • Điểm 0,25: Đề yêu cầu suy nghĩ về 3 vấn đề: Nêu hiện tượng cá chết, tác hại đến đời sống và ý thức bảo vệ môi trường.
    • Điểm 0: Bài viết không đề cập đến 2 trong 3 vấn đề nêu trên.

    3. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm; thể hiện sự cảm nhận sâu sắc và vận dụng tốt các thao tác lập luận; kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng. Cần triển khai được các ý cơ bản sau:

    a. Hiện tượng cá chết: Hiện nay các nhà khoa học đang điều tra, nghiên cứu để có kết luận, không yêu cầu học nói do ai gây ra, nhưng học sinh cần nói được: cá chết là do môi trường bị nhiễm độc hại là chấp nhận. (0,25 điểm) (Lưu ý: Đây là vấn đề thời sự nhạy cảm, sau khi chấm bài xong, nếu gặp những bài viết nào có cách nhìn lệch lạc, xốc nổi, khi trả bài cho học sinh, giáo viên cần định hướng giúp học sinh có cách nhìn đúng đắn về tính chất thời sự của vấn đề).

    b. Tác hại của sự kiện cá chết dọc bờ biển thuộc các tỉnh miền Trung vừa qua, chỉ cần nhận biết và nêu được 3 ý cơ bản:

    • Ăn phải cá chết nhiễm độc sẽ ảnh hưởng nguy hiểm đến sức khỏe. (0,25 điểm)
    • Ảnh hưởng trầm trọng đến đời sống của ngư dân trong việc đánh bắt cá, cung cấp nguồn hải sản cho người tiêu dùng. (0,5 điểm)
    • Ảnh hưởng đến dịch vụ du lịch. (0,5 điểm)

    c. Liên hệ bản thân (hiện nay và mai sau khi vào đời) về ý thức trách nhiệm bảo vệ môi trường nói chung và bảo vệ môi trường biển nói riêng. (0,5 điểm)

    4. Sáng tạo:

    • Điểm 0,25: Bài viết thể hiện được cách suy nghĩ, nhìn nhận, đánh giá vấn đề có chính kiến riêng một cách hợp lý.
    • Điểm 0: Bài viết nói chung chung, mơ hồ, không nêu được chính kiến.

    5. Chính tả, dùng từ, đặt câu:

    • Điểm 0,25: Ít sai lỗi chính tả, biết cách dùng từ, ít sai ngữ pháp.
    • Điểm 0: Mắc quá nhiều lỗi chính tả, diễn đạt rối rắm, nhiều câu tối nghĩa.
  • Câu 3: (4 điểm)

    Cảm nhận của anh – chị về hai đoạn thơ của hai tác giả sau:

    "Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa
    Kìa em xiêm áo tự bao giờ
    Khèn lên man điệu nàng e ấp
    Nhạc về Viên Chăn xây hồn thơ
    Người đi Châu Mộc chiều sương ấy
    Có thấy hồn lau nẻo bến bờ
    Có nhớ dáng người trên độc mộc
    Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa".
    (Trích Tây Tiến – Quang Dũng)
    "Nhớ bản sương giăng, nhớ đèo mây phủ
    Nơi nao qua, lòng lại chẳng yêu thương?
    Khi ta ở, chỉ là nơi đất ở
    Khi ta đi, đất đã hóa tâm hồn!
    Anh bỗng nhớ em như đông về nhớ rét
    Tình yêu ta như cánh kiến hoa vàng
    Như xuân đến chim rừng lông trở biếc
    Tình yêu làm đất lạ hóa quê hương. "

    (Trích Tiếng hát con tàu – Chế Lan Viên)

    Về kiến thức và kỹ năng, yêu cầu phải đạt được những chuẩn sau trong quá trình tạo lập văn bản:

    1. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận:

    • Điểm 0,5: Trình bày đầy đủ các phần Mở bài, Thân bài, Kết luận. Phần Mở bài biết dẫn dắt hợp lí và nêu được vấn đề; phần Thân bài biết tổ chức thành nhiều đoạn văn liên kết chặt chẽ với nhau cùng làm sáng tỏ vấn đề; phần Kết bài khái quát được vấn đề và thể hiện được nhận thức của cá nhân.
    • Điểm 0,25: Trình bày đầy đủ ba phần Mở bài, Thân bài, Kết luận, nhưng các phần chưa thể hiện được đầy đủ yêu cầu như trên; phần Thân bài chỉ có 1 đoạn văn. Có dấu hiệu bố cục 3 phần nhưng cách trình bày chưa thật rõ ràng.
    • Điểm 0: Thiếu Mở bài hoặc Kết luận, hoặc cả bài viết chỉ có 1 đoạn văn.

    2. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận:

    • Điểm 0,5: Hai đoạn trích của hai bài thơ đều gợi lại ký ức của những ngày kháng chiến, đó là những ký ức đẹp về tình người, tình quân dân, về thiên nhiên mà người cán bộ, chiến sĩ đã từng sống, từng gắn bó, song mỗi tác giả đều có những cách biểu đạt khác nhau.
    • Điểm 0: Xác định chưa rõ hoặc xác định sai vấn đề cần nghị luận, trình bày lạc sang vấn đề khác.

    3. (2.5 điểm): Chia vấn đề cần nghị luận thành các luận điểm phù hợp; các luận điểm được triển khai theo trình tự hợp lí, có sự liên kết chặt chẽ; sử dụng tốt các thao tác lập luận để triển khai các luận điểm (trong đó phải có thao tác phân tích, chứng minh, bình luận...); biết kết hợp giữa nêu lí lẽ và đưa dẫn chứng; dẫn chứng hợp lý. Cơ bản phải đảm bảo các ý sau:

    a. Giới thiệu đôi nét về hai tác giả, hoàn cảnh và cảm hứng sáng tác của hai bài thơ. (0,25 điểm)

    b. Về hai đoạn trích, cần cảm nhận được những ý cơ bản sau:

    b1. Đoạn trích bài Tây Tiến: Đoạn thơ có hai cảnh về con người và thiên nhiên Tây Bắc qua ký ức người lính trên những chặng đường hành quân: cảnh đêm liên hoan và cảnh sông nước.

    b1.1. Đêm hội đuốc hoa: Nhớ về kỷ niệm đêm liên hoan thể hiện tình quân dân trong kháng chiến.

    • Khổ thơ với bút pháp lãng mạn,diễn tả linh hoạt đêm "hội đuốc hoa" với ánh sáng, màu sắc, âm thanh, hình ảnh gợi lên không khí sinh động, ấn tượng. Học sinh cần bám vào các từ bừng, kìa em, tự bao giờđể thấy được tâm trạng ngạc nhiên, ngỡ ngàng của người lính; sự rực rỡ, tưng bừng của màu sắc, âm thanh; gợi lên một không gian vui nhộn, hấp dẫn. (0,25 điểm)
    • Trung tâm đoạn thơ là hình ảnh các cô gái: phân tích để thấy được những nét duyên dáng trong điệu khèn tình tứ, với vẻ đẹp e ấp, kín đáo. (0,25 điểm)

    b1.2. Cảnh thiên nhiên sông nước miền Tây: Ở đây tác giả không đi sâu vào miêu tả, mà chủ yếu là gợi, nên học sinh cần bám vào các ngữ: "hồn lau nẻo bến bờ", "dáng người trên độc mộc" để phân tích, cảm nhận:

    • Thiên nhiên ở hai câu đầu hoang sơ, tĩnh mịch, lặng tờ, mờ ảo trong sương, nhưng không buồn (0,25 điểm) (Khác với thiên nhiên hùng vĩ, đường nét gấp khúc, dữ dội, hiểm trở như miêu tả ở phần đầu bài thơ).
    • Cảnh ở hai câu tiếp, học sinh cần dựa vào bốn hình ảnh: dáng người, độc mộc, dòng nước, hoa để phân tích, cảm nhận. Lưu ý: về hình ảnh dáng người, hoa đong đưa có nhiều cách hiểu, nên học sinh có thể cảm nhận theo nhiều hướng khác nhau, miễn sao cách cảm nhận có cơ sở hợp lý, là chấp nhận, nhằm phát huy tính sáng tạo của học sinh trong cảm nhận thơ. (0,25 điểm)

    b2. Đoạn trích bài Tiếng hát con tàu: Cả hai khổ thơ đều thể hiện nỗi nhớ: một nỗi nhớ bao trùm, một nỗi nhớ cụ thể. Học sinh cảm nhận phân tích để thấy được tình cảm sâu đậm của con người kháng chiến gắn liền với những không gian hoạt động ở chiến khu.

    b2.1. Nỗi nhớ bao trùm gắn với không gian hoạt động của cán bộ, chiến sĩ:

    • Cần làm rõ: Nỗi nhớ về thiên nhiên, con người có ân tình sâu nặng lắm mới "Nơi nao qua, lòng lại chẳng yêu thương?" (0,25 điểm)
    • Từ thực tế cuộc sống, ý thơ đưa tới suy ngẫm khái quát, chứa đựng một triết lý sâu sắc, biểu hiện một quy luật tình cảm, quy luật của trái tim.(0,25 điểm)

    b2.2. Nỗi nhớ cụ thể: Tình yêu đôi lứa.

    • Mượn thiên nhiên để so sánh với nỗi nhớ tình yêu, cách so sánh mới lạ, gợi lên nỗi nhớ mang tính tất yếu, thể hiện một tình cảm đẹp, lung linh, rực rỡ.(0,25 điểm).
    • Tình yêu đôi lứa trở nên kỳ diệu, tạo nên sự gắn bó thiết tha không chỉ với con người mà còn gắn bó với cảnh vật làng quê – đó cũng là quy luật tình cảm của con người. (0,25 điểm)

    c. Nêu đối chiếu so sánh giữa hai đoạn thơ và khái quát về hai bài thơ của hai tác giả. (0,25 điểm)

    4. Sáng tạo:

    • Điểm 0,25: Bài viết thể hiện được cách suy nghĩ, nhìn nhận, đánh giá vấn đề có chính kiến riêng một cách hợp lý.
    • Điểm 0: Bài viết còn cảm nhận chung chung theo câu chuyện, chưa có phân tích, bình luận để đưa ra ý kiến của bản thân.

    5. Chính tả, dùng từ, đặt câu:

    • Điểm 0,25: Ít sai lỗi chính tả, biết cách dùng từ, ít sai ngữ pháp.
    • Điểm 0: Mắc quá nhiều lỗi chính tả, diễn đạt rối rắm, nhiều câu tối nghĩa.
  • Đáp án đúng của hệ thống
  • Trả lời đúng của bạn
  • Trả lời sai của bạn
Bắt đầu ngay
Bạn còn 2 lượt làm bài tập miễn phí. Hãy mua tài khoản VnDoc PRO để học không giới hạn nhé! Bạn đã dùng hết 2 lượt làm bài tập miễn phí! Hãy mua tài khoản VnDoc PRO để làm Trắc nghiệm không giới hạn và tải tài liệu nhanh nhé! Mua ngay
Kiểm tra kết quả Xem đáp án Làm lại
Chia sẻ, đánh giá bài viết
1
Sắp xếp theo
    🖼️

    Ôn Thi THPT Quốc Gia môn Văn Online

    Xem thêm