Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Đề thi thử THPT Quốc gia môn Văn năm 2016 trường THPT chuyên Nguyễn Quang Diêu, Đồng Tháp

Tài liệu ôn thi THPT Quốc gia môn Văn 2016

Đề thi thử THPT Quốc gia môn Văn năm 2016 trường THPT chuyên Nguyễn Quang Diêu, Đồng Tháp là đề thi MỚI NHẤT do VnDoc cập nhật giúp các bạn học sinh có nguồn tài liệu hay và hữu ích để luyện thi hiệu quả. Chúc các bạn ôn tập tốt và ghi điểm số cao!

Mời các bạn tham khảo thêm:

Đề thi thử THPT Quốc gia môn Ngữ văn năm học 2015 - 2016 trường THPT Lý Tự Trọng, Quảng Nam

Đề thi thử THPT Quốc gia môn Ngữ văn đợt 2 năm học 2015 - 2016 trường THPT Hàm Long, Bắc Ninh

Bạn đã dùng hết 2 lần làm bài Trắc nghiệm miễn phí. Mời bạn mua tài khoản VnDoc PRO để tiếp tục! Tìm hiểu thêm
  • I. PHẦN ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)
    Đọc đoạn thơ sau và thực hiện các yêu cầu từ Câu 1 đến Câu 4:

    “ Đất nước tôi ba nghìn cây số biển
    Nhấp nhô ba nghìn đảo nhỏ, đảo to
    Cỏ ở đây ánh màu san hô đỏ
    Biển chỉ xanh ở chỗ xa bờ…

    Những hải đội dân binh Hoàng Sa đi giữ đất
    Cát vàng tươi rịn ướt Nồm, Nam
    Gió biển đảo mặn mòi xanh cứng tóc
    Quả bàng vuông hình chiếc bánh chưng

    Tổ quốc tôi ba nghìn cây số biển
    Chữ S bao đời hình chiếc mỏ neo
    Neo lịch sử qua thăng trầm biến động
    Giữa khơi xa vẫn thong thả nhịp:“chèo”

    Nhà Giàn dựng những tán cây bằng thép
    Bốn mùa tươi – không thể héo lá cờ!
    Chim biển đứng co chân nhìn người không chớp mắt
    Khay rau viền xanh mướt những tâm tư”

    (Trích Tổ quốc tôi ba nghìn cây số biển – Nguyễn Ngọc Phú, Làng biển Kim Đôi, 02/10/2011. Vietnamnet.vn)
  • Câu 1.
    Xác định những phương thức biểu đạt được sử dụng trong đoạn thơ trên. (0,25 điểm)
    Những phương thức biểu đạt được sử dụng trong đoạn thơ là: biểu cảm, miêu tả, tự sự.
  • Câu 2.

    Ý chí, quyết tâm bảo vệ biển đảo của Tổ quốc được thể hiện qua những từ ngữ, hình ảnh nào? (0,25 điểm)

    Ý chí, quyết tâm bảo vệ biển đảo của Tổ quốc được thể hiện qua những từ ngữ, hình ảnh: những hải đội dân binh đi giữ đất, neo lịch sử qua thăng trầm, Nhà Giàn dựng những tán cây bằng thép, không thể héo lá cờ,…
  • Câu 3.
    Chỉ ra và nêu hiệu quả của biện pháp tu từ được sử dụng trong hai dòng thơ: “Tổ quốc tôi ba nghìn cây số biển/ Chữ S bao đời hình chiếc mỏ neo”. (0,5 điểm)
    - Biện pháp tu từ được sử dụng trong những dòng thơ trên là so sánh (0,25).
    - Hiệu quả: Gợi hình ảnh Tổ quốc Việt Nam với dáng vẻ vững vàng, chắc chắn trước phong ba bão táp, đó cũng là niềm tự hào dân tộc của nhà thơ
  • Câu 4.
    Cảm nhận của anh/ chị về những tình cảm, cảm xúc của nhà thơ về biển đảo Tổ quốc được thể hiện qua đoạn thơ. (Trả lời khoảng 5 -7 dòng) . (0,5 điểm)
    - Những tình cảm, cảm xúc của nhà thơ về biển đảo Tổ quốc được thể hiện trong đoạn thơ: xúc động, tự hào, ngợi ca vẻ đẹp biển đảo quê hương và ý chí quyết tâm bảo vệ biển đảo Tổ quốc của dân tộc từ bao đời nay,… (0,25)
    - Nhận xét: tình cảm, cảm xúc chân thành, sâu lắng khơi gợi được những tình cảm đẹp về biển đảo, ý thức trách nhiệm tiếp nối truyền thống bảo vệ biển đảo Tổ quốc của cha anh từ bao đời nay,... (0,25)
  • Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu từ Câu 5 đến Câu 8:
    “… Nguy hơn, thực phẩm bẩn chính là kẻ sát nhân thầm lặng, ảnh hưởng và di hại đến nhiều thế hệ làm kiệt quệ giống nòi, người tiêu dùng có còn đủ tỉnh táo để phân biệt trong ma trận thực phẩm đang giăng như mạng nhện ấy đâu là sạch, đâu là bẩn hay lực bất tòng tâm để rồi “nhắm mắt đưa chân”.

    Nếu không có biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn kịp thời, rồi đây 10, 20 năm sau tỷ lệ mắc ung thư và tâm thần của người Việt sẽ còn cao hơn rất nhiều. Mọi nỗ lực để nâng cao chất lượng sống, cải tạo nòi giống chẳng lẽ bó tay trước những người đang đầu độc dân tộc mình!

    Phát triển sẽ là gì nếu không phải giúp người dân nâng cao đời sống, tạo môi trường lành mạnh, an toàn để mỗi chúng ta sống và đóng góp cho xã hội, nhưng thực phẩm bẩn tràn lan như hiện nay như là cái u ác tính cho cả dân tộc, nếu không cắt bỏ sẽ di căn thành ung thư, hãy hành động ngay hôm nay đừng để đến lúc vô phương cứu chữa”.

    (Trích Vấn nạn thực phẩm bẩn, chẳng nhẽ bó tay? – Th.s Trương Khắc Hà. http://www.dantri.com.vn Ngày 03/01/2016)
  • Câu 5.
    Đoạn trích trên được viết theo phong cách ngôn ngữ nào? (0,25 điểm)
    Đoạn trích trên được viết theo phong cách ngôn ngữ chính luận.
  • Câu 6.
    Tác giả đã chỉ ra những mối nguy hại nào của thực phẩm bẩn nếu không có biện pháp hữu hiệu ngăn chặn kịp thời? (0,5 điểm)
    Qua đoạn trích, hãy cho biết tác giả đã chỉ ra những mối nguy hại nào của thực phẩm bẩn: 10, 20 năm sau tỷ lệ mắc ung thư và tâm thần của người Việt sẽ còn cao hơn rất nhiều; mọi nỗ lực để nâng cao chất lượng sống, cải tạo nòi giống sẽ không đạt kết quả.
  • Câu 7.
    Hãy cho biết thái độ của tác giả khi bàn về thực phẩm bẩn? (0,25 điểm)
    Thái độ của tác giả: lo lắng, trăn trở, kêu gọi hành động.
  • Câu 8.

    Anh/chị có suy nghĩ gì trước vấn nạn: “…thực phẩm bẩn tràn lan như hiện nay như là cái u ác tính cho cả dân tộc”? Trả lời khoảng 5 – 7 dòng. (0,5 điểm)

    - Trình bày suy nghĩ chân thành, sâu sắc: khẳng định tác hại của thực phẩm bẩn; lên án những hành vi nuôi trồng, buôn bán thực phẩm bẩn; ý thức chung tay cùng xã hội đẩy lùi thực phẩm bẩn bằng những hành động thiết thực,…
  • II. PHẦN LÀM VĂN (7,0 điểm)
  • Câu 1. (3,0 điểm)
    Trong buổi Lễ khai giảng năm học 2015 – 2016 tại trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội), PGS Văn Như Cương đã có lời nhắn nhủ đầy tâm huyết đến các học sinh:

    “Thầy mong rằng những điều đã học – theo nghĩa rộng của từ này – sẽ giúp các em vững vàng hơn trong cuộc sống. Các em có thể trở thành những người lao động chân chính, những kĩ thuật có chuyên môn giỏi, những người nghiên cứu thành công, những doanh nghiệp tầm cỡ, những nhà lãnh đạo xuất sắc, những chính khách uyên bác… nhưng trước hết phải là những người tử tế, biết yêu thương và căm giận, vì nhân dân, vì Tổ quốc Việt Nam yêu quý của chúng ta”

    Anh/Chị hãy viết bài văn nghị luận (khoảng 600 chữ) bày tỏ những điều thấm thía của bản thân từ lời nhắn nhủ trên.
    a. Đảm bảo cấu trúc bài văn nghị luận
    Có đủ các phần:mở bài, thân bài, kết bài. Mở bài nêu được vấn đề, thân bài triển khai được vấn đề, kết bài kết luận được vấn đề
    b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận
    Lời nhắn nhủ của PGS Văn Như Cương về con đường để trở thành những công dân chân chính: vận dụng được những điều đã học đề vững vàng hơn trong cuộc sống; và trước hết là phải là những người tử tế, biết yêu ghét, biết sống vì nhân dân, vì Tổ quốc Việt Nam.
    c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm; vận dụng tốt các thao tác lập luận; kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng; rút ra bài học nhận thức và hành động.
    - Giải thích: “những điều đã học – theo nghĩa rộng của từ này sẽ giúp các em vững vàng hơn trong cuộc sống” – nghĩa là: ngoài kiến thức sách vở, học sinh cần được trang bị những kĩ năng, những giá trị để phát triển toàn diện thì mới có thể thành đạt. Và PGS nhấn mạnh: “trước hết phải là những người tử tế, biết yêu thương và căm giận, vì nhân dân, vì Tổ quốc…” – điều quan trọng học sinh cần hướng tới là những giá trị chuẩn mực về tính cách, phẩm chất, đạo đức tốt đẹp.
    → Thực chất lời nhắn nhủ của PGS Văn Như Cương là hướng học sinh vươn tới con đường rèn đức luyện tài để trở thành những công dân chân chính.
    - Bàn luận:
    Ý 1: Cần phải học tập và rèn luyện để phát triển một cách toàn diện thì mới có thể “vững vàng hơn trong cuộc sống”
    - Nhiệm vụ chính của học sinh là học tập, không chỉ là học tập kiến thức trong sách giáo khoa mà phải học tập tốt về mọi mặt, rèn luyện những năng lực, những kĩ năng chuẩn bị hành trang kiến thức cũng như về nhân cách để bước vào đời vững vàng.
    - Để thực sự thành đạt, học sinh cần học tập không chỉ bằng khối óc mà còn bằng cả trái tim; không phải là lối học thụ động hay nhồi nhét mà là học tập chủ động, sáng tạo với những khát vọng và trách nhiệm vì Tổ quốc,vì nhân dân.
    Ý 2: Cần ý thức tu dưỡng những giá trị chuẩn mực về phẩm chất, đạo đức tốt đẹp để trở thành “con người chân chính”
    Học sinh có thể vào đời bẳng những con đường khác nhau, dù lao động trên lĩnh vực nào, nhưng để trở thành một con người chân chính, trước hết phải biết sống tử tế, biết yêu- ghét đúng đắn, phải có ý thức công dân, tinh thần trách nhiệm với cộng đồng,…Đó là những giá trị hợp với truyền thống, đạo lí góp phần làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn, đời người thực sự có ý nghĩa .
    - Tình yêu Tổ quốc và nhân dân sẽ là động lực lớn thúc đẩy học sinh hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường.
    Bài học nhận thức và hành động
    d. Sáng tạo
    Có cách diễn đạt sáng tạo, thể hiện suy nghĩ sâu sắc, độc đáo về vấn đề nghị luận
    e. Chính tả, dùng từ, đặt câu
    Đảm bảo đúng quy tắc chính tả, dùng từ, đặt câu
  • Câu 2. (4,0 điểm)
    Phân tích cảm hứng về đất nước qua hai đoạn thơ sau:
    “Quân đi điệp điệp trùng trùng
    Ánh sao đầu súng bạn cùng mũ nan.
    Dân công đỏ đuốc từng đoàn
    Bước chân nát đá, muôn tàn lửa bay.
    Nghìn đêm thăm thẳm sương dày
    Đèn pha bật sáng như ngày mai lên.”
    (Trích Việt Bắc, Tố Hữu – Theo Ngữ văn 12, tập 1 – NXB Giáo dục, 2008)

    “Họ giữ và truyền cho ta hạt lúa ta trồng

    Họ chuyền lửa qua mỗi nhà, từ hòn than qua con cúi
    Họ truyền giọng điệu mình cho con tập nói
    Họ gánh theo tên xã, tên làng trong mỗi chuyến di dân
    Họ đắp đập be bờ cho người sau trồng cây hái trái”
    (Trích Đất Nước, Nguyễn Khoa Điềm – Theo Ngữ văn 12, tập 1 – NXB Giáo dục, 2008)
    a. Đảm bảo cấu trúc bài văn nghị luận
    Có đủ các phần:mở bài, thân bài, kết bài. Mở bài nêu được vấn đề, thân bài triển khai được vấn đề, kết bài kết luận được vấn đề
    b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận
    Cảm hứng về đất nước qua hai đoạn thơ trích ( Việt Bắc - Tố Hữu và Đất Nước - Nguyễn Khoa Điềm)
    c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm; thể hiện sự cảm nhận sâu sắc, vận dụng tốt các thao tác lập luận; kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng
    - Giới thiệu khái quát tác giả- tác phẩm và hai đoạn trích.
    - Cảm hứng về đất nước và con người qua hai đoạn thơ:
    * Cảm hứng về đất nước trong đoạn thơ trích Việt Bắc:
    - Về nội dung: Đất nước thật hào hùng trong hình ảnh đoàn người ra trận với đội ngũ hùng hậu, sức mạnh phi thường, khí thế ngất trời: điệp điệp trùng trùng, bước chân nát đá, muôn tàn lửa bay, … Đất nước cũng thật nên thơ, hào sảng qua cái nhìn lãng mạn của người ra trận: ánh sao đầu súng bạn cùng mũ nan; niềm lạc quan về một đất nước ngày mai trong niềm tin của những con người đang đi đến chiến thắng: Nghìn đêm thăm thẳm sương dày/ Đèn pha bật sáng như ngày mai lên…
    - Về nghệ thuật: giọng điệu hào hùng, sảng khoái, cách sử dụng các từ chỉ số lượng, phép so sánh, ẩn dụ - tượng trưng, thậm xưng, thủ pháp đối lập… tạo nên chất tráng ca đậm nét.
    * Cảm hứng về đất nước trong đoạn thơ trích Đất Nước:
    - Về nội dung: Đất Nước thật bình dị, gần gũi mà thiêng liêng trong công cuộc lao động vĩ đại của nhân dân – những con người vô danh bình dị đã kiến tạo đất nước bằng chính cuộc sống thường nhật của mình: giữ và truyền hạt lúa…, chuyền lửa từ hòn than qua con cúi, truyền giọng điệu cho con tập nói, đắp đập be bờ, trồng cây hái trái,… Đất Nước thật vĩ đại, thật đáng tự hào với những trầm tích văn hóa về vật chất và tinh thần được lưu giữ và truyền lại cho các thế hệ nối tiếp nhau: nền văn minh nông nghiệp, văn minh lúa nước, ngôn ngữ văn hóa – tiếng Việt, dẫn thủy nhập điền phát triển nông nghiệp,… Đó là Đất Nước của Nhân dân kết tinh công sức, trí tuệ, tâm huyết của bao thế hệ người dân Việt trong suốt mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước.
    - Về nghệ thuật: cách sử dụng đại từ, điệp từ (Họ), điệp cấu trúc; những động từ với mật độ dày đặc: giữ, truyền, chuyền, gánh, đắp đập, be bờ,…; chất chính luận và trữ tình qua âm điệu câu thơ điệu nói,…
    - Đánh giá điểm tương đồng và khác biệt
    + Điểm tương đồng: Cả hai đoạn thơ đều thể hiện cảm hứng về đất nước trong những ngày kháng chiến hào hùng của dân tộc, đất nước gắn với hình ảnh dân tộc - nhân dân – thể hiện tình yêu và niềm tự hào của các nhà thơ, của con người Việt Nam về Đất nước.
    + Điểm khác biệt:
    * Đoạn thơ trích trong bài Việt Bắc:
    - Cảm hứng về đất nước thiên về ca ngợi sức mạnh hào hùng, khí thế tiến công và niềm lạc quan sáng ngời của một đất nước đi đến chiến thắng, tiến về tương lai tươi sáng.
    - Thể thơ lục bát truyền thống nhưng mang âm hưởng tráng ca với nhịp điệu sôi nổi hào hùng, từ ngữ sử dụng độc đáo, linh hoạt với nhiều từ láy và biện pháp tu từ, liên tưởng như nhân hóa, ẩn dụ, thậm xưng,… -
    - Giọng điệu say sưa, tươi vui mang cảm hứng sử thi và lãng mạn… thể hiện phong cách của một nhà thơ trữ tình – chính trị.
    * Đoạn thơ trích trong bài Đất Nước:
    - Cảm hứng về đất nước lắng đọng ở chiều sâu văn hóa với những giá trị văn hóa truyền thống bền vững được khái quát một cách sâu sắc gợi những suy tư về vai trò Nhân dân: những con người vô danh bình dị đã làm nên Đất Nước muôn đời.
    - Thể thơ tự do với nhịp điệu linh hoạt trong biểu đạt những cảm xúc, cách sử dụng điệp từ, điệp cấu trúc, hàng loạt động từ…, giọng điệu tâm tình dễ đi vào lòng người ,… thể hiện rõ nét phong cách trữ tình – chính luận của thơ Nguyễn Khoa Điềm.
    d. Sáng tạo
    Có cách diễn đạt sáng tạo, thể hiện suy nghĩ sâu sắc, mới mẻ về vấn đề nghị luận
    e. Chính tả, dùng từ, đặt câu
    Đảm bảo quy tắc chính tả, dùng từ, đặt câu
  • Đáp án đúng của hệ thống
  • Trả lời đúng của bạn
  • Trả lời sai của bạn
Bắt đầu ngay
Bạn còn 2 lượt làm bài tập miễn phí. Hãy mua tài khoản VnDoc PRO để học không giới hạn nhé! Bạn đã dùng hết 2 lượt làm bài tập miễn phí! Hãy mua tài khoản VnDoc PRO để làm Trắc nghiệm không giới hạn và tải tài liệu nhanh nhé! Mua ngay
Kiểm tra kết quả Xem đáp án Làm lại
Chia sẻ, đánh giá bài viết
1
Sắp xếp theo
    🖼️

    Ôn Thi THPT Quốc Gia môn Văn Online

    Xem thêm