Đề thi thử THPT Quốc gia môn Ngữ văn năm 2016 trường THPT Chuyên Nguyễn Huệ, Hà Nội (Lần 3)

Luyện thi THPT Quốc gia môn Văn 

Hãy cùng thử sức với Đề thi thử THPT Quốc gia môn Ngữ văn năm 2016 trường THPT Chuyên Nguyễn Huệ, Hà Nội (Lần 3) sau đây để luyện thi cho kỳ thi THPT Quốc gia cuối cấp vô cùng quan trọng này nhé. Chúc các bạn làm bài đạt kết quả cao!

Mời các bạn tham khảo thêm: Đề thi thử THPT Quốc gia môn Ngữ văn năm 2016 Trường THPT Chuyên Nguyễn Huệ, Hà Nội (Lần 2) 

Bạn cần đăng ký tài khoản VnDoc Pro để làm bài trắc nghiệm này! Tìm hiểu thêm
  • Phần I: Đọc – hiểu (3đ)
  • Câu 1 (1,5đ):

    Đọc đoạn trích dưới đây và trả lời các câu hỏi nêu bên dưới (câu 1 đến câu 4)

    Năm học này em ở trường nội trú. Có nhiều điều mới mẻ, thú vị. Và em lúc nào cũng nhớ về nhà. Nhớ để biết ơn.

    1. Vào trường, em được học cách để sống chung với các bạn khác. Em cũng vụng về, cũng làm sai làm hỏng nhiều lần, cũng vẫn ẩu, chưa gọn gàng, chưa ngăn nắp. Nhưng em biết ơn Bố vì khi em ở nhà, Bố luôn dặn em phải quay lại nhìn công việc mình vừa làm, xem có gì cần dọn dẹp không. Đôi lần em hơi khó chịu khi Bố cứ nhắc mãi về việc để đôi dép cho ngay ngắn, rồi vắt cái khăn mặt cũng phải hai mép chùng khít với nhau. Nhưng bây giờ, em mới thấy điều đó cần thiết đến nhường nào. Và em cố gắng sửa mình, theo từng lời Bố dặn.

    2. Trường là nơi em cảm nhận rõ ràng về sự học hỏi. Em thấy mình có thể học hỏi từ mọi người ở bất cứ lĩnh vực nào... Khi ấy, em biết ơn Bố. Khi em còn ở nhà, Bố không hỏi em về kiến thức trong sách. Bố cho em đi chơi nhiều nơi, cho em rời xa sách giáo khoa đề ngắm chiều xuống, nắng lên, ngắm những phận người soi bóng qua những giọt mồ hôi mặn. (...)

    7. Không phải mọi điều lúc nào cũng dễ dàng. Không phải cứ học ở một trường tốt là mọi thứ sẽ "trải thảm", có rất nhiều khó khăn thử thách đến với du học sinh. Khi gặp khó khăn, em nhớ đến những câu thơ Bố thường đọc cho em nghe: Nhiều khi đá dạy ta mềm mỏng/ Sự tàn nhẫn nhắc ta điều lành/ Nỗi buồn đánh thức hy vọng. Chính nghịch cảnh là thầy dạy ta. Và em vững lòng vượt qua khó khăn. (...)

    Cứ thế, một ngôi trường em yêu thích bởi trước hết, nó giúp em, bằng một cách rất hữu hình, nhớ và biết ơn Bố của mình.

    Mẹ ơi, khi đọc đến đây, mẹ có tự hỏi vì sao em không nhắc đến Mẹ không? 

    Vì đơn giản, em dành cho Mẹ một vị trí vô cùng đặc biệt. Và đơn giản hơn nữa, mẹ chính là người "làm nên" hai người đàn ông trong gia đình.

    Bằng sự nhẫn nại, dịu dàng, Mẹ đã mang Bố về với gia đình. (...)

    Bằng sự hiểu biết, bao dung, Mẹ đã dạy em về sự biết ơn. Như thấy bình minh là vui vì ngày mới bắt đầu. Thấy hoàng hôn là biết yêu ngày đã qua. Mẹ luôn cạnh em trong từng ngày, từng ngày dù em xa hay em gần để truyền cảm hứng, để em không chấp nhận sự "tạm được", "tạm ổn" khi mà em có thể "phát triển" một cách "say mê, nhân hậu, hài hước và phong cách" như nhân vật trong câu chuyện mẹ và em đã từng đọc. Em luôn ghi nhớ những điều đó.
    ...

    (Lá thư cuối năm của em – Đỗ Nhật Nam - nguồn Dân Trí)

  • 1.
    Đoạn trích trên thuộc phong cách ngôn ngữ nào? Phương thức biểu đạt chính là gì?
    - Phong cách ngôn ngữ sinh hoạt (0.25đ)
    - Phương thức biểu đạt chính là biểu cảm (0.25đ)
  • 2.
     Qua bức thư, Đỗ Nhật Nam bày tỏ tấm lòng biết ơn, nhớ thương của em đối với Bố mẹ (0.25đ)
     Qua bức thư, Đỗ Nhật Nam bày tỏ tấm lòng biết ơn, nhớ thương của em đối với Bố mẹ (0.25đ)
  • 3.
    Xét theo mục đích nói, câu văn Mẹ ơi, khi đọc đến đây, mẹ có tự hỏi vì sao em không nhắc đến Mẹ không? thuộc kiểu câu gì?
    Câu nghi vấn (0.25đ)
  • 4.
    Từ quan niệm của Đỗ Nhật Nam về nghịch cảnh, anh/chị hãy viết khoảng nửa trang giấy thi nói lên suy nghĩ của mình về thái độ cần có của con người trước những nghịch cảnh trong cuộc sống.

    Thái độ cần có khi gặp nghịch cảnh là: không nên lùi bước mà hãy nỗ lực tìm cách vượt nghịch cảnh. Khi nỗ lực tìm cách, ta sẽ có thêm những kiến thức, những kinh nghiệm, ta được rèn rũa tính kiên trì, lòng quyết tâm...và ta sẽ trưởng thành hơn.

    => Thí sinh cần viết được đoạn văn mạch lạc, rõ ý. (0.5đ)

  • Câu 2 (1.5đ):

    Đọc đoạn thơ sau và trả lời các câu hỏi nêu bên dưới (câu 5 đến câu 8):

    Bên kia sông Đuống
    Quê hương ta lúa nếp thơm nồng
    Tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong
    Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp
    Quê hương ta từ ngày khủng khiếp
    Giặc kéo lên ngùn ngụt lửa hung tàn
    Ruộng ta khô
    Nhà ta cháy
    Chó ngộ một đàn
    Lưỡi dài lê sắc máu
    Kiệt cùng ngõ thẳm bờ hoang
    Mẹ con đàn lợn âm dương
    Chia lìa đôi ngả
    Đám cưới chuột đang tưng bừng rộn rã
    Bây giờ tan tác về đâu?

    (Bên kia sông Đuống, Hoàng Cầm)

  • 5.
    Đoạn thơ được làm bằng thể thơ nào?
    Đoạn thơ được làm bằng thể thơ tự do (0.25đ)
  • 6.
    Hãy kể tên 02 bức tranh Đông Hồ được tác giả nhắc đến trong đoạn thơ trên.
    Thí sinh chỉ cần kể tên 02 trong số các bức tranh sau: Đám cưới chuột; Đàn gà mẹ con; Đàn lợn âm dương. (0.25đ)
  • 7.
    Anh/ chị hiểu thế nào về cụm từ màu dân tộc trong câu thơ Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp?
    - "Màu dân tộc" trước hết là để nói những chất liệu làm tranh Đông Hồ đều là những chất liệu dân gian của dân tộc. (0.25đ)
    - "Màu dân tộc" còn để chỉ những đường nét, cảnh sắc trong tranh thể hiện cái hồn của dân tộc. Đó là những cảnh sinh hoạt, những tâm tư, những khát vọng, ước mơ của nhân dân gửi gắm trong mỗi bức tranh. (0.25đ)
  • 8.
    Viết một đoạn văn (khoảng 5- 7 dòng) nêu cảm nhận của anh/chị về tâm trạng của tác giả trong đoạn thơ trên.

    Tâm trạng của tác giả vừa yêu thương tự hào về một miền quê trù phú, giàu truyền thống văn hóa, vừa đau thương, xót tiếc khi miền quê ấy bị giặc tàn phá. Đồng thời là nỗi hờn căm, uất hận trước tội ác của kẻ thù.

    => Thí sinh cần viết được đoạn văn mạch lạc, rõ ý (0.5đ)

  • Phần II – Làm văn (7đ)
  • Câu 1 (3đ):

    Dưới đây là trích hai mẩu tin:

    1. Đêm thứ 6 ngày 13/11, vụ tấn công đẫm máu đồng loạt xảy ra tại nhiều điểm của thủ đô Paris - Pháp đã cướp đi sinh mạng của hàng trăm người và làm hàng trăm người khác bị thương, đồng thời khiến hàng nghìn du khách và dân thường bị mắc kẹt trong thành phố. ... Bất chấp lệnh giới nghiêm, người dân Paris đã sử dụng hashtag #PorteOuverte (cửa mở đấy) để cung cấp nơi trú ẩn cho những du khách đang mắc kẹt trong thành phố. Hành động này của người dân Paris được các du khách trên thế giới gọi là "Tình người trong cơn hoạn nạn"...

    (Nguồn: baodatviet.vn)

    2. Sau trận động đất sảy ra ở đảo Kyushu, Nhật Bản hôm 16/4 làm hàng chục người chết, 200.000 người mất nhà cửa, một số nhà hàng, công ty Trung Quốc tìm cách kiếm lời dựa trên tâm lý chống Nhật, theo Apple Daily.

    Một công ty chuyên cung cấp sản phẩm bảo mật ở miền tây Trung Quốc dùng mạng xã hội Weibo treo quảng cáo giảm giá "ăn mừng động đất ở Nhật Bản".... Một nhà hàng ở Trung Quốc còn treo biển "Nhiệt liệt chúc mừng động đất ở Nhật Bản. Tối nay ai ghé cửa hàng sẽ được một thùng bia miễn phí..."

    (Nguồn: vnexpress.net)

    Anh/ chị hãy viết một bài nghị luận (khoảng 600 chữ) trình bày suy nghĩ của mình về hai sự việc trên, từ đó rút ra bài học về cách hành xử của con người với nhau trong hoạn nạn.

    Yêu cầu chung: Bài viết có bố cục đầy đủ, rõ ràng, diễn đạt mạch lạc, không mắc các lỗi về chính tả, từ ngữ, ngữ pháp.

    Yêu cầu cụ thể: Về cơ bản thí sinh cần có được các ý sau:

    1. Đánh giá chung về những cách hành xử trước những bất hạnh của con người. ( 1 đ):

    Vụ khủng bố ở Paris là do nhóm hồi giáo cực đoan gây nên, vụ động đất tại Nhật Bản là thiên tai do tự nhiên gây nên, tất cả đều dẫn đến những mất mát vô cùng lớn cả về vật chất lẫn tinh thần. Trước những bất hạnh ấy, con người có những cách hành xử khác nhau. Có cách hành xử đúng, có cách hành xử sai. Và những cách hành xử ấy tạo nên cho mọi người những suy nghĩ về những việc nên và không nên làm khi người khác gặp hoạn nạn.

    2. Bình luận về hai sự việc (2đ):

    a. Cách hành xử của người dân Paris sau vụ khủng bố ngày 13/11 (1,25đ):

    Bất chấp lệnh giới nghiêm, họ vẫn mở cửa để đón những người mà họ không hề quen biết. Đó là một hành động cao đẹp, đáng ca ngợi và ngưỡng mộ vì:

    • Việc làm của họ ẩn chứa nguy hiểm, song họ vẫn chọn mở cửa vì họ coi trọng tình người, sự sẻ chia, giúp đỡ hơn là nỗi lo sợ.
    • Đối với những du khách, hành động đó là sự giúp đỡ kịp thời, là nguồn động viên to lớn, tiếp cho họ niềm tin yêu cuộc sống ngay trong lúc tối tăm nhất.
    • Đối với bọn khủng bố, hành động của người dân Paris làm thất bại âm mưu gây hoang mang của chúng. Chứng tỏ nhân loại tiến bộ trên thế giới không sợ chúng mà ngược lại, họ càng xích lại gần nhau hơn, yêu thương nhau hơn.
    • Và với hành động này, nước Pháp đã có thêm thật nhiều bạn bè, có thêm sự yêu quí và ngưỡng mộ.

    b. Cách hành xử của một bộ phận nhỏ người dân Trung Quốc sau vụ động đất tại Nhật Bản (0.75đ):

    • Một bộ phận nhỏ người dân Trung Quốc "ăn mừng" trên nỗi đau của người Nhật là một hành động tàn nhẫn, đáng bị lên án.
    • Hành động này có thể xuất phát từ mối hận thù của người Trung Quốc đối với người Nhật do chiến tranh. Song những điều đó đã thuộc về quá khứ, chiến tranh đã qua đi, không nên mãi giữ hận thù.
    • Họ chỉ là một bộ phận nhỏ người Trung Quốc nhưng đã tạo ra cái nhìn thiếu thiện cảm của dư luận đối với người Trung Quốc nói chung, làm tăng thêm mối hận thù giữa hai nước Nhật – Trung.

    3. Bài học (0.75)

    • Dù với lý do gì cũng không bao giờ nên "ăn mừng" trước nỗi đau của người khác.
    • Những hận thù trong quá khứ nên hóa giải để hướng tới một tương lai hòa bình và phát triển.
    • Trong cuộc sống cần biết bao dung độ lượng, biết yêu thương, sẻ chia để thêm bạn bớt thù.
  • Câu 2 (4 đ):

    Cảm nhận của anh/ chị về đoạn thơ sau:

    Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc
    Quân xanh màu lá dữ oai hùm
    Mắt trừng gửi mộng qua biên giới
    Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm
    Rải rác biên cương mồ viễn xứ
    Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh
    Áo bào thay chiếu anh về đất
    Sông Mã gầm lên khúc độc hành

    (Tây Tiến, Quang Dũng, Ngữ văn 12 Nâng cao, tập1, Nxb Giáo dục 2008)

    Yêu cầu chung: Bài viết có bố cục đầy đủ, rõ ràng. Văn viết có cảm xúc, thể hiện khả năng cảm thụ văn học tốt. Diễn đạt mạch lạc, không mắc các lỗi về chính tả, từ ngữ, ngữ pháp.

    Yêu cầu cụ thể:

    1. Giới thiệu được tác giả, tác phẩm và đoạn trích. (0.5đ)

    2. Cảm nhận về hình tượng người lính Tây Tiến (3đ)

    a. Vẻ đẹp lãng mạn (1.25đ)

    • Qua ngòi bút của Quang Dũng, những người lính Tây Tiến hiện lên đầy oai phong, dữ dội khác thường. Ngòi bút lãng mạn của ông đã biến họ thành những bức chân dung lẫm liệt oai hùng (Tây Tiến đoàn binh...qua biên giới)
    • Cái nhìn nhiều chiều của Quang Dũng còn cho ta thấy tâm hồn trẻ trung, những trái tim rạo rực, khao khát yêu đương của những người lính (Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm).

    b. Chất bi tráng (1.25đ)

    • Khi viết về những người lính, Quang Dũng không né tránh những cái chết, những hi sinh, nhưng cách nói của ông không gây cảm giác bi lụy, tang thương (Rải rác biên cương ... khúc độc hành).

    c. Nghệ thuật (0,5đ): Hình tượng tập thể những người lính Tây Tiến được xây dựng bằng bút pháp lãng mạn với khuynh hướng tô đậm những cái phi thường; sử dụng thủ pháp đối lập để tác động mạnh vào cảm quan, kích thích trí tưởng tượng, liên tưởng của người đọc. Hình ảnh giàu sức biểu cảm, ngôn ngữ chọn lọc vừa góc cạnh vừa tinh tế...

    3. Đánh giá thành công của đoạn thơ: Góp thêm những hình ảnh chân thực và đẹp đẽ về những người lính, làm phong phú đề tài người lính. Đoạn thơ tiêu biêu cho bút pháp tài hoa, lãng mạn của Quang Dũng. (0.5đ)

  • Đáp án đúng của hệ thống
  • Trả lời đúng của bạn
  • Trả lời sai của bạn
Đánh giá bài viết
1 79
Sắp xếp theo

Ôn Thi THPT Quốc Gia môn Văn Online

Xem thêm