Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Thuyết minh về Thành nhà Mạc

Văn mẫu lớp 10: Thuyết minh về Thành nhà Mạc gồm các bài văn mẫu hay cho các em học sinh tham khảo, củng cố kỹ năng cần thiết cho bài kiểm tra viết sắp tới đây của mình. Mời các em học sinh cùng tham khảo chi tiết và tải về tại đây nhé.

Thuyết minh về Thành nhà Mạc mẫu 1

Thành Tuyên Quang (thành nhà Mạc) là một trong số ít những toà thành cổ còn lại trong cả nước. Hiện nay, tuy không còn nguyên vẹn nhưng thành Tuyên Quang vẫn giữ lại được những phần cơ bản của một toà thành quân sự, hành chính của chế độ phong kiến Việt Nam trong lịch sử. Ngoài ra, với vị trí của mình, thành cổ Tuyên Quang còn có nhiều ý nghĩa với vùng đất được gọi là "phên dậu của kinh thành Thăng Long", là "bức thành thép của quốc gia" như nhiều sử gia đã nhận xét.

Thành cổ Tuyên Quang nay thuộc tổ 8, phường Tân Quang, thị xã Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang. Thành được xếp hạng di tích quốc gia ngày 30/8/1991.

Thành cổ Tuyên Quang xưa nằm ở vị trí biên viễn, có ý nghĩa quan trọng về mặt quốc phòng, đồng thời cũng nhằm dùng để trấn áp các cuộc khởi nghĩa nông dân nên được quan tâm trong các giai đoạn lịch sử, đặc biệt là đối với triều Nguyễn.

Thành vốn có vị trí quân sự quan trọng, án ngữ trên bờ sông Lô và nằm trên trục giao thông thủy bộ thuận lợi, từng gắn bó và trực tiếp chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử quan trọng của vùng quê cách mạng Tuyên Quang.

Thành nhà Mạc

Cho đến nay, vẫn chưa có tài liệu văn bản nào chứng minh cho thời điểm xây dựng của thành, chỉ biết rằng đây là dấu tích kiến trúc quân sự thời Nguyễn được kế thừa trên cơ sở của thành trì nhiều thời kì trước để lại. Dựa vào những sự kiện được chép lại trong Đại Việt sử kí toàn thư, Kiến văn tiểu lục (Lê Quý Đôn), Đại Nam nhất thống chí (Quốc sử quán triều Nguyễn), Tuyên Quang tỉnh phú (Tiến sĩ Nguyễn Văn Bân) thì có thể thành Tuyên Quang được ra đời trong thời điểm những cuộc hành quân Bắc chinh của nhà Mạc lên Tuyên Quang, cụ thể vào những năm 1553 - 1578. Thành ban đầu đựơc xây trên địa hình khá bằng phẳng, nằm ở trung tâm của xã Ỷ La, huyện Hàm Yên, phủ Yên Bình. Thành có núi cao che chở, có sông Lô bao bọc, thuận lợi cả về đường thuỷ và đường bộ.

Khi công cuộc Bắc phạt không thành công, chúa Bầu cho xây dựng căn cứ ở Đại Đồng (nay thuộc xã An Khang, Yên Sơn) thì thành nhà Mạc bị bỏ trống. Sang đầu thời Nguyễn, nhà Nguyễn vẫn sử dụng thành nhà Mạc xưa làm cơ sở cho bộ máy quan lại phong kiến đương triều. Tuy nhiên, nhà Nguyễn đã cho tu sửa lại nhiều phần cho phù hợp với chức năng quân sự và hành chính, đồng thời với việc đổi tên xứ Tuyên Quang thành tỉnh Tuyên Quang. Từ đây, thành nhà Mạc cũng được đổi tên, gọi là thành Tuyên Quang (còn gọi là thành Tuyên).

Năm 1829, tại vùng đất Cao Bằng xảy ra cuộc khởi nghĩa của Nông Văn Vân, vốn là tù trưởng đất Bảo Lạc (nay thuộc tỉnh Cao Bằng). Trong các trận chiến giữa quân triều đình và quân khởi nghĩa, thành Tuyên Quang trở thành một vị trí xung yếu mà cả hai bên nhất định chiếm đóng. Nghĩa quân đã không chiếm được thành nên bị đảo lộn ý đồ chiến lược dẫn đến tan rã. Tuy cuộc khởi nghĩa này đã bị dập tắt nhanh chóng nhưng cũng đã khiến cho triều đình nhà Nguyễn phải nhìn nhận lại vị trí của Tuyên Quang ở khu vực miền núi phía Bắc. Từ đây, việc gia cố thành được nhà Nguyễn chú ý và nhiều lần cho tu sửa.

Năm 1884, sau khi chiếm được Hà Nội, quân Pháp bắt đầu mở rộng đánh chiếm ra các vùng xung quanh, trong đó có tỉnh Tuyên Quang. Quân triều đình để cho Pháp chiếm thành, sau đó phản công nhưng kế hoạch bị thất bại do thực lực quân Pháp quá mạnh. Cuộc vây đánh thành diễn ra hơn 1 tháng, tuy quân triều đình đã không giữ được thành nhưng cũng làm quân Pháp bị tổn thất lớn, đồng thời thể hiện tinh thần chiến đấu quật cường của nhân dân thành Tuyên.

Ngày 21/08/1945, tại thành Tuyên, Tỉnh uỷ Tuyên Quang đã lãnh đạo nhân dân biểu tình buộc Nhật phải buông súng đầu hàng.

Trên cơ sở nghiên cứu của các nhà sử học, thành Tuyên Quang ban đầu là thành đắp bằng đất có hình tứ diện. Chân thành rộng từ 10 - 12m, mặt thành rộng 4 - 5m, tường thành cao 3,5 - 4m. Phía Bắc thành dựa núi, phía Đông giáp sông Lô. Cổng thành mở ra ba mặt (Đông, Tây, Nam). Cổng ở chính giữa thành được kè gạch vồ để chống lở theo kiểu mái vòm. Từ ngoài vào thành là một con đường thấp hơn mặt nền thành, chạy băng qua hào vào trong thành. Trong thành có trại lính, chuồng ngựa, kho lương, kho đạn... Ở giữa mỗi mặt thành có một vành bán nguyệt, giữa vành bán nguyệt đó là cửa, trên cửa xây tháp, mái ngói. Bên trong tường có một đường nhỏ đi xung quanh dùng làm nơi tiếp đạn, ngoài thành là một lớp hào ngập nước, gạch xây thành làm bằng thứ đất có quặng sắt rất rắn. Địa hình và cấu trúc như vậy khiến cho thành có một vị trí phòng thủ lợi hại và là vị trí quân sự rất trọng yếu. Nơi đây đã được chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử hào hùng của nhân dân Tuyên Quang.

Thành trải qua nhiều lần tu sửa vào thời nhà Nguyễn. Năm Thiệu Trị thứ 4 (1844), vua Thiệu Trị đã cho tu sửa lại thành Tuyên Quang. Đây là một đợt tu sửa lớn, đuợc miêu tả lại trong Đại Nam nhất thống chí là :"Xây đắp thành tỉnh Tuyên Quang : Trước kia Lê Nguyên Đán và Vũ Doanh Từ vì không tu sửa thành trì nên bị tội, vua cho rằng Nguyễn Đăng Giai có trách nhiệm kiêm hạt làm hạ du bắt phải trù tính để tu bổ. Đến đây phái 2000 biền binh ở tỉnh Sơn Tây đến ứng dịch (...) Thành tỉnh Tuyên Quang đặt ở chân núi đất, dưới có đá chằng chịt, thợ làm rất khó, trải ba tháng mới xong (...) Đằng trước, đằng sau, hai bên tả hữu thành đều dài 45 trượng, cao 7 thước 2 tấc, xây bằng đá ong, đằng trước và hai bên tả hữu đều xây một cửa". Trong Tuyên Quang tỉnh phú, Nguyễn Văn Bân mô tả thành Tuyên Quang cụ thể hơn là :"Thành trì thì cửa mở ra ba mặt, dùng đá xây bốn xung quanh, trong thành về mặt Bắc có núi đất cao, hành cung và kì đài ở trên núi, trải qua 197 bậc mới lên đến nơi. Trên thành có 12 pháo đài. Tỉnh thành dựa vào chỗ cao để giữ nơi hiểm yếu".

Ngoài việc củng cố thành, nhà Nguyễn còn cho xây dựng thêm nhiều đồn bốt và luỹ trang để bảo vệ thành như đồn An Biên, đồn Vĩnh Yên, đồn Phúc Nghi, đồn Trinh, đồn Bụt.

Có thể nói những đợt gia cố, tu sửa của triều đình nhà Nguyễn đã củng cố thêm tiềm năng quân sự của triều Nguyễn tại phía Bắc. Giai đoạn này, thành Tuyên Quang đã hoàn thiện về mặt cấu trúc và chức năng. Thành có thể bao quát một địa bàn rộng lớn, lại được che chở bởi núi Thổ Sơn ngay trong lòng thành, làm hạn chế tầm nhìn từ các dãy núi cao bên ngoài nhìn vào thành. Với cấu tạo đó, thành Tuyên Quang có thể đứng vững trước nhiều trận đánh vào thành.

Ngày nay, di tích còn lại gồm có hai cổng thành ở phía Tây và phía Bắc cùng một số đoạn tường thành.

Thuyết minh về Thành nhà Mạc mẫu 2

Thành nhà Mạc ở tỉnh Tuyên Quang, hay còn gọi là thành cổ Tuyên Quang, là một di tích lịch sử văn hóa ở thành phố Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang, Việt Nam. Thành cổ Tuyên Quang là một trong số khá ít di tích còn lại của thời kỳ nhà Mạc trong lịch sử Việt Nam.

Thành nhà Mạc được xây dựng ở vị trí án ngữ giao thông đường thủy và đường bộ bên bờ sông Lô - Khu vực phát triển về thương nghiệp và các triều đại phong kiến. Từ thời nhà Lý đã đóng quân tại đây với tên gọi đồn Tam Kỳ (hay Tam Cờ).

Năm 1592, thời chiến tranh Lê-Mạc, quân Nam triều (nhà Lê trung hưng) do Trịnh Tùng chỉ huy tiến ra bắc đánh chiếm Thăng Long. Vua nhà Mạc là Mạc Mậu Hợp bị bắt và bị xử tử. Các quý tộc và quan lại rút về Cao Bằng. Để ngăn chặn quân nhà Lê, triều đình nhà Mạc đã cho xây dựng một tòa thành ở bên bờ sông Lô. Theo tương truyền, toàn bộ quá trình xây thành chỉ mất một đêm. Quân Mạc còn đắp trong thành một ngọn núi đất hơn 50m gọi là Thổ Sơn (núi Đất). Tòa thành còn là nơi giành giật giữa quân đội nhà Lê và nhà Mạc trong nhiều năm mỗi khi các vua Mạc mở cuộc tiến công từ Cao Bằng xuống Thăng Long.

Thành cổ Tuyên Quang cũng chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử quan trọng: cuộc chiến đấu của các dân tộc Kinh, Tày, Dao, Cao Lan chống Pháp năm 1884. Tháng 8 năm 1945, Giải phóng quân tiến công phát xít Nhật tại thị xã Tuyên Quang, bên cạnh thành cổ. Chỉ trong vài ngày, quân Nhật phải đầu hàng, bàn giao thị xã cho quân Giải phóng.

Ngày 20 tháng 3 năm 1961, lần đầu tiên kể từ khi Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa chuyển từ Thủ đô Kháng chiến (Tân Trào, Sơn Dương, Tuyên Quang) về Hà Nội, cán bộ, chiến sĩ, đồng bào các dân tộc tỉnh Tuyên Quang đã được đón Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm lại quê hương cách mạng Tuyên Quang. Chủ tịch nước đã có buổi nói chuyện với toàn thể nhân dân ở sân vận động phía bắc Thổ Sơn ngay trong thành cổ.

Năm 1991, di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia thành nhà Mạc (hay còn gọi là thành Tuyên Quang) đã được Nhà nước công nhận.

Thuyết minh về Thành nhà Mạc mẫu 3

Thành cổ Tuyên Quang là thành nhà Mạc, là một di tích lịch sử văn hóa ở phường Tân Quang. thành phố Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang, Việt Nam.

Thành nhà Mạc được xây dựng ở vị trí án ngữ giao thông đường thủy và đường bộ bên bờ sông Lô – Khu vực phát triển về thương nghiệp và các triều đại phong kiến. Từ thời nhà Lý đã đóng quân tại đây với tên gọi đồn Tam Kỳ (hay Tam Cờ).

Tương truyền, năm 1592, thời chiến tranh Lê-Mạc, quân Nam triều (nhà Lê trung hưng) do Trịnh Tùng chỉ huy tiến ra bắc đánh chiếm Thăng Long. Vua nhà Mạc là Mạc Mậu Hợp bị bắt và bị xử tử. Các quý tộc và quan lại rút về Cao Bằng. Để ngăn chặn quân nhà Lê, triều đình nhà Mạc đã cho xây dựng một tòa thành ở bên bờ sông Lô. Theo tương truyền, toàn bộ quá trình xây thành chỉ mất một đêm. Quân Mạc còn đắp trong thành một ngọn núi đất hơn 50m gọi là Thổ Sơn (núi Đất). Tòa thành còn là nơi giành giật giữa quân đội nhà Lê và nhà Mạc trong nhiều năm mỗi khi các vua Mạc mở cuộc tiến công từ Cao Bằng xuống Thăng Long.

Năm 1832, thời vua Minh Mạng, Tổng đốc Sơn Hưng Tuyên Lê Đại Cương bàn với Thự Tuần phủ Sơn Tây Nguyễn Hữu Khuê cho đắp thành dựa trên những lũy cũ, được vua đồng ý. Năm 1844, dưới thời vua Thiệu Trị, dưới sự đôn đốc của Tổng đốc Nguyễn Đăng Giai và Lãnh binh Nguyễn Trọng Thao, thành Tuyên Quang được xây xong.

Thành cấu trúc theo kiểu hình vuông theo kiến trúc Vauban, mỗi bề tường dài 275m, cao 3,5m, dày 0,8m, diện tích 75.625m2. Ở giữa mỗi mặt thành có một vành bán nguyệt, giữa vành bán nguyệt đó là cửa, trên cửa xây tháp, mái ngói. Trong tường có một con đường nhỏ xung quanh dùng làm đường tiếp đạn lên thành. Bao bọc tường thành là một lớp hào sâu ngập nước.

Gạch xây thành là loại có kích thước lớn hơn nhiều so với gạch chỉ hiện nay, làm bằng thứ đất có nhiều quặng sắt rất rắn (đặc trưng của kiểu gạch thời Lê). Phần gạch thời nhà Nguyễn là loại gạch nhỏ.[1] Trong thành chếch hướng bắc là núi Thổ (Thổ Sơn – núi đất) cao 50m, dốc đứng, phải qua 193 bậc đá mới lên tới đỉnh. Tương truyền, Thổ Sơn cũng chỉ đắp trong một đêm, toàn bộ Thổ Sơn nằm gọn trong thành, phạm vi kiểm soát của cao điểm rất rộng. Cửa đông khống chế đường bộ duy nhất thời đó và sông Lô là tuyến đường thuỷ quan trọng khi chưa có phương tiện cơ giới trên bộ.

Trải qua nhiều biến động của lịch sử và sự phát triển của đô thị, Thành nhà Mạc đã bị xuống cấp nhiều. Hiện nay, sau khi đã được trùng tu, thành cũng chỉ còn lại một phần dấu vết khi xưa với hai cổng thành phía Tây và phía Nam và một đoạn tường thành dài chưa đến 100m. Xung quanh thành giờ là nhà cửa, phố chợ và tấp nập dòng người qua lại. Thấp thoáng phía sau những gương mặt xứ Tuyên rạng rỡ nét hiện đại, đôi khi ta phát hiện ra cả một nền móng lịch sử và văn hóa đầy tươi đẹp mà lặng lẽ, trầm ngâm. Cho đến nay Thành cổ Tuyên Quang là biểu tượng của lịch sử vùng đất Tuyên Quang và đã được công nhận là di tích lịch sử – văn hóa cấp Quốc gia.

Thuyết minh về Thành nhà Mạc mẫu 4

Thành nhà Mạc còn có tên gọi khác là thành Tuyên Quang nhưng cho đến nay chưa thấy có tài liệu cổ sử nào nhắc đến sự ra đời của thành Tuyên Quang vào thời Mạc - thế kỷ XVI, mà chỉ dựa trên cơ sở những hiện vật tại thành như: Gạch vồ (gạch đặc trưng của thời Mạc - thế kỷ XVI), súng thần công, đồ gốm v.v... và ghi chép những đợt tu sửa thành vào thời Nguyễn. Thành Tuyên Quang được xây dựng với mục đích vừa là chỉ huy sở, vừa là đài quan sát. Xung quanh thành có hệ thống đồn ngoại vi.

Đến thời Nguyễn, thành mới được xây dựng lại cho phù hợp với chức năng quân sự và hành chính, được triều Nguyễn coi trọng là tòa thành trấn giữ mạn Bắc, che chở cho kinh thành Thăng Long:

"An biên viễn sứ Ưu Kim Ngọc

Tuyên Quang vạn thuở trấn Thăng Long"

(An Biên là nơi xa xôi có nhiều vàng ngọc quý

Thành Tuyên từ trước đến giờ trấn giữ kinh thành Thăng Long).

Suốt thời Nguyễn, thành Tuyên Quang được sử dụng làm cơ sở cho bộ máy quan lại phong kiến đương triều. Tuy nhiên, nhà Nguyễn đã cho tu sửa lại nhiều phần cho phù hợp với chức năng quân sự và hành chính. Đồng thời với việc đổi tên xứ Tuyên Quang thành tỉnh Tuyên Quang, tòa thành nhà Mạc xưa cũng được mang tên là thành Tuyên Quang (còn gọi là thành Tuyên). Yêu cầu tu bổ, gia cố thành Tuyên Quang được bắt nguồn từ thực tế của vùng đất Tuyên Quang với vị trí là nơi biên viễn có ý nghĩa quốc phòng, đồng thời cũng nhằm trấn áp những cuộc khởi nghĩa của nông dân. Thành tuy được xây dựng lại vào thời Nguyễn nhưng vẫn kế thừa rất nhiều đặc điểm của thành thời Mạc: Hình dáng, vị trí, cấu tạo. Cổng thành thời Nguyễn còn sử dụng rất nhiều gạch vồ của thời Mạc (thế kỷ XVI).

Thành Tuyên Quang thuộc loại hình di tích kiến trúc nghệ thuật, là một trong những di tích thành luỹ giai đoạn nửa cuối thế kỷ thứ XVI. Đây cũng là nơi đã diễn ra nhiều trận đánh chống quân triều đình nhà Nguyễn của các cuộc khởi nghĩa nông dân; các trận đánh Pháp của liên quân Việt – Trung; đánh phát xít Nhật giành chính quyền cách mạng, mít tinh chào mừng ngày giải phóng thị xã tháng 8 năm 1945; nơi đặt Tổng trạm tù binh Pháp trao trả cho Chính phủ Pháp sau chiến thắng Điện Biên Phủ; nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với nhân dân Tuyên Quang khi Người về thăm Tuyên Quang sau 6 năm xa cách kể từ khi rời căn cứ địa về tiếp quản thủ đô Hà Nội.

Đây là một trong số ít toà thành còn lại trong cả nước. Tuy không còn nguyên vẹn, nhưng thành Tuyên Quang còn giữ lại được những phần cơ bản của một toà thành quân sự, hành chính của chế độ phong kiến Việt Nam, đó là dấu tích vô cùng có ý nghĩa đối với vùng đất được gọi là “Phên dậu của kinh thành Thăng Long”, là “bức thành thép của quốc gia” như rất nhiều sử gia đã nhận xét.

Cho đến nay, Thành Tuyên Quang là một biểu tượng của lịch sử vùng đất Tuyên Quang, là một trong số ít tòa thành còn lại trong cả nước. Sau khi được công nhận là di tích lịch sử - văn hoá cấp Quốc gia, di tích đã được Chính phủ phê duyệt phục hồi, bảo tồn, tôn tạo nhằm phát huy tác dụng giáo dục, nghiên cứu. Tại khu di tích đang được triển khai phục dựng, tu bổ một số hạng mục như hai cổng thành, 140m tường thành còn lại.

-------------------------

Trên đây VnDoc hướng dẫn các bạn học tốt bài Văn mẫu lớp 10: Thuyết minh về Thành nhà Mạc. Ngoài ra các bạn có thể soạn bài Ngữ văn 10 được VnDoc sưu tầm, chọn lọc để học tốt môn Ngữ văn 10.

Bài tiếp theo: Thuyết minh về trường Dục Thanh

Chia sẻ, đánh giá bài viết
6
Chọn file muốn tải về:
Chỉ thành viên VnDoc PRO tải được nội dung này!
79.000 / tháng
Đặc quyền các gói Thành viên
PRO
Phổ biến nhất
PRO+
Tải tài liệu Cao cấp 1 Lớp
Tải tài liệu Trả phí + Miễn phí
Xem nội dung bài viết
Trải nghiệm Không quảng cáo
Làm bài trắc nghiệm không giới hạn
Mua cả năm Tiết kiệm tới 48%
Sắp xếp theo
    🖼️

    Gợi ý cho bạn

    Xem thêm
    🖼️

    Văn mẫu lớp 10

    Xem thêm