Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Tính chuẩn xác, hấp dẫn của văn bản thuyết minh

Lý thuyết và bài tập Ngữ văn 10: Tính chuẩn xác, hấp dẫn của văn bản thuyết minh sẽ giúp các em có thêm những kiến thức và kĩ năng cần thiết về văn thuyết minh, từ đó có thể viết một bài văn thuyết minh tốt hơn. Hi vọng tài liệu này sẽ giúp các em học tốt phần Tiếng Việt, Tập làm văn. Mời bạn đọc cùng  tham khảo chi tiết và tải về bài viết dưới đây nhé.

A. KIẾN THỨC CẦN ĐẠT

1. Tính chuẩn xác và một số biện pháp đảm bảo tính chuẩn xác:

- Tính chuẩn xác: đúng với chân lí, với chuẩn mực được thừa nhận.

- Tính chuẩn xác là yêu cầu của văn bản thuyết minh nhằm đảm bảo mục đích của văn bản thuyết minh: cung cấp các tri thức về sự vật khách quan nhằm giúp cho hiểu biết của người đọc (người nghe) thêm chính xác và phong phú.

- Các yêu cầu đảm bảo tính chuẩn xác:

+ Tìm hiểu thấu đáo đối tượng thuyết minh trước khi viết.

+ Thu thập đầy đủ các tài liệu tham khảo, đặc biệt là các tài liệu có g/trị của các chuyên gia, các nhà KH tên tuổi, các cơ quan có thẩm quyền về đ/tg thuyết minh.

+ Cập nhật những thay đổi của các thông tin.

Ví dụ: Trả lời các câu hỏi sau đây để kiểm tra tính chuẩn xác của văn bản thuyết minh:

a. Ở lớp 10 Trung học phổ thông, học sinh chỉ được học văn học dân gian (ca dao, tục ngữ, câu đố)

b. Gọi “Đại cáo bình Ngô” là áng thiên cổ hùng văn vì đó là bài văn hùng tráng đã được viết ra từ nghìn năm trước.

Trả lời

a. Viết như vậy không chuẩn xác về nội dung bởi chương trình Ngữ văn 10 không chỉ có văn học dân gian mà còn có văn học viết. Trong phần văn học dân gian không phải chỉ có ca dao, tục ngữ; đồng thời lại không có câu đố.

b. Câu văn “Gọi “Đại cáo bình Ngô” là áng thiên cổ hùng văn vì đó là bài văn hùng tráng đã được viết ra từ nghìn năm trước” không chuẩn xác. Cách giải thích cụm từ “thiên cổ hùng văn” không đúng. Nó là “áng hùng văn lưu truyền của nghìn đời” chứ không phải là “được viết ra từ nghìn năm trước”.

2. Tính hấp dẫn và một số biện pháp tạo tính hấp dẫn của văn bản thuyết minh

- Tính hấp dẫn: có sự lối cuốn, thu hút sự chú ý của người đọc.

- Các biện pháp làm cho VB thuyết minh hấp dẫn:

+ Đưa ra những chi tiết cụ thể, sinh động, những con số chính xác để bài văn ko trừu tượng, mơ hồ (dẫn chứng cụ thể, sinh động).

+ So sánh.

+ Kết hợp sử dụng các kiểu câu.

+ Khi cần phải phối hợp nhiều loại kiến thức

Ví dụ: Phân tích tính hấp dẫn của đoạn văn sau:

[...] Thật thế, phở đối với một hạng người, không còn là một món ăn nữa, mà là một thứ nghiện, như nghiện nước trà tươi...

Ngay từ ở đằng xa, mùi phở cũng đã có một sức huyền bí quyến rũ ta như mây khói chùa Hương đẩy bước chân ta, thúc bách ta phải trèo lên đỉnh núi để vào chùa trong, rồi lại ra chùa ngoài. Ta tiến lại gần một cửa hàng bán phở: thật là cả một bài trí nên thơ.

Qua lần cửa kính ta đã thấy gì? Một bó nhành hoa xanh như lá mạ, dăm quả ớt đỏ buộc vào một cái dây, vài miếng thịt bò tươi và mềm, chín có, tái có, sụn có, mỡ gầu có, vè cũng có,... Người bán hàng đứng thái bánh, thái thịt luôn tay, thỉnh thoảng lại mở nắp một cái thùng sắt ra để lấy nước dùng chan vào bát. Một làn khói tỏa ra khắp gian hàng, bao phủ những người ngồi ăn chung quanh trong một làn sương mỏng, mơ hồ như một bức tranh tàu vẽ những ông tiên ngồi đánh cờ ở trong rừng mùa thu.

Trông mà thèm quá ! Nhất là về mùa rét, có gió bấc thổi hiu hiu, mà thấy người ta ăn phở như thế, thì chính mình đứng ở ngoài cũng thấy ấm áp, ngon lành. Có ai lại đừng vào ăn cho được. [...]

(Theo Vũ Bằng, Miếng ngon Hà Nội)

Trả lời:

Đoạn văn thuyết minh của Vũ Bằng sinh động, hấp dẫn vì:

a) Đề tài hấp dẫn : Đoạn văn nói về một món ăn có sức gợi cảm đối với hầu hết người dân Việt, và không chỉ người dân Việt.

b) Cách thuyết minh sinh động, hấp dẫn :

- Nhà văn đã không đưa ra những nhận xét, những con số khô khan, mà giúp người đọc tiếp xúc với món ăn yêu thích trên nhiều góc nhìn: xa có, gần có, nhập vào vai của người ăn có, mà nhập vào vai của người đứng ngoài nhìn cũng có, khi thì được thưởng thức các sắc màu, khi thì bị quyến rũ qua hương vị, khi khác lại cảm nhận sự ấm áp của món ăn toả ra trong cái rét mướt của mùa đông; lúc thì gọi được sự tò mò (Qua lần cửa kính ta đã thấy gì ?), lúc thì bị thôi thúc bởi một cảm xúc được bộc lộ ra trực tiếp (Trông mà thèm quá!).

- Nhà văn còn làm cho món ăn ấy đẹp hơn, có hồn hơn, để thu hút sự chú ý của người đọc nhiều hơn bằng cách khơi gợi ra những liên tưởng bất ngờ mà hợp lí đến các vẻ đẹp hấp dẫn khác (mây khói chùa Hương, bức tranh tàu vẽ những ông tiên ngồi đánh cờ ở trong rừng mùa thu,...).

- Để lột tả hết vẻ sinh động, hấp dẫn trên, tác giả đã sử dụng một vốn liếng ngôn ngữ thật phong phú, linh hoạt: từ ngữ giàu hình ảnh, giàu sức gọi liên tưởng ; câu văn luôn thay đổi nhịp điệu, xen lẫn câu ngắn với câu dài, câu đơn với câu ghép, câu tường thuật với câu nghi vấn và câu cảm thán,..

B. LUYỆN TẬP CỦNG CỐ

1. Trong những câu văn thuyết minh nêu dưới đây, câu nào chuẩn xác, câu nào chưa chuẩn xác? Vì sao?

a.1) Hoa tầm xuân thường có màu hồng đào hoặc trắng nhạt.

a.2) Tầm xuân nổi bật lên giữa muôn hoa vì sắc màu rất lạ: Những nụ tầm xuân luôn có màu xanh, đúng như trong câu hát:

Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc.

b.1) Gọi Đại cáo bình Ngô là áng “thiện cổ hùng văn” vì đó là bài văn hùng tráng đã được viết ra từ nghìn năm trước.

b.2) Đại cáo bình Ngô được người đời sau tôn vinh là một áng “thiên cổ hùng văn”, vì tác phẩm đó xứng đáng được coi là bài văn hùng tráng của nghìn đời.

Trả lời:

Các câu (a.2) và (b.1) không chuẩn xác, vì:

– Trong thực tế đời sống, rất hiếm có nụ tầm xuân màu xanh.

– Đại cáo bình Ngô được viết năm 1428, không phải từ nghìn năm trước.

2. Đọc đoạn văn thuyết minh sau và trả lời câu hỏi.

Tục truyền rằng năm 255 trước Công nguyên, An Dương Vương xây một tòa thành hình xoáy trôn ốc nên gọi là Loa Thành. Hiện ở cổ Loa còn đền thờ An Dương Vương Thục Phán, trong đền có tượng An Dương Vương nặng 155 kg. Dự án tôn tạo khu di tích đã hoàn thành. Rồi đây, Cổ Loa sẽ được dựng lại trên một diện tích rộng 484 héc-ta với 32 hạng mục công trình lớn nhỏ như: sa bàn di tích tổng thể của thành tỉ lệ 1/500; công viên ở Vườn Thuyền – Ao Mắm, trong đó có mô hình thành Cổ Loa thu nhỏ (diện tích 1600 m2). Thành xưa có 9 vòng, nay còn lưu lại vết tích của 3 vòng trên một diện tích 567 héc-ta: Vòng ngoài có chu vi gần 9 km, còn chu vi của vòng trong cùng khoảng 1,650 km. Trong tương lai, tượng đài của An Dương Vương và Ngô Quyền, hai ông vua đóng đô trên đất Cổ Loa, sẽ được dựng lên. Còn bây giờ, ở am Bà Chúa, nơi thờ công chúa Mị Châu (xây dựng năm 1678), đã có pho tượng một người con gái không đầu trùm vải đỏ – tượng nàng Mị Châu lầm lỡ – để nhắc nhở với đời sau biết bao điều đau xót, sâu xa. Cổ Loa trong tương lai sẽ còn nhiều đổi khác.

Năm 2010, nhân dân ta tổ chức kỉ niệm trọng thể 1000 năm Thăng Long – Hà Nội. Bởi vì, tính từ năm vua Lí Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư về thành Đại La cũ đến năm 2010, thời gian đã vừa tròn một thiên niên kỉ. Vào dịp ấy, cùng với Đền Hùng ở Phú Thọ, Hoa Lư ở Ninh Bình, Cổ Loa trở thành một nơi để khách tham quan hoài niệm về nguồn cội, về tổ tiên của dân tộc Việt Nam mình.

(Vũ Bằng)

Câu hỏi:

a. Đoạn trích trên có mạch lạc không? Sự mạch lạc (hoặc còn chưa mạch lạc) đó có ảnh hưởng đến sức hấp dẫn của đoạn trích hay không?

b. Theo anh (chị), nên sửa lại như thế nào để đoạn trích được mạch lạc và có sức hấp dẫn hơn?

Trả lời:

a) Đoạn văn trên chưa đảm bảo được tính mạch lạc, bởi vì:

– Đoạn văn đó không tập trung thuyết minh cho một hiện tượng duy nhất đó là thành Cổ Loa. Do vậy, không có một chủ đề, một mạch văn thống nhất xuyên suốt các phần, đoạn khác nhau của văn bản?

– Các ý trong đoạn trích cũng chưa được sắp xếp một cách hợp lí? Cách sắp xếp đó làm cho ý chủ đạo bị đứt đoạn, ngắt quãng.

⇒ Một văn bản thiếu mạch lạc sẽ làm giảm đi tính hấp dẫn của đoạn trích, khiến người đọc không hình dung ra được hết những ý mà người viết muốn truyền tải.

b) Để tăng tính mạch lạc và hấp dẫn, có thể sửa lại đoạn trích đó như sau:

CỔ LOA XƯA, HÔM NAY VÀ NGÀY MAI

Tục truyền rằng, năm 255 trước Công nguyên, An Dương Vương xây một tòa thành hình xoáy trôn ốc nên gọi là Loa Thành. Thành xưa có 9 vòng, nay còn lưu lại vết tích của 3 vòng trên một diện tích 567 héc-ta : Vòng ngoài có chu vi gần 9 km, còn chu vi của vòng trong cùng khoảng 1,650 km. Hiện ở cổ Loa còn đền thờ An Dương Vương Thục Phán, trong đền có tượng An Dương Vương nặng 155 kg. Cổ Loa còn nổi tiếng với am Bà Chúa thờ công chúa Mị Châu (xây dựng năm 1678); ở đó, pho tượng một người con gái không đầu trùm vải đỏ – tượng nàng Mị Châu lầm lỡ – sẽ còn nhắc nhở người đời sau biết bao điều đau xót, sâu xa… Cổ Loa trong tương lai sẽ còn nhiều đổi khác. Dự án tôn tạo khu di tích đã hoàn thành. Rồi đây, Cổ Loa sẽ được dựng lại trên một diện tích rộng 484 héc-ta với 32 hạng mục công trình lớn nhỏ như: sa bàn di tích tổng thể của thành tỉ lệ 1/500; tượng đài của An Dương Vương và Ngô Quyền, hai ông vua đóng đô trên đất Cổ Loa; công viên ở Vườn Thuyền - Ao Mắm, trong đó có mô hình thành Cổ Loa thu nhỏ (diện tích 1600 m2). Đến lúc ấy, cùng với Đền Hùng ở Phú Thọ, thành Cổ Loa sẽ trở thành một nơi để chúng ta hoài niệm về nguồn cội, về tổ tiên của dân tộc Việt Nam mình.

Văn bản thuyết minh cần tính chuẩn xác. Để đảm bảo yêu cầu này những tri thức trong văn bản cần có tính khách quan, khoa học đáng tin cậy. Cùng ôn lại kiến thức về Tính chuẩn xác, hấp dẫn của văn bản thuyết minh với VnDoc.com nhé!

Các tài liệu liên quan:

Tính chuẩn xác, hấp dẫn của văn bản thuyết minh đã được VnDoc.com sưu tầm và giới thiệu tới bạn đọc. Chắc hẳn qua bài viết bạn đọc đã nắm được những ý chính cũng như trau dồi được nội dung kiến thức của bài học rồi đúng không ạ? Bài viết cho chúng ta thấy được cách tính chuẩn xác, cách tính hấp dẫn và một số biện pháp tạo tính hấp dẫn của văn bản thuyết minh. Hi vọng qua bài viết bạn đọc có thêm nhiều tài liệu để có thể học tập tốt hơn môn Ngữ văn lớp 10 nhé. Để có kết quả cao hơn trong học tập, VnDoc xin giới thiệu tới các bạn học sinh cùng tham khảo thêm tài liệu Đề thi học kì 1 lớp 10, Soạn văn lớp 10 ngắn gọn, Soạn bài lớp 10, Học tốt Ngữ văn 10, Tài liệu học tập lớp 10 mà VnDoc tổng hợp và đăng tải.

Chia sẻ, đánh giá bài viết
1
Chọn file muốn tải về:
Chỉ thành viên VnDoc PRO tải được nội dung này!
79.000 / tháng
Đặc quyền các gói Thành viên
PRO
Phổ biến nhất
PRO+
Tải tài liệu Cao cấp 1 Lớp
Tải tài liệu Trả phí + Miễn phí
Xem nội dung bài viết
Trải nghiệm Không quảng cáo
Làm bài trắc nghiệm không giới hạn
Mua cả năm Tiết kiệm tới 48%
Sắp xếp theo
    🖼️

    Gợi ý cho bạn

    Xem thêm
    🖼️

    Lý thuyết Ngữ Văn 10 KNTT

    Xem thêm