Lý thuyết Ngữ văn 10 bài: Nghệ thuật truyền thống của người Việt - Nguyễn Văn Huyên KNTT
Lý thuyết Ngữ văn lớp 10 bài: Nghệ thuật truyền thống của người Việt - Nguyễn Văn Huyên được VnDoc sưu tầm và tổng hợp lí thuyết và bài tập có đáp án đi kèm nằm trong chương trình giảng dạy môn Ngữ văn lớp 10 sách Kết nối tri thức. Mời quý thầy cô cùng các bạn tham khảo tài liệu dưới đây.
Bài: Nghệ thuật truyền thống của người Việt - Nguyễn Văn Huyên
1. Tìm hiểu chung
1.1. Tác giả Nguyễn Văn Huyên
Tiểu sử
- Nguyễn Văn Huyên (1905 - 1975) quê ở huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội, là nhà sử học, dân tộc học, nhà giáo dục.
- Thời thanh niên, ông du học ở Pháp. Năm 1934, ông là người Việt Nam đầu tiên bảo vệ thành công luận án tiến sĩ văn khoa tại Đại học Xoóc-bon, Pa-ri.
- Từ khi về nước vào năm 1935, ông dạy học, tham gia một số tổ chức nghiên cứu văn hoá và lịch sử, từng là uỷ viên thường trực Trường Viễn Đông Bác cổ, uỷ viên Hội đồng nghiên cứu khoa học Đông Dương, tham gia thành lập bộ môn Lịch sử văn minh Việt Nam tại Trường Đại học Luật Hà Nội,...
- Sau Cách mạng tháng Tám, ông được Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cử giữ chức Bộ trưởng Bộ Giáo dục từ năm 1946 cho đến khi qua đời. Ông được Nhà nước truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Khoa học xã hội năm 2000.
Sự nghiệp sáng tác
Tác phẩm chính của ông: Sự thờ phụng thần thánh ở nước Nam (1944), Văn minh Việt Nam (1944), Toàn tập Nguyễn Văn Huyên (2000),...
1.2. Tác phẩm Nghệ thuật truyền thống của người Việt
Tác phẩm văn minh Việt Nam
Văn minh Việt Nam là cuốn chuyên khảo viết bằng tiếng Pháp, hoàn thành từ năm 1939 nhưng phải đến năm 1944 mới được xuất bản tại Hà Nội, có thể xem là một phát ngôn đầy tinh thần tự tôn dân tộc của người Việt về văn hoá Việt trước cộng đồng thế giới. Tác phẩm được dịch ra tiếng Việt năm 1996.
Xuất xứ văn bản Nghệ thuật truyền thống của người Việt
Văn bản Nghệ thuật truyền thống của người Việt được trích từ phần 3, chương 12 của cuốn sách Văn minh Việt Nam, nguyên có nhan đề là Nghệ thuật.
Tóm tắt văn bản
Văn bản Nghệ thuật truyền thống của người Việt viết về những thông tin liên quan đến vấn đề nghệ thuật truyền thống của người Việt. Nghệ thuật của người Việt qua thời gian đã có nhiều nét đổi mới nhưng nhìn chung nó vẫn bảo lưu được những nét văn hóa truyền thống đáng quý. Sự ảnh hưởng của tinh thần tôn giáo đã tạo nên một số thay đổi trong nghệ thuật Việt, tư tưởng của người nghệ sĩ cũng có đôi chút khác biệt nhằm tạo nên những tác phẩm nghệ thuật mới. Kiến trúc là nền nghệ thuật tiêu biểu nhất ở Việt Nam và mang tính chất tôn giáo, thể hiện cái vĩ đại và bí ẩn mà vẫn có tính đều đặn và đối xứng. Nghệ thuật điêu khắc gỗ phụ thuộc vào kiến trúc và là môn nghệ thuật mà người Việt thành công nhất. Nghệ thuật đúc đồng cũng là nền nghệ thuật tiêu biểu ở Việt Nam, thường phát triển ở một số vùng nhất định.
2. Đọc hiểu văn bản
2.1. Những thông tin chính của văn bản
- Nghệ thuật truyền thống của người Việt
- Sự ảnh hưởng của tôn giáo: Người nghệ sĩ không có xu hướng trình bày chính xác, đầy đủ hiện thực, các tác phẩm nghệ thuật từ gốc đều được cách điệu hóa và ước lệ hóa
- Nền nghệ thuật tiêu biểu của Việt Nam: Nghệ thuật kiến trúc như công trình Lăng mộ các Vua ở Huế, nghệ thuật điêu khắc chùa Keo, nghệ thuật đúc đồng bồn vạc ở Huế,..
2.2. Các yếu tố miêu tả, biểu cảm, nghị luận trong văn bản
- Yếu tố miêu tả được sử dụng trong văn bản là:
+ Miêu tả các công trình kiến trúc tiêu biểu ở Việt Nam, miêu tả các tác phẩm nghệ thuật điêu khắc nổi tiếng.
+ Yếu tố miêu tả được sử dụng trong những đoạn văn nói về những nét văn hóa nghệ thuật lâu đời của Việt Nam, miêu tả một số tác phẩm được nhiều người biết đến làm minh chứng, dẫn chứng về nghệ thuật được nhắc đến.
- Yếu tố biểu cảm được sử dụng trong văn bản là:
+ Cảm nhận về khiếu thẩm mĩ của người Việt, về sự ảnh hưởng của tôn giáo đến nét văn hóa truyền thống Việt,…
+ Yếu tố biểu cảm nhằm biểu đạt suy nghĩ, cảm xúc của người viết về những vấn đề liên quan đến nghệ thuật truyền thống của người Việt, giúp người đọc hiểu rõ hơn về nền văn hóa lâu đời ấy.
- Yếu tố nghị luận được sử dụng trong văn bản là:
+ Bàn luận về sự ảnh hưởng của tôn giáo, bàn về những nét văn hóa lâu đời của Việt Nam, …
+ Yếu tố nghị luận là cách tác giả làm nổi bật vấn đề, nghị luận về những nền nghệ thuật truyền thống như nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc, đúc đồng, … của người Việt.
3. Tổng kết
3.1. Về nội dung
Văn bản Nghệ thuật truyền thống của người Việt viết về những nền nghệ thuật truyền thống của người Việt, về những giá trị văn hóa lâu đời được bảo lưu đến ngày nay. Qua đó thể hiện niềm tự hào của tác giả đối với nghệ thuật truyền thống của nước nhà.
3.2. Về nghệ thuật
- Kết hợp nhuần nhuyễn các yếu tố miêu tả, biểu cảm, nghị luận trong bài viết
- Ngôn ngữ tự nhiên, dễ hiểu
4. Bài tập minh họa
Bài tập: Chọn một trong những địa danh có nghệ thuật truyền thống tiêu biểu được tác giả Nguyễn Văn Huyên nhắc đến trong văn bản Nghệ thuật truyền thống của người Việt SGK Ngữ văn 10 Kết Nối Tri Thức, hãy viết đoạn văn ngắn từ 7 đến 10 dòng giới thiệu về địa danh đó.
Hướng dẫn giải:
- Đọc lại văn bản Nghệ thuật truyền thống của người Việt SGK Ngữ văn 10 Kết Nối Tri Thức
- Chú ý các địa danh
- Tham khảo thêm thông tin các địa danh từ sách báo, internet
- Kết hợp hiểu biết của bản thân để viết đoạn văn
Lời giải chi tiết:
Chùa Keo, một khu chùa cổ tuyệt vời, một tác phẩm tiêu biểu, đặc sắc của nghệ thuật kiến trúc Việt Nam. Chùa Keo tên chữ là chùa Thần Quang, nằm ở Vũ Thư, Thái Bình. Theo sử cũ, chùa Keo được xây dựng từ thời nhà Lý Thánh Tông, đến nay đã nhiều lần trùng tu. Trong những di tích còn lại thì chùa Keo là một di tích có quy mô to lớn. Có lẽ ở nước ta chưa có một ngôi chùa nào lại được tới 57.000m2 với 107 gian chùa lớn (trước là 154 gian) làm toàn bằng gỗ lim. Những con đường dài hàng trăm mét, lát toàn đá xanh rộng gần 2m và 350 vây cột lim lớn nhỏ, đều được kê trên những hòn đá tảng lớn, cổ bồng, chạm cánh sen. Toàn bộ khu chùa là một quần thể kiến trúc lớn, gồm cột cờ, sân lát đá, tam quan ngoài, ao trước chùa, tam quan trong, sân đất, chùa Hộ, chùa Phật, sân gạch, tòa Giá Roi, tòa Thiên Hương, tòa Phục quốc, tòa Thượng Điện, gác chuông, nhà Tổ… Ngoài ra, là hai dãy hành lang dài hai bên, từ chùa Hộ trở vào. Tổ chức không gian kiến trúc ở đây thật tài tình, phức tạp một cách trật tự, theo kiểu "tiền Phật hậu Thần”. Khu chùa phía trước và khu đền thờ Không Lộ thiền sư phía sau. Trong gác chuông có treo hai quả chuông niên đại: Hoàng Triều Cảnh Thịnh Tứ Niên, một di tích quý về sự nghiệp “văn trị” của triều Tây Sơn trên đất Thái Bình. Quai đỉnh chuông đúc từ thời Tây Sơn rất đẹp, chạm hình hai con rồng nối đuôi nhau. Ớ gác một chùa Keo có một khánh đá rất to, không biết đục từ bao giờ, tiếng khánh âm vang. Hàng năm, “xuân thu nhị kỳ” vào ngày 4 tháng giêng và trung tuần tháng 9 âm lịch, khách thập phương cuồn cuộn đổ về dự hội chùa. Từ xa, trên đê sông Hồng, mọi người đã nhìn thấy lá cờ thần to bằng gian nhà, bay trên đỉnh cột cờ cao 21m. Cột cờ lớn chốt vào bệ đá sâu hàng mét, vậy mà cờ bay còn rúng cả cột!
5. Trắc nghiệm Ngữ văn 10 bài Nghệ thuật truyền thống của người Việt
------------------------------
Như vậy, VnDoc.com đã gửi tới các bạn Lý thuyết Ngữ văn 10 bài: Nghệ thuật truyền thống của người Việt - Nguyễn Văn Huyên KNTT. Ngoài ra, các em học sinh có thể tham khảo môn Hóa 10 Kết nối tri thức, Lý 10 Kết nối tri thức và Toán 10 Kết nối tri thức tập 1, Sinh 10 Kết nối tri thức đầy đủ khác.