Bài dự thi tìm hiểu lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào
Cuộc thi tìm hiểu lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam
Cuộc thi "Tìm hiểu lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam" được tổ chức theo hình thức trắc nghiệm trực tuyến hằng tuần trong thời gian 12 tuần, từ ngày 13.6.2022 đến ngày 5.9.2022. Bên cạnh đó còn có Bài dự thi tìm hiểu lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào. Các bạn có thể tham khảo bài dự thi mẫu sau đây để có ý tưởng hoàn thiện bài viết của mình tốt hơn.
1. Bài dự thi tìm hiểu lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào
1.1. Bài dự thi tìm hiểu lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào Số 1
Là hai nước láng giềng núi sông liền một dải, quan hệ gắn kết anh em giữa hai dân tộc đã được hình thành và hun đúc trong lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước và đặc biệt trong hơn bảy thập kỷ qua, mối quan hệ truyền thống tốt đẹp, sự gắn bó thủy chung giữa nhân dân hai nước Việt Nam – Lào được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Cayxỏn Phom-vi-hẳn đặt nền móng, được các thế hệ lãnh đạo kế tục của hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước dày công vun đắp đã trở thành tài sản vô giá của cả hai dân tộc và là quy luật phát triển chung của hai nước trên con đường phát triển đất nước phồn vinh, nhân dân ấm no, hạnh phúc.Quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào – Việt Nam là một điển hình, một tấm gương mẫu mực, hiếm có về sự gắn kết bền chặt, thuỷ chung, trong sáng và đầy hiệu quả giữa hai dân tộc trong cuộc đấu tranh vì độc lập, tự do và tiến bộ xã hội. Mối quan hệ này, bắt nguồn từ các điều kiện tự nhiên, nhân tố dân cư, xã hội, văn hoá và lịch sử, truyền thống chống giặc ngoại xâm của nhân dân hai nước.
Về các điều kiện tự nhiên: Việt Nam và Lào nằm ở trung tâm bán đảo Ấn-Trung, thuộc vùng Đông Nam Á lục địa. Trong phạm vi của bán đảo Đông Dương, Việt Nam nằm ở phía đông dãy Trường Sơn, như một bao lơn nhìn ra biển; Lào nằm ở sườn tây dãy Trường Sơn, lọt sâu vào vùng đất liền của bán đảo. Như vậy, dãy Trường Sơn có thể ví như cột sống của hai nước, tạo thành biên giới tự nhiên trên đất liền giữa Việt Nam và Lào. Với địa hình tự nhiên này, về đường bộ cả Việt Nam và Lào đều theo trục Bắc-Nam. Còn về đường biển, con đường gần nhất để Lào có thể thông thương ra biển đó là từ Sầm Nưa thuộc tỉnh Hủa Phăn (Lào) qua Thanh Hoá; Xiêng khoảng (Lào) qua Nghệ An; Khăm Muộn (Lào) qua Hà Tĩnh; Savẳnnakhệt (Lào) qua Quảng Trị và Khăm Muộn (Lào) qua Quảng Bình.
Do điều kiện tự nhiên nên sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam và Lào có nhiều điểm tương đồng, lại vừa có những nét khác biệt. Tuy nhiên, trong hoàn cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế ngày nay, để hợp tác cùng phát triển hai nước hoàn toàn có thể bổ sung cho nhau bằng tiềm năng, thế mạnh của mỗi nước về vị trí địa lý, tài nguyên, nguồn nhân lực, thị trường cũng như sự phân vùng kinh tế và phân công lao động hợp lý. Ngoài ra, Việt Nam và Lào là những thuộc nước“vừa” và “tương đối nhỏ” sống cạnh nhau, lại nằm kề con đường giao thông hàng hải hàng đầu thế giới, nối liền Đông Bắc Á, Nam Á qua Tây Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương cho nên chiếm vị trí địa- chiến lược quan trọng ở vùng Đông Nam Á.
Về quốc phòng: bờ biển Việt Nam tương đối dài, nên việc bố trí chiến lược gặp không ít khó khăn. Trong khi đó, dãy Trường Sơn, biên giới tự nhiên giữa Việt Nam và Lào được ví như bức tường thành hiểm yếu, để hai nước tựa lưng vào nhau, phối hợp giúp đỡ lẫn nhau tạo ra thế chiến lược khống chế những địa bàn then chốt về kinh tế và quốc phòng, trở thành điểm tựa vững chắc cho Việt Nam và Lào trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước.
Về các nhân tố dân cư, xã hội: Việt Nam và Lào đều là những quốc gia đa dân tộc, đa ngôn ngữ. Hiện tượng một tộc người sống xuyên biên giới quốc gia của hai nước, hoặc nhiều nước là đặc điểm tự nhiên của sự phân bố tộc người ở khu vực Đông Nam Á nói chung, ở Việt Nam và Lào nói riêng. Đặc điểm này, đến nay vẫn tiếp tục chi phối mạnh mẽ các mối quan hệ khác trên đường biên giới quốc gia Việt Nam-Lào. Chính quá trình cộng cư, hoặc sinh sống xen cài của những cư dân Việt Nam và cư dân Lào trên địa bàn biên giới của hai nước đã dẫn đến việc cùng khai thác và chia sẻ nguồn lợi tự nhiên, đặc biệt là nguồn lợi sinh thuỷ. Điều này, thêm một lần nữa khẳng định các quan hệ cội nguồn và quan hệ tiếp xúc chính là những điều kiện lịch sử và xã hội đầu tiên, tạo ra những mối dây liên hệ và sự giao thoa văn hoá nhiều tầng nấc giữa cư dân hai nước. Một trong những minh chứng cho nhận định trên đó chính là hai câu chuyện huyền thoại của hai dân tộc đều xoay quanh môtíp quả bầu mẹ, đó là: người Lào, thông qua câu chuyện huyền thoại đã cho rằng các nhóm dân cư: Lào, Thái, Khơmú, Việt đều có chung nguồn gốc. Đặc biệt, trong câu chuyện này, Khún Bulôm đã dặn dò với các con cháu của Người: “Các con phải luôn luôn giữ tình thân ái với nhau, không bao giờ được chia rẽ nhau. Các con phải làm cho mọi người noi gương các con và coi nhau như anh em một nhà, người giàu phải giúp đỡ kẻ nghèo, người mạnh giúp kẻ yếu. Các con phải bàn bạc kỹ trước khi hành động và đừng bao giờ gây hấn xâm lăng lẫn nhau”. Còn ở miền tây Quảng Bình và Quảng Trị của Việt Nam, người B’ru cũng giải thích nguồn cội của các dân tộc Tà Ôi, Ê đê, Xơ đăng, Bana, Khùa, Sách, Mông, Dao, Tày, Khơme, Lào, Thái, Việt...cũng từ quả bầu mẹ. Hình tượng quả bầu mẹ đã trở thành biểu tượng cao đẹp, lý giải nguồn gốc và tình đoàn kết keo sơn giữa các dân tộc hai bên dãy Trường Sơn. Chính vì vậy, đến nay, các dân tộc anh em sống ở khu vực biên giới hai nước vẫn còn nuôi dưỡng niềm tự hào và truyền mãi cho nhau những câu chuyện về đạo lý làm người vô cùng sâu sắc mà người xưa để lại.
Về nhân tố văn hoá và lịch sử: Về nhân tố văn hoá, điều cần phải khẳng định là do quan hệ gần gũi và lâu đời nên người Việt và người Lào đặc biệt là người dân ở vùng biên giới am hiểu về nhau khá tường tận. Trong cuốn “Dư địa chí” của Nguyễn Trãi đã mô tả khá ấn tượng về nền văn hoá độc đáo và phong tục thuần phác của dân tộc Lào, cũng như hiện tượng giao thoa văn hoá nở rộ giữa Đại Việt với các nước láng giềng Đông Nam Á, trong đó có Lào Lạn Xạng.
Sự giao thương của người dân Lào với người dân Việt nhất là với người dân các tỉnh biên giới của Việt Nam cũng khá nhộn nhịp. Người dân Việt Nam bày tỏ mối thiện cảm với một số mặt hàng có chất lượng cao của Lào như: vải dệt, chiêng...Chính vì vậy, mà hiện nay, nhiều dân tộc ít người ở Tây Nguyên của nước ta vẫn còn giữ được những chiếc chiêng Lào nổi tiếng. Đúng như nhà bác học Lê Quý Đôn nhận xét: "Thật là một nước đã giàu lại khéo”. Điều đáng chú ý là trong quan hệ giao thương với Đại Việt, Lào Lạn Xạng đã không ít lần bộc lộ mối quan tâm của mình muốn hướng ra biển, trong khi Đại Việt lại tìm cơ hội để mở rộng buôn bán vào sâu lục địa.
Mặc dầu Việt Nam và Lào có tiếng nói, văn tự không giống nhau, sáng tạo và lựa chọn các nền văn hóa cũng như các hình thức tổ chức chính trị -xã hội khác nhau, nhưng những nét tương đồng thì vẫn thấy phổ biến trong muôn mặt đời sống hàng ngày của cư dân Việt Nam và Lào. Các nền văn hóa nghệ thuật truyền thống của Việt Nam và Lào dễ dàng tìm thấy: sự đồng cảm lẫn nhau, chia sẻ các giá trị cộng đồng, coi trọng luật tục, tôn kính người già… Sự tương đồng giữa văn hóa làng – nước của người Việt và văn hóa bản - mường của người Lào xuất phát từ cội nguồn cùng nền văn minh nông nghiệp lúa nước ở Đông Nam Á. Đồng thời, lòng nhân ái bao la và đời sống tâm linh phong phú, trong đó có những ảnh hưởng sâu đậm của đạo Phật mà trong cách đối nhân xử thế của mình, nhân dân Việt Nam và nhân dân Lào bao giờ cũng nêu cao những phẩm chất yêu thương và hướng thiện.
Cùng với các điều kiện tự nhiên, dân cư, xã hội, văn hoá và lịch sử và sự tự nguyện phối hợp của nhân dân hai nước Việt Nam và Lào trong chống ngoại xâm nhất là trong cuộc đấu tranh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược càng khẳng định mối quan hệ đặc biệt Việt Nam-Lào, Lào-Việt Nam.
Trong tiến trình lịch sử cả hai dân tộc đều phải ngoan cường chống ngoại xâm để bảo vệ nền độc lập dân tộc. Dân tộc Việt Nam kể từ khi Nhà nước Văn Lang thành lập đã trải qua mấy ngàn năm lịch sử và liên tục bị chế độ phong kiến phương Bắc xâm lược, thống trị và do đó đã phải không ngừng chiến đấu giành và bảo vệ độc lập dân tộc. Nước Lào cũng trải qua lịch sử hàng nghìn năm và cũng phải ngoan cường chống xâm lược để khẳng định sự tồn tại của mình với tư cách một dân tộc, một quốc gia độc lập.
Từ đầu thế kỷ 20, không cam chịu ách nô lệ, nhân dân hai nước Lào-Việt Nam đã đoàn kết, cùng nhau đấu tranh chống Pháp. Như vậy, trước 1930, hai dân tộc Lào-Việt đã đoàn kết cùng chiến đấu chống kẻ thù chung, nhưng lúc đó chỉ dừng lại ở tính chất tự phát do hạn chế về trình độ nhận thức và điều kiện lịch sử. Từ khi có chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh soi đường, đặc biệt là từ khi Đảng Cộng sản Đông Dương ra đời do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập, trực tiếp lãnh đạo cuộc đấu tranh giải phóng của hai dân tộc Lào-Việt Nam tình đoàn kết đó đã được phát triển mạnh mẽ và liên tục. Chính truyền thống yêu nước vẻ vang là cơ sở vững chắc cho sự đoàn kết giữa hai dân tộc.
Tình cảm gắn bó keo sơn giữa hai dân tộc Việt Nam - Lào trong những năm tháng chiến tranh mà biểu hiện của nó là nhân dân Lào cùng Việt kiều đấu tranh chống chế độ thuộc địa, phối hợp và ủng hộ cách mạng Việt Nam giai đoạn (1930-1939), tiếp đến giúp nhau tiến hành cuộc vận động khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền thắng lợi (1939 - 1945) và liên minh Việt-Lào, Lào-Việt Nam chiến đấu chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược (1945 – 1975). Sau năm 1975, quan hệ Việt Nam và Lào bước sang một trang hoàn toàn mới: từ liên minh chiến đấu chung một chiến hào sang hợp tác toàn diện giữa hai quốc gia có độc lập chủ quyền. Tình cảm gắn bó keo sơn giữa hai dân tộc Việt Nam - Lào được biểu hiện sâu nặng trong sự nghiệp xây dựng đất nước.
Chủ tịch Hồ Chí Minh-Người đặt nền móng vững chắc cho quan hệ đặc biệt Việt Nam-Lào, Lào -Việt Nam.
Những thắng lợi của cách mạng Việt Nam, của cách mạng Lào hơn nửa thế kỷ qua, là sự khẳng định trên thực tế tính đúng đắn và sự sáng tạo của tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết quốc tế nói chung và tình đoàn kết hữu nghị thuỷ trung trong quan hệ Việt - Lào nói riêng.
Xuất phát từ nhận thức đúng đắn rằng: muốn làm cách mạng, trước hết phải có chính đảng cách mạng, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã khẩn trương chuẩn bị những điều kiện cần thiết cho sự thành lập một chính đảng mácxít-lêninit. Thời kỳ vận động thành lập Đảng, Nguyễn Ái Quốc tích cực truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng về con đường cứu nước mới vào Việt Nam và Lào, trước hết thông qua hoạt động sôi nổi của Hội Việt Nam cách mạng thanh niên được đích thân Người sáng lập từ tháng 6 năm 1925. Đặc biệt, những năm hoạt động trong phong trào Việt kiều ở Đông Bắc Thái Lan, giáp biên giới Thái - Lào (1928 - 1929), Người đã trực tiếp tìm hiểu thực tế tình hình đời sống các bộ tộc Lào, chỉ đạo xây dựng các chi hội của Hội Việt Nam cách mạng thanh niên ở Lào. Sự truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng cứu nước mới của Nguyễn Ái Quốc và các hội viên Hội Việt Nam cách mạng thanh niên đã từng bước chuẩn bị về nội dung và phương hướng phát triển cho cách mạng giải phóng dân tộc, đồng thời thúc đẩy và làm chuyển biến thật sự phong trào đấu tranh cách mạng ở Việt Nam và Lào. Mặt khác, bằng những dẫn chứng xác thực, tiêu biểu với lý lẽ rất đanh thép, Người tố cáo mạnh mẽ những tội ác của đế quốc thực dân và phong kiến ở ba nước Đông Dương, khơi dậy trong nhân dân lao động bị áp bức lòng căm thù sâu sắc đối với chế độ đương thời lúc đó, khích lệ tinh thần yêu nước thương nòi, ý chí độc lập tự cường, vùng lên đấu tranh cứu nước, giải phóng dân tộc.
Khi các điều kiện khách quan và chủ quan đã chín muồi, Nguyễn Ái Quốc trực tiếp chủ trì Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản, thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam tháng 2-1930, sau đổi thành Đảng Cộng sản Đông Dương. Sự ra đời của Đảng thực sự trở thành sản phẩm của sự kết hợp chủ nghĩa Mác - Lênin với phong trào công nhân, phong trào yêu nước ở Việt Nam và các nước Đông Dương. Những vấn đề cơ bản của Cương lĩnh cách mạng (Chánh cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt) do Hồ Chí Minh đề ra tại Hội nghị thành lập Đảng đã được Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương tiếp thu, cụ thể hoá trong Luận cương chính trị (10-1930) trở thành ngọn cờ tổ chức và lãnh đạo chung nhân dân ba nước Đông Dưong. Cũng từ đây, sự nghiệp giải phóng dân tộc của hai nước Việt Nam và Lào gắn liền với sự nghiệp giải phóng giai cấp công nhân và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội. Cách mạng hai nước bước sang giai đoạn phát triển mới, gắn bó mật thiết với nhau và hoà vào dòng thác tiến bộ của lịch sử, trở thành bộ phận cấu thành hữu cơ của trào lưu cách mạng thế giới. Đánh giá về sự kiện này, cố Chủ tịch Cayxỏn Phômvihản từng khẳng định: "Từ đó dưới sự lãnh đạo của Đảng Mác - Lênin chân chính, với ngọn cờ cách mạng dân tộc, dân chủ, cuộc đấu tranh cách mạng của nhân dân các bộ tộc Lào bước sang thời kỳ mới với chất lượng hoàn toàn mới"1.
Hồ Chí Minh luôn quan tâm sâu sắc vấn đề giúp đỡ xây dựng, phát triển lực lượng, phát huy tinh thần độc lập tự chủ của cách mạng Lào, coi đây là một nội dung quan trọng nhất của tình đoàn kết và liên minh chiến đấu Việt - Lào. Đúng như đồng chí Cayxỏn Phômvihản đã viết: "Bác Hồ luôn luôn giáo dục chúng tôi phải nắm vững: Sự nghiệp cách mạng Lào là của nhân dân Lào", phải "nêu cao tinh thần độc lập tự chủ, tự lực, tự cường" vì có như vậy "cách mạng mới phát triển nhanh chóng, đoàn kết quốc tế mới vững chắc"2. Hồ Chí Minh chủ trương thi hành đúng chính sách dân tộc tự quyết trong quan hệ Việt - Lào nhằm nêu cao hơn nữa ý thức dân tộc, tạo ra sức mạnh của từng dân tộc để đoàn kết quốc tế có hiệu quả hơn. Người nhiều lần nhấn mạnh, để phát huy tinh thần độc lập tự chủ của cách mạng Lào, cần phải tăng cường đoàn kết, giúp đỡ, phối hợp với những người cách mạng và nhân dân các bộ tộc Lào, từng bước xây dựng và phát triển những nhân tố chủ quan của cách mạng Lào. Năm 1941 khi về nước trực tiếp chỉ đạo cách mạng Việt Nam và Đông Dương, Hồ Chí Minh chủ trương thành lập ở mỗi nước một mặt trận dân tộc thống nhất riêng, ở Việt Nam sẽ thành lập Mặt trận Việt Nam độc lập đồng minh (Việt Minh), còn ở Lào có thể lấy tên là Ai Lao độc lập đồng minh"3. Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Hồ Chí Minh càng quan tâm hơn đến việc giúp đỡ xây dựng, củng cố mặt trận dân tộc thống nhất, chính quyền các cấp, lực lượng vũ trang nhân dân, xây dựng đội ngũ cán bộ cách mạng và đặ biệt là chính đảng của giai cấp công nhân Lào.
Cùng với mối quan tâm xây dựng mặt trận dân tộc thống nhất, các căn cứ địa cách mạng và lực lượng vũ trang nhân dân, Hồ Chí Minh đặc biệt trăn trở về việc thành lập một chính đảng mácxit-lêninit riêng ở Lào. Sau hơn 20 năm dưới sự lãnh đạo thống nhất của Đảng Cộng sản Đông Dương, tình hình cách mạng Lào đã có những bước phát triển về chất, chín muồi những điều kiện chủ quan và khách quan cho sự ra đời chính đảng mácxit-lêninit. Đầu năm 1951, tại Đại hội II Đảng Cộng sản Đông Dương, Đại hội đầu tiên có các đồng chí Lào tham dự, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trực tiếp gặp gỡ đồng chí Cayxỏn Phômvihản, Trưởng đoàn Xứ uỷ Ai Lào và căn dặn: "Ở Lào cần phải cố gắng thành lập Đảng cách mạng và củng cố Đảng cho có đủ khả năng lãnh đạo cuộc cách mạng ở Lào". Ở những lần gặp gỡ khác với đồng chí Cayxỏn Phômvihản, "Người khuyên nên lấy tên Đảng là Đảng Nhân dân Lào để tập hợp mọi người yêu nước, có giác ngộ lý tưởng của toàn dân tộc vào cuộc đấu tranh cứu nước"5. Bốn năm sau Đại hội II, từ 22-3 đến 6-4-1955, 19 đại biểu ưu tú, thay mặt cho hơn 200 chiến sĩ cộng sản Lào, đã họp Đại hội thành lập Đảng Nhân dân Lào (từ năm 1972 đổi tên là Đảng Nhân dân cách mạng Lào). Đảng Nhân dân Lào được xây dựng theo những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, là sự kế tục truyền thống và sự nghiệp vẻ vang của Đảng Cộng sản Đông Dương do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập, rèn luyện và lãnh đạo, trở thành nhân tố quyết định hàng đầu bảo đảm thắng lợi cho sự nghiệp cách mạng của nhân dân các bộ tộc Lào. Sau này, khi đánh giá quyết định của Hồ Chí Minh tại Đại hội II Đảng Cộng sản Đông Dương về việc thành lập ở mỗi nước Việt Nam, Lào, Campuchia một chính đảng mácxit - lêninit riêng, đồng chí Cayxỏn Phômvihản khẳng định: "Quyết định lịch sử hết sức đúng đắn đó đã phát huy cao độ tinh thần độc lập tự chủ và ý thức trách nhiệm của những người cách mạng ở mỗi nước đối với vận mệnh của dân tộc mình và thúc đẩy cuộc đấu tranh cứu nước của ba nước Đông Dương phát triển vượt bậc".
Mặc dù còn phải giải quyết nhiều công việc nặng nề và quan trọng của đất nước sau khi hoà bình được lập lại, nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng Lao động Việt Nam tổ chức nhiều hội nghị bàn về tình hình Lào và tìm biện pháp tăng cường tình đoàn kết, phối hợp giúp đỡ cách mạng nước bạn. Trong Nghị quyết ra ngày 19-10-1954, Bộ Chính trị và Hồ Chí Minh khẳng định: "Vô luận tình hình phát triển như thế nào, ta cũng phải hết sức giúp bạn tăng cường công tác củng cố 2 tỉnh (Sầm Nưa và Phongxalỳ - khu tập kết của Chính phủ kháng chiến Lào Itxala theo Hiệp định Giơnevơ), xây dựng quân đội, xây dựng cơ sở nhân dân và đẩy mạnh đấu tranh chính trị trong toàn quốc". Cuối những năm 50, khi lực lượng cách mạng Lào đang ở trong tình thế hết sức khó khăn do sự tấn công điên cuồng của đế quốc Mỹ và tay sai, Bộ Chính trị Trung ương Đảng Lao động Việt Nam đã thông qua Nghị quyết (7-1959) về Lào, gợi ý một số vấn đề cấp bách đối với Đảng bạn. Nghị quyết nêu rõ nhiệm vụ trước mắt của cách mạng Lào là đoàn kết rộng rãi tất cả các dân tộc, các giai cấp yêu nước, yêu hoà bình, đấu tranh đòi triệt để thi hành Hiệp định Giơnevơ, xây dựng nước Lào hoà bình, trung lập, độc lập, dân chủ, thống nhất và thịnh vượng. Trong tình hình mới, về sách lược đấu tranh cần chú trọng chuyển từ hình thức đấu tranh công khai hợp pháp là chủ yếu sang hình thức đấu tranh vũ trang là chủ yếu, đồng thời kết hợp với các hình thức đấu tranh khác. Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng cũng xác định rõ sự ủng hộ và giúp đỡ toàn diện cách mạng Lào là một nhiệm vụ quốc tế có ý nghĩa trọng đại đối với sự nghiệp củng cố miền Bắc và đấu tranh thống nhất đất nước của Việt Nam. Theo tinh thần đó, ngày 6-7-1959, Đảng quyết định thành lập Ban công tác Lào của Trung ương do Đại tướng Võ Nguyên Giáp làm Trưởng ban và cử đoàn cán bộ chính trị, quân sự, chuyên viên kỹ thuật sang giúp bạn. Trong hoàn cảnh khắc nghiệt của cuộc đọ đầu với kẻ thù chung là đế quốc Mỹ, tình đoàn kết hữu nghị Việt - Lào lại thêm một lần nữa được thử thách và càng trở lên gắn bó chặt chẽ với nhau, tạo lên nguồn sức mạnh to lớn để cả hai dân tộc giành thắng lợi trong đấu tranh cách mạng.
Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam luôn quán triệt, vận dụng sáng tạo chủ nghĩa quốc tế trong sáng, kết hợp nhuần nhuyễn, đúng đắn lợi ích dân tộc với nghĩa vụ quốc tế trong quan hệ giữa ba nước Đông Dương nói chung cũng như trong Việt - Lào nói riêng. Trên cơ sở phân tích một cách khoa học và sâu sắc tính tất yếu khách quan của tình đoàn kết giữa ba nước Đông Dương, Người chỉ rõ: "Vì mọi quan hệ khăng khít về địa lý, quân sự, chính trị... mà ta với Miên, Lào cũng như môi với răng. Hai dân tộc Miên, Lào hoàn toàn giải phóng, thì cuộc giải phóng của ta mới chắc chắn, hoàn toàn. Cho nên nhiệm vụ của ta phải ra sức giúp đỡ kháng chiến Miên, Lào một cách tích cực, thiết thực hơn". Người nhấn mạnh: "Chỉ có đoàn kết chặt chẽ, giúp đỡ nhau hết lòng, mới là giải pháp hữu hiệu nhất để giành lại độc lập tự do cho mỗi nước và cho cả ba nước". "Đoàn kết chặt thì lực lượng to. Lực lượng to thì quyết thắng lợi". Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ đánh giá cao sức mạnh khối đoàn kết giữa ba nước Đông Dương, mà còn tin tưởng vào tương lai tươi sáng của khối đoàn kết đó. Người cũng luôn giáo dục cán bộ, chiến sĩ và nhân dân Việt Nam rằng, đoàn kết là phải thật thà, phải được thể hiện bằng những hành động cách mạng cụ thể, thiết thực, đoàn kết phải gắn liền với việc giúp đỡ lẫn nhau một cách có hiệu quả, bởi vì "giúp nhân dân nước bạn tức là mình tự giúp mình". Người cũng thường xuyên nhắc nhở rằng, càng đoàn kết giúp đỡ nhau hết lòng thì càng phải tôn trọng độc lập chủ quyền của nhau, kiên quyết chống mọi biểu hiện của chủ nghĩa dân tộc dưới mọi mầu sắc.
Trong thời kỳ kháng chiến chống xâm lược Mỹ, quan hệ Việt - Lào phát triển lên đỉnh cao của hình thức liên minh chiến lược trực tiếp chống đế quốc, trở thành một mẫu mực về tình đoàn kết chiến đấu, hỗ trợ lẫn nhau trên mọi lĩnh vực. Thuỷ chung với tình hữu nghị truyền thống, trung thành với chủ nghĩa quốc tế của giai cấp công nhân, Đảng và nhân dân Việt Nam đã giúp đỡ, hỗ trợ đến mức cao nhất cả về vật chất cả về tinh thần cho cuộc kháng chiến của Lào. Đáp lại, Đảng và nhân dân Lào đã tạo mọi điều kiện thuận lợi, hết lòng ủng hộ và giúp đỡ Việt Nam trong sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ đã mở ra một trang mới trong quan hệ hợp tác hữu nghị Việt - Lào. Trước đây, với nhiệm vụ chống đế quốc, giải phóng dân tộc, quan hệ Việt - Lào đặt trọng tâm vào lĩnh vực chính trị - quân sự. Sau năm 1975, với nhiệm vụ khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường ổn định chính trị và củng cố an ninh - quốc phòng, quan hệ Việt - Lào được thúc đẩy và mở rộng trên tất cả các lĩnh vực, trở thành mối quan hệ hợp tác toàn diện giữa hai Đảng, hai Nhà nước và hai dân tộc anh em láng giềng. Chính trên tinh thần ấy, Hiệp ước hữu nghị Việt - Lào đã được ký kết ngày 18-7-1977, tạo khuôn khổ pháp lý đưa quan hệ hai nước lên tầm cao của tình hữu nghị đặc biệt, đáp ứng yêu cầu của giai đoạn cách mạng mới của hai nước, phù hợp với lợi ích căn bản của hai dân tộc trong hoà bình và phát triển, phù hợp với tư tưởng Hồ Chí Minh về tình đoàn kết Việt - Lào. Những kết quả đạt được trong quan hệ Việt - Lào từ nửa cuối thập niên 70 đến cuối thập niên 80 của thế kỷ XX đã góp phần thiết thực phát triển kinh tế - xã hội và ổn định chính trị ở mỗi nước.
Là chính đảng cách mạng của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động và của toàn dân tộc, Đảng Cộng sản Việt Nam có lợi ích cơ bản trùng hợp, hoà quyện với lợi ích cơ bản và cao nhất của dân tộc Việt Nam là độc lập dân tộc đi lên chủ nghĩa xã hội. Trong giai đoạn hiện nay, lợi ích đó được biểu hiện cụ thể thông qua mục tiêu được Đảng Cộng sản Việt Nam xác định từ Đại hội VIII, tiếp tục khẳng định tại Đại hội IX và Đại hội X là “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”. Để vươn tới mục tiêu - lợi ích chiến lược này, vai trò quyết định là khả năng huy động tối đa nội lực dân tộc, kết hợp với tận dụng triệt để nguồn lực bên ngoài. Lẽ dĩ nhiên, nguồn ngoại lực chỉ có thể được khai thác hiệu quả khi tạo lập được môi trường trong nước và quốc tế thuận lợi. Chính vì vậy, từ đầu thập niên 90 thế kỷ XX trở lại đây, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn xác định nhất quán nhiệm vụ đối ngoại bao trùm là giữ vững hoà bình, mở rộng quan hệ hữu nghị hợp tác, tạo các điều kiện quốc tế thuận lợi cho sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; đồng thời góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh chung của nhân dân thế giới vì hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội. Mặt khác, Đảng Cộng sản Việt Nam từ Hội nghị Trung ương 3 (khoá VII) nhấn mạnh và đặt lên vị trí ưu tiên phuơng châm đối ngoại kết hợp lợi ích dân tộc chân chính với chủ nghĩa quốc tế của giai cấp công nhân; đoàn kết với các nước xã hội chủ nghĩa, với tất cả các lực lượng cách mạng tiến bộ và hoà bình trên thế giới. Tư tưởng đối ngoại nhất quán đó được thể hiện rõ nét và sinh động nhất trong thực tiễn quan hệ Việt - Lào hiện nay. Thực hiện chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, rộng mở, đa phương hoá - đa dạng hoá, song Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn dành ưu tiên hàng đầu cho việc củng cố, phát triển quan hệ đoàn kết hữu nghị Việt - Lào. Cơ sở của sự ưu tiên xứng đáng ấy không chỉ bắt nguồn từ tình cảm trân trọng mối quan hệ truyền thống thuỷ chung trong sáng, do Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt nền móng xây dựng và đã được kiểm nghiệm qua thực tiễn đấu tranh cách mạng, mà còn từ tầm nhìn chiến lược, có hệ luỵ trực tiếp đến vận mệnh cách mạng Việt Nam.
Việc duy trì, củng cố và phát triển quan hệ hữu nghị Việt - Lào là lợi ích, là đòi hỏi có ý nghĩa sống còn đối với sự nghiệp cách mạng hai nước. Sự phát triển của quan hệ Việt - Lào trong những năm gần đây càng chứng tỏ trên thực tế tính đúng đắn của nhãn quan chiến lược đối ngoại của ĐCS Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh đưa quan hệ hai nước lên tầm cao toàn diện và hữu nghị đặc biệt.
Quan hệ hữu nghị Việt - Lào đã vận động qua những chặng đường lịch sử khác nhau và trải qua không ít gian nan thử thách. Song, ở bất kỳ thời điểm nào, quan hệ đó vẫn ngời sáng tình nghĩa thuỷ chung, trong sáng và tràn đầy tình hữu nghị nồng thắm. Sự phát triển của mối quan hệ hữu nghị và tình đoàn kết đặc biệt giữa hai dân tộc Việt Nam và Lào có sự cống hiến to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, người đặt nền móng và suốt cuộc đời hoạt động cách mạng đã dày công chăm chút vun đắp. Thực tiễn cách mạng hai nước cũng luôn chứng tỏ: Tình đoàn kết hữu nghị đặc biệt và sự hợp tác chặt chẽ toàn diện Việt - Lào có ý nghĩa chiến lược sống còn đối với mỗi nước. Bởi vậy, biên niên sử quan hệ Việt - Lào vốn đã đầy ắp các sự kiện trọng đại, vẫn đang chờ đợi những bước bứt phá mới trong thế kỷ XXI. Quan hệ hữu nghị Việt - Lào mãi là tài sản vô giá, là hành trang không thể thiếu của hai dân tộc trên con đường xây dựng và phát triển đất nước theo định hướng XHCN. Đảng và nhân dân Việt Nam luôn tâm niệm sâu sắc rằng, vun đắp quan hệ hữu nghị đặc biệt giữa hai Đảng, hai Nhà nước, hai dân tộc không chỉ là trách nhiệm và nghĩa vụ thiêng liêng, mà còn là tình cảm său nặng của mỗi người dân Việt Nam yêu nước chân chính. Xuất phát từ thực tiễn đó, để tăng cường quan hệ Việt - Lào lên tầm cao mới, cần tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức, phương thức và cơ chế hợp tác theo hướng hiệu quả, khắc phục những khó khăn, hạn chế còn tồn tại.
Trải qua nhiều giai đoạn và biến cố của lịch sử, hai nước Việt Nam - Lào cùng tựa lưng vào dải Trường Sơn hùng vĩ, sát cánh bên nhau, xây đắp quan hệ đoàn kết đặc biệt Việt Nam - Lào cao đẹp, mẫu mực, thủy chung, hiếm có trong lịch sử quan hệ quốc tế. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Việt - Lào hai nước chúng ta - Tình sâu hơn nước Hồng Hà, Cửu Long”. Chủ tịch Cayxỏn Phômvihản cũng từng nói: “Trong lịch sử cách mạng thế giới đã có nhiều tấm gương sáng chói về tinh thần quốc tế vô sản, nhưng chưa ở đâu và chưa bao giờ có sự đoàn kết liên minh chiến đấu đặc biệt lâu dài và toàn diện như vậy”.
Sau khi Việt Nam hoàn thành sự nghiệp thống nhất đất nước và nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào ra đời vào năm 1975, quan hệ Việt - Lào đã chuyển sang giai đoạn mới. Đó là mối quan hệ hữu nghị, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa hai Đảng và hai Nhà nước mà bằng chứng sinh động là Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Việt Nam - Lào được ký ngày 18/7/1977.
Tình đoàn kết đặc biệt giữa hai nước đã góp phần quan trọng vào việc củng cố và tăng cường quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Lào trong thời kỳ mới. Trong các chuyến thăm của lãnh đạo hai nước, hai bên luôn khẳng định quan điểm nhất quán, tiếp tục coi trọng và dành mọi ưu tiên cho việc củng cố và tăng cường quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt, hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào, coi đây là tài sản vô giá cần gìn giữ và truyền lại cho muôn đời con cháu mai sau
Những thành tựu to lớn về kinh tế-xã hội sau hơn 20 năm tiến hành công cuộc đổi mới và những chuyển biến quan trọng trong quan hệ hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam trong những năm qua đã tạo nên những điều kiện vật chất to lớn thúc đẩy việc tiếp tục tăng cường hợp tác toàn diện Việt Nam-Lào, Lào - Việt Nam trong giai đoạn mới.
Để tăng cường hợp tác toàn diện, đưa quan hệ đặc biệt Việt Nam-Lào, Lào-Việt Nam lên tầm cao mới cần bổ sung và điều chỉnh cơ chế, chính sách, chương trình và tổ chức chỉ đạo hợp tác cho phù hợp với thực tế và những đòi hỏi mới của sự hợp tác toàn diện giữa hai nước. Đặc biệt là trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực hiện nay và những năm tới, càng cần phải đẩy nhanh việc điều chỉnh kịp thời, linh hoạt các nội dung đã thỏa thuận bằng các văn bản hợp tác nhằm tạo điều kiện cho các tổ chức, đơn vị hợp tác thực hiện có hiệu quả những mục tiêu chiến lược hợp tác đã đặt ra.
Trong quan hệ hợp tác kinh tế sắp tới cần phải chú trọng tính thực chất, hiệu quả và chất lượng. Có nghĩa là, các chương trình hợp tác, nhất là từ phía Việt Nam (các dự án của Việt Nam đầu tư vào Lào) phải phù hợp với yêu cầu của công cuộc xây dựng đất nước, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ và an ninh quốc gia của Lào. Việt Nam cần ưu tiên các dự án hợp tác với Lào phù hợp với qui hoạch và kế hoạch phát triển của Lào đã được vạch ra tại các kế hoạch 5 năm 2006-2010 và tầm nhìn đến 2020 của Lào. Đó là các dự án hợp tác về phát triển thủy điện với Lào, dự án xây dựng đường giao thông ra biển; các dự án hợp tác trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực.
Tính chất đặc biệt của quan hệ Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam khác căn bản với các quan hệ đối tác thông thường ở chỗ nó là quan hệ hợp tác toàn diện bao gồm cả chính trị, an ninh, kinh tế, văn hóa... và ưu tiên, ưu đãi cho nhau cao hơn cả các quan hệ song phương khác. Cần có một nhận thức thống nhất của cán bộ và nhân dân hai nước về tính chất đặc biệt này. Cả hai bên cần có tầm nhìn rộng hơn, toàn diện và lâu dài hơn chứ không chỉ ở các lợi ích kinh tế thuần túy và ngắn hạn.
Để tăng cường quan hệ hợp tác toàn diện Việt Nam-Lào, Lào - Việt Nam trong giai đoạn mới, cần tập trung tiếp tục thực hiện những định hướng lớn đã được thỏa thuận giữa hai Bộ Chính trị tháng 1-2008 tại Viêng Chăn và tiếp tục thực hiện 6 chương trình mục tiêu đã được thỏa thuận tại Hiệp định hợp tác giữa hai Chính phủ giai đoạn 2006-2010. Thực hiện thắng lợi chương trình hợp tác giai đoạn 2006-2010 sẽ tạo những tiền đề vật chất cần thiết cho việc xây dựng chiến lược hợp tác Việt Nam-Lào, Lào-Việt Nam giai đoạn 2011-2015 và tầm nhìn đến 2020.
Thực tiễn đã khẳng định rằng, trong quan hệ quốc tế ít có nơi nào và lúc nào cũng có được mối quan hệ đặc biệt, đoàn kết, hợp tác bền vững lâu dài, trong sáng như mối quan hệ Việt - Lào.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, quan hệ hữu nghị truyền thống đặc biệt giữa Việt Nam – Lào, Lào - Việt Nam cùng với những cơ hội vẫn còn không ít thách thức, nhất là các thế lực thù địch tìm mọi cách xuyên tạc, bóp méo lịch sử, chia rẽ tình hữu nghị đặc biệt Việt Nam – Lào. Vì vậy, việc duy trì, củng cố và tăng cường mối quan hệ đặc biệt trong sáng, thuỷ chung giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước Việt Nam – Lào là nhiệm vụ hết sức quan trọng của Đảng, chính quyền và nhân dân hai nước Việt Nam-Lào, lào-Việt Nam. Quyết tâm phấn đấu kế thừa và vun đắp tình đoàn kết đặc biệt, quan hệ hữu nghị thủy chung gắn bó và sự hợp tác toàn diện giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước Việt – Lào mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững, góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc XHCN ở mỗi nước, cũng như vào hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới.
1.2. Bài dự thi tìm hiểu lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào Số 2
1. Những nhân tố hình thành, quyết định mối quan hệ hữu nghị đặc biệt Việt Nam-Lào, Lào-Việt Nam; vai trò của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chủ tịch Cayxỏn Phômvihản, Chủ tịch Xuphannuvông và các nhà lãnh đạo cao cấp của hai Đảng, hai Nhà nước trong quá trình xây dựng và phát triển quan hệ đặc biệt Việt Nam-Lào, Lào-Việt Nam:
*Mối quan hệ hữu nghị đặc biệt Việt Nam-Lào, Lào-Việt Nam được hình thành từ những điều kiện, nhân tố khác nhau như:
- Các điều kiện tự nhiên, địa-chiến lược, địa-quân sự...
- Các nhân tố dân cư, xã hội, văn hóa và lịch sử.
- Sự phối hợp tự nguyện của nhân dân hai nước trong truyền thống chống giặc ngoại xâm.
- Công lao thiết lập và xây dựng của các vị lãnh tụ...
* Mối quan hệ đặc biệt Việt Nam-Lào, Lào-Việt Nam được phát triển từ quan hệ truyền thống do Chủ tịch Hồ Chí Minh xây dựng nền móng và chính Người cùng chủ tịch Cayxỏn Phômvihản, chủ tịch Xuphannuvông và các thế hệ lãnh đạo của hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước dày công vun đắp. Cùng với thời gian, mối quan hệ này đã trải qua nhiều thử thách khắc nghiệt, đày hi sinh, gian khổ vì độc lập, tự do, hạnh phúc của nhân dân hai dân tộc, đã trở thành quy luật sống và sức mạnh kì diệu đưa tới những thắng lợi vĩ đại của Việt Nam và Lào trong đấu tranh giành chính quyền, kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mĩ xâm lược, tiến hành thành công sự nghiệp đổi mới, đưa hai nước cùng phát triển theo con đường xã hội chủ nghĩa...
2. Đặc điểm của quan hệ đặc biệt Việt Nam- Lào, Lào-Việt Nam.
- Quan hệ đặc biệt Việt Nam- Lào, Lào-Việt Nam được phát triển từ quan hệ truyền thống lên quan hệ đặc biệt.
- Quan hệ đặc biệt Việt Nam- Lào, Lào-Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh xây dựng nền móng và chính Người cùng đồng chí Cayxỏn Phômvihản, đồng chí Xuphanuvông và các thế hệ lãnh đạo hai Đảng, hai Nhà nước dày công vun đắp.
- Quan hệ đặc biệt Việt Nam- Lào, Lào-Việt Nam là sự nghiệp của nhân dân Việt Nam-Lào.
- Quan hệ đặc biệt Việt Nam- Lào, Lào-Việt Nam mang tính xuyên suốt, toàn diện và bền vững.
3. Những thành tựu có ý nghĩa quan trọng trong lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam- Lào, Lào-Việt Nam.
* Quan hệ đặc biệt Việt Nam- Lào, Lào-Việt Nam là quy luật giành thắng lợi, là nguồn sức mạnh vô tận và quý giá nhất của cách mạng hai nước, là di sản văn hóa thiêng liêng của hai dân tộc, nơi hội tụ biết bao giá trị cao đẹp và sâu sắc mà trí tuệ và tình cảm của nhân loại hằng ngưỡng mộ, tôn vinh...
* Hai dân tộc Việt Nam- Lào sát cánh bên nhau cùng tiến hành khởi nghĩa tháng Tám 1945, giành độc lập dân tộc.
- Đánh giá xác đáng tình hình chính trị Đông Dương và chỉ rõ mâu thuẫn cần giải quyết.
- Xác lập các luận điểm về vấn đề dân tộc ở Đông Dương.
- Quyết định thực hiện một nhiệm vụ cách mạng giải phóng dân tộc.
- Xúc tiến công tác xây dựng đảng và lực lượng cách mạng.
- Chỉ đạo phương pháp đấu tranh giành chính quyền.
* Việt Nam, Lào đoàn kết, liên minh chiến đấu chống thực dân, đế quốc xâm lược, hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc.
- Vượt qua thử thách, tạo dựng thực lực của liên minh chiến đấu chống thực dân Pháp.
+ Những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp, chiến trường Đông Dương bị kẻ thù bao vây, cô lập. Nhưng quân dân hai nước vãn mở đường từ Việt Nam xuyên qua đất Lào tới nhiều nước tuyên truyền cho cuộc kháng chiến chính nghĩa của nhân dân Đông Dương; thu hút sự ủng hộ, chi viện của bạn bè quốc tế; chuyển về Lào và Việt Nam nhiều cán bộ, chiến sĩ Việt kiều, bổ sung lực lượng kháng chiến.
+ Xây dựng đội ngũ lãnh đạo chủ chốt đầu tiên của quan hệ đặc biệt Việt Nam- Lào, Lào-Việt Nam.
Đội ngũ cán bộ chủ chốt đầu tiên của quan hệ đặc biệt Việt Nam- Lào, Lào-Việt Nam vốn đã được chuẩn bị từ trước tháng 8-1945; đến kháng chiến chống thực dân Pháp đã xây dựng được đội ngũ bao gồm các nhà lãnh đạo xuất sắc của cách mạng Việt Nam và cách mạng Lào.
Phía Việt Nam, đó là nhiều cán bộ cấp cao của Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương.
Phía Lào, những nhà cách mạng tiêu biểu như đồng chí Cayxỏn Phômvihản, đồng chí Xuphanuvông và nhiều đồng chí lãnh đạo khác giàu tài năng, đạo đức cách mạng.
+ Gây dựng cơ sở chính trị và căn cứ địa, phát triển chiến tranh du kích và thắt chặt quan hệ đoàn kết Việt- Lào.
Tư tưởng chủ đạo của nhiệm vụ trên được nêu ra sớm tại Chỉ thị về kháng chiến kiến quốc của TƯ Đảng Cộng sản Đông Dương, tháng 11 năm 1945.
Từ cuối năm 1948, việc thành lập khu kháng chiến được bắt đầu tiến hành. Các khu kháng chiến Thượng Lào, Hạ Lào, Tây Bắc Lào... lần lượt xuất hiện.
Năm 1949, Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương chỉ đạo thành lập Chính phủ Lào kháng chiến và Mặt trận dân tộc thống nhất Lào (Neo Lào Ítxala); cử một đơn vị cán bộ, chiến sĩ sang Thái Lan và Lào đón Hoàng thân Xuphanuvông và các nhà lãnh đạo cách mạng Lào tới Việt Bắc để thực hiện chủ trương trên.
Giữa tháng 8/1950, tại tỉnh Tuyên Quang (Việt Nam), Đại hội Quốc dân Lào quyết định những vấn đề quan trọng về cách mạng Lào, thành lập Chính phủ Lào kháng chiến và Neo Lào Itsxala. Sự kiện đó tạo ra bước phát triển mới về việc tăng cường cơ quan chỉ đạo kháng chiến và mở rộng hơn nữa khối đại đoàn kết các tầng lớp nhân dân, các phần tử yêu nước và phát huy mạnh mẽ hơn sức mạnh của cuộc chiến tranh cách mạng Lào góp phần tăng cường quan hệ đặc biệt Lào-Việt Nam.
+ Xây dựng tại mỗi nước Việt, Campuchia, Lào một chính đảng độc lập và thành lập Mặt trận Liên minh Việt-Campuchia-Lào.
Tại Đại hội lần thứ II của Đảng Cộng sản, tháng 2/1951, đồng chí Hồ Chí Minh đề nghị thành lập ở mỗi nước Đông Dương một Đảng Cộng sản.
Theo nghị quyết Đại hội II của Đảng Cộng sản Đông Dương, Đảng Cộng sản ở Việt Nam lấy tên là Đảng Lao động Việt Nam; Ban vận động thành lập Đảng nhân dân Lào có sự hỗ trợ của Trung ương Đảng Lao động Việt Nam, tiến hành các công tác chuẩn bị để thành lập Đảng Nhân dân Lào.
Nối tiếp Đại hội II Đảng Cộng sản Đông Dương, cũng tại Việt Bắc, diễn ra hội nghị thành lập Mặt trận Việt- Miên-Lào. Nghị quyết Hội nghị biểu thị ý chí thống nhất của nhân dân ba nước Đông Dương đoàn kết đánh đuổi thực dân Pháp và can thiệp Mĩ, làm cho ba nước Việt Nam, Campuchia, Lào hoàn toàn độc lập, nhân dân ba nước được tự do, sung sướng và tiến bộ.
- Việt Nam, Lào đồng tâm, hiệp lực chiến đấu, lập nên nhiều chiến công.
+ Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp:
Tháng 4/1953, Liên quân Lào- Việt mở chiến dịch Thượng Lào. Trong vòng một tháng đã giải phóng một vùng rộng lớn với trung tâm là Sầm Nưa tạo ra một địa bàn đứng chân vững chắc của cách mạng Lào.
Trong chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954, thắng lợi của các chiến dịch Trung Lào, Hạ Lào đã củng cố và mở rộng căn cứ ở vùng trọng yếu này, buộc đối phương phải đưa quân tới đây để đối phó với liên quân Lào-Việt.
Tháng 1/1954, Đại tướng Võ Nguyên Giáp thay đổi phương châm tác chiến tại chiến dịch Điện Biên Phủ từ “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”, bộ đội Việt Nam phối hợp với quân giải phóng Lào và được nhân dân Lào chi viện vật chất, tấn công khu vực sông Nậm U, tiến sát kinh đô Luông Pha băng, tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch, đẩy tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ vào thế hoàn toàn cô lập.
Ngày 13/3/1954, quân và dân Việt Nam mở cuộc quyết chiến chiến lược ở Điện Biên Phủ. Quân dân Lào đã anh dũng chiến đấu, chặt đứt con đường chiến lược cuả địch chi viện cho Điện Biên Phủ từ phía Lào; góp phần xứng đáng vào thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ, đưa tới sự kiện kí kết Hiệp định Giơnevơ.
+ Trong cuộc kháng chiến chống Mĩ :
21 năm chống Mĩ là chặng đường kế tục, phát triển quan hệ đặc biệt Việt Nam- Lào, trong đó, nổi bật lên những hoạt động tiêu biểu:
Sự phối hợp giữa lãnh đạo, quân dân hai nước Việt Nam, Lào phá vỡ mưu đồ tiêu diệt lực lượng vũ trang Pathet Lào và hãm hại bộ phận đầu não cơ quan lãnh đạo cách mạng Lào do đế quốc Mĩ và bè lũ tay sai tiến hành.
Do sự hợp lực giữa hai phía Lào, Việt Nam, Tiểu đoàn 2 Pathet Lào đã mưu lược, anh dũng chiến đấu thoát ra khỏi vòng vây của địch tại Xiêng Khoảng vào tháng 5 năm 1959, sau 15 ngày trở về căn cứ an toàn.
Sau một thời gian chuẩn bị rất công phu của các đồng chí lãnh đạo Lào bị giam và nhiều lực lượng cách mạng bên ngoài trại giam, cuối cùng, đêm ngày 32 rạng ngày 24/5/1960, với sự phối hợp chặt chẽ giữa nhiều lực lượng phía Lào và phía Việt Nam, các đồng chí lãnh đạo Lào và cán bộ bị bắt vượt khỏi trại giam Phôn Khênh tại Viêng Chăn.
Sự hợp lực giữa lãnh đạo Đảng Nhân dân Lào và Đảng Lao động Việt Nam để xác định phương pháp đấu tranh vũ trang là chủ yếu, kết hợp với đấu tranh chính trị chống chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của đế quốc Mĩ ở Lào.
Từ đầu năm 1958, xu thế phát triển của tình hình Lào ngày càng hiện rõ sự can thiệp, xâm nhập của Mĩ mạnh mẽ và toàn diện. tại Hội nghị Ban Chấp hành Đảng Lao động Việt Nam, ngày 3/6/1959, bàn về vấn đề Lào, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu lên phương pháp đấu tranh của cách mạng Lào là phải dùng du kích, phải trường kì gian khổ, phải chú ý dân vận, địch vận...
Đến tháng 7/1959, hai Bộ Chính trị Đảng Lao động Việt Nam và Đảng Nhân dân Lào nhất trí quyết định phát động cuộc đấu tranh vũ trang trong mùa mưa năm 1959 lấy trọng tâm là chiến tranh du kích, phát động phong trào quần chúng nổi dậy, giành chính quyền tại thôn xã.
Trung tuần tháng 7/1959, bộ đội Lào mở 3 hướng tấn công. Hướng chính từ Đông Nam Sầm Nưa tới Đông Nam Xiêng Khoảng. Hướng thứ hai hoạt động chủ yếu tại vùng Mường Xon bắc Sầm Nưa đến Phong Xalì, Luông Phabang đến Xiêng Ngân. Hướng thứ ba có nhiệm vụ phối hợp tại địa bàn từ Bắc đường số 8 đến đường 12 Khăm Muộn.
Tuyến đường chiến lược Trường Sơn là một công trình vĩ đại , biểu tượng cao đẹp của quan hệ hữu nghị đặc biệt Việt Nam-Lào, Lào-Việt Nam
Năm 1959, đáp ứng nhu cầu chi viện sức người, sức của cho các chiến trường miền Nam Việt Nam, Lào và Campuchia, việc mở đường chiến lược Trường Sơn càng trở nên cấp thiết. Theo đề nghị của Việt Nam, tại cuộc hội đàm cấp cao giữa lãnh đạo Đảng Lao động Việt Nam và Đảng Nhân dân Lào cuối năm 1960, phía Lào hoàn toàn ủng hộ chủ trương mở đường Tây Trường Sơn và phát biểu: “Vận mệnh của hai nước chúng ta gắn bó mật thiết với nhau. Nhân dân Lào sẽ làm hết sức mình để góp phần vào thắng lợi của nhân dân Việt Nam anh em”.
Công cuộc mở đường diễn ra với sự phối hợp lực lượng Lào, Việt Nam cùng tiến hành.
Đường Trường Sơn vừa là tuyến đường chuyển vận người và của từ hậu phương lớn miền Bắc Việt Nam chi viện cho chiến trường ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia; cũng là nơi thiết lập căn cứ hậu cần khổng lồ, dự trữ và cung cấp vũ khí, hàng quân dụng, dân dụng cho tiền tuyến.
Nơi đây biến thành chiến trường phản công quyết liệt của bộ đội Việt Nam và bộ đội Lào trong cùng một liên minh giáng trả các mũi tấn công của đối phương, ghi lại bao chiến công hiển hách. Tất cả đã tạo dựng nên một biểu tượng cao đẹp của quan hệ hữu nghị đặc biệt Việt Nam-Lào, Lào-Việt Nam.
Thắng lợi vĩ đại của hai dân tộc Việt Nam, Lào diễn ra năm 1975, kết thúc 30 năm chiến tranh cách mạng, lập hai kì tích chiến thắng thực dân Pháp và đế quốc Mĩ xâm lược; đánh dấu sự tan rã của chủ nghĩa thực dân cũ và sự thất bại của chủ nghĩa thực dân mới, dù đế quốc Pháp, Mĩ đã cố gắng hết sức nhưng không thể nào cứu vãn nổi.
4. Quan hệ hữu nghị đặc biệt Việt Nam-Lào, Lào-Việt Nam tiếp tục phát triển trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của hai dân tộc Việt Nam, Lào (1976-2007)
* Trên lĩnh vực chính trị, ngoại giao, quốc phòng, an ninh:
- Sau khi thu được thắng lợi hoàn toàn trong cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, hai nước Việt Nam, Lào kí kết Hiệp ước Hữu nghị và hợp tác giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào ngày 18/7/1977 thúc đẩy quan hệ hữu nghị đặc biệt Việt Nam-Lào, Lào-Việt Nam trong khung cảnh mới, mang tính chính trị, pháp lí cơ bản, bền vững lâu dài.
Trong 30 năm vừa qua, Hiệp ước luôn khơi dậy nhiều sáng tạo, đưa tới những giải pháp hữu hiệu mà Đảng, Nhà nước Việt Nam, Lào phối hợp thực hiện, như phá tan mưu đồ của đối phương bóp méo vấn đề Việt Nam, phối hợp với cách mạng Campuchia, dỡ bỏ bao vây, cấm vận, bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và một số quốc gia khác...Đồng thời, Việt Nam hỗ trợ Lào giải quyết khó khăn về lương thực, hàng tiêu dùng khi biên giới phía Tây bị đóng cửa, để kịp thời ổn định tình hình xã hội, ngăn chặn dòng người di tản ra nước ngoài.
Việc kí kết Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia Việt Nam-Lào ngày 18/7/1977 và hoàn thành hoạch định, cắm mốc trên toàn tuyến biên giới cùng với hoạt động hợp tác về an ninh-quốc phòng, kinh tế, giao lưu văn hóa đã xây dựng nên một biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển Việt Nam-Lào, Lào-Việt Nam.
- Trước những khó khăn gay gắt của tình trạng khủng hoảng kinh tế-xã hội ở Việt Nam và Lào từ cuối thập kỉ 70 và thập kỉ 80 thế kỉ XX, Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Nhân dân Cách mạng Lào sử dụng phương châm: nhìn thẳng vào sự thật để phát hiện những sai lầm chủ quan duy ý chí, nóng vội, muốn đi nhanh lên CNXH theo mô hình kế hoạch hóa tập trung quan liêu bao cấp; và quyết định tiến hành công cuộc đổi mới ở hai nước. Hai Đảng cùng phối hợp chặt chẽ trong quá trình nghiên cứu, vận dụng, phát triển Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về CNXH, con đường đi lên CNXH và áp dụng vào điều kiện cụ thể của hai nước; đồng thời, tìm tòi thử nghiệm trong thực tiễn để mở ra con đường đổi mới và hội nhập quốc tế, đưa cách mạng hai nước thoát khỏi tình trạng khủng hoảng kinh tế-xã hội và tiến bước theo định hướng XHCN. Thắng lợi này ghi thêm một kì tích mới của quan hệ hữu nghị đặc biệt Việt Nam-Lào, Lào-Việt Nam.
- Trên thế giới, từ năm 1987 đến năm 1991, Liên Xô và các nước XHCN Đông Âu lâm vào tình trạng khủng hoảng dẫn tới sụp đổ chế độ XHCN do thực hiện đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập, phê phán Đảng Cộng sản và Chủ nghĩa Mác- Lênin. Trước tình hình đó, Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Nhân dân cách mạng Lào đưa ra những nguyên tắc đổi mới: giữ vững mục tiêu XHCN và nhận thức đúng hơn, có phương pháp phù hợp hơn để xây dựng thành công CNXH; giữ vững định hướng XHCN và sự lãnh đạo của Đảng; kiên định chủ nghĩa Mác-Lênin , không chấp nhận đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập.
Cũng vào lúc này, công cuộc đổi mới đã đưa lại hiệu quả bước đầu rõ rệt trong sản xuất và đời sống, gây được niềm tin của nhân dân đối với vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Nhân dân Cách mạng Lào cùng con đường phát triển của đát nước theo định hướng XHCN.
Các hoạt động trên thể hiện rõ bản lĩnh chính trị và năng lực sáng tạo của hai Đảng đã vượt qua cơn bão táp hiểm nghèo của hệ thống XHCN, giữ vững vai trò lãnh đạo của mình và ổn định chính trị của đất nước.
- Từ 1976 đến đầu thế kỉ XXI, Việt Nam và Lào bị nhiều thế lực thù địch từ bên ngoài vừa tấn công, xâm phạm chủ quyền lãnh thổ, vừa sử dụng những phần tử phản động lưu vong quay trở về phá hoại an ninh quốc gia. Một lần nữa, nhiệm vụ bảo vệ an ninh Tổ quốc đặt ra cho ngành quốc phòng, an ninh và nhân dân Việt Nam, Lào nhiều nhiệm vụ mới.
Theo chủ trương, kế hoạch hợp tác giữa hai Đảng và Chính phủ, lực lượng vũ trang và lực lượng an ninh Lào, Việt Nam phối hợp chặt chẽ thực hiện các nhiệm vụ chống ngoại xâm, chống phỉ, dẹp bạo loạn, trừ diệt bọn phản động vượt qua lãnh thổ Lào xâm nhập lãnh thổ Việt Nam...Mặt khác, hai bên giúp đỡ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và trang bị kĩ thuật hậu cần.
* Hợp tác phát triển kinh tế, giáo dục, đào tạo cán bộ:
- Trên lĩnh vực kinh tế, hai bên chấp hành nguyên tắc hợp tác là bình đẳng, tôn trọng chủ quyền quốc gia, cùng có lợi và hết lòng giúp đỡ nhau; mặt khác còn căn cứ vào tình hình cụ thể của mỗi nước mà giành ưu tiên, ưu đã cho nhau.
Phương thức hợp tác ngày càng được mở rộng và nâng cao về quy mô, chất lượng và hiệu quả. Có thể thấy điều đó qua các cuộc hội đàm và gặp gỡ cấp cao giữa lãnh đạo của Đảng và Nhà nước về những quan điểm kinh tế xoay quanh chủ đề chính yếu nhất là thời kì quá độ lên CNXH của Việt Nam, Lào và kinh nghiệm chỉ đạo thực hiện tại hai nước. Trên thực tế, sự hợp tác của hai nước diễn ra từ Trung ương đến tỉnh, thành phố và các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, dịch vụ...trên các lĩnh vực kinh tế, tài chính, ngân hàng, công thương, nông nghiệp...
Nội dung hợp tác kinh tế được chuyển dần theo cấp độ từ thấp đến cao: ban đầu là viện trợ, cho vay, tiến đến hợp tác sản xuất kinh doanh phù hợp công thức: Tài nguyên Lào, lao động kĩ thuật Việt Nam, vốn hợp tác hoặc vay của nước thứ ba. Tiếp đó, từ năm 1996 trở đi, một công thức mới được áp dụng, đó là hợp tác hai bên cùng có lợi theo thông lệ quốc tế, ưu tiên, ưu đãi hợp lí cho nhau.
- Sự hợp tác giáo dục và đào tạo cán bộ Lào- Việt Nam được lãnh đạo hai Đảng và Nhà nước đặt ở tầm chiến lược, mở đầu từ thời kì chống Mĩ và liên tục phát triển cho dù vượt qua nhiều khó khăn, gian khổ của chiến tranh và những biến động hiểm nghèo của phe XHCN.
Trong những năm chiến tranh, nhiệm vụ chủ yếu của Việt Nam giúp Lào về giáo dục dành cho giáo dục phổ thông. Song với tầm nhìn chiến lược, chủ động đón những bước phát triển đột biến của cách mạng, từ năm 1962, theo yêu cầu của bạn Lào, Việt Nam đã cử nhiều chuyên gia sang Lào để hợp tác với bạn nghiên cứu lập phương án giải quyết.
Sau năm 1975, hợp tác giáo dục, đào tạo cán bộ Việt Nam- Lào phát triển khá toàn diện về cấp độ và loại hình chuyên môn, nghiệp vụ mà lưu học sinh Lào theo học, với trọng tâm là đại học, trên đại học. Trong đó, số cán bộ thuộc hệ thống chính trị Lào chiếm tỉ lệ cao, học tập trung và tại chức, dài hạn và ngắn hạn, chủ yếu do Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh đảm nhiệm. Nội dung chương trình đào tạo chứa đựng nhiều kết quả nghiên cứu lí luận và tổng kết thực tiễn trên các chặng đường cách mạng, nhất là công cuộc đổi mới, đó là những kiến thức bổ ích cho đội ngũ cán bộ Lào.
Phía Lào cũng giúp đỡ Việt Nam đào tạo đội ngũ cán bộ nghiên cứu khoa học xã hội nhân văn về Lào và phiên dịch tiếng Lào, đã phát huy tốt kết quả học tập để giữ gìn và phát triển theo chiều sâu quan hệ hữu nghị đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào -Việt Nam.
Nhìn chung quá trình hợp tác Việt Nam – Lào, Lào- Việt Nam trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo cán bộ đã góp phần quan trọng và to lớn tạo nên nguồn lực cơ bản, bền vững cho sự phát triển của quan hệ đặc biệt Việt Nam-Lào, Lào-Việt Nam.
5. Giữ gìn và phát huy mối quan hệ đặc biệt Việt Nam-Lào, Lào-Việt Nam trong lịch sử của hai dân tộc và trên những chặng đường phát triển mới.
- Bổ sung và điều chỉnh cơ chế, chính sách, chương trình và tổ chức chỉ đạo hợp tác Việt Nam-Lào, Lào – Việt Nam.
- Tiếp tục thực hiện những chương trình hợp tác đã kí kết và xây dựng chiến lược hợp tác Việt Nam- Lào giao đoạn từ nay đến năm 2020.
- Tăng cường tuyên truyền, giáo dục về mối quan hệ hữu nghị truyền thống, tình đoàn kết đặc biệt Việt Nam-Lào, Lào-Việt Nam.
6. Ý nghĩa lịch sử và những bài học kinh nghiệm quý báu về việc giữ gìn, củng cố và phát huy truyền thống hữu nghị đặc biệt Việt Nam-Lào, Lào-Việt Nam.
* Ý nghĩa lịch sử:
- Quan hệ hữu nghị đặc biệt Việt Nam-Lào, Lào-Việt Nam là nhân tố cơ bản tạo nên sức mạnh vô địch của hai dân tộc Việt Nam- Lào.
- Đứng ở vị trí chiến lược của vùng Đông Nam Á, nơi đối đầu quyết liệt giữa phong trào giải phóng dân tộc, hòa bình và tiến bộ xã hội với các thế lực xâm lược, khối đoàn kết Việt Nam- Lào, Lào –Việt Nam trở thành lực lượng nòng cốt, chặn đứng, làm thất bại những mưu đồ và hành động của kẻ thù, góp phần quan trọng tạo dựng môi trường hòa bình, hợp tác, hữu nghị giữa các quốc gia Đông Nam Á.
- Quan hệ hữu nghị đặc biệt Việt Nam-Lào, Lào-Việt Nam là một tấm gương mẫu mực, thủy chung, trong sáng, vững bền, chưa từng có trong quan hệ giữa các dân tộc đấu tranh vì độc lập, tự do, hòa bình và tiến bộ xã hội.
* Bài học kinh nghiệm:
- Xác định đúng đắn hệ thống quan điểm lí luận về mối quan hệ dân tộc và quốc tế trong thời đại mới giữ vai trò quan trọng hàng đầu trong quá trình xây dựng, phát triển quan hệ hữu nghị đặc biệt Việt Nam-Lào, Lào-Việt Nam.
- Xác định nội dung, phương thức xây dựng quan hệ hữu nghị đặc biệt Việt Nam-Lào, Lào-Việt Nam là cụ thể hóa hệ thống quan điểm lí luận của chủ nghĩa Mác-Lênin về quan hệ quốc gia và quốc tế trong điều kiện cụ thể của hai nước để hướng dẫn hoạt động của Đảng, của hệ thống chính trị và quân, dân hai nước Việt Nam-Lào nhằm đạt tới mục tiêu cách mạng do hai bên xác lập.
- Tình cảm cách mạng thủy chung, trong sáng của Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Nhân dân cách mạng Lào là một nhân tố trọng yếu tạo nên độ bền vững và phát triển của mối quan hệ hữu nghị đặc biệt Việt Nam-Lào, Lào-Việt Nam.
- Biết khai thác, phát huy các nhân tố, điều kiện cần thiết để xây dựng, phát triển quan hệ hữu nghị đặc biệt Việt Nam-Lào, Lào-Việt Nam.
Các tài liệu tham khảo:
- Lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam – Lào, Lào - Việt Nam 1930 – 2007; NXB Chính trị quốc gia - sự thật, Hà Nội -2011
- Nâng tầm quan hệ đoàn kết đặc biệt Việt Lào; QĐND - Chủ nhật, 07/08/2011
- (Chinhphu.vn) Hội nghị quan hệ hợp tác Quốc hội Việt Nam – Lào: Đoàn kết – Hữu nghị được tổ chức tại Sơn La, một hoạt động lớn mở đầu cho dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 35 năm Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Việt - Lào.
- Hoàng Bình Quân ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng ban đối ngoại Trung ương - thành viên chính thức của Đoàn trả lời phỏng vấn nhóm phóng viên báo chí cùng đi nhân chuyến thăm nước CHDCND Lào từ ngày 20 đến 22.6.2011
- QĐND. Tình nghĩa anh em Việt - Lào keo sơn, bền chặt! Ghi chép của phóng viên Báo Nhân Dân.Thứ tư, 25/04/2012
- QĐND. Không ngừng phát huy tình đoàn kết, hữu nghị đặc biệt Việt Nam - Lào 22/4/2012
- Đảng Cộng sản Việt Nam - Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI - Nhà xuất bản chính trị quốc gia - sự thật, Hà Nội - 2011.
2. Thể lệ Cuộc thi “Tìm hiểu lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam”
1. Mục đích
- Cuộc thi nhằm góp phần vào thành công của “Năm Đoàn kết hữu nghị Việt Nam - Lào 2022”; thiết thực kỷ niệm 60 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao và 45 năm Ngày ký Hiệp ước hữu nghị và hợp tác Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam.
- Giáo dục truyền thống cách mạng, làm cho mỗi người dân, nhất là thế hệ trẻ của hai nước hiểu sâu sắc hơn về quan hệ hữu nghị và tình đoàn kết đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam trong quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở mỗi nước.
- Thông tin rộng rãi, có sức lan tỏa tới các tầng lớp nhân dân trong nước và cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, bạn bè quốc tế về ý nghĩa lịch sử, tầm quan trọng của mối quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam.
2. Các quy định chung
2.1. Đối tượng dự thi
Tất cả công dân Việt Nam và người nước ngoài đều có quyền tham gia dự thi, không phân biệt quốc tịch, dân tộc, nghề nghiệp, tôn giáo. Độ tuổi dự thi: Từ đủ 14 tuổi trở lên tính đến thời điểm làm bài thi.
Ban Tổ chức khuyến khích công dân hai nước Việt Nam và Lào đang sinh sống, lao động và học tập ở nước ngoài, bạn bè quốc tế tham gia dự thi.
Các thành viên Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức, Ban Nội dung, Ban Thư ký Cuộc thi không được tham gia dự thi.
2.2. Nội dung thi
Cuộc thi tập trung vào những nội dung cơ bản sau:
- Về lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào qua các thời kỳ lịch sử, tập trung nhấn mạnh vào giai đoạn từ năm 1962 đến nay.
- Các lãnh tụ Đảng, Nhà nước Việt Nam - Lào qua các thời kỳ.
- Những cá nhân điển hình có đóng góp quan trọng cho việc phát triển quan hệ hợp tác Việt Nam - Lào.
- Các thành tựu hợp tác trên tất cả các lĩnh vực mà hai nước đã đạt được trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, phát triển đất nước và trong giai đoạn hiện nay.
- Các khuôn khổ hợp tác song phương giữa hai Đảng, hai Nhà nước, hai Chính phủ; giữa các địa phương của Việt Nam và Lào.
- Giới thiệu vẻ đẹp thiên nhiên, đất nước, con người; truyền thống văn hóa, lịch sử; các thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của Lào.
- Tuyên truyền về ý nghĩa và tầm quan trọng của Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Lào, Ngày ký Hiệp ước hữu nghị và hợp tác Việt Nam Lào và các hoạt động trong “Năm Đoàn kết hữu nghị Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam 2022”.
2.3. Hình thức thi
Cuộc thi được tổ chức theo hình thức trắc nghiệm trực tuyến hằng tuần trên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, mạng xã hội VCNet và các cơ quan báo chí phối hợp trong thời gian 12 tuần từ ngày 13/6/2022 đến ngày 05/9/2022.
3. Cách thức tham gia
- Cách 1: Truy cập vào phần mềm “Cuộc thi tìm hiểu lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam” năm 2022 tại địa chỉ vietlao.dangcongsan.vn.
- Cách 2: Truy cập vào banner “Cuộc thi tìm hiểu lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam” năm 2022 trên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam (dangcongsan.vn), mạng xã hội VCNet (vcnet.vn) hoặc các cơ quan báo chí phối hợp để vào phần mềm Cuộc thi.
Mỗi tuần, Ban Tổ chức Cuộc thi đưa ra 10 câu hỏi thi với các phương án trả lời có sẵn, trong đó có phương án đúng. Người dự thi lựa chọn phương án đúng, sau đó điền vào ô "Dự đoán số người trả lời đúng”, nhập mã xác thực và bấm vào ô "Gửi bài thi". Người dự thi cần cung cấp đầy đủ và chính xác thông tin định danh cá nhân, số điện thoại, địa chỉ để Ban Tổ chức liên hệ khi đoạt giải.
Ban Tổ chức không hạn chế số lần tham gia của người dự thi, tuy nhiên chỉ công nhận 01 kết quả tốt nhất và có thời gian trả lời sớm nhất trong số các lần dự thi trong một tuần thi. Trong trường hợp một số người dự thi (từ 02 người trở lên) cùng trả lời đúng tất cả các câu hỏi thi, cùng dự đoán chính xác hoặc dự đoán gần đúng số người trả lời đúng, Ban Tổ chức sẽ căn cứ vào thời gian gửi bài thi để trao thưởng cho người có câu trả lời sớm hơn. Thời gian trả lời được tính từ khi bắt đầu cuộc thi hằng tuần (ngày, giờ, phút, giây theo đồng hồ điện tử của phần mềm chấm thi).
Thời gian thi trắc nghiệm hằng tuần: Bắt đầu từ 16h00 ngày thứ Hai hằng tuần, kết thúc vào 15h00 ngày thứ Hai của tuần tiếp theo.
Trong quá trình tham gia Cuộc thi, nếu có vướng mắc, các địa phương, đơn vị và người dự thi vui lòng liên hệ với Ban Tổ chức qua các số điện thoại sau đây để được giải đáp: 080.48459 – 0867.062968.
4. Giải thưởng
Mỗi tuần thi có các giải thưởng như sau:
- 01 giải Nhất: 3.000.000 đồng
- 02 giải Nhì: 2.000.000 đồng
- 05 giải Ba: 1.000.000 đồng
5. Công bố kết quả và trao thưởng
5.1. Công bố giải thưởng cuộc thi tuần
Các giải thưởng được công bố ngay sau khi có kết quả cuộc thi tuần (chậm nhất là 18 giờ ngày thứ Hai hằng tuần) trên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, mạng xã hội VCNet và các phương tiện thông tin đại chúng.
5.2. Trao thưởng
Ban Tổ chức sẽ trao các giải thưởng, bao gồm tiền thưởng, Giấy chứng nhận đoạt giải cho các cá nhân đoạt giải hằng tuần tại Lễ tổng kết Cuộc thi, dự kiến tổ chức trong tháng 9/2022. Trong trường hợp không thể đến dự Lễ tổng kết Cuộc thi, người đoạt giải có trách nhiệm cung cấp đầy đủ và chính xác thông tin về tài khoản ngân hàng, số điện thoại, địa chỉ liên hệ để Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam (Ban Thư ký Cuộc thi) gửi Giấy chứng nhận đoạt giải qua bưu điện và chuyển tiền giải thưởng qua tài khoản ngân hàng hoặc bưu điện sau Lễ tổng kết Cuộc thi.
Ban Tổ chức cũng dự kiến sẽ khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác tổ chức, triển khai Cuộc thi và những địa phương, đơn vị có số người dự thi cao nhất, có nhiều người đoạt giải…
6. Các quy định khác
Người dự thi phải cung cấp đầy đủ, chính xác thông tin cá nhân trùng khớp với giấy tờ tùy thân lên hệ thống Cuộc thi. Nghiêm cấm việc nhờ người khác thi hộ, sử dụng thông tin của người khác để đăng ký tham gia thi, nếu bị phát hiện sẽ bị hủy kết quả thi.
Trong trường hợp Ban Tổ chức không liên hệ được với người đoạt giải theo thông tin cá nhân đã cung cấp lên hệ thống Cuộc thi, giải thưởng sẽ bị huỷ bỏ trước khi diễn ra Lễ tổng kết Cuộc thi.
Thí sinh có thể tham gia thi vào bất cứ thời gian nào trong khung giờ mà Ban Tổ chức thông báo. Ban Tổ chức không chịu trách nhiệm đối với lỗi kết nối do đường truyền mạng hoặc lỗi do thiết bị của người dự thi.
Trong thời gian diễn ra Cuộc thi, nếu có những vấn đề phát sinh ngoài quy định của Thể lệ này, Ban Tổ chức sẽ xem xét, điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế.