Bình giảng bài Chuyện người con gái Nam Xương của Nguyễn Dữ
Văn mẫu lớp 9: Bình giảng bài Chuyện người con gái Nam Xương của Nguyễn Dữ dưới đây được VnDoc.com tổng hợp và sưu tầm gồm các bài văn mẫu lớp 9 hay cho các em học sinh tham khảo, củng cố kỹ năng cần thiết cho bài kiểm tra môn Ngữ văn 9 sắp tới đây của mình. Mời các em học sinh cùng tham khảo.
Bình giảng tác phẩm Chuyện người con gái Nam Xương
Nguyễn Dữ là học trò xuất sắc của Tuyết Giang Phu tử Nguyễn Bỉnh Khiêm, sống ở thế kỉ 16. Ông là một trong những nhà văn quan tâm đến số phận người phụ nữ sớm nhất. Trong Truyền kì mạn lục ta thấy nhà văn đã dành tới một phần ba số chuyện để nói về số phận bi thảm của người phụ nữ và những vấn đề hạnh phúc gia đình. Một trong số những người có số phận bi thảm đó là Vũ Thị Thiết ở Chuyện người con gái Nam Xương.
Truyện là một áng văn xuôi tự sự tập trung miêu tả cuộc đời bất hạnh của Vũ Nương và nguyên nhân xã hội tạo nên nỗi bất hạnh đó. Nàng là một phụ nữ xinh đẹp, thùy mị, nết na. Nàng có ý thức đúng mực trong việc cư xử, nhường nhịn, giữ gìn khuôn phép trong cuộc sống gia đình chồng vợ để tránh sự bất hòa.
Ngay từ cuộc sống ngày đầu của tình chồng vợ, đã thấy hé lộ sự mâu thuẫn giữa tính cách của hai người. Những nhược điểm của chàng Trương Sinh là tính hay ghen, độc đoán và kém học, là mầm mống của bi kịch có thể xảy ra khi có biến cố. Và điều đó thực sự đã đến với gia đình nàng: Trương Sinh là người ít học nên đã bị triều đình gọi lính ngay trong đợt đầu, thế là mối tình của họ đã “nhuộm màu quan san” (cách trở – ly biệt).
Trong giờ phút chia tay tiễn chồng lên đường, nàng đã nói với chàng Trương những lời lẽ hết sức chân tình âu yếm “chàng đi chuyến này chẳng dám mong đeo được ấn phong hầu, mặc áo gấm trở về quê cũ, chỉ xin ngày về mang theo được hai chữ bình yên thế là đủ rồi”. Nàng là người thông minh, có trái tim nhạy cảm đã thấy được những khó khăn nơi chiến trận thế giặc, quân Triều, lo lắng hẹn kì khó giữ, mà “mùa dưa chín quá kì”.
Trong những ngày xa chồng, nàng đã bày tỏ sự khắc khoải nhớ nhung của mình: mỗi khi thấy bướm lượn đầy vườn, mây che kín núi thì “nỗi buồn góc bể chân trời” làm ngập chìm lòng nàng. Nàng quả là người rất nhạy cảm trước những cảnh sắc của thiên nhiên: “Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu. Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ” (Truyện Kiều – Nguyễn Du). Cảnh sắc thiên nhiên có tác động mạnh đến nỗi mong nhớ, cô đơn của nàng. Nàng một mực thủy chung, thiết tha chờ chồng. Đêm đêm nàng chỉ bóng mình trên vách đùa với con thơ “cha Đản về kia kìa". Đây là cách để an ủi con và cùng tự xoa dịu bớt nỗi nhớ của chính mình.
Nàng không chỉ là người vợ thủy chung với chồng mà còn là con dâu hiếu thảo và hết mực đảm đang, tháo vát mọi việc của gia đình. Nàng vừa phải làm lụng nuôi con, vừa chăm sóc mẹ chồng ốm. Tất cả những sự vất vả đó không làm giảm chút nào tính thùy mị, nết na của nàng, nàng tận tụy săn sóc mẹ: hết sức thuốc thang, lễ bái thần phật; nàng cùng nặng lòng yêu thương mẹ; lấy lời lẽ ngọt ngào khuyên lơn, lời trăn trối cuối cùng của mẹ chồng. “Ngắn dài có số, tươi héo bởi trời, xanh kia quyết chẳng phụ con, cũng như con dã chẳng phụ mẹ”. Và lời nhận xét của tác giả “nàng hết lời thương xót, phàm việc ma chay tế lễ, lo liệu như đối với cha mẹ đẻ mình”. Tất cả đều thể hiện sự đánh giá cao nhân cách Vũ Nương. Nhưng trong xã hội cũ, những người có tính cách như Vũ Nương thì làm gì có được một cuộc đời hạnh phúc. Nàng phải gánh chịu một số phận bi kịch. Cuộc chiến tranh phong kiến đã không cướp đi cuộc sống bình yên của gia đình nhưng phải chịu cái cảnh ly biệt. Nàng mong mỏi chờ chồng, hi vọng có ngày đoàn tụ. Nhưng ngờ đâu, ngày chồng về ngay sau khi cuộc chiến tranh kết thúc. Nàng những tưởng hạnh phúc đã đến trong tầm tay. Nào ngờ anh chàng vốn đa nghi, kém cỏi đã mù quáng mà nghe lời con trẻ từ một câu nói đùa của nàng trong lúc xa nhớ chồng để nàng bị chồng nghi oan là hư hỏng. Bi kịch gia đình xảy ra. Nàng tìm mọi cách để thanh minh: "thiếp vốn con kẻ khó, được nương tựa nhà giàu, sum họp chưa thỏa tình chăn gối, chia phôi vì động việc binh, cách biệt ba năm giữ gìn một tiết. Tô son điểm phấn đã từng nguôi lòng, ngõ liễu tường hoa chưa hề bén gót. Đâu có mất nết hư thân như chàng nói. Đám tóc này để cởi mối nghi ngờ. Mong chàng đừng một mực nghi oan cho thiếp”. Nhưng chàng Trương đâu có tin nên nàng vẫn bị “mắng nhiếc và đánh đuổi đi”.
Nàng đã hoàn toàn thất vọng, hạnh phúc đơn sơ, niềm vui “nghi gia nghi thất” không sao còn nữa đến cả nỗi đau trong tình yêu “hóa đá mong chồng” nàng cũng không có nữa, danh dự bị bôi nhọ. Bao nhiêu công sức chắt chiu để gìn giữ gia đình trở nên hoàn toàn vô nghĩa, nàng tìm đến cái chết trên bến Hoàng Giang để giãi tỏ tấm lòng trong trắng của mình, nàng “tắm gội chay sạch”, ra bến Hoàng Giang ngửa mặt lên trời mà than rằng: “Kẻ bạc mệnh này duyên phận hẩm hiu, chồng con rẫy bỏ, điều đâu bay buộc, tiếng chịu nhuốc nhơ, thần sông có linh, xin ngài chứng giám. Thiếp nếu đoan trang giữ tiết, trinh bạch gìn lòng, vào nước xin làm Ngọc Mị Nương, xuống đất xin làm cỏ Ngu Mĩ. Nhược bằng lòng chim dạ cá, lừa chồng dối con, dưới xin làm mồi cho cá tôm, trên xin làm cơm cho diều quạ, và xin khắp mọi người phỉ nhổ”. Đây là đoạn truyện, tình tiết được sắp xếp đầy kịch tính, Vũ Nương bị dồn đẩy đến bước đường cùng, nàng đã mất tất cả, đành phải chấp nhận số phận sau mọi cố gắng không thành. Hành động tự trẫm mình của Vũ Nương là một hành động quyết liệt cuối cùng để bảo toàn danh dự, có nỗi tuyệt vọng đắng cay, nhưng cũng có sự sáng suốt của lý trí.
Thật cảm động cho cách lựa chọn của nàng! Phải chăng đây là cách lựa chọn duy nhất mà số phận đã định cho con người có duyên phận hẩm hiu. Cũng thật tiếc cho nàng, khi nỗi oan của vợ được chồng hiểu rõ thì mọi việc đã qua rồi, mặc dù nàng đã được các nàng tiên cứu thoát, nhưng đành phải sống ở chốn “làn mây cung nước” và được chồng lập đàn giải oan.
Hình ảnh Vũ Nương ngồi trên kiệu hoa đứng ở giữa dòng lúc ẩn lại hiện mà nói vọng vào với Trương Sinh. “Thiếp cảm ơn đức Linh Phi, đã thề sống chết cũng không bỏ. Đa tạ tình chàng, thiếp chẳng về nhân gian được nữa”. Cùng với hình ảnh “bóng nàng loang loáng mờ nhạt dần mà biến mất” là tất cả những nỗi xót xa cho số phận bi thảm của Vũ Nương mà tác giả cũng muốn đặt vào đó niềm hi vọng chân thành về khát vọng hạnh phúc và mong mỏi sự chiến thắng của cái thiện, của niềm tin.
Câu chuyện là một áng văn hay, đầy xúc động với những thành công của nghệ thuật xây dựng truyện, xây dựng nhân vật, kết hợp tự sự với trữ tình. Với tấm lòng nhân đạo cao cả, với bút pháp nghệ thuật đầy bản lĩnh, khi chân thật đời thường, lúc hoang đường kì ảo, Nguyễn Dữ đã tạo ra sức hấp dẫn cho tác phẩm gây xúc động mạnh đối với người đọc.
Trên đây VnDoc đã tổng hợp các bài văn mẫu Bình giảng bài Chuyện người con gái Nam Xương của Nguyễn Dữ cho các bạn tham khảo ý tưởng khi viết bài. Ngoài ra các bạn có thể xem thêm chuyên mục Soạn văn 9 mà VnDoc đã chuẩn bị để học tốt hơn môn Ngữ văn lớp 9 và biết cách soạn bài lớp 9 các bài trong sách Văn tập 1 và tập 2. Mời các em học sinh, các thầy cô cùng các bậc phụ huynh tham khảo.
Các bài liên quan đến tác phẩm: