Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Bình giảng truyện ngắn Làng của Kim Lân

Văn mẫu lớp 9: Bình giảng truyện ngắn Làng của Kim Lân dưới đây được VnDoc.com tổng hợp và sưu tầm gồm các bài văn mẫu lớp 9 hay cho các em học sinh tham khảo, củng cố kỹ năng cần thiết cho bài kiểm tra môn Ngữ văn 9 sắp tới đây của mình. Mời các em học sinh cùng tham khảo.

Bình giảng tác phẩm Làng

Kim Lân là nhà văn am hiểu sâu sắc và gắn bó với nông thôn và người nông dân. Truyện của ông hầu như chỉ tập trung viết về sinh hoạt nông thôn và cảnh ngộ của người nông dân. Truyện ngắn Làng được viết trong thời kì đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp và đăng lần đầu tiên trên tạp chí Văn nghệ năm 1948. Nhân vật chính của truyện là ông Hai, người làng Chợ Dầu. Dưới ngòi bút tâm lý sắc sảo về người nông dân của Kim Lân, hình ảnh ông Hai hiện lên một cách sinh động và tuyệt đẹp về tình yêu làng, yêu nước ở người nông dân. Ông Hai là hiện thân của cách suy nghĩ và hành động cao đẹp như những gì vốn có của con người Việt Nam, mà trước hết là tầng lớp bình dân.

Ông Hai rất yêu và tự hào cái làng của mình. Tình cảm ấy được thể hiện trước hết ở cái tính hay “khoe” làng, tự hào cái làng Chợ Dầu của mình về nhiều mặt: Ông khoe làng ông giàu đẹp “Nhà ngói san sát, sầm uất như tỉnh. Đường trong làng lát đá xanh, trời mưa trời gió tha hồ đi khắp đầu làng, cuối xóm, bùn không dính đến gót chân”.

Trước Cách mạng, mỗi bận đi đâu xa, ông thường khoe cái dinh phần của viên tổng đốc làng ông hoặc khi có khách bên ngoại dưới tỉnh nam lên chơi, thế nào ông cũng dắt ra xem làng cụ Thượng cho kì được. Ông rất hãnh diện cho làng có được cái sinh phần ấy lắm. Nhưng về sau, cách mạng đã giúp ông thay đổi nhận thức, ông Hai không lấy làm tự hào về cái sinh phần của viên tống đốc, ông Hai tự hào về những cái khác, đó là phong trào cách mạng của làng sôi nổi, rất có khí thế, lôi cuốn mọi tầng lớp nhân dân vào cuộc chiến toàn dân. Ông còn khoe về “cái phòng thông tin tuyên truyền sáng sủa, rộng rãi nhất vùng, cái chòi phát thanh cao bằng ngọn tre, chiều chiều loa gọi cả làng đều nghe”.

LÀNGMỗi lần kể chuyện về làng của mình, ông nói một cách say mê và náo nức lạ thường. Hai con mắt ông sáng hẳn lên, cái mặt ông biến chuyển, hoạt động”.

Vì yêu làng cho nên ông tình nguyện và hăng hái ở lại làng cùng đội du kích chiến đấu. Do hoàn cảnh gia đình mà phải đi tản cư. Đó là con đường bất đắc dĩ mà ông phải lựa chọn. Trong cách lựa chọn này đã nảy ra ý nghĩ trong ông: “Thôi thì chẳng ở lại làng cùng anh em được, thì tản cư âu cũng là khổng chiến”. Những ngày xa làng ông rất khổ tâm, day dứt nhớ làng, nhớ các anh em đồng chí ở lại làng. Ông tiếc là không được ở lại làng để cùng góp phần vào công việc chung của người ở lại. Tình yêu làng của ông Hai là như thế. Ông khoe làng cốt là để làm vơi đi nỗi nhớ làng của mình. Tình yêu làng của ông Hai là thống nhất với tình yêu nước, với tinh thần kháng chiến.

Dưới ngòi bút tâm lý sắc sảo của mình, Kim Lân đã lột tả được diễn biến tâm lí của ông Hai khi nghe tin đồn về làng ông theo giặc. Trước cái tin đột ngột ấy, ông Hai sừng sở: “Cổ ông nghẹn ắng hẳn lại, da mặt tê rân rân. Ông lão lặng đi, tưởng như đến không thở được…”. Khi tĩnh lại được phần nào, ông hai cố không tin cái tin ấy. Nhưng không tin làm sao được bởi lời nói của những người tản cư còn khẳng định kia mà!

Từ lúc ấy, trong tâm trí ông Hai chỉ còn cái tin dữ ấy xâm chiếm, nó thành cái ám ảnh day dứt khiến ông phải “cúi gằm mặt xuống mà đi”, về đến nhà ông “nằm vật ra giường”. Rồi tủi thân khi nhìn thấy lũ con “nước mắt ông lão cứ trào ra. Chúng nó cũng là trẻ con làng Việt gian đấy ư? Chúng nó cũng bị người ta rẻ rúng hắt hủi đấy ư?…” Thế là một cuộc đấu tranh nội tâm diễn ra quyết liệt trong ông – Một tiếng thét căm hờn cất lên từ trong sâu thẳm của làng ông, nhưng bỗng dưng ngừng lại, bởi có lúc ông không tin cả làng theo ông, nhưng bỗng dưng ngừng lại, bởi có lúc ông không tin cả làng theo Tây là sự thật. Ông lần lượt kiểm điểm từng người một trong óc: “Không mà, họ toàn là những con người có tinh thần cả mà. Họ đã ở lại làng, quyết tâm một sống một chết với giặc, có đời nào lại cam tâm làm điều nhục nhã ấy!…”. Bây giờ trong ông còn là một nỗi đau dằn xé. Trong niềm tin và nôi ngô ấy đang chiếm sâu và nỗi dằn vặt trong ông. Đến đây, ông Hai trằn trọc không ngủ được. Ông hết trở mình bên này lại trở mình bên kia, thở dài. Có lúc ông “lãng hẳn đi, chân tay nhũn ra, tướng chừng như không cất lên được”.

Thế là suốt mấy ngày sau, ông Hai chỉ quanh quẩn ở nhà nghe ngóng binh tình bên ngoài. Khi thấy một đám đông túm lại, ông cũng để ý, dăm bảy tiếng cười nói xa xa ông cũng chột dạ, lúc nào ông cũng nơm nớp tưởng như người ta đang để ý, đang bàn tán đến “cái chuyện ấy”. Cứ thoáng nghe những tiếng Tây, Việt gian, cam nhông… là ông lui ra một góc nhà, nín thít.

Còn một điều nữa, có lẽ còn ghê rợn hơn cả những tiếng kia nhiều. Ấy là việc mụ chủ nhà muốn đuổi gia đình ông đi. Tâm trạng ông Hai bị đẩy vào tình thế bế tắc, tuyệt vọng. Đi đâu bây giờ. Câu hỏi ấy là nỗi ám ảnh dằn xé trong ông. Không ai muốn chứa chấp dân của cái làng “Việt gian”, cũng không thể quay về làng “về làng tức là bỏ kháng chiến. Bỏ Cụ Hồ”,

Ngần ấy chi tiết, Kim Lân đã miêu tả một cách cụ thể nỗi ám ảnh nặng nề biến thành sự sợ hãi thường xuyên trong ông Hai cùng với nỗi đau xót, tủi hổ của ông khi nghe tin làng mình theo giặc. Qua đó bộc lộ tình yêu làng, yêu nước của ông.

Trong cái tình yêu làng, yêu nước ấy của ông Hai cũng diễn ra một cuộc xung đột nội tâm gay gắt. Có lúc ông nghĩ “làng thì yêu thật, nhưng làng theo Tây mất rồi thì phải thù”. Đây là cách lựa chọn dứt khoát của ông Hai. Ông đã đặt tình yêu nước lên trên hết. Tình yêu nước bao trùm lên tình cảm với làng quê. Dù xác định như thế, ông vẫn không dứt bỏ tình cảm với làng của ông. vì thế ông cũng đau xót, tủi hổ.

Giữa lúc tâm trạng bị dồn nén và bế tắc ấy, ông chỉ còn cách ôm con vào lòng mà than thở cùng con như để ngỏ lòng mình, như để nhìn lại mà minh oan cho mình nữa: “Anh em đồng chí có biết cho bố con ông. Cái lòng bố con ông là như thế đấy, có bao giờ dám đơn sai, chết thì chết có bao giờ dám đơn sai”.

Tình yêu làng, lòng chung thủy với kháng chiến, với cách mạng mà biểu tượng là Cụ Hồ của ông Hai là như thế ấy, một tình yêu làng sâu nặng thiêng liêng. Và cũng chính thế mà ông đã rất mừng rỡ khi biết đích xác những lời đồn đại kia là láo toét. Ông di mua quà chia cho các con, vui vẻ chạy sang nhà bác Thứ báo tin mà lòng phấn khởi, đầy tự hào: “Tây nó đốt nhà tôi rồi bác ạ. Đốt nhẵn! Ông chủ tịch làng tôi vừa mới lên trên này cải chính, ông ấy cho biết… Cải chính cái tin làng Chợ Dầu chúng tôi Việt gian ấy mà. Láo! Láo hết! Toàn sai sự mục đích cả”.

Cũng chỉ bằng ấy câu, ông Hai lật đật bỏ đi nơi khác để loan báo tin vui. Và cũng từ ngay tối hôm đó ông trở lại nhà bác Thứ để mà nói chuyện về cái làng của ông. Ở ông không gì hơn là tình yêu làng. Tình yêu làng gắn với tình yêu nước và tinh thần kháng chiến là nét mới mẻ của nhân vật ông Hai.

Thành công của truyện ngắn Làng là sự dẫn dắt khéo léo, tự nhiên. Tác giả đã đặt tên nhân vật vào tình huống thử thách bên trong để bộc lộ chiều sâu tâm trạng; kích thích phát triển ngày càng cao, có thắt nút, mở nút. Ngôn ngữ truyện là ngôn ngữ nông thôn nhuần nhị mà đặc sắc, gợi cảm xúc, nhiều chỗ như lời ăn tiếng nói hàng ngày của người nông dân. Cách trần thuật của tác giả linh hoạt, tự nhiên có nhiều chi tiết sinh hoạt, đời sống hàng ngày xen vào mạch tâm trạng. Tất cả đã góp phần bộc lộ sâu sắc chủ đề của truyện và làm nên sức hấp dẫn của truyện ngắn đặc sắc này.

Trên đây VnDoc đã tổng hợp các bài văn mẫu Bình giảng truyện ngắn Làng của Kim Lân cho các bạn tham khảo ý tưởng khi viết bài. Ngoài ra các bạn có thể xem thêm chuyên mục Soạn văn 9 mà VnDoc đã chuẩn bị để học tốt hơn môn Ngữ văn lớp 9 và biết cách soạn bài lớp 9 các bài trong sách Văn tập 1 và tập 2. Mời các em học sinh, các thầy cô cùng các bậc phụ huynh tham khảo.

Các bài liên quan đến tác phẩm:

Đánh giá bài viết
3 3.833
Sắp xếp theo

    Soạn Văn 9 - Văn 9

    Xem thêm