Bộ 10 đề ôn tập hè lớp 4 môn Tiếng Việt

Bộ 10 đề ôn tập hè lớp 4 môn Tiếng Việt bao gồm đầy đủ các nội dung trong chương trình học lớp 4, củng cố kiến thức cho các em học sinh chuẩn bị cho chương trình học lớp 5 môn Tiếng Việt đạt kết quả cao.

Để tiện trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về giảng dạy và học tập các môn học lớp 4, VnDoc mời các thầy cô giáo, các bậc phụ huynh và các bạn học sinh truy cập nhóm riêng dành cho lớp 4 sau: Nhóm Tài liệu học tập lớp 4. Và để chuẩn bị cho chương trình học lớp 5, các thầy cô và các em tham khảo: Nhóm Tài liệu học tập lớp 5. Rất mong nhận được sự ủng hộ của các thầy cô và các bạn.

Đề ôn tập hè môn Tiếng Việt lớp 4 - Đề 1

A. Phần Luyện đọc

1. Bài tập thành tiếng

2. Bài tập đọc hiểu kết hợp kiểm tra từ và câu

Đọc bài sau và trả lời câu hỏi:

Câu chuyện bên ngoài rạp xiếc

Một lần tôi và bố đang đứng xếp hàng để mua vé vào xem xiếc. Lúc ấy, có một gia đình cũng đến và cùng mua vé với chúng tôi.

Gia đình này gây ấn tượng lớn với tôi vì có tới tám đứa trẻ, tất cả có lẽ đều dưới 12 tuổi. Quần áo của họ không đắt tiền nhưng sạch sẽ. Bọn trẻ sôi nổi bàn tán về những anh hề, những con voi to lớn và những hoạt động khác trong rạp xiếc mà chúng chưa bao giờ được xem. Vào xem xiếc hứa hẹn là sự kiện nổi bật nhất trong thời niên thiếu của chúng.

Cô bán vé hỏi bố chúng muốn mua bao nhiêu vé. Bố chúng hãnh diện trả lời: “Cho tôi mua tám vé trẻ em và hai vé người lớn ”. Cô bán vé nói giá tiền xong, mặt người bố tái đi – ông đã không có đủ tiền mua vé.

Chứng kiến sự việc đang xảy ra, bố tôi đưa tay vào túi rồi lấy ra tờ 50 nghìn và thả rơi xuống đất. Đó là số tiền mà ông đem theo để mua vé. Rồi bố tôi cúi xuống, nhặt nó lên, vỗ vai người đàn ông và nói: “Xin lỗi, tiền của ông bị rơi này”. Người đàn ông ngỡ ngàng trong giây lát, rồi chợt hiểu ra, ông nhìn thẳng vào đôi mắt của bố tôi, đôi môi ông run lên: “Cảm ơn! Rất cảm ơn ông!”.

Chúng tôi trở ra ô tô và đi về nhà. Đêm đó, tôi không được vào rạp xem xiếc, nhưng chúng tôi đã tìm được niềm vui của sự chia sẻ.

Quà tặng cuộc sống

Dựa vào nội dung bài văn, khoanh tròn vào chữ cái đặt trước câu trả lời đúng:

Câu 1: Điều gì đã khiến bố của tác giả tặng tiền mua vé xem xiếc của mình cho người cha của tám em nhỏ?

a. Vì ông thấy tám đứa trẻ rất ngoan.

b. Vì ông rất giàu có, cho đi 50 nghìn chả đáng là bao.

c. Vì ông muốn tặng số tiền mua vé cho gia đình có tám đứa trẻ chưa một lần được xem xiếc.

Câu 2: Vì sao bố của tác giả lại không đưa luôn số tiền mua vé cho người cha của tám em nhỏ mà lại thả rơi xuống đất rồi nói: “Xin lỗi, tiền của ông bị rơi này”.

a. Vì ông cho rằng đó là cách cho tiền lịch sự và tế nhị.

b. Vì ông muốn giúp gia đình của tám em nhỏ được vào xem xiếc mà không làm cho người cha của chúng bị xấu hổ khi mình không đủ tiền mua vé.

c. Vì đó là một tục lệ cần làm trước khi cho tiền người khác của địa phương ông.

Câu 3: Em rút ra bài học gì qua câu chuyện trên ?

a. Phải biết ơn chân thành khi nhận sự giúp đỡ của người khác.

b. Cần phải giúp đỡ người khác một cách lịch sự.

c. Hạnh phúc chính là biết quan tâm, chia sẻ với người khác một cách chân thành.

Câu 4: Tiếng “ơn” gồm các bộ phận:

a. Vần, thanh

b. Âm đầu, vần, thanh

c. Âm đầu, vần

Câu 5: Các dấu hai chấm trong câu chuyện trên có tác dụng gì ?

a. Báo hiệu bộ phận câu đứng sau là lời giải thích cho bộ phận đứng trước.

b. Báo hiệu bộ phận câu đứng sau là lời nói của nhân vật.

c. Cả hai ý trên.

Câu 6: Từ nào sau đây không phải là từ láy?

a. sạch sẽ

b. ngỡ ngàng

c. hứa hẹn

Câu 7: Nhóm từ nào sau đây là các từ chỉ hoạt động, trạng thái.

a. đắt, sạch sẽ, sôi nổi, to lớn

b. bàn tán, xem, nhặt, thả rơi

c. sạch sẽ, sôi nổi,bàn tán, xem

Câu 8: Gạch dưới danh từ trong câu sau

Quần áo của bọn trẻ không đắt tiền nhưng sạch sẽ.

B. Phần Luyện viết

1. Chính tả: (nghe – viết)

Câu chuyện bên ngoài rạp xiếc

Gia đình này gây ấn tượng lớn với tôi vì có tới tám đứa trẻ, tất cả có lẽ đều dưới 12 tuổi. Quần áo của họ không đắt tiền nhưng sạch sẽ. Bọn trẻ sôi nổi bàn tán về những anh hề, những con voi to lớn và những hoạt động khác trong rạp xiếc mà chúng chưa bao giờ được xem. Vào xem xiếc hứa hẹn là sự kiện nổi bật nhất trong thời niên thiếu của chúng.

2. Tập làm văn:

Em hãy viết một bức thư cho người thân kể về việc học tập của em trong năm học qua.

Đáp án Đề ôn tập hè Tiếng Việt lớp 4

Câu 1: (Khoanh ý c)

Câu 2: (Khoanh ý b)

Câu 3: (Khoanh ý c)

Câu 4: (Khoanh ý a)

Câu 5: (Khoanh ý b)

Câu 6: (Khoanh ý c)

Câu 7: (Khoanh ý b)

Câu 8: Quần áo của bọn trẻ không đắt tiền nhưng sạch sẽ.

Đề ôn tập hè môn Tiếng Việt lớp 4 - Đề 2

A. Phần Luyện đọc

1. Bài tập thành tiếng

2. Bài tập đọc hiểu kết hợp kiểm tra từ và câu

Đọc bài sau và trả lời câu hỏi:

Hãy sống với ước mơ

Rô-Bớt, chủ một trại ngựa đã kể cho chúng tôi nghe một câu chuyện:

Cách đây đã lâu, có một cậu bé nhà nghèo, ngày ngày theo cha đi hết chuồng ngựa này đến chuồng ngựa khác để giúp cha luyện ngựa. Một hôm thầy giáo của cậu đề nghị học sinh viết ước mơ của mình. Trong khi các học sinh khác mong muốn sẽ trở thành những kĩ sư, bác sĩ, diễn viên,... thì cậu bé lại viết một mạch về ước mơ của mình, rằng một ngày nào đó cậu sẽ trở thành một chủ trại ngựa. Cậu còn vẽ cả sơ đồ trại ngựa, ghi rõ vị trí tất cả từng tòa nhà, chuồng ngựa. Bài viết hôm ấy cậu chỉ được điểm 4 cùng lời phê của thầy giáo: “Ở lại gặp thầy sau giờ học!”. Thầy giáo nói với cậu vào cuối buổi học hôm ấy:

- Đây là một ước mơ viển vông. Em có biết là để làm chủ một trại ngựa thì phải cần số tiền lớn như thế nào không? Nào là tiền mua ngựa giống, tiền mua đất dựng trại ....Em nên xác định mục tiêu của mình thiết thực hơn. Nếu em viết lại một bài khác thầy sẽ chấm điểm lại cho em. Suốt cả tuần đó, cậu bé nghĩ ngợi rất nhiều. Cậu hỏi ý kiến bố xem nên làm gì. Bố cậu bảo:

- Con phải tự quyết định thôi. Điều đó rất quan trọng đối với con.

Sau khi đắn đo, cậu vẫn nộp cho thầy giáo bài làm cũ mà không sửa đổi gì. Cậu mạnh dạn nói:

- Thưa thầy, em xin giữ lấy ước mơ và đồng ý nhận điểm kém.

Kết thúc câu chuyện, Rô-bớt nói:

- Tôi kể cho các bạn nghe câu chuyện này vì đây là trại ngựa rộng 200 mẫu của tôi. Tôi vẫn còn giữ bài kiểm tra đó, nó còn được lồng vào khung kính treo trên lò sưởi. Một điều thú vị là vào mùa hè cách đây hai năm, người thầy cũ của tôi đã dẫn học sinh đến đây cắm trại cả tuần. Trước lúc chia tay, ông nói :

- Rô-bớt này, chính em đã cho thầy một bài học về nghị lực để sống với ước mơ.

*Khoanh vào chữ cái trước ý trả lời đúng cho từng câu hỏi sau hoặc làm bài tập:

Câu 1: Cậu bé đã mơ ước làm nghề gì trong bài văn của mình?

A. Muốn trở thành người giàu có.

B. Muốn trở thành chủ trại ngựa.

C. Muốn trở thành diễn viên.

Câu 2: Khi bị thầy giáo ghi điểm kém vì cho rằng đó là một ước mơ viển vông cậu bé đã làm gì?

A. Hỏi ý kiến bố và vẫn nộp bài văn cũ mà không sửa đổi gì.

B. Viết lại một bài văn khác để thầy chấm điểm lại cho em.

C. Cậu bé nghĩ ngợi rất nhiều và không biết nên làm thế nào.

Câu 3: Vì sao bố cậu bé cho rằng: Bài tập làm văn rất quan trọng với cậu bé?

A. Vì bố cho rằng cậu bé cần nói về một ước mơ của mình.

B. Vì bố cho rằng cậu bé cần làm theo lời thầy để được điểm cao.

C. Vì bố cho rằng ước mơ sẽ giúp cậu có mục đích để phấn đấu ngay từ khi còn nhỏ

Câu 4: Lời khen của thầy giáo ở cuối bài ngụ ý khen cậu học trò cũ (Rô - bớt) điều gì?

A. Khen cậu học trò có ước mơ đẹp.

B. Khen cậu học trò có nghị lực thực hiện ước mơ.

C. Khen trại ngựa và ước mơ của cậu học trò.

Câu 5: Câu chuyện khuyên chúng ta điều gì?

A. Hãy cứ ước mơ và quyết tâm thực hiện bạn sẽ đạt được điều mình muốn.

B. Không nên ước mơ viển vông.

C. Chỉ nên ước mơ những điều giản dị để nó có thể trở thành hiện thực.

Câu 6: Tên người nước ngoài nào sau đây viết đúng chính tả?

A. Lép tôn-xtôi

B. Béc-tôn Brếch

C. An-Phông-xơ đô-đê

Câu 7: Dòng nào sau đây chỉ gồm các từ láy :

A. mong muốn, ngày ngày, trang trại.

B. mong muốn, trang trại, vị trí.

C. ngày ngày, viển vông, đắn đo.

Câu 8: Dấu hai chấm trong câu văn: Bài viết hôm ấy cậu chỉ được điểm 4 cùng lời phê của thầy giáo: “ Ở lại gặp thầy sau giờ học!” dùng để:

A. Báo hiệu bộ phận đứng sau là lời nói nhân vật.

B. Báo hiệu bộ phận câu đứng sau là lời giải thích cho bộ phận đứng trước.

C. Có tác dụng liệt kê các sự vật có trong câu.

Câu 9: Các danh từ có trong câu “Một hôm, thầy giáo đề nghị học sinh viết về ước mơ của mình.” là:

A. thầy giáo, học sinh, ước mơ

B. hôm, thầy giáo, học sinh, ước mơ

C. thầy giáo, học sinh, mình

Câu 10: Cấu tạo của tiếng “ước” gồm:

A. Chỉ có 2 bộ phận: vần và thanh

B. Chỉ có 2 bộ phận: âm đầu và vần

C. Đủ 3 bộ phận: âm đầu, vần và thanh

B. Phần Luyện viết

1. Chính tả: (nghe – viết)

Văn hay chữ tốt

Thưở nhỏ, Cao Bá Quát viết chữ rất xấu nên nhiều bài văn dù hay vẫn bị thầy cho điểm kém.

Sáng sáng, ông cầm que vạch lên cột nhà luyện chữ cho cứng cáp. Mỗi buổi tối, ông viết xong mười trang vở mới chịu đi ngủ. Ông còn mượn những cuốn sách chữ viết đẹp để luyện nhiều kiểu chữ khác nhau.

Kiên trì luyện tập ông đã nổi danh khắp nước là người văn hay chữ tốt.

2. Tập làm văn:

Đề bài: Em hãy viết một bức thư cho bạn hoặc người thân để hỏi thăm và nói về ước mơ của em.

Đề ôn tập hè môn Tiếng Việt lớp 4 - Đề 3

A. Phần Luyện đọc

1. Bài tập thành tiếng

2. Bài tập đọc hiểu kết hợp kiểm tra từ và câu

Đọc bài sau và trả lời câu hỏi:

CHUYỆN VỀ HAI HẠT LÚA

Có hai hạt lúa nọ được giữ lại để làm hạt giống cho vụ sau vì cả hai đều là những hạt lúa tốt, đều to khỏe và chắc mẩy.

Một hôm, người chủ định đem gieo chúng trên cánh đồng gần đó. Hạt thứ nhất nhủ thầm: “Dại gì ta phải theo ông chủ ra đồng. Ta không muốn cả thân mình phải nát tan trong đất. Tốt nhất, ta hãy giữ lại tất cả chất dinh dưỡng trong lớp vỏ này và tìm một nơi lí tưởng để trú ngụ.” Thế là nó chọn một góc khuất trong kho lúa để lăn vào đó.

Còn hạt lúa thứ hai thì ngày đêm mong được ông chủ mang gieo xuống đất. Nó thật sự sung sướng khi được bắt đầu một cuộc đời mới.

Thời gian trôi qua, hạt lúa thứ nhất bị héo khô nơi góc nhà bởi vì nó chẳng nhận được nước và ánh sáng. Lúc này chất dinh dưỡng chẳng giúp ích được gì, nó chết dần chết mòn. Trong khi đó, dù hạt lúa thứ hai bị nát tan trong đất nhưng từ thân nó lại mọc lên cây lúa vàng óng, trĩu hạt. Nó lại mang đến cho đời những hạt lúa mới.

(Theo Báo Điện tử)

*Dựa vào nội dung câu chuyện, khoanh vào chữ cái trước câu trả lời đúng nhất hoặc làm theo yêu cầu của bài tập:

Câu 1. Vì sao thứ hạt lúa thứ nhất không muốn được đem gieo xuống đất mà lại “chọn một góc khuất trong kho lúa để lăn vào đó”?

A. Vì hạt lúa nghĩ ở đó có đủ nước và chất dinh dưỡng nuôi sống nó.

B. Vì hạt lúa nghĩ rằng đó là nơi trú ngụ an toàn, điều kiện sống tốt.

C. Vì hạt lúa sợ gặp nguy hiểm, sợ thân mình bị nát tan trong đất.

Câu 2. Tại sao hạt lúa thứ hai lại ngày đêm mong muốn được gieo xuống đất?

A. Vì hạt lúa thấy sung sướng khi bắt đầu cuộc đời mới.

B. Vì hạt lúa thấy thích thú khi được thay đổi chỗ ở mới.

C. Vì hạt lúa nghĩ rằng ở trong lòng đất sẽ được an toàn.

Câu 3. Dòng nào dưới đây nêu đúng kết cục của hạt lúa thứ nhất?

A. Nằm lâu ở góc nhà, bị chuột ăn mất.

B. Héo khô, chết dần vì thiếu nước, ánh sáng.

C. Trở thành cây lúa xanh tốt, khỏe mạnh.

Câu 4. Dòng nào dưới đây nêu đúng kết cục của hạt lúa thứ hai?

A. Bị tan biến vào đất, không còn gì.

B. Thành cây lúa vàng óng, trĩu hạt.

C. Chết dần vì hạn hán, thiếu nước.

Câu 5. Em đồng ý với cách suy nghĩ và hành động của hạt lúa nào? Vì sao?

Câu 6. Hai bạn Nam và Lan đã tranh luận với nhau xem câu chuyện trên muốn nói với chúng ta điều gì.

Nam nói: Câu chuyện muốn nói với chúng ta: Đối mặt với khó khăn, thử thách

thì cuộc sống không thể bình yên và thành công.

Lan nói: Câu chuyện muốn nói với chúng ta: Biết tránh khó khăn, thử thách thì cuộc sống sẽ luôn luôn bình yên.

Còn theo em, câu chuyện trên muốn nói với chúng ta điều gì?

Câu 7. Từ vàng óng trong câu: “Từ thân nó lại mọc lên cây lúa vàng óng, trĩu hạt.”

thuộc từ loại nào?

A. Danh từ

B. Động từ

C. Tính từ

Câu 8. Trong các câu sau, câu nào thuộc câu kiểu Ai làm gì?

A. Hạt lúa thứ nhất chọn một góc khuất trong kho lúa để lăn vào đó.

B. Hạt lúa thứ hai thật sự sung sướng khi được bắt đầu một cuộc đời mới.

C. Thời gian trôi qua, hạt lúa thứ nhất bị héo khô nơi góc nhà.

Câu 9. Em hãy đặt một câu hỏi để khen ngợi hạt lúa thứ hai.

Câu 10. a) Gạch dưới 1 từ ngữ không cùng nhóm với các từ ngữ còn lại trong mỗi dãy sau:

a.1. diều, đầu sư tử, búp bê, dây thừng, chong chóng, ô tô, rước đèn, que chuyền.

a.2. múa sư tử, thả diều, nhảy dây, quả cầu, xếp hình, kéo co, chơi bịt mắt bắt dê.

b) Đặt tên cho hai nhóm từ ngữ ở trên:

- Tên nhóm từ dãy a.1:

………………………………………………………………………….

- Tên nhóm từ dãy a.2:

……………………………………………………………………

Đề ôn tập hè lớp 4 môn Tiếng Việt

Ngoài ra, các em học sinh hoặc quý phụ huynh còn có thể tham khảo thêm đề thi học kì 1 lớp 4 đề thi học kì 2 lớp 4 các môn Toán, Tiếng Việt, Tiếng Anh theo chuẩn thông tư 22 của bộ Giáo Dục và các dạng bài ôn tập môn Toán lớp 4. Những đề thi này được VnDoc.com sưu tầm và chọn lọc từ các trường tiểu học trên cả nước nhằm mang lại cho học sinh lớp 4 những đề ôn thi học kì chất lượng nhất. Mời các em cùng quý phụ huynh tải miễn phí đề thi về và ôn luyện.

Đánh giá bài viết
19 1.850
Sắp xếp theo

Tiếng Việt lớp 4

Xem thêm