Có công mài sắt, có ngày nên kim
Giải thích câu tục ngữ Có công mài sắt, có ngày nên kim
- Thể loại: Tục ngữ
- Nhóm: Tục ngữ về truyền thống - đạo lí
Câu tục ngữ mang hai ý nghĩa:
- Nghĩa đen: một thanh sắt to lớn qua quá trình và thời gian mài giũa có thể mài được một cây kim.
- Nghĩa bóng: thể hiện sự kiên trì, nhẫn nại, vượt lên khó khăn của con người sẽ gặt hái được thành quả xứng đáng.
Giải thích thêm
- Công: sức lực, trí tuệ bỏ ra để làm việc gì
- Mài: làm cho nhẵn, cho sắc hay có kích thước chính xác hơn bằng cách cho cọ xát vào vật rất cứng
- Sắt: kim loại màu xám xanh, dễ dát mỏng và kéo sợi, dễ bị gỉ trong không khí ẩm, là thành phần chính của gang và thép
- Nên: thành ra được
- Kim: vật làm bằng một đoạn thép nhỏ, một đầu có mũi nhọn, một đầu có lỗ để xâu
CÂU CHUYỆN CÓ CÔNG MÀI SẮT, CÓ NGÀY NÊN KIM
Ngày xưa có cậu bé làm việc gì cũng mau chán. Mỗi khi cầm quyển sách, mới chỉ đọc vài dòng đã ngáp ngắn ngáp dài. Hay khi viết chữ, cậu chỉ nắn nót được mấy chữ đầu, rồi lại viết nguệch ngoạc.
Một hôm, cậu nhìn thấy một bà cụ tay cầm thỏi sắt mải miết mài vào tảng đá ven đường. Thấy kì lạ, cậu bèn hỏi:
- Bà ơi, bà làm gì thế?
Bà cụ trả lời:
- Bà mài thỏi sắt này thành một chiếc kim để khâu vá quần áo.
Cậu bé vô cùng ngạc nhiên:
- Thỏi sắt to như thế, làm sao bà mài thành kim được?
Bà cụ giảng giải:
- Mỗi ngày mài thỏi sắt nhỏ đi một tí, sẽ có ngày nó thành kim. Giống như cháu đi học, mỗi ngày cháu học một ít, sẽ có ngày cháu thành tài.
Nghe lời bà cụ, cậu bé quay về nhà học bài.
(SGK Tiếng Việt 5 tập 2, NXB Giáo dục Việt Nam)