Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Đề kiểm tra cuối tuần môn Tiếng Việt lớp 5: Tuần 26

Đề kiểm tra cuối tuần môn Tiếng Việt lớp 5: Tuần 26 bao gồm chi tiết các phần đọc hiểu và trả lời câu hỏi, chính tả, luyện từ và câu, tập làm văn có đáp án án chi tiết cho mỗi phần giúp các em học sinh ôn tập, hệ thống lại toàn bộ kiến thức đã học môn Tiếng Việt lớp 5 tuần 26. Mời các em học sinh cùng tham khảo chi tiết.

Đề kiểm tra cuối tuần môn Tiếng Việt lớp 5

I – Bài tập về đọc hiểu

Bồ nông có hiếu

Phải năm trời hạn, mưa xuân chưa tan, gió nồm (1) đã tới. Rồi ánh nắng chói chang rọi xuống, khiến nhà bồ nông hốt hoảng gọi nhau rời phương Nam lên phương Bắc. Trên đường đi, bồ nông mẹ bị nắng chiếu quáng mắt (2), lao phải cành gai tre, suýt nữa gãy cánh. Bồ nông con dìu mẹ ẩn vào trong một hốc cây, chờ mẹ khỏi mới đi tiếp. Thấy vậy, các bác bồ nông khác cùng đi cũng dừng lại giúp đỡ.

Một ngày, rồi hai ngày, bồ nông mẹ vẫn chưa nhấc cánh lên được. Ngoài kia, trời cứ hầm hập như nung. Như thế này, không thể đuổi theo đàn được nữa. Từ buổi ấy, bồ nông con hết dắt mẹ tìm nơi mát mẻ, lại mò mẫm đi kiếm mồi. Đêm đêm, khi gió gợn hiu hiu, chú bồ nông nhỏ bé một thân một mình ra đồng xúc tép, xúc cá. Đôi chân khẳng khiu của chú vốn đã dài, giờ như dài thêm ra vì lặn lội.

Trên đồng nẻ, dưới ao khô, cua cá chết gần hết. Mặt sông xơ xác rong bèo. Bắt được con mồi nào, bồ nông con lại ngậm vào miệng để phần mẹ.

Hun hút đêm sâu, mênh mông ruộng vắng, chú bồ nông vừa sợ vừa lo. Có đêm đi tới canh một, canh hai, vẫn chẳng xúc được gì. Đã định quay về, nhưng cứ nghĩ đến mẹ đang ốm đau, chú ta lại gắng gượng mò thêm.

Dạo anh em nhà bồ nông còn bé, mẹ còm cõm lặn lội nuôi cả đàn con đến rạc người. Mỗi bận trở về nhà, mẹ há mỏ ra cho các con ăn no mà bụng mẹ vẫn cứ cồn lên. Giờ đây, chú bồ nông mới hiểu rằng trong những bữa ăn ấy, mẹ đã rút cả ruột gan ra để nuôi con. Cứ nghĩ tới điều đó, không một lần nào đi kiếm mồi mà bồ nông chịu trở về không.

Ngày này tiếp ngày nọ, đêm nay rồi đêm nữa, chú bồ nông cứ dùng miệng làm cái túi đựng thức ăn nuôi mẹ qua trọn mùa hè, sang mùa thu.

Tới mùa đông, đàn bồ nông từ phương Bắc trở về, ai nom thấy chú bồ nông nuôi mẹ ốm cũng phải kêu lên. Chú ta gầy quá. Cái mỏ xưa vốn gọn ghẽ, nay chảy sệ xuống hệt cái túi. Lòng hiếu thảo của chú bồ nông đã làm cho tất cả các chú bồ nông khác cảm phục và noi theo.

(Theo Phong Thu)

(1) Gió nồm: gió mang nhiều hơi nước, gây ẩm ướt cuối mùa đông, đầu mùa xuân ở miền Bắc

(2) Quáng mắt: trạng thái thị lực rối loạn, nhìn không rõ do ánh sáng thay đổi đột ngột

Khoanh tròn chữ cái trước ý trả lời đúng

Câu 1. Trên đường bay lên phương Bắc, bồ nông mẹ gặp chuyện gì?

a- Bị cảm nặng, không thể bay tiếp được

b- Bị gãy cánh, không thể bay tiếp được

c- Suýt gãy cánh vì alo phải cành tre gai

d- Suýt bị mù vì nắng chiếu quáng mắt

Câu 2. Bồ nông con chăm sóc bồ nông mẹ trong khoảng thời gian bao lâu?

a- Trọn một mùa xuân và một mùa hè

b- Trọn một mùa hè và một mùa thu

c- Trọn một mùa thu và một mùa đông

d- Trọn một mùa đông và một mùa xuân

Câu 3. Câu văn nào miêu tả rõ hình dáng của bồ nông con sau những ngày vất vả chăm sóc mẹ?

a- Từ buổi ấy, bồ nông con hết dắt mẹ tìm nơi mát mẻ, lại mò mẫm đi kiếm mồi

b- Bắt được con mồi nào, bồ nông con lại ngậm vào miệng để phần mẹ

c- Đã định quay về, nhưng cứ nghĩ đến mẹ đang ốm đau, chú ta lại gắng gượng mò thêm

d- Cái mỏ xưa vốn gọn ghẽ, nay chảy sệ xuống hệt cái túi

Câu 4. Điều gì ở bồ nông con khiến các chú bồ nông khác cảm phục?

a- Lòng hiếu thảo

b- Lòng kiên nhẫn

c- Lòng trung thực

d- Lòng dũng cảm

Câu 5. Câu chuyện cho em thấy bài học gì sâu sắc?

a- Phải biết làm việc giúp đỡ cha mẹ

b- Phải luôn nhớ tới công lao cha mẹ

c- Phải biết giúp đỡ tất cả mọi người

II – Bài tập về Chính tả, Luyện từ và câu, Tập làm văn

Câu 1. Gạch dưới các tên riêng (tên người, tên địa lí) trong mẩu truyện dưới đây rồi viết lại cho đúng quy tắc viết hoa.

Gia đình của Lê-nin sống ở thành phố nhỏ sim-biếc cạnh rừng cây và sông vôn-ga mênh mông. Mùa hè, anh A-Lếch-Xan-Đrơ và Lê-Nin bất ngờ hỏi anh:

- Dòng sông này bắt nguồn từ đâu hở anh?

A-Lếch-Xan-Đrơ liền bảo:

- Thú thực là anh chưa biết. Phải học nữa mới biết

Người anh hỏi Lê-Nin:

- Thế còn cuộc sống của cây cối bắt nguồn từ đâu?Tại sao lại có cuộc sống của con người.

- Em không biết, anh hãy nói cho em biết ngay đi.

- Tiếc rằng anh cũng chưa biết hết. Cuộc sống còn nhiều điều bí ẩn lắm.

- Thế thì chúng ta phải học thật nhiều để biết tất cả những điều đó anh nhỉ.

(Theo báo Nhi đồng chăm học)

Câu 2. Chọn từ thích hợp điền vào chỗ trống để hoàn chỉnh các câu tục ngữ nói về truyền thống dân tộc:

a) Một miếng khi..........bằng một gói khi no.

b) Trên kính ..... nhường

c) Uống nước nhớ...............

d) Đói cho sạch, ....... cho thơm

e) Một con ngựa..........cả tàu bỏ cỏ.

Câu 3. Chọn từ ngữ thích hợp (đại từ, từ ngữ đồng nghĩa) điền vào chỗ trống để tránh lặp lại từ in đậm và có tác dụng liên kết câu trong đoạn văn sau:

Võ Thị Sáu là một nữ anh hùng trẻ tuổi của nước ta...................sinh ra ở miền Đất Đỏ và tham gia kháng chiến chống Pháp khi tuổi đời còn rất trẻ. Bị giặc bắt và tra tấn dã man nhưng ...........vẫn không khai. Trong nhà lao ở Côn Đảo, tấm gương dũng cảm của ..........................đã làm cho kẻ thù phải khiếp sợ. Chúng đưa ........... ra pháp trường để xử bắn. Đi giữa hai hàng lính,.............vẫn ung dung mỉm cười..............đã hi sinh vì độc lập tự do của Tổ Quốc, vì cuộc sống ấm no hạnh phúc trên đất nước Việt Nam thân yêu.

(Theo Trần Văn Canh)

(Từ ngữ cần điền: chị - 3 lần, người con gái ấy, chị Sáu, người thiếu nữ trẻ măng)

Câu 4.

a) Đọc đoạn trích dưới đây nói về cảnh Bác Hồ đến chúc Tết một gia đình nghèo ở Hà Nội.

Vào một đêm giao thừa năm ấy, Bác Hồ đến thăm và chúc Tết một gia đình nghèo ở Thủ đô Hà Nội: nhà chị Tín. Ngôi nhà chỉ có một gian nhỏ lợp lá cọ, vách đất. Giữa nhà kê chiếc giường cũ, quần áo không có chỗ treo đành để cuối giường. Mấy đứa bé thấy người lạ thì đứng nép vào góc nhà, chỉ có đứa bé nhất đang ngồi trên giường. Trên bàn thờ nhỏ có nải chuối xanh và mấy nén hương đang tỏa khói. Nhìn cảnh sống của gia đình chị, Bác Hồ lặng đi, rồi Bác bế cháu bé nhất vào lòng, hôn lên má cháu. Vừa cài lại chiếc áo trên ngực cháu bé, Bác vừa quay lại hỏi chuyện chị Tín:

- Thế bố của các cháu đi đâu?

- Dạ, thưa Bác, cháu đi gánh nước để đổi lấy gạo ăn...

Nghe chị kể, Bác và những người xung quanh đều rưng rưng nước mắt.

Bác đi quanh căn nhà một vòng rồi cầm chiếc bánh chưng đặt lên bàn thờ, cho quà các cháu và nói với chị Tín:

- Hôm nay, Bác đến thăm, chúc sức khỏe cô và các cháu. Cô cố gắng nuôi các cháu mạnh khỏe và cho các cháu đi học.

Chị Tín không kìm nổi xúc động, chị chạy lại cầm lấy hai bàn tay Bác:

- Thưa Bác.... cháu không ngờ....Bác lại đến thăm gia đình cháu. – Rồi chị sụt sùi, không ngăn được nước mắt.

Bác Hồ cũng xúc động nói:

- Bác không đến thăm những gia đình như cô thì còn thăm ai! Thôi, Bác về nhé.

Đêm giao thừa năm ấy, sau khi Bác Hồ về, bà con trong ngõ phố đã bàn bạc với nhau, mỗi người một thứ, của ít lòng nhiều đem đến giúp mẹ con chị Tín: mỗi cháu có một bộ quần áo hoa đón Tết. Nghe chị Tín kể chuyện Bác Hồ đến thăm, ai cũng nhùn chiếc bánh chưng Bác Hồ đặt trên bàn thờ với nét mặt đầy cảm động, tưởng như Bác Hồ vừa đến thăm gia đình mình vậy.

(Theo Ngọc Quỳnh)

b) Dựa theo nội dung đoạn trích nói trên và gợi ý dưới đây, hãy viết tiếp một số lời đối thoại thích hợp để hoàn chỉnh màn kịch.

Bác Hồ đi chúc Tết

Nhân vật: Bác Hồ; vài cán bộ, chiến sĩ đi theo Bác; chị Tín; mấy đứa con chị Tín

Cảnh trí: Căn nhà lợp lá cọ đơn sơ, vách đất. Giữa nhà kê chiếc giường cũ, quần áo để cuối giường. Mấy đứa bé đứng nép ở góc nhà, đứa bé nhất ngồi trên giường. Trên bàn thờ nhỏ có nải chuối xanh và mấy nén hương đang tỏa khói.

Thời gian: Đêm giao thừa

(Bác Hồ cùng đoàn cán bộ bước vào nhà chị Tín)

Chị Tín: - (Lễ phép khoanh tay chào Bác Hồ)......................................................

.................................................................................................................................

Bác Hồ: - (Bế cháu bé nhất vào lòng, hôn lên má cháu; vừa cài lại chiếc áo trên ngực cháu bé, vừa quay lại hỏi chuyện chị Tín)

Chị Tín: - (Ngước nhìn lên bàn thờ, nén nỗi đau, nghẹn ngào thưa với Bác)

...............................................................................................................................

...............................................................................................................................

Bác Hồ: - Thế bây giờ cô làm ở đâu?

Chị Tín: - (Giọng nghẹn ngào).............................................................................

...............................................................................................................................

Bác Hồ: - Thế năm nay mẹ con cô ăn Tết thế nào?

Chị Tín: - (Lặng đi một lúc rồi mới nói, giọng bùi ngùi) ....................................

...............................................................................................................................

..............................................................................................................................

Bác Hồ: - (Đi quanh căn nhà một vòng rồi cầm chiếc bánh chưng đặt lên bàn thờ, cho quà các cháu và nói với chị Tín) Hôm nay, Bác đến thăm, chúc sức khỏe cô và các cháu. Cô cố gắng nuôi các cháu mạnh khỏe và cho các cháu đi học.

Chị Tín: - (Không kìm nổi xúc động,chạy lại cầm lấy hai bàn tay Bác, giọng sụt sùi)....................................................... .............................................................................................................................

Bác Hồ: - (Giọng xúc động) Bác không đến thăm gia đình như cô thì còn thăm ai! Thôi, bác về nhé.

(Xa xa vọng lại tiếng pháo nổ đón mừng năm mới)

Đáp án Đề kiểm tra cuối tuần môn Tiếng Việt lớp 5

Phần I

1. c

2. b

3. d

4. a

5. b

Phần II

Câu 1. Viết đúng

- Tên người: Lê-nin (4 lần), A-lếch-xan-đrơ (2 lần)

- Tên địa lí: Sim-biếc, Vôn-ga

Câu 2. Giải đáp

a) Một miếng khi đói bằng một gói khi no.

b) Trên kính dưới nhường

c) Uống nước nhớ nguồn

d) Đói cho sạch, rách cho thơm

e) Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ.

Câu 3. Gợi ý điền từ:

Võ Thị Sáu là một nữ anh hùng trẻ tuổi của nước ta.Chị sinh ra ở miền Đất Đỏ và tham gia kháng chiến chống Pháp khi tuổi đời còn rất trẻ. Bị giặc bắt và tra tấn dã man nhưng chị vẫn không khai. Trong nhà lao ở Côn Đảo, tấm gương dũng cảm của người thiếu nữ trẻ măng đã làm cho kẻ thù phải khiếp sợ. Chúng đưa chị ra pháp trường để xử bắn. Đi giữa hai hàng lính, chị Sáu vẫn ung dung mỉm cười.Người con gái ấy đã hi sinh vì độc lập tự do của Tổ Quốc, vì cuộc sống ấm no hạnh phúc trên đất nước Việt Nam thân yêu.

Câu 4. Tham khảo Bác Hồ đi chúc Tết

(Bác Hồ cùng đoàn cán bộ bước vào nhà chị Tín)

Chị Tín: - (Lễ phép khoanh tay chào Bác Hồ) Cháu chào Bác ạ

Bác Hồ: - (Bế cháu bé nhất vào lòng, hôn lên má cháu; vừa cài lại chiếc áo trên ngực cháu bé, vừa quay lại hỏi chuyện chị Tín)Thế bố các cháu đi đâu?

Chị Tín: - (Ngước nhìn lên bàn thờ, nén nỗi đau, nghẹn ngào thưa với Bác) Thưa Bác, nhà cháu là công nhân bốc vác,bị cảm nặng, đã mất cách đây bốn năm rồi.

Bác Hồ: - Thế bây giờ cô làm ở đâu?

Chị Tín: - (Giọng nghẹn ngào) Dạ, thưa Bác, cháu đi gánh nước thuê cho bà con hàng phố ạ....

Bác Hồ: - Thế năm nay mẹ con cô ăn Tết thế nào?

Chị Tín: - (Lặng đi một lúc rồi mới nói, giọng bùi ngùi) Thưa Bác, mẹ con cháu có gì đâu mà ăn Tết ạ, ngày mai chỉ có một lon gạo. Đến giờ này cháu vẫn phải đi gánh nước để đổi lấy gạo ăn...

Bác Hồ: - (Đi quanh căn nhà một vòng rồi cầm chiếc bánh chưng đặt lên bàn thờ, cho quà các cháu và nói với chị Tín) Hôm nay, Bác đến thăm, chúc sức khỏe cô và các cháu. Cô cố gắng nuôi các cháu mạnh khỏe và cho các cháu đi học.

Chị Tín: - (Không kìm nổi xúc động,chạy lại cầm lấy hai bàn tay Bác, giọng sụt sùi) Thưa Bác.... cháu không ngờ...Bác lại đến thăm gia đình cháu. Cháu cảm động quá!

Bác Hồ: - (Giọng xúc động) Bác không đến thăm gia đình như cô thì còn thăm ai! Thôi, bác về nhé.

(Xa xa vọng lại tiếng pháo nổ đón mừng năm mới)

Ngoài ra, các em học sinh hoặc quý phụ huynh còn có thể tham khảo thêm phần Tập làm văn 5, Giải SGK Giải VBT Tiếng Việt lớp 5. Đồng thời, để củng cố kiến thức, mời các em tham khảo các phiếu bài tập Đọc hiểu Tiếng Việt 5, Bài tập Luyện từ và câu 5, Trắc nghiệm Tiếng Việt 5 .

Chia sẻ, đánh giá bài viết
33
Sắp xếp theo
    🖼️

    Gợi ý cho bạn

    Xem thêm
    🖼️

    Bài tập cuối tuần Tiếng Việt lớp 5 Chương trình mới

    Xem thêm