Đề kiểm tra cuối tuần môn Tiếng Việt lớp 5: Tuần 31
Phiếu bài tập cuối tuần môn Tiếng Việt lớp 5 Tuần 31
Đề kiểm tra cuối tuần môn Tiếng Việt lớp 5: Tuần 31 bao gồm chi tiết các phần đọc hiểu và trả lời câu hỏi, chính tả, luyện từ và câu, tập làm văn có đáp án án chi tiết cho mỗi phần giúp các em học sinh ôn tập, hệ thống lại toàn bộ kiến thức đã học môn Tiếng Việt lớp 5 tuần 31. Mời các em học sinh cùng tham khảo chi tiết.
Đề kiểm tra cuối tuần 31 môn Tiếng Việt lớp 5
I – Bài tập về đọc hiểu
Chị Võ Thị Sáu
Bốn giờ sáng, xếp Lé mở cửa xà lim. Chị Sáu đã sẵn sàng trong bộ quần áo bà ba trắng toát. Chúa đảo Giắc-ti, cò Cô-pơ-lanh, chúa ngục Pác-xi, chủ sở điều tra Đuy-lây, cố đạo Pháp…Tất cả đều đông đủ vì hiếu kì? Vì ngạc nhiên? Vì kính phục? Vì đầu tiên có một nữ tù nhân còn dưới tuổi thành niên bị bắn ở ngoài đảo xa này.
Giắc-ti hỏi chị:
- Có khai gì nữa không?
- Không
Chúa ngục Pác-xi rót rượu đưa mời chị Sáu:
- Một lát nữa cô sẽ bị xử bắn. Cô uống đi, hơi rượu sẽ làm cô thêm can đảm.
Chị Sáu mỉm cười, trả lời:
- Rất cảm ơn. Nếu các ông cần rượu để có thêm can đảm, xin mời cứ tự nhiên. Pác-xi kinh ngạc, trố mắt nhìn cô gái.
Cố đạo Pháp xin phép được làm lễ rửa tội cho chị Võ Thị Sáu. Chị nói:
- Tôi không có tội. Yêu nước không phải là một tội.
Nhìn những người đang đào huyệt cho chị, chị dừng lại hỏi họ:
- Huyệt của tôi?
Những người tù đào huyệt nghẹn ngào không dám trả lời. Chị rút bông hoa gài trên mái tóc, đưa cho mấy người tù.
- Tặng mấy anh bông hoa này. Hôm nay mấy anh mới đào một cái nhỏ. Nhưng ngày mai, mấy anh cần đào một cái huyệt thật to…
Những người tù ngơ ngác nhìn nhau. Chị Sáu nháy mắt, hất hất về phía bọn Pháp:
- Một cái huyệt thật to để chôn những kẻ bắn tôi hôm nay …
Chị đã bước đến cái chết bằng lời ca với khí phách hiên ngang, bất khuất. Trước họng súng, chị hô vang những lời cuối cùng “Hồ Chí Minh muôn năm!”.
(Theo báo Điện tử - temviet.com)
Khoanh tròn chữ cái trước ý trả lời đúng
Câu 1. Những ai đã có mặt trước giờ xử bắn chị Sáu?
a- Chúa đảo Giắc-ti, cò Cô-pơ-lanh
b- Chúa ngục Pác-xi, chủ sở điều tra Đuy-lây
c- Cố đạo Pháp
d- Tất cả những người nói trên
Câu 2. Vì sao các quan chức người Pháp đều có mặt lúc xử bắn chị Sáu?
a- Vì đó là điều quy định bắt buộc đối xử với những người Pháp
b- Vì họ là kẻ hiếu kì, muốn chứng kiến giờ phút hành hình
c- Vì chị Sáu là nữ tù nhân đặc biệt bị xử bắn dưới tuổi thành niên
d- Vì lần đầu tiên có một nữ tù nhân bị xử bắn ở ngoài đảo xa này
Câu 3. Việc làm nào cho thấy thái độ ung dung, lạc quan của chị Sáu trước cái chết?
a- Mặc một bộ quần áo bà ba trắng toát đã chuẩn bị từ trước
b- Nói rằng những kẻ bắn chị mới cần rượu để có lòng can đảm
c- Từ chối rửa tội vì cho rằng yêu nước không phải là một tội
d- Rút bông hoa gài trên mái tóc, tặng cho mấy người tù đào huyệt
Câu 4. Chi tiết nào cho thấy chị Sáu có lòng tin sâu sắc vào thắng lợi ngày mai?
a- Bình thản hỏi về cái huyệt sẽ chôn mình
b- Khẳng định ngày mai sẽ phải đào cái huyệt to để chôn những kẻ bắn chị
c- Bước đến cái chết bằng lời ca đầy khí phách hiên ngang
d- Trước họng súng, cất lời hô vang “Hồ Chí Minh muôn năm!”
Câu 5. Dòng nào dưới đây nhận xét đúng nhất về hình ảnh chị Sáu lúc ra pháp trường?
a- Đầy khí phách hiên ngang của người chiến thắng
b- Đầy ý chí, quyết tâm và bình thản trước cái chết
c- Đầy gan dạ, dũng cảm và quyết tâm cao cả
d- Đầy tinh thần lạc quan, kiên trì và bất khuất
II – Bài tập về Chính tả, Luyện từ và câu, Tập làm văn
Câu 1. Viết lại tên các danh hiệu, giải thưởng, huy chương và kỉ niệm chương dưới đây cho đúng quy tắc viết hoa đã học:
a) bà mẹ Việt Nam anh hùng /……………………………………………
b) sao vàng đất việt /…………………………………………….
c) huy chương vàng Ô-lim-pích /…………………………………………
d) kỉ niệm chương vì thế hệ trẻ /…………………………………………
Câu 2. Đọc đoạn thơ trong bài Mẹ Suốt của nhà thơ Tố Hữu:
Gan chi gan rứa, mẹ nờ?
Mẹ rằng: cứu nước, mình chờ chi ai?
Chẳng bằng con gái, con trai
Sáu mươi còn một chút tài đò đưa
Tàu bay hắn bắn sớm trưa
Thì tui cứ việc nắng mưa đưa đò…
Tìm những từ ngữ chỉ phẩm chất của mẹ Suốt và ghi vào chỗ trống:
M: yêu nước ,……………………………………………………….
……………………………………………………………………….
Câu 3. Ghi tác dụng của dấu phẩy trong câu ở cột bên trái vào ô trống tương ứng ở cột bên phải
Câu | Tác dụng của dấu phẩy trong câu |
a) Chị Sáu đầy khí phách, kiên cường, bất khuất | ………………………………….. ………………………………….. |
b) Chị rút bông hoa gài trên mái tóc tặng cho những người tù, họ nghẹn ngào không nói nên lời. | ………………………………….. ………………………………….. ………………………………….. |
c) Trước họng súng, chị hô vang những lời cuối cùng “Hồ Chí Minh muôn năm!” | ………………………………….. ………………………………….. ………………………………….. |
Câu 4. Viết đoạn mở bài (theo kiểu trực tiếp) và đoạn kết bài (theo kiểu mở rộng) cho bài văn tả ngôi nhà em đang ở.
a) Mở bài
……………………………………………………………………………
……………………………………………………………………………
……………………………………………………………………………
……………………………………………………………………………
b) Kết bài
……………………………………………………………………………
……………………………………………………………………………
……………………………………………………………………………
……………………………………………………………………………
Câu 5. Hãy viết một đoạn văn tả cơn mưa.
……………………………………………………………………………
Đáp án Đề kiểm tra cuối tuần 31 môn Tiếng Việt lớp 5
Phần I
1. d
2. c
3. d
4. b
5. a
Phần II
Câu 1.
a) Bà mẹ Việt Nam Anh hùng
b) Sao vàng Đất Việt
c) Huy chương Vàng Ô-lim-pích
d) Kỉ niệm chương Vì thế hệ trẻ
Câu 2. Gợi ý (một số từ ngữ chỉ phẩm chất của mẹ Suốt): yêu nước, gan dạ, dũng cảm, kiên cường, bất khuất, anh hùng,…
Câu 3. Giải đáp (tác dụng của dấy phẩy trong từng câu)
a) Ngăn cách các bộ phận có cùng chức vụ trong câu (ngăn cách các vị ngữ)
b) Ngăn cách các vế câu trong câu ghép
c) Ngăn cách trạng ngữ với chủ ngữ và vị ngữ (ngăn cách trạng ngữ với vế câu)
Câu 4. Tham khảo
a) Mở bài (theo kiểu trực tiếp): Ngôi nhà của gia đình em đang sống ở ngay đầu làng, gần cây đa cổ thụ và quán nước nhỏ của cụ Sửu. Nhà mới xây lại cách đây dăm năm, thay thế cho ngôi nhà cũ có “tuổi thọ” dễ đến hàng trăm năm.
b) Kết bài (theo kiểu mở rộng): Ngôi nhà đẹp đẽ thân yêu ấy đã giữ bao kỉ niệm êm đềm của gia đình em. Nó gắn bó với em như người ruột thịt.Mỗi khi đi xa trở về, em lại sung sướng được ngồi trong ngôi nhà ấm cúng, được sống giữa tình yêu thương đùm bọc của cha mẹ và ông bà kính yêu.
Câu 5.
Mưa đến. Từ bụng những đám mây đen kịt, nước mưa ào ào rơi xuống. Chúng rơi dày đặc nhanh và mạnh đến mức chẳng nhìn thấy gì cả, chỉ thấy một màn trắng xóa. Tiếng mưa rơi xuống đường, xuống mặt hồ, xuống mái nhà ào ào như thác đổ. Cây cối nghiêng hả hân hoan đón làn nước mát. Mấy chú chim nhỏ co hết mình lại trong gốc cây, cố chờ cơn mưa đi qua. Trên đường, mọi người nép vào dưới mái hiên cả để trú mưa. Chỉ lác đác vài người mặc những chiếc áo mưa đủ màu sắc cố chạy vội để thật nhanh đến nơi. Xung quanh chỉ toàn tiếng mưa, tiếng ống cống nuốt nước òng ọc. Tự nhiên cảm thấy mình nhỏ bé đến lạ kì.
>> Đoạn văn tả cơn mưa (11 mẫu)
..........................
Ngoài Đề kiểm tra cuối tuần môn Tiếng Việt lớp 5: Tuần 31, các em học sinh hoặc quý phụ huynh còn có thể tham khảo thêm phần Tập làm văn 5, Tiếng Việt lớp 5 và Giải VBT Tiếng Việt lớp 5 . Đồng thời, để củng cố kiến thức, mời các em tham khảo các phiếu bài tập Đọc hiểu Tiếng Việt 5, Bài tập Luyện từ và câu 5, Trắc nghiệm Tiếng Việt 5.
Tuần 32: Những chủ nhân tương lai
- Tập đọc: Út Vịnh
- Chính tả: (Nghe - viết): Bầm ơi
- Luyện từ và câu: Ôn tập về dấu câu (Dấu phẩy)
- Kể chuyện lớp 5: Nhà vô địch
- Tập đọc lớp 5: Những cánh buồm
- Tập làm văn: Trả bài văn tả con vật
- Luyện từ và câu: Ôn tập về dấu câu (Dấu hai chấm)
- Tập làm văn: Bài kiểm tra viết - Tả cảnh