Đề thi chọn đội tuyển học sinh giỏi cấp tỉnh môn Ngữ văn lớp 9 Phòng GD&ĐT Tĩnh Gia, Thanh Hóa lần 2 năm học 2016 - 2017

Đề thi học sinh giỏi môn Ngữ văn lớp 9

Đề thi chọn đội tuyển học sinh giỏi cấp tỉnh môn Ngữ văn lớp 9 Phòng GD&ĐT Tĩnh Gia, Thanh Hóa lần 2 năm học 2016 - 2017. Đề gồm có 3 câu hỏi tự luận với thời gian làm bài là 150 phút. Ở câu làm văn đề thi yêu cầu thí sinh viết bài văn nghị luận văn học về vẻ đẹp trong lối sống, tâm hồn của nhân vật anh thanh niên trong "Lặng lẽ Sa Pa" của Nguyễn Thành Long và nhân vật Phương Định trong "Những ngôi sao xa xôi" của Lê Minh Khuê.

Đề thi học sinh giỏi môn Ngữ văn lớp 9 Phòng GD&ĐT Đại Lộc, Quảng Nam năm học 2016 - 2017

Đề thi chọn đội tuyển học sinh giỏi cấp tỉnh môn Ngữ văn lớp 9 Phòng GD&ĐT Tĩnh Gia, Thanh Hóa lần 1 năm học 2016 - 2017

Đề thi học sinh giỏi môn Ngữ văn lớp 9 Phòng GD&ĐT Tĩnh Gia, Thanh Hóa năm học 2016 - 2017

Đề thi học sinh giỏi môn Ngữ văn lớp 9 tỉnh Quảng Bình năm học 2015 - 2016

PHÒNG GD&ĐT TĨNH GIA ĐỀ THI CHỌN ĐỘI TUYỂN HSG CẤP TỈNH
NĂM HỌC 2016 - 2017
MÔN: NGỮ VĂN LỚP 9 - BÀI SỐ 2
Thời gian làm bài: 150 phút

Câu 1 (2,0 điểm)

Xác định và phân tích tác dụng của biện pháp tu từ trong đoạn thơ sau:

"Ôi, đảo Sinh Tồn, hòn đảo thân yêu
Dẫu chẳng có mưa, chúng tôi vẫn sinh tồn trên mặt đảo
Đảo vẫn sinh tồn trên đại dương gió bão
Chúng tôi như hòn đá ngàn năm trong trái tim người
Như đá vững bền, như đá tốt tươi..."

(Đợi mưa trên đảo Sinh Tồn, Trần Đăng Khoa)

Câu 2 (6,0 điểm)
Suy nghĩ của em về câu chuyện sau (viết bài nghị luận ngắn):

Tôi được tặng một chiếc xe đạp leo núi rất đẹp nhân dịp sinh nhật của mình. Trong một lần tôi đạp ra công viên chơi, một cậu bé cứ quẩn quanh ngắm nhìn chiếc xe với vẻ thích thú và ngưỡng mộ thực sự.

- Chiếc xe này của bạn đấy à? - Cậu bé hỏi.

- Anh mình đã tặng nhân dịp sinh nhật của mình đấy - Tôi trả lời, không giấu vẻ tự hào và mãn nguyện.

- Ôi, ước gì tôi... - Cậu bé ngập ngừng.

Dĩ nhiên là tôi biết cậu bé đang nghĩ gì rồi. Chắc chắn cậu ấy ước ao có được một người anh như thế. Nhưng câu nói tiếp theo của cậu bé hoàn toàn nằm ngoài dự đoán của tôi.

- Ước gì tôi có thể trở thành một người anh như thế! - Cậu ấy nói chậm rãi và gương mặt lộ rõ vẻ quyết tâm. Sau đó, cậu đi về phía chiếc ghế đá sau lưng tôi, nơi một đứa em trai nhỏ tật nguyền đang ngồi và nói:

- Đến sinh nhật nào đó của em, anh sẽ mua tặng em chiếc xe lăn lắc tay nhé.

(Hạt giống tâm hồn - nhiều tác giả, tập bốn, NXB Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, 2006, tr 16-17)

Câu 3 (12,0 điểm) Vẻ đẹp trong lối sống, tâm hồn của nhân vật anh thanh niên trong "Lặng lẽ Sa Pa" của Nguyễn Thành Long và nhân vật Phương Định trong "Những ngôi sao xa xôi" của Lê Minh Khuê.

ĐÁP ÁN ĐỀ THI HỌC SINH GIỎI MÔN NGỮ VĂN LỚP 9

I. HƯỚNG DẪN CHUNG:

  • Giám khảo chấm kĩ để đánh giá một cách đầy đủ, chính xác kiến thức xã hội, kiến thức văn học và kĩ năng diễn đạt, lập luận trong bài làm của học sinh, tránh đếm ý cho điểm.
  • Hướng dẫn chấm chỉ nêu những nội dung cơ bản, có tính định hướng. Giám khảo vận dụng linh hoạt, sử dụng nhiều mức điểm một cách hợp lí. Đặc biệt khuyến khích những bài viết có ý tưởng sáng tạo.
  • Bài viết cần có bố cục rõ ràng, lập luận chặt chẽ, dẫn chứng thuyết phục. Những bài mắc quá nhiều các loại lỗi dùng từ, chính tả, đặc biệt là văn viết tối nghĩa thì không cho quá nửa số điểm của mỗi câu.
  • Chấm theo thang điểm 20 (câu 1: 2 điểm; câu 2: 6 điểm; câu 3: 12 điểm), cho điểm lẻ đến 0,25.

II. HƯỚNG DẪN CỤ THỂ:

Câu 1 Phát hiện và phân tích giá trị của các biện pháp tu từ. HS kết hợp xác định và phân tích tác dụng

* Các biên pháp tu từ trong đoạn thơ:

  • Điệp từ: "đảo","sinh tồn", "chúng tôi".
  • Nhân hóa: "Đảo vẫn sinh tồn"
  • So sánh: "Chúng tôi" như "hòn đá ngàn năm trong trái tim người", như "đá vững bền, như đá tốt tươi".

* Học sinh phân tích được tác dụng:

  • Điệp từ "đảo" "sinh tồn" (đảo Sinh Tồn, đảo thân yêu, sinh tồn trên mặt đảo, đảo vẫn sinh tồn) vừa giới thiệu về hòn đảo linh thiêng của Tổ quốc vừa thể hiện được sức sống mãnh liệt của hòn đảo giữa biển khơi cũng như người lính đảo. Điệp từ "chúng tôi" - nhấn mạnh hình tượng trung tâm của đoạn thơ - người lính đảo - những người đang đối mặt với khó khăn khắc nghiệt nơi đảo xa.
  • Hình ảnh nhân hóa "Đảo vẫn sinh tồn" sự trường tồn của biển đảo quê hương.
  • Đặc biệt hình ảnh so sánh: "Chúng tôi" như "hòn đá ngàn năm trong trái tim người", như "đá vững bền, như đá tốt tươi". Khẳng định sự kiên cường bất khuất của những chiến sỹ nơi đảo xa. Dù không có mưa trên đảo, dù khắc nghiệt của gió bão biển khơi nhưng họ vẫn bền gan vững chí để giữ gìn biển đảo quê hương.

Câu 2 Viết bài nghị luận xã hội

1. Yêu cầu về kỹ năng: Đảm bảo một văn bản nghị luận xã hội có bố cục rõ ràng, hợp lí, tổ chức sắp xếp ý một cách lôgic, chặt chẽ, hành văn trôi chảy, mạch lạc, chữ viết rõ ràng, cẩn thận, không có quá 3 lỗi dùng từ, diễn đạt...

2. Yêu cầu về kiến thức: HS có thể khai thác vấn đề theo nhiều hướng, nhưng cần làm rõ các ý cơ bản sau:

* Giải thích ý nghĩa câu chuyện: ước mơ của cậu bé không phải cũng có được một chiếc xe như vậy cho mình mà cậu ước mơ có được chiếc xe lăn để tặng cho đứa em bé bỏng tật nguyền. Cậu trăn trở và quyết tâm "Đến sinh nhật nào đó của em, anh sẽ mua tặng em chiếc xe lăn lắc tay nhé". Lời hứa là sự chia sẻ, tình yêu thương sâu sắc, sự hy sinh của người anh muốn bù đắp cho đứa em tật nguyền.

* Bàn luận

  • Câu chuyện ngợi ca tình yêu thương, sự sẻ chia đối với người ta yêu thương. Tình yêu thương của người anh thể hiện bằng việc làm cụ thể, để tạo động lực cho người em vươn lên số phận hoàn cảnh.
  • Câu chuyện cho người đọc bài học về tình cảm gia đình. Khi chúng ta rơi vào hoàn cảnh khó khăn, bất hạnh thì không ai khác chính là những người thân yêu, ruột thịt cưu mang, đùm bọc.
  • Khi ta được yêu thương và yêu thương người khác thì ta sẽ thấy hạnh phúc.
  • Bên cạnh đó trong cuộc sống nhiều gia đình anh em tranh giành quyền lợi, sống thờ ơ, thiếu quan tâm......

* Bài học nhận thức và hành động:

  • Bài học đáng quý cho tuổi học trò, đừng đòi hỏi người khác quan tâm, chăm sóc mình mà mỗi người cần quan tâm đến mọi người trong gia đình.
  • Biết yêu thương là người giàu lòng nhân ái, lối sống cao đẹp.

Câu 3 Viết bài nghị luận văn học

1. Yêu cầu về kĩ năng:

  • Đảm bảo một văn bản nghị luận có bố cục rõ ràng, hợp lí; tổ chức sắp xếp hệ thống các ý một cách lôgic, lập luận chặt chẽ; diễn đạt trôi chảy, mạch lạc; chữ viết rõ ràng, cẩn thận; không mắc lỗi dùng từ cơ bản...
  • Phải huy động những hiểu biết về văn học, đời sống, kĩ năng tạo lập văn bản và khả năng bày tỏ thái độ, chủ kiến của mình để làm bài.
  • Có thể làm bài theo nhiều cách khác nhau nhưng phải có lí lẽ và căn cứ xác đáng, phải có thái độ chân thành nghiêm túc, phù hợp với chuẩn mực đạo đức xã hội.

2. Yêu cầu về kiến thức: HS có thể khai thác vấn đề theo nhiều hướng, nhưng cần làm rõ các ý cơ bản sau:

a. Giới thiệu sơ lược về đề tài viết về những con người sống, cống hiến cho đất nước trong văn học. Nêu tên 2 tác giả và 2 tác phẩm cùng những vẻ đẹp của anh thanh niên và Phương Định.

b. Vẻ đẹp của 2 nhân vật trong hai tác phẩm:

* Vẻ đẹp trong cách sống:

  • Nhân vật anh thanh niên: trong Lặng lẽ Sa Pa
    • Hoàn cảnh sống và làm việc: một mình trên núi cao, quanh năm suốt tháng giữa cỏ cây và mây núi Sa Pa. Công việc là đo gió, đo mưa đo nắng, tính mây, đo chấn động mặt đất...
    • Anh đã làm việc với tinh thần trách nhiệm cao, cụ thể, tỉ mỉ, chính xác, đúng giờ ốp thì dù cho mưa tuyết, giá lạnh thế nào anh cũng trở dậy ra ngoài trời làm việc đúng giờ quy định.
    • Anh đã vượt qua sự cô đơn vắng vẻ quanh năm suốt tháng trên đỉnh núi cao không một bóng người.
    • Sự cởi mở chân thành, quý trọng mọi người, khao khát được gặp gỡ, trò chuyện với mọi người.
    • Tổ chức sắp xếp cuộc sống của mình một cách ngăn nắp, chủ động: trồng hoa, nuôi gà, tự học...
  • Cô thanh niên xung phong Phương Định:
    • Hoàn cảnh sống và chiến đấu: ở trên cao điểm giữa một vùng trọng điểm trên tuyến đường Trường Sơn, nơi tập trung nhất bom đạn và sự nguy hiểm, ác liệt. Công việc đặc biệt nguy hiểm: Chạy trên cao điểm giữa ban ngày, phơi mình trong vùng máy bay địch bị bắn phá, ước lượng khối lượng đất đá, đếm bom, phá bom.
    • Yêu mến đồng đội, yêu mến và cảm phục tất cả những chiến sĩ mà cô gặp trên tuyến đường Trường Sơn.
    • Có những đức tính đáng quý, có tinh thần trách nhiệm với công việc, bình tĩnh, tự tin, dũng cảm...

* Vẻ đẹp tâm hồn:

  • Anh thanh niên trong Lặng lẽ Sa Pa:
    • Anh ý thức về công việc của mình và lòng yêu nghề khiến anh thấy được công việc thầm lặng ấy có ích cho cuộc sống, cho mọi người.
    • Anh đã có suy nghĩ thật đúng và sâu sắc về công việc đối với cuộc sống con người.
    • Khiêm tốn thành thực cảm thấy công việc và những đóng góp của mình rất nhỏ bé.
    • Cảm thấy cuộc sống không cô đơn buồn tẻ vì có một nguồn vui, đó là niềm vui đọc sách mà lúc nào anh cũng thấy như có bạn để trò chuyện.
    • Là người nhân hậu, chân thành, giản dị.
  • Cô thanh niên Phương Định:
    • Có thời học sinh hồn nhiên vô tư, vào chiến trường vẫn giữ được sự hồn nhiên.
    • Là cô gái nhạy cảm, mơ mộng, thích hát, tinh tế, quan tâm và tự hào về vẻ đẹp của mình.
    • Kín đáo trong tình cảm và tự trọng về bản thân mình.
  • Các tác giả miêu tả sinh động, chân thực tâm lí nhân vật làm hiện lên một thế giới tâm hồn phong phú, trong sáng và đẹp đẽ cao thượng của nhân vật ngay trong hoàn cảnh chiến đấu đầy hi sinh gian khổ.

c. Đánh giá, liên hệ:

  • Hai tác phẩm đều khám phá, phát hiện ngợi ca vẻ đẹp tâm hồn con người Việt Nam trong lao động và trong chiến đấu.
  • Liên hệ với người lính lái xe trên tuyến đường Trường Sơn qua bài "Bài thơ về tiểu đội xe không kính" của Phạm Tiến Duật
  • Vẻ đẹp của các nhân vật đều mang màu sắc lí tưởng, họ là hình ảnh của con người Việt Nam mang vẻ đẹp của thời kì lịch sử gian khổ hào hùng và lãng mạn của dân tộc.
  • Liên hệ với lối sống, tâm hồn của thanh niên trong giai đoạn hiện nay.
Đánh giá bài viết
1 11.021
Sắp xếp theo

Thi học sinh giỏi lớp 9

Xem thêm