Đề thi giữa học kì 2 lớp 11 môn Văn năm 2022 Đề 1

Đề thi giữa học kì 2 năm 2022 môn Văn 11 - Đề 1 do VnDoc biên soạn, bám sát chương trình học sẽ giúp các em học sinh lớp 11 trong quá trình ôn thi giữa học kì 2 luyện thêm đề môn Ngữ văn có đáp án.

Đề thi giữa học kì 2 lớp 11 môn Ngữ văn bao gồm đầy đủ các phần thiết yếu sau:

  • Phần Đọc hiểu văn bản được chọn lọc bám sát chương trình học.
  • Phần Làm văn bao gồm nghị luận xã hội và nghị luận văn học giúp các em học sinh hình thành kĩ năng làm văn của mình cũng như phục vụ quá trình ôn thi học kì môn Ngữ văn lớp 11.

Để tham khảo thêm nhiều đề thi và tài liệu học tập hay khác, trao đổi với thầy cô và giáo viên, mời các bạn tham gia nhóm: Tài liệu học tập lớp 11.

Bản quyền tài liệu thuộc về VnDoc.
Nghiêm cấm mọi hành vi sao chép nhằm mục đích thương mại.

Đề thi giữa học kì 2 năm 2022 môn Văn 11

I. Đọc hiểu văn bản (3đ):

Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi:

Khi nói đến ước mơ của mỗi người thì điều đầu tiên cần phải xác định đó không phải là những mong ước viển vông mà chính là mục đích con người đặt ra và cố gắng phấn đấu để đạt đến trong cuộc đời mình.

Đồng thời một yếu tố cũng hết sức quan trọng là cần phải xác định cách thức để đạt được mục đích đó, bởi không ai trong cuộc đời này lại không muốn đạt đến một điều gì đó. Sự khác biệt chính là ở phương thức thực hiện, cách thức đạt đến ước mơ của mỗi người và điều này sẽ quyết định "đẳng cấp" về nhân cách của mỗi người.

Có người đi đến ước mơ của mình bằng cách trung thực và trong sáng thông qua những nỗ lực tự thân tột cùng. Đây là những người có lòng tự trọng cao và biết dựa vào sức của chính mình, tin vào khả năng của chính mình và sự công bằng của xã hội. Đối với họ, mục tiêu chưa chắc là điều họ quan tâm, cái họ quan tâm hơn chính là phương thế để đạt đến mục tiêu trong cuộc sống.

Chính vì vậy họ là những người không bao giờ chấp nhận sống trong thân phận "tầm gửi", trở thành công cụ trong tay người khác hay giao phó tương lai của mình cho người khác. Sở dĩ như thế là bởi họ chỉ tự hào với những gì do chính bản thân họ làm ra và đạt đến, đồng thời cũng là những người xem phương tiện quan trọng như mục tiêu của cuộc đời mình.

(Nguồn: Lê Minh Tiến, Đẳng cấp về nhân cách, http://tuoitre.vn)

Câu 1 (0,5 điểm): Xác định phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn trích trên.

Câu 2 (0,75 điểm): Theo tác giả, điều gì sẽ quyết định "đẳng cấp" về nhân cách của mỗi người?

Câu 3 (0,75 điểm): Vì sao tác giả cho rằng: những người không bao giờ chấp nhận sống trong thân phận "tầm gửi" chỉ tự hào với những gì do chính bản thân họ làm ra và đạt đến.

Câu 4 (1,0 điểm): Từ đoạn trích trên, hãy rút ra bài học có ý nghĩa nhất đối với anh/chị?

II. Làm văn (7đ):

Câu 1 (2đ): Nghị luận xã hội về ý nghĩa của tinh thần lạc quan trong cuộc sống.

Câu 2 (5đ): Phân tích hai khổ thơ cuối bài Tràng Giang của Huy Cận.

Đáp án Đề thi giữa học kì 2 lớp 11 môn Văn

Đáp án Đọc hiểu văn bản

Câu 1 (0,5 điểm):

Phương thức biểu đạt chính: nghị luận

Câu 2 (0,75 điểm):

Điều sẽ quyết định "đẳng cấp" về nhân cách của mỗi người là: phương thức thực hiện, cách thức đạt đến ước mơ của mỗi người

Câu 3 (0,75 điểm):

Những người không bao giờ chấp nhận sống trong thân phận "tầm gửi" chỉ tự hào với những gì do chính bản thân họ làm ra và đạt đến. Tác giả nói như vậy vì:

"Tầm gửi" là lối sống dựa dẫm vào người khác, là những người kém bản lĩnh, bất tài.

Những người không bao giờ chấp nhận sống trong thân phận "tầm gửi" là những người có lòng tự trọng, có ý thức về giá trị bản thân, luôn nỗ lực vươn lên để đạt được mục đích.

Câu 4 (1,0 điểm):

Thí sinh có thể rút ra bài học:

- Nỗ lực thực hiện ước mơ bằng chính khát vọng và khả năng của bản thân.

- Tự tin, tự trọng làm nên giá trị con người.

Học sinh lựa chọn thông điệp phù hợp với bản thân và lí giải.

II. Làm văn (7đ):

Câu 1 (2đ):

Dàn ý Nghị luận xã hội về ý nghĩa của tinh thần lạc quan trong cuộc sống

1. Mở bài

Giới thiệu vấn đề cần nghị luận: Tinh thần lạc quan của con người.

2. Thân bài

a. Giải thích

Lạc quan: cảm giác vui vẻ, thoải mái, vô tư dù gặp phải hoàn cảnh khó khăn hay gian nan thử thách hay gặp phải chuyện không vui trong cuộc sống.

→ Lạc quan rất quan trọng đối với cuộc sống con người, mỗi người nên rèn luyện cho bản thân sự lạc quan để sẵn sàng đối mặt với những thử thách của cuộc sống.

b. Phân tích

Trong cuộc sống, con người không tránh khỏi những lúc vấp ngã, chán nản, tinh thần lạc quan sẽ giúp người đó đứng lên và tiếp tục chiến đấu, chinh phục con đường mà mình đã lựa chọn.

Lạc quan giúp con người sống vui vẻ hơn, tận hưởng được nhiều vẻ đẹp hơn của cuộc sống, giúp cho cuộc sống muôn màu sắc hơn.

Người lạc quan luôn truyền được năng lượng tích cực cho người khác.

c. Chứng minh

Học sinh tự lấy dẫn chứng để minh họa cho bài làm của mình.

Lưu ý: dẫn chứng phải tiêu biểu, xác thực, được nhiều người biết đến.

d. Phản đề

Trong cuộc sống, có nhiều người bi quan, khi đứng trước khó khăn thử thách không dám đương đầu hoặc luôn chán nản mà gục ngã; lại có nhiều người vì quá lạc quan mà trở nên vô tâm;… những người này nên bị chỉ trích, phê phán.

3. Kết bài

Khái quát lại vai trò, tầm quan trọng của lạc quan đồng thời rút ra bài học cho bản thân mình.

Câu 2 (5đ):

Dàn ý Phân tích 2 khổ thơ cuối bài Tràng Giang của Huy Cận

1. Mở bài

Giới thiệu về tác giả Huy Cận và bài thơ Tràng giang.

Dẫn dắt vào vấn đề: hai khổ thơ cuối trong bài Tràng giang.

2. Thân bài

a. Khổ thơ thứ ba

“Bèo dạt về đâu, hàng nối hàng”: Hình ảnh những đám bèo nối tiếp nhau lững thững trôi dạt trên dòng sông, “hàng nối hàng” gợi cảm giác trải dài miên man vô tận.

“Mênh mông không một chuyến đò ngang/Không cầu gợi chút niềm thân mật”: Phủ định: “Không đò… không cầu...”. Chiếc cầu, con đò bắc nối đôi bờ là biểu hiện của sự giao nối của con người và cuộc sống, thường gợi về cuộc sống tấp nập, gần gũi và gợi nhớ quê hương. Hai bờ sông cứ thế chạy dài vô tận như hai thế giới cô đơn, không chút “niềm thân mật” của những tâm hồn đồng điệu.

“Lặng lẽ bờ xanh tiếp bãi vàng”: Câu thơ đã vẽ lên được một bức tranh thật đẹp, tĩnh lặng nhưng đượm buồn. Trước không gian buồn man mác là một lòng người đau đáu trước cảnh đất nước đang bị xâm lược chìm trong đau khổ, tương lai của con người không biết sẽ đi đâu về đâu.

→ Đoạn thơ không chỉ lột tả vẻ đẹp buồn man mác, bâng khuâng của dòng sông mà còn khéo léo gửi gắm tâm tư, nỗi lòng của người nghệ sĩ trước cảnh đẹp bình dị đó.

b. Khổ thơ cuối cùng

“Lớp lớp mây cao đùn núi bạc”: không gian như được mở rộng hơn với cảnh bầu trời với những đám mây trắng chen chúc nhau như sà xuống đỉnh núi, nỗi buồn của con người đang lan tỏa ra mạnh mẽ hơn.

“Chim nghiêng cánh nhỏ: bóng chiều sa”: trong khoảng không gian rộng lớn, yên tĩnh đó là hình ảnh chú chim nghiêng đôi cánh như đổ bóng chiều tà xuống không gian bên dưới.

“Lòng quê dợn dợn vời con nước”: “dợn dợn’ là cách dùng từ mới mẻ của tác giả, nó không chỉ là tâm trạng nhớ nhung, buồn bã mà đó còn là những băn khoăn, trăn trở mong mỏi cho quê nhà sớm được độc lập tự do, nỗi nhớ luôn lăn tăn như con nước của dòng sông.

“Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà”: vào lúc mặt trời lặn cũng là lúc con người ta thường cảm thấy bâng khuâng, nhớ nhà đặc biệt là khi các nhà lên khói nấu cơm chiều. Tuy nhiên, nỗi nhớ nhà của tác giả không đợi khi có khói của bữa cơm chiều mà nó luôn luôn thường trực.

→ Hai khổ thơ đã khắc họa thành công hình ảnh bức tranh thiên nhiên đượm buồn buổi chiều tà và lột tả nỗi lòng của tác giả một cách kín đáo nhưng lại sâu sắc.

3. Kết bài

Khái quát lại nội dung, nghệ thuật của hai khổ thơ đồng thời rút ra bài học.

---------------------------

Trên đây VnDoc đã giới thiệu tới các em Đề thi giữa học kì 2 năm 2022 môn Văn 11 - Đề 1. Để có kết quả cao hơn trong học tập, VnDoc xin giới thiệu tới các em học sinh tài liệu Địa lý lớp 11, Trắc nghiệm Tiếng Anh 11, Giải bài tập Toán 11, Trắc nghiệm Vật lý 11 mà VnDoc tổng hợp và đăng tải.

Chúc các em đạt kết quả cao trong kỳ thi của mình.

Đánh giá bài viết
1 362
Sắp xếp theo

Đề thi giữa kì 2 lớp 11

Xem thêm