Đề thi giữa học kì 2 lớp 12 trường THPT Phan Ngọc Hiển, Cà Mau năm 2024

Đề thi giữa học kì 2 lớp 12 trường THPT Phan Ngọc Hiển, Cà Mau năm 2024 được VnDoc.com sưu tầm và xin gửi tới bạn đọc cùng tham khảo để có thêm tài liệu ôn thi kì thi giữa học kì 2 lớp 12. Mời các bạn cùng theo dõi bài viết dưới đây nhé.

1. Đề thi giữa kì 2 lớp 12 môn Ngữ văn trường Phan Ngọc Hiển

SỞ GD&ĐT CÀ MAU

TRƯỜNG THPT PHAN NGỌC HIỂN

ĐỀ KT GIỮA KÌ II, NĂM HỌC 2023 – 2024

MÔN NGỮ VĂN - KHỐI 12

THỜI GIAN: 90 PHÚT

(Không kể thời gian giao đề)

I. PHẦN ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)

Đọc đoạn trích:

Đất nước

có thể đó là một chú dế mèn

gọi mùa thu về chập chờn ngoài cửa lớp

là trái bồ kết để em gội tóc

thơm hoài trong hơi thở buổi tự tình

… Đất Nước là cây cỏ không tên

những Vô Danh đối đầu cùng giông bão

chân lấm tay bùn làm ra hạt gạo

là đêm trăng bên cái giếng đầu làng

em khua gầu làm vỡ ánh trăng tan

… Đất Nước là hình ảnh con trâu

đi trước cái cày, trước cha, trước mẹ

là bài đồng dao con chim se sẻ

nó đẻ mái tranh, tôi ném hòn sành

là con Rồng cháu Tiên, là gương vỡ lại lành

là thần thoại nhổ tre mà đuổi giặc

… Đất Nước là tình chồng, nghĩa vợ

muối mặn gừng cay, tối lửa tắt đèn

là Tháp Mười đẹp nhất hoa sen

là sông, là suối, là rừng, là phố

là tất cả những gì tôi đang có

từ Nam Quan đến mũi Cà mau

Đất Nước còn tồn tại đến ngàn sau …

(Trích Định nghĩa về Đất Nước, Lê Minh Quốc, Theo Tôi vẽ mặt tôi, NXB Văn hóa thông tin).

Thực hiện các yêu cầu:

Câu 1. Đoạn trích được viết theo thể thơ nào?

Câu 2. Chỉ ra những hình ảnh mang chất liệu văn học dân gian được sử dụng trong đoạn trích?

Câu 3. Xác định, nêu tác dụng của biện pháp tu từ được tác giả sử dụng trong bốn dòng thơ sau:

… Đất Nước là tình chồng, nghĩa vợ

muối mặn gừng cay, tối lửa tắt đèn

là Tháp Mười đẹp nhất hoa sen

là sông, là suối, là rừng, là phố.

Câu 4. Thông điệp ý nghĩa mà anh/ chị rút ra từ đoạn trích trên?

II. PHẦN LÀM VĂN (7,0 điểm)

Câu 1. (2,0 điểm) Từ nội dung văn bản ở phần Đọc hiểu, hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ sẽ làm gì để Đất Nước tồn tại đến ngàn sau.

Câu 2. (5,0 điểm)

“Lần lần, mấy năm qua, mấy năm sau, bố Mị chết. Nhưng Mị cũng không còn tưởng đến Mị có thể ăn lá ngón tự tử nữa. Ở lâu trong cái khổ, Mị quen khổ rồi. Bây giờ thì Mị tưởng mình cũng là con trâu, mình cũng là con ngựa, là con ngựa phải đổi ở cái tàu ngựa nhà này đến ở cái tàu ngựa nhà khác, ngựa chỉ biết việc ăn cỏ, biết đi làm mà thôi. Mị cúi mặt, không nghĩ ngợi nữa, mà lúc nào cũng chỉ nhớ đi nhớ lại những việc giống nhau, tiếp nhau vẽ ra trước mặt, mỗi năm mỗi mùa, mỗi tháng lại làm đi làm lại: Tết xong thì lên núi hái thuốc phiện, giữa năm thì giặt đay, xe đay, đến mùa thì đi nương bẻ bắp, và dù lúc đi hái củi, lúc bung ngô, lúc nào cũng gài một bó đay trong cánh tay để tước thành sợi. Bao giờ cũng thế, suốt năm suốt đời như thế. Con ngựa, con trâu làm còn có lúc, đêm nó còn được đứng gãi chân, đứng nhai cỏ, đàn bà con gái nhà này thì vùi vào việc làm cả đêm cả ngày.

Mỗi ngày Mị càng không nói, lùi lũi như con rùa nuôi trong xó cửa. Ở cái buồng Mị nằm, kín mít, có một chiếc cửa sổ một lỗ vuông bằng bàn tay. Lúc nào trông ra cũng chỉ thấy trăng trắng, không biết là sương hay là nắng. Mị nghĩ rằng mình cứ chỉ ngồi trong cái lỗ vuông ấy mà trông ra, đến bao giờ chết thì thôi.”

(Trích Vợ chồng A Phủ, Ngữ văn 12, Tập hai, NXB Giáo dục Việt Nam 2020, tr. 6).

Phân tích giá trị hiện thực được thể hiện trong đoạn trích trên. Từ đó, nhận xét cách nhìn về cuộc sống và con người của nhà văn Tô Hoài.

2. Đáp án đề thi giữa kì 2 lớp 12 môn Ngữ văn trường Phan Ngọc Hiển

Phần

Câu

Nội dung

Điểm

I

ĐỌC HIỂU

3,0

1

Thể thơ: Tự do

0,5

2

Những hình ảnh: chân lấm tay bùn; em khua gầu làm vỡ ánh trăng tan; là hình ảnh con trâu đi trước cái cày, trước cha, trước mẹ; là bài đồng dao con chim se sẻ nó đẻ mái tranh, tôi ném hòn sành; là con Rồng cháu Tiên, là gương vỡ lại lành; là thần thoại nhổ tre mà đánh giặc;...

(HS chỉ cần nêu được 4 hình ảnh là cho điểm tối đa)

1,0

3

- Biện pháp tu từ: Liệt kê

- Tác dụng: Nhấn mạnh, tô đậm ấn tượng về hình ảnh Đất Nước, vừa cụ thể, gợi cảm và toàn diện trên nhiều mặt, làm tăng giá trị biểu cảm, tạo âm hưởng nhịp điệu cho câu thơ.

0,5

4

Học sinh có thể rút ra những thông điệp khác nhau miễn hợp lý, sau đây là một vài gợi ý:

- Đất Nước là những gì gần gũi, thân thuộc

- Đất Nước là sự cống hiến thầm lặng của những con người có tên và không tên.

- Niềm tự hào về Đất Nước trong quá khứ và hiện tại.

- Niềm tin vào một Đất Nước vẫn trường tồn và tươi đẹp hơn trong tương lai.

1,0

II

LÀM VĂN

1

Từ nội dung văn bản ở phần Đọc hiểu, hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ sẽ làm gì để Đất Nước tồn tại đến ngàn sau.

2,0

a. Đảm bảo kỹ năng:

- Viết 01 đoạn văn khoảng 200 chữ.

- Có cách diễn đạt sáng tạo, thể hiện suy nghĩ sâu sắc, mới mẻ về vấn đề nghị luận.

- Đảm bảo quy tắc chính tả, dùng từ, đặt câu.

0, 5

b. Xác định đúng vấn đề nghị luận:

0,25

c. Triển khai vấn đề nghị luận; vận dụng tốt các thao tác lập luận; kết hợp chặt chẽ giữa lý lẽ và dẫn chứng; rút ra bài học nhận thức và hành động.

(1). Giải thích: Đất Nước tồn tại đến ngàn sau.

- Giữ gìn vẻ đẹp Đất Nước trong quá khứ và hiện tại.

- Xây dựng Đất Nước phát triển, tươi đẹp hơn trong tương lai.

(2). Vai trò, trách nhiệm của thanh niên đối với Đất Nước

- Lưu giữ nét đẹp văn hóa của dân tộc từ những việc làm cụ thể: trân trọng tiếng mẹ đẻ, hướng về cội nguồn, trân trọng truyền thống tốt đẹp của tổ tiên.

- Tiếp thu, chọn lọc những tin hoa văn hóa nước ngoài “hòa nhập nhưng không hòa tan”.

- Không ngừng học tập, lao động, sáng tạo, phát huy hết sức trẻ của mình vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Đất Nước.

(3). Phê phán những thanh niên có lối sống quên truyền thống, đánh mất cội nguồn,…

(4). Bài học liên hệ bản thân.

1,25

2

Phân tích giá trị hiện thực được thể hiện trong đoạn trích dẫn. Từ đó, nhận xét cách nhìn về cuộc sống và con người của nhà văn Tô Hoài.

5,0

a. Đảm bảo cấu trúc bài văn nghị luận: có đủ cả các phần mở bài, thân bài, kết bài. Mở bài nêu được vấn đề; thân bài triển khai được vấn đề; kết bài kết luận được vấn đề.

0,5

b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận

0,25

c. Triển khai vấn đề nghị luận: vận dụng tốt các thao tác lập luận; kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng; rút ra bài học nhận thức và hành động.

(1). Giới thiệu khái quát về tác giả Tô Hoài, tác phẩm, đoạn trích ở phần đầu truyện “Lần lần, mấy năm qua, mấy năm sau…bao giờ chết thì thôi” thể hiện thành công giá trị hiện thực cuộc đời người dân miền núi Tây Bắc, đồng thời gửi gắm cách nhìn mới mẻ về cuộc sống và con người trong sáng tác của Tô Hoài.

0,25

(2). Giải thích: Giá trị hiện thực là phạm vi hiện thực đời sống mà tác phẩm phản ánh. Trong tác phẩm văn học, giá trị hiện thực thường là sự phản ánh chân thực, sâu sắc cuộc sống cơ cực, nỗi khổ về vật chất hay tinh thần của những con người bé nhỏ, bất hạnh; chỉ ra nguyên nhân gây đau khổ cho con người và miêu tả tinh tế vẻ đẹp tiềm ẩn trong con người.

(3). “Vợ chồng A Phủ” chủ yếu kể về cuộc đời của nhân vật Mị, cũng là cuộc đời, số phận của người phụ nữ vùng cao Tây Bắc dưới chế độ phong kiến miến núi. Cuộc đời Mị chia làm những chặng đường, cho dù có lúc Tô Hoài phải để nhân vật của mình đi qua bóng tối khổ đau nhưng mỗi chặng là một bước quan trọng đưa nhân vật đến gần với ánh sáng của tự do, hạnh phúc.

(4). Giá trị hiện thực trong đoạn trích

- Tô Hoài đã miêu tả chân thực số phận cùng khổ của người dân dưới ách thống trị của bọn chúa đất miền núi và bọn thực dân phong kiến. tập trung ở nhân vật Mị:

+ Bị đọa đày về thể xác của Mị.

+ Sự đọa đày về thể xác ấy đã dẫn đến sự tê liệt về tinh thần.

- Giá trị hiện thực của đoạn trích còn thể hiện ở tiếng nói tố cáo tội ác của bọn thực dân phong kiến miền núi Tây Bắc. Cách nhìn nhận về cuộc sống và con người của nhà văn Tô Hoài

- Cách nhìn về cuộc sống: là cái nhìn hiện thực khi nhà văn muốn thể hiện một cách chân thực bức tranh xã hội thực dân, phong kiến miền núi

- Cách nhìn về con người: là cái nhìn nhân đạo.

2,5

(5). Đánh giá: Nhân vật Mị được phác tả bằng vài nét chân dung gây ám ảnh, có sự kết hợp giữa giọng trần thuật của nhà văn với dòng tâm tư của nhân vật, khiến người đọc có cảm giác người viết đã nhập sâu vào trong dòng ý nghĩ, tâm tư của nhân vật để diễn tả suy nghĩ, tâm trạng của nhân vật; nhiều biện pháp tu từ: so sánh, ẩn dụ…; ngôn ngữ kể giàu chất thơ, xúc động.

0,5

d. Sáng tạo: có cách diễn đạt sáng tạo, thể hiện suy nghĩ sâu sắc, mới mẻ về vấn đề nghị luận.

0,5

e. Chính tả, dùng từ, đặt câu: đảm bào quy tắc chính tả, dùng từ, đặt câu.

0,5

ĐIỂM TOÀN BÀI THI: I + II = 10,0 điểm

------------------------------------

VnDoc.com vừa gửi tới bạn đọc bài viết Đề thi giữa học kì 2 lớp 12 trường THPT Phan Ngọc Hiển, Cà Mau năm 2024. Mời các bạn cùng tham khảo thêm tại mục Thi giữa học kì 2 lớp 12.

Đánh giá bài viết
1 46
Sắp xếp theo

    Đề thi giữa kì 2 lớp 12

    Xem thêm