Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Đề thi học sinh giỏi môn Giáo dục công dân lớp 9 năm học 2014 - 2015 huyện Thiệu Hóa, Thanh Hóa

Đề thi học sinh giỏi môn Giáo dục công dân lớp 9

Đề thi học sinh giỏi môn Giáo dục công dân lớp 9 năm học 2014 - 2015 huyện Thiệu Hóa, Thanh Hóa là đề thi chọn học sinh giỏi cấp huyện lớp 9 THCS. Đề thi môn GDCD có đáp án đi kèm, hi vọng sẽ giúp các bạn củng cố lại kiến thức, chuẩn bị sẵn sàng cho kỳ thi học sinh giỏi các cấp lớp 9 THCS. Mời các bạn tham khảo.

Đề thi học sinh giỏi môn Giáo dục công dân lớp 9 năm học 2015 - 2016 trường THCS Hồng Dương, Hà Nội

Đề thi học sinh giỏi tỉnh Nghệ An năm 2010 - 2011 môn Giáo dục công dân lớp 9 Bảng A (Có đáp án)

Đề thi chọn đội tuyển học sinh giỏi cấp tỉnh môn Giáo dục công dân lớp 9 Phòng GD&ĐT Tĩnh Gia, Thanh Hóa lần 2 năm học 2016 - 2017

PHÒNG GD&ĐT THIỆU HOÁ

Đề thi chính thức

KÌ THI HỌC SINH GIỎI LỚP 9 CẤP HUYỆN
NĂM HỌC 2014 - 2015
Môn thi: Giáo dục công dân
Thời gian: 150 phút (Không kể thời gian giao đề)
Ngày thi: 02/12/2014.

Câu 1. (2.0 điểm): Em hãy điền những từ còn thiếu vào chỗ trống (...) để hoàn thành nội dung các điều luật sau:

(Luật giao thông đường bộ năm 2008)

Điều 30. Người điều khiển, người ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy.

2. Người điều khiển, người ngồi trên xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh, xe gắn máy phải đội mũ bảo hiểm ............(A)............. đúng quy cách.

Điều 31. Người điều khiển, người ngồi trên xe đạp, người điều khiển xe thô sơ khác.

1. Người điều khiển xe đạp chỉ được chở một người, trừ trường hợp chở thêm một trẻ em............(B)................ thì được chở tối đa hai người.

4. Hàng hóa xếp trên xe thô sơ phải đảm bảo an toàn, không gây......(C)....... giao thông và che khuất tầm nhìn của người điều khiển.

Điều 32. Người đi bộ.

2. Người đi bộ chỉ được qua đường ở những nơi có đèn tín hiệu, có vạch kẻ đường hoặc có .........(D)........, hầm dành cho người đi bộ và phải tuân thủ tín hiệu chỉ dẫn.

Câu 2. (5.0 điểm):

Di sản văn hóa là gì? Hãy kể tên một số di sản văn hóa ở Thanh Hóa mà em biết? Việc bảo vệ di sản văn hóa, danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử văn hóa có ý nghĩa như thế nào đối với Việt Nam và thế giới? Nêu trách nhiệm của công dân học sinh trong việc bảo vệ di sản văn hóa?

Câu 3. (4.0 điểm):

Pháp luật là gì? Em hãy nêu đặc điểm, vai trò của pháp luật trong quản lý Nhà nước, quản lý xã hội? Hãy so sánh sự giống nhau và khác nhau giữa đạo đức và pháp luật về cơ sở hình thành, hình thức thể hiện và các biện pháp đảm bảo thực hiện?

Câu 4. (3.5 điểm):

Thế nào là năng động, sáng tạo? Nêu ý nghĩa của sống năng động, sáng tạo? Chúng ta cần rèn luyện như thế nào để trở thành người năng động, sáng tạo?

Câu 5. (3.5 điểm):

Em hiểu thế nào là kế thừa và phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc? Vì sao chúng ta phải kế thừa và phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc? Theo em, công dân nói chung, học sinh nói riêng cần làm gì để kế thừa và phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc?

Câu 6. (2.0 điểm): Tình huống:

Ông Q gửi đơn tới Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện tố cáo một cán bộ của văn phòng Ủy ban nhân dân huyện đã có hành vi nhận hối lộ. Trong đơn tố cáo có ghi rõ tên mình và cung cấp các chứng cứ liên quan tới việc nhận hối lộ này.

a. Ông Q tố cáo là đúng hay sai theo quy định của pháp luật?

b. Đơn tố cáo trên gửi đúng người có thẩm quyền xem xét tố cáo hay chưa?

Đáp án đề thi học sinh giỏi môn Giáo dục công dân lớp 9

Câu 1. (2,0 điểm):

Lần lượt điền các từ hoặc cụm từ vào (điền đúng một từ, cụm từ cho 0,5đ)

(A) Có cài quai (0,5đ)

(B) Dưới 7 tuổi (0,5đ)

(C) Cản trở (0,5đ)

(D) Cầu vượt (0,5đ)

Câu 2. (5.0 điểm):

- Khái niệm: Di sản văn hóa bao gồm di sản văn hóa phi vật thể và di sản văn hóa vật thể là sản phẩm tinh thần, vật chất có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. (0,5đ)

- HS kể đúng được 4 di sản văn hóa ở Thanh Hóa (bao gồm cả DSVH vật thể, DSVH phi vật thể, các danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử văn hóa. Kể đúng mỗi di sản cho 0,25đ)

Ví dụ:

  • Trống đồng Đông Sơn
  • Thành nhà Hồ...vv....

- Ý nghĩa: (2,0đ)

  • Đối với Việt Nam:
    • DSVH, di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh là cảnh đẹp của đất nước, là tài sản của dân tộc, nói lên truyền thống của dân tộc, thể hiện công đức của các thế hệ tổ tiên trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thể hiện kinh nghiệm của dân tộc trên các lĩnh vực.
    • Những di sản, di tích và cảnh đẹp cần được giữ gìn, phát huy trong sự nghiệp xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
  • Đối với thế giới:
    • DSVH Việt Nam đóng góp vào kho tàng văn hóa thế giới. Một số DSVH việt Nam được công nhận là DSVH thế giới để được tôn vinh, giữ gìn như những tài sản quý giá của nhân loại.
  • Ví dụ: Vịnh Hạ Long, Phong Nha Kẻ Bàng; Cao nguyên đá Đồng văn; Quần thể di tích Cố đô Huế; Phố cổ Hội An; Nhã nhạc cung đình Huế; Hội Gióng ở phù Đổng-Sóc Sơn; Văn hóa Công Chiêng Tây Nguyên; khu di tích trung tâm hoàng thành Thăng Long – Hà Nội; Mộc bản triều Nguyễn; 82 bia tiến sĩ văn miếu Quốc tử giám...

- Trách nhiệm của công dân HS trong việc bảo vệ các DSVH: (1,5đ)

  • Giữ gìn sạch đẹp các DSVH ở địa phương
  • Đi tham quan tìm hiểu di tích lịch sử văn hóa
  • Không vứt rác bừa bãi và có hành vi làm ô nhiễm môi trường ở các khu di tích.
  • Tố giác những kẻ ăn cắp di vật, cổ vật, bảo vật, xâm phạm trái phép đất đai ở các khu di tích.
  • Tích cực tham gia các lễ hội truyền thống ở địa phương
  • Tôn trọng, học hỏi tinh hoa, văn hóa của các dân tộc khác trên thế giới để làm phong phú cho bản sắc văn hóa dân tộc mình, giới thiệu, quảng bá văn hóa Việt Nam đến với bạn bè quốc tế.

Câu 3. (4.0 điểm):

- Khái niệm:

Pháp luật là những quy tắc xử sự chung, có tính bắt buộc, do Nhà nước ban hành, được Nhà nước đảm bảo thực hiện bằng các biện pháp giáo dục, thuyết phục, cưỡng chế. (0,5đ)

- Đặc điểm của pháp luật: (1,25đ)

  • Tính quy phạm phổ biến: Các quy định của pháp luật là thước đo hành vi của mọi người trong xã hội, quy định khuôn mẫu, những qui tắc xử sự chung mang tính phổ biến
  • Tính xác định chặt chẽ: Các điều luật được quy định rõ ràng, chính xác, chặt chẽ, thể hiện trong các văn bản pháp luật.
  • Tính bắt buộc (cưỡng chế): Pháp luật do Nhà nước ban hành mang tính quyền lực Nhà nước, bắt buộc mọi người phải tuân theo, ai vi phạm sẽ bị Nhà nước xử lí theo quy định.

- Vai trò của pháp luật: (0,5đ)

  • Pháp luật là công cụ để thực hiện quản lí Nhà nước, quản lí xã hội, quản lí kinh tế; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
  • Là phương tiện để phát huy quyền làm chủ của công dân, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, đảm bảo công bằng xã hội.

- Giống nhau: Đạo đức và Pháp luật có quan hệ chặt chẽ với nhau, cùng thực hiện các quy tắc chung của xã hội; thực hiện chức năng điều chỉnh hành vi của con người, làm cho quan hệ XH tốt đẹp, có trật tự, kỷ cương.

- Khác nhau: (1,25đ)

Đạo đức

Pháp luật

Cơ sở hình thành

Đúc kết từ thực tiễn cuộc sống và nguyện vọng của nhân dân qua nhiều thế hệ

Do Nhà nước ban hành

Hình thức thể hiện

Thông qua các câu ca dao, tục ngữ, danh ngôn, châm ngôn.

Các văn bản pháp luật, luật và các điều luật

Biện pháp thực hiện

Tự giác, thông qua tác động của dư luận xã hội lên án, khuyến khích, khen, chê...

Bằng tác động của Nhà nước thông qua giáo dục, thuyết phục, cưỡng chế.

Câu 4. (3,5 điểm):

  • Khái niệm (1,0 đ)
    • Năng động là tích cực, chủ động, dám nghĩ, dám làm
    • Sáng tạo: là say mê nghiên cứu, tìm tòi để tạo ra những giá trị mới về vật chất và tinh thần hoặc tìm ra cái mới cách giải quyết mới mà không bị gò bó, phụ thuộc vào những cái đã có.
  • Ý nghĩa của năng động, sáng tạo: (1,0đ)
    • Năng động, sáng tạo là phẩm chất cần thiết của người lao động trong xã hội hiện đại. Nó giúp con người có thể vượt qua khó khăn thử thách, những ràng buộc của hoàn cảnh, rút ngắn thời gian để đạt được mục đích đã đề ra một cách nhanh chóng và tốt đẹp.
    • Nhờ năng động, sáng tạo mà con người làm nên được những kì tích vẻ vang, mang lại niềm vinh dự cho bản thân, gia đình và đất nước.
  • Cách rèn luyện: (HS có thể diễn đạt bằng nhiều cách khác nhau. Giám khảo có thể linh hoạt cho điểm) nhưng cơ bản phải nêu được các ý sau: (1,5đ)
    • Nhận thức được phẩm chất năng động, sáng tạo không phải tự nhiên mà có, mà cần phải rèn luyện tính siêng năng, kiên trì trong cuộc sống.
    • Học sinh phải có ý thức học tập tốt, có phương pháp học tập phù hợp và tích cực áp dụng những kiến thức, kĩ năng đã học vào thực tiễn cuộc sống; khắc phục thói quen ỷ lại, dựa dẫm, bị động hay bảo thủ, trì trệ...
    • Luôn đặt ra câu hỏi trước khi hành động là làm thế nào là tốt hơn; có cách nào làm tốt hơn không; tập thói quen đánh giá hiệu quả công việc của mình và đề ra những yêu cầu cao hơn; kiên nhẫn, say mê, có nghị lực vượt qua hoàn cảnh để đạt mục đích.

Câu 5. (3,5 điểm):

  • Khái niệm: Kế thừa và phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc là trân trọng, bảo vệ, giữ gìn để các truyền thống đó không bị phai nhạt theo thời gian, mà ngày càng phát triển phong phú hơn, sâu đậm hơn. (0.5đ)
  • Chúng ta phải kế thừa và phát huy truyền thống dân tộc vì: (1.5đ)
    • Truyền thống tốt đẹp của dân tộc là tài sản vô cùng quý giá, góp phần tích cực vào quá trình phát triển của dân tộc và của mỗi cá nhân. Vì vậy chúng ta phải bảo vệ, kế thừa và phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc để góp phần giữ gìn bản sắc dân tộc Việt Nam.
    • Đối với mỗi cá nhân, việc kế thừa, phát huy truyền thống giúp ta dễ dàng hòa nhập cộng đồng dân tộc, phát triển nhân cách của mình trên cơ sở tiếp thu các giá trị truyền thống và giá trị hiện đại.
  • Công dân nói chung, học sinh nói riêng cần phải: (1,5đ)
    • Tìm hiểu về các truyền thống tốt đẹp của dân tộc trong mọi lĩnh vực. Tự hào, trân trọng, bảo vệ, giữ gìn các truyền thống tốt đẹp của dân tộc.
    • Lên án, ngăn chặn những hành vi làm tổn hại đến truyền thống dân tộc.
    • Học tập, làm theo những truyền thống tốt đẹp của quê hương, đất nước.
    • Bồi dưỡng niềm say mê học tập để phát huy truyền thống hiếu học, kính trọng, lễ phép, vâng lời thầy cô giáo.
    • Yêu lao động, không ngừng tìm hiểu những truyền thống tốt đẹp của quê hương, đất nước.
    • Sống và ứng xử phù hợp với các giá trị đạo đức, văn hóa truyền thống.

Câu 6. (2.0 điểm):

  • Trong trường hợp này ông Q tố cáo là đúng pháp luật. (0,5đ)
  • Vì ông đã thực hiện quyền tố cáo của công dân là: Báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền biết về hành vi vi phạm pháp luật của cán bộ Ủy ban nhân dân huyện. (1.0đ)
  • Đơn tố cáo của ông Q đã được gửi đến đúng địa chỉ, đúng người có thẩm quyền giải quyết tố cáo, theo quy định của luật khiếu nại tố cáo. (0.5đ)
Chia sẻ, đánh giá bài viết
3
Chọn file muốn tải về:
Chỉ thành viên VnDoc PRO tải được nội dung này!
79.000 / tháng
Đặc quyền các gói Thành viên
PRO
Phổ biến nhất
PRO+
Tải tài liệu Cao cấp 1 Lớp
Tải tài liệu Trả phí + Miễn phí
Xem nội dung bài viết
Trải nghiệm Không quảng cáo
Làm bài trắc nghiệm không giới hạn
Mua cả năm Tiết kiệm tới 48%
Sắp xếp theo
    🖼️

    Gợi ý cho bạn

    Xem thêm
    🖼️

    Lớp 9 môn khác

    Xem thêm