Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Đề thi học sinh giỏi môn Lịch sử lớp 9 năm học 2015 - 2016 trường THCS Phương Trung, Hà Nội

Đề thi học sinh giỏi môn Lịch sử lớp 9

Đề thi học sinh giỏi môn Lịch sử lớp 9 năm học 2015 - 2016 trường THCS Phương Trung, Hà Nội là đề thi học sinh giỏi cấp trường môn Lịch sử dành cho các bạn học sinh lớp 9 tham khảo, củng cố các kiến thức cơ bản và nâng cao để làm bài thi HSG. Đề thi môn Sử có đáp án đi kèm, mời các bạn tham khảo.

Đề thi học sinh giỏi môn Lịch sử lớp 9 năm học 2015 - 2016 trường THCS Mỹ Hưng, Hà Nội

Đề thi học sinh giỏi môn Lịch Sử lớp 9 trường THCS Bích Hòa, Hà Nội năm 2014 - 2015

PHÒNG GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
THANH OAI

TRƯỜNG THCS PHƯƠNG TRUNG
ĐỀ THI HỌC SINH GIỎI LỚP 9
Môn: Lịch sử
Năm học 2015-2016
Thời gian: 150 (phút không kể thời gian giao đề)

Câu 1 (6 điểm)

Trình bày mối quan hệ giữa Việt Nam và ASEAN? Theo em việc gia nhập ASEAN đã tạo ra cho Việt Nam thời cơ và thách thức như thế nào?

Câu 2 (4 điểm)

Vì sao trong chiến tranh thế giới thứ 2, Mĩ trở thành nước tư bản giàu mạnh nhất thế giới? Hãy trình bày về "Chiến lược toàn cầu" của Mĩ?

Câu 3 (3 điểm)

Tại sao nói: Hội nghị cấp cao giữa các nước EC (Họp tại Ma –a –xtơ- rich (Hà Lan), tháng 12 năm 1991) đánh dấu một bước mang tính đột biến của quá trình liên kết quốc tế ở Châu Âu?

Câu 4 (4 điểm)

Hãy kể tên các cơ quan chính của Liên Hợp Quốc? Việt Nam ra nhập vào Liên Hợp Quốc vào năm nào? Hiện nay ở Việt Nam có bao nhiêu tổ chức của Liên Hợp Quốc đang hoạt động? Các tổ chức này đã giúp đỡ Việt Nam như thế nào trong thời gian qua?

Câu 5 (3 điểm)

So sánh chính sách đối ngoại của Trung Quốc trong các thời kì 1949 - 1959, 1959 - 1978, 1978 – đến nay?

Đáp án đề thi học sinh giỏi môn Lịch sử lớp 9

Câu 1 (6 điểm)

* Mối quan hệ giữa Việt Nam và ASEAN:

  • Quan hệ giữa Việt Nam và các nước ASEAN từ năm 1967 đến nay có những lúc diễn ra phức tạp, có lúc hòa dịu, có lúc căng thẳng tùy theo sự biến động tình hình quốc tế và khu vực:
    • Giai đoạn 1967-1973 Việt Nam hạn chế quan hệ với ASEAN vì đang tiến hành kháng chiến chống Mĩ cứu nước. Có thời gian Việt Nam đối lập với các nước ASEAN vì Thái Lan, Philippin tham gia khối quân sự SEATO và trở thành đồng minh của Mĩ.
    • Giai đoạn 1973-1978: Sau hiệp định Pari, nước ta bắt đầu triển khai, đẩy mạnh quan hệ song phương với các nước ASEAN. Đặc biệt sau đại thắng mùa xuân năm 1975 vị trí của Việt Nam trong khu vực và thế giới ngày càng tăng. Tháng 2/1976 Việt Nam tham gia kí kết hiệp ước Bali, quan hệ với ASEAN đã được cải thiện bằng việc thiết lập quan hệ ngoại giao và có những chuyến viếng thăm lẫn nhau.
    • Giai đoạn 1978-1989: Tháng 12/1978, Việt Nam đưa quân tình nguyện vào Campuchia giúp nhân dân nước này lật đổ chế độ diệt chủng Pônpốt. Một số nước lớn đã can thiệp, kích động làm cho quan hệ giữa Việt Nam và ASEAN trở lên căng thẳng.
    • Giai đoạn 1989 đến nay: ASEAN đã chuyển từ chính sách đối đầu sang đối thoại, hợp tác với ba nước Đông Dương. Từ khi vấn đề Campuchia được giải quyết, Việt Nam thực hiện đường lối đối ngoại "Muốn làm bạn với tất cả các nước" quan hệ giữa Việt Nam và ASEAN được cải thiện. Tháng 7/ 1992 Việt Nam tham gia vào hiệp ước Bali đánh dấu bước phát triển quan trọng trong sự tăng cường hợp tác khu vực vì một "Đông Nam Á hòa bình, ổn định và phát triển". Sau khi ra nhập ASEAN (28/7/1995) mối quan hệ giữa Việt Nam và ASEAN trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, khoa học kĩ thuật ngày càng được đẩy mạnh.

* Thời cơ và thách thức khi Việt Nam ra nhập ASEAN

  • Thời cơ:
    • Nền kinh tế Việt Nam được hội nhập với nền kinh tế các nước trong khu vực đó là cơ hội để nước ta mở rộng thị trường, tiếp thu khoa học kĩ thuật tiên tiến thu hút vốn đầu tư nước ngoài, rút ngắn khoảng cách phát triển, mở rộng sự hợp tác giao lưu văn hóa, giáo dục với khu vực và thế giới.
    • Tạo thuận lợi để Việt Nam hội nhập toàn diện với khu vực và thế giới, góp phần củng cố, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
  • Thách thức:
    • Việt Nam sẽ gặp sự cạnh tranh quyết liệt với các nước trong khu vực nếu không tận dụng được cơ hội để phát triển kinh tế sẽ bị tụt hậu. Trong quá trình hội nhập nếu không biết chọn lọc sẽ đánh mất bản sắc văn hóa dân tộc vì vậy phải đảm bảo nguyên tắc "Hòa nhập nhưng không hòa tan"

Câu 2 (4 điểm)

* Vì sao Mĩ trở thành nước tư bản giàu mạnh nhất thế giới:

  • Đất nước không bị chiến tranh tàn pha, Mĩ ở xa chiến trường, được hai Đại dương che trở.
  • Mĩ giàu lên trong chiến tranh nhờ được yên ổn phát triển sản xuất và bán vũ khí, hàng hóa cho các nước tham chiến (thu được 114 tỉ đô la)
  • Tài nguyên phong phú, nhân công dồi dào
  • Áp dụng các thành tựu khoa học kĩ thuật vào sản xuất.
  • Trình độ tập trung sản xuất và tư bản cao.

* Chiến lược toàn cầu của Mĩ:

  • Khái niệm: Chiến lược toàn cầu là mục tiêu, kế hoạch có tính chất lâu dài của Mĩ nhằm làm bá chủ, thống trị thế giới
  • Mục tiêu:
    • Chống phá các nước XHCN, ngăn chặn, xóa bỏ hoàn toàn chủ nghĩa xã hội trên thế giới.
    • Đàn áp phong trào giải phóng dân tộc, phong trào công nhân cộng sản quốc tế, phong trào chống chiến tranh vì nền hòa bình dân chủ thế giới.
    • Khống chế các nước, chi phối các nước tư bản đồng minh của Mĩ
  • Biện pháp thực hiện:
    • Mĩ tiến hành "viện trợ" để lôi kéo, khống chế các nước.
    • Lập các khối quân sự.
    • Gây nhiều cuộc chiến tranh xâm lược
    • Tăng cường chạy đua vũ trang
  • Kết quả: Tuy đã thực hiện được một số mưu đồ như giành thắng lợi trong cuộc chiến tranh chống Irắc (1991) rồi góp phần làm sụp đổ CNXH ở Liên Xô, nhưng Mĩ cũng vấp phải những thất bại trong cuộc chiến tranh với Cuba (1959), Việt Nam (1975) .... Từ năm 1991 Mĩ muốn xác lập trật tự thế giới "đơn cực" do Mĩ hoàn toàn chi phối và khống chế nhưng hiện nay thế giới đang dần hình thành trật tự thế giới theo hướng đa cực, nhiều trung tâm.

Câu 3 (3 điểm) Hội nghị cấp cao giữa các nước EC (họp tại Ma-a –xtơ –rích (Hà Lan), tháng 12/1991) đánh dấu một mốc mang tính đột biến của quá trình liên kết quốc tế ở Châu Âu vì:

  • Tại hội nghị này, các nước EC đã thông qua hai quyết định quan trọng đó là:
    • Xây dựng một thị trường nội địa Châu Âu với một liên minh kinh tế và tiền tệ Châu Âu, có một đồng tiền chung duy nhất. Từ ngày 01/01/1999 đã phát hành đồng tiền chung Châu Âu – đồng Ơrô (EURO)
    • Xây dựng một liên minh chính trị, mở rộng sang liên kết về chính sách đối ngoại và an ninh, tiến tới một nhà nước chung Châu Âu.
    • Trên cơ sở đó hội nghị Ma -a –xtơ – rích đã quyết định đổi cộng đồng Châu Âu (EC) thành Liên minh Châu Âu (EU). Hiện nay Liên minh Châu Âu là một liên minh kinh tế – chính trị lớn nhất thế giới. Đến năm 1999 EU có 15 nước thành viên, năm 2004 có 25 nước và hiện nay EU có 27 nước thành viên.

Câu 4 (4 điểm)

* Cơ quan chính của Liên hợp quốc:

  • Đại hội đồng: Hội nghị của tất cả các nước thành viên, mỗi năm họp một lần
  • Hội đồng bảo an: Cơ quan chính trị quan trọng nhất. Hội đồng bảo an không phục tùng đại hội đồng.
  • Ban thư kí: Đứng đầu là tổng thư kí có nhiệm kì 3 năm.

* Việt Nam ra nhập Liên hợp quốc:

  • Trong phiên họp ngày 20/9/1977, Chủ tịch khóa họp của Đại hội đồng Liên hợp quốc, thứ trưởng ngoại giao Nam Tư đã trịnh trọng nói "Tôi tuyên bố: Nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được công nhận là thành viên của Liên hợp quốc." Việt Nam là thành viên thứ 149 của Liên hợp quốc.

* Một số tổ chức của Liên hợp quốc đang hoạt động tại Việt Nam:

  • PAM: Chương trình Lương thực.
  • FAO: Tổ chức Lương thực.
  • WHO: Tổ chức Y tế thế giới.
  • UNICEF: Qũy nhi đồng Liên hợp quốc.
  • UNESSCO: Tổ chức văn hóa giáo dục và khoa học.

* Những việc làm của Liên hợp quốc giúp đỡ Việt Nam.

  • Chăm sóc trẻ em, các bà mẹ có thai và nuôi con nhỏ, tiêm chủng phòng dịch, đào tạo nguồn nhân lực, giúp đỡ các vùng bị thiên tai, các dự án trồng rừng, cải cách hành chính, ngăn chặn đại dịch AIDS, giáo dục....
  • Chương trình phát triển của Liên hợp quốc UNDP viện trợ khoảng 270 triệu USD, quỹ nhi đồng Liên hợp quốc giúp 300 triệu USD, quỹ dân số thế giới UNFPA giúp 86 triệu USD, tổ chức nông lương thế giới FAO giúp 76 triệu USD.

Câu 5 (3 điểm) So sánh chính sách đối ngoại của Trung Quốc trong các thời kì

1949 - 1959

Trung Quốc thực hiện đường lối đối ngoại hòa bình, góp phần củng cố hòa bình và thúc đẩy sự phát triển của cách mạng thế giới. Nhờ đó địa vị của Trung Quốc được nâng cao trên trường quốc tế (giúp đỡ nhân dân Triều Tiên, Việt Nam.....)

1959 - 1978

Trung Quốc thực hiện chính sách đối ngoại bất lợi cho cách mạng và nhân dân Trung Quốc: Chống lại Liên Xô và các nước XHCN. Gây căng thẳng với các nước láng giềng như Việt Nam, Lào, Ấn Độ. Trong đó năm 1962 gây chiến tranh với Ấn Độ.

1978 - nay

Trung Quốc đề ra nhiều chính sách đối ngoại tiến bộ, bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Liên Xô, Mông Cổ, Lào, Việt Nam... mở rộng quan hệ hữu nghị, hợp tác với hầu hết các nước trên thế giới. Trung Quốc đã thu hồi chủ quyền với Hồng Kông (7/1990) và Ma Cao (12 /1999). Trung Quốc thu được nhiều kết quả, củng cố địa vị trên trường quốc tế.

Chia sẻ, đánh giá bài viết
2
Sắp xếp theo
    🖼️

    Gợi ý cho bạn

    Xem thêm
    🖼️

    Thi học sinh giỏi lớp 9

    Xem thêm