Đề thi học sinh giỏi môn Ngữ văn lớp 6 phòng GD&ĐT thị xã Phú Thọ năm 2014 - 2015
Đề thi học sinh giỏi môn Ngữ văn lớp 6
Đề thi học sinh giỏi môn Ngữ văn lớp 6 năm học 2014 - 2015 phòng GD&ĐT thị xã Phú Thọ có kèm theo đáp án là tài liệu tham khảo môn Văn lớp 6 giúp các bạn tự tổng hợp kiến thức Ngữ văn, ôn thi học sinh giỏi môn Văn, bồi dưỡng học sinh giỏi lớp 6 THCS. Mời các bạn tham khảo.
Đề thi học kì I môn Sinh học lớp 6 trường THCS Phước Mỹ Trung năm 2012 - 2013
Đề thi học sinh giỏi môn Ngữ văn lớp 6 năm học 2013 - 2014 trường THCS Đáp Cầu, Bắc Ninh
PHÒNG GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO THỊ XÃ PHÚ THỌ | ĐỀ THI CHỌN HỌC SINH NĂNG KHIẾU LỚP 6 THCS NĂM HỌC 2014 – 2015 Môn: Ngữ Văn Thời gian thi: 90 phút (Không kể thời gian giao đề) |
Đề chính thức
Câu 1: (4 điểm) Trong bài thơ "Đêm nay Bác không ngủ" của Minh Huệ, ta thấy có một sự kết hợp tuyệt đẹp giữa hình ảnh Bác và hình ảnh ngọn lửa hồng. Em hãy chỉ ra vẻ đẹp của sự kết hợp này.
Câu 2: (4 điểm) Tìm và nêu rõ hiệu quả của phép tu từ trong hai câu thơ:
"Tóc bà trắng tựa mây bông
Chuyện bà như giếng cạn xong lại đầy."
("Bà em" – Nguyễn Thụy Kha)
Câu 3: (12 điểm) Một buổi sáng, em đến trường sớm để tưới nước cho bồn hoa trước lớp. Một cây hoa đang ủ rũ vì bị ai đó vặt lá, bẻ cành, làm rụng hết cánh hoa. Em nghe như nó thủ thỉ kể với em về chuyện đó. Hãy kể lại câu chuyện bất hạnh của cây hoa.
Đáp án đề thi học sinh giỏi môn Ngữ văn lớp 6
A. Hướng dẫn chung:
- Đáp án chỉ nêu một số ý chính có tính chất gợi ý, giám khảo cần chủ động linh hoạt vận dụng, cân nhắc trong từng trường hợp cụ thể, cần nắm bắt được nội dung trình bày trong bài làm của thí sinh để đánh giá tổng quát, tránh đếm ý cho điểm.
- Nếu thí sinh làm bài theo cách riêng, nhưng đáp ứng được yêu cầu cơ bản, hợp lí, có sức thuyết phục, giám khảo vẫn cho điểm. Đặc biệt khuyến khích những bài viết có cảm xúc, có khả năng tư duy sáng tạo. Tổng điểm toàn bài là 20 điểm, điểm toàn bài cho lẻ đến 0,25 điểm.
B. Đáp án và thang điểm:
Câu 1: (4,0 điểm)
Học sinh trình bày dưới dạng đoạn văn, lời văn trong sáng, không mắc lỗi dùng từ, ngữ pháp.
Viết lại được những câu thơ có sự kết hợp giữa hình ảnh Bác và hình ảnh ngọn lửa hồng (1 điểm)
"Người cha mái tóc bạc
Đốt lửa cho anh nằm"
"Bóng Bác cao lồng lộng
Ấm hơn ngọn lửa hồng"
"Anh đội viên nhìn Bác
Bác nhìn ngọn lửa hồng"
Vẻ đẹp của sự kết hợp giữa hình ảnh Bác và hình ảnh ngọn lửa hồng: (3 điểm)
- Ngọn lửa là hình ảnh thực rất đẹp, là ngọn lửa tự tay Bác đốt lên, tỏa sáng, tỏa ấm giữa rừng khuya giá lạnh, sưởi ấm các chiến sĩ trong đêm lạnh. Ngọn lửa soi sáng bức chân dung Bác - vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc với những nét thật gần gũi, giản dị... (1, 5 điểm)
- Nhà thơ còn dùng hình ảnh ngọn lửa để so sánh: Bác Hồ là một ngọn lửa, vừa gần gũi, vừa vĩ đại, một nguồn tình cảm ấm áp của toàn dân, toàn quân ta trong những ngày đầu của cuộc kháng chiến gian nan, thiếu thốn. Qua đó tôn vinh sự vĩ đại của Bác và ngợi ca tình yêu thương Người dành cho các chiến sĩ ấm áp, mạnh mẽ hơn "ngọn lửa hồng". (1, 5 điểm)
Câu 2: (4,0 điểm)
* Yêu cầu về hình thức: (0, 5 điểm)
HS viết thành đoạn văn hoàn chỉnh, diễn đạt mạch lạc, có cảm xúc, không mắc lối chính tả, dùng từ, câu.
* Yêu cầu về nội dung: (3 điểm)
Chỉ ra được phép tu từ so sánh và hình ảnh so sánh: (1 điểm).
(Nếu chỉ gọi tên phép so sánh mà không chỉ ra được hình ảnh so sánh: 0,5 điểm).
Hiệu quả của phép tu từ so sánh: (2,0 điểm)
- + Mái tóc trắng của bà được so sánh với hình ảnh đám "mây bông" trên trời gợi hình ảnh người bà tuổi đã cao, mái tóc bạc trắng, mái tóc ấy tạo nên vẻ đẹp hiền từ, cao quý và đáng kính trọng...(1 điểm)
- + Chuyện của bà kể (cho cháu nghe) được so sánh với hình ảnh cái giếng thân thuộc ở làng quê Việt Nam cứ cạn xong lại đầy, ý nói: "kho" chuyện của bà rất nhiều, không bao giờ hết, đó là những câu chuyện dành kể cho cháu nghe với tình yêu thương không bao giờ vơi cạn...(1 điểm)
Tác dụng chung: (0, 5 điểm)
Nhà thơ vận dụng hai hình ảnh so sánh đặc sắc-> Hình ảnh người bà hiền từ, cao quý, đáng trân trọng -> tình yêu thương, sự kính trọng và lòng biết ơn bà sâu sắc của người cháu.
Câu 3: 12,0 điểm
* Yêu cầu về kĩ năng:
- Học sinh biết xây dựng một câu chuyện có bố cục đầy đủ, trình bày các sự việc rõ ràng, trình tự hợp lí, biết xây dựng nhân vật, cốt truyện,.
- Chọn ngôi kể phù hợp (ngôi thứ nhất). Lời kể tự nhiên, sinh động.
* Yêu cầu về kiến thức:
- Phải tưởng tượng ra câu chuyện giữa người kể và cây hoa dựa trên tình huống đã cho ở đề bài.
- Tạo được tình huống và biết dẫn dắt câu chuyện theo trình tự có mở đầu, có phát triển và có kết thúc.
- Nội dung câu chuyện có thể được xây dựng theo nhiều hướng khác nhau nhưng các sự việc phải đảm bảo tính hợp lý. Câu chuyện phải có ý nghĩa sâu sắc.
- Đề bài tương đối tự do, tạo điều kiện cho trí tưởng tượng của học sinh được phát huy.
Bài viết có thể có những sáng tạo riêng song có thể theo hướng cơ bản sau:
1. Giới thiệu nhân vật, tình huống truyện. 1,0 điểm
Tình huống gặp gỡ, nghe hoa kể chuyện: buổi sáng, em đến trường sớm để tưới nước cho bồn hoa trước lớp, thấy cây hoa đang ủ rũ vì bị ai đó vặt lá, bẻ cành, làm rụng hết cánh hoa.
2. Câu chuyện của cây hoa: 10,0 điểm
- Cây hoa tự giới thiệu, miêu tả về bản thân: hoàn hảo, đẹp, đang khoe sắc tỏa hương làm đẹp cho ngôi trường, được nhiều bạn học sinh chú ý, khen ngợi, nó cảm thấy hãnh diện, tự hào.
- Cây hoa kể chuyện bị bẻ cành, vặt lá.
- Cây hoa kể chuyện bị làm rụng hết cánh hoa.
- Cây hoa đau đớn, xót xa khi mình bị thương, trở nên xấu xí và oán trách những hành vi phá hoại môi trường, hủy hoại cây xanh.
- Lời nhắc nhở và mong muốn của cây với những học sinh (nói riêng) và con người (nói chung).
3. Suy nghĩ của người kể: 1,0 điểm
Qua nghe cây hoa tâm sự em rút ra bài học cho bản thân và mọi người phải biết trồng, chăm sóc, bảo vệ cây xanh, bảo vệ và giữ gìn môi trường Xanh – Sạch – Đẹp.
* Lưu ý: Học sinh có thể kể theo nhiều tình huống khác nhau, giám khảo xem xét từng trường hợp cụ thể về mức độ đáp ứng để quyết định cho điểm, chú ý xem xét những bài làm thực sự có năng khiếu văn. Trên đây chỉ là những gợi ý, giám khảo nên linh hoạt khi chấm bài, ưu tiên những bài viết có sáng tạo.