Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Đề thi thử THPT Quốc gia môn Lịch sử lần 2 năm 2015 trường THPT Chuyên Long An, Long An

Đề thi thử THPT Quốc gia môn Lịch sử

VnDoc.com xin giới thiệu tới các bạn đề thi thử THPT Quốc gia môn Lịch sử lần 2 năm 2015 trường THPT Chuyên Long An, Long An có đáp án kèm theo. Hi vọng tài liệu này sẽ giúp ích cho các bạn ôn thi tốt nghiệp môn Sử, luyện thi đại học khối C. Mời các bạn cùng tham khảo.

Đề thi thử THPT Quốc gia môn Ngữ văn lần 2 năm 2015 trường THPT Chuyên Long An, Long An

Đề thi thử Đại học môn Lịch sử 2015

Đề thi thử đại học môn Sử lần 2 năm 2015

TRƯỜNG THPT CHUYÊN
LONG AN

ĐỀ THI THỬ TỐT NGHIỆP THPT NĂM 2015
Môn thi: LỊCH SỬ (Lần II)
Thời gian: 180 phút, không kể thời gian phát đề
(Đề thi gồm có 01 trang)

Câu 1 (3,0 điểm)

Trình bày những nét chính về tình hình kinh tế của Liên Xô và Mỹ từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai đến nửa đầu những năm 70 của thế kỷ XX. Nêu nhận xét về sự phát triển kinh tế và địa vị quốc tế của hai nước này.

Câu 2 (2,0 điểm)

Con đường giải phóng dân tộc mà Nguyễn Ái Quốc đã xác định cho cách mạng Việt Nam trong năm 1920 của thế kỉ XX là gì? Hãy phân tích nội dung con đường cứu nước mới do Nguyễn Ái Quốc đã vạch ra.

Câu 3 (3,0 điểm)

Trình bày và nhận xét nhiệm vụ cơ bản của cách mạng Việt Nam được đề ra tại Hội nghị thành lập Đảng (1 - 1930), Đại hội Đảng toàn quốc lần II (2 - 1951) và Đại hội Đảng toàn quốc lần III (9 - 1960).

Câu 4 (2,0 điểm)

Từ những nội dung của: Hiệp định Sơ bộ (6 - 3- 1946), Hiệp định Giơnevơ (21 - 7 - 1954), Hiệp định Pari (27 - 1 - 1973), hãy phân tích rõ thắng lợi từng bước của nhân dân Việt Nam trong cuộc đấu tranh giành các quyền dân tộc cơ bản.

Đáp án đề thi thử THPT Quốc gia môn Lịch sử

Câu 1 (3,0 điểm):

a/ Tình hình kinh tế của Liên Xô (1,0 điểm):

  • Liên Xô chịu nhiều tổn thất nặng nề trong chiến tranh thế giới thứ hai; Mỹ và phương Tây bao vây kinh tế và tiến hành Chiến tranh lạnh chống Liên Xô. Tuy gặp nhiều khó khăn, nhưng nhân dân Liên Xô đã tự lực tự cường hoàn thành xuất sắc công cuộc khôi phục kinh tế.
  • Hoàn thành khôi phục kinh tế (1945 - 1950): Công nghiệp tăng 73% , Nông nghiệp đạt mức trước chiến tranh, chế tạo thành công bom nguyên tử (1949).
  • Xây dựng CNXH (1950 những năm 70): Liên Xô thực hiện nhiều kế hoạch dài hạn để xây dựng CNXH và đã đạt nhiều thành tựu to lớn về kinh tế.
    • Về công nghiệp: trở thành cường quốc công nghiệp đứng thứ hai trên thế giới (sau Mỹ), đi đầu trong công nghiệp: vũ trụ, điện hạt nhân.
    • Nông nghiệp: sản lượng nông nghiệp tăng trung bình khoảng 16%/ năm.

b/ Tình hình kinh tế của nước Mỹ (1,0 điểm):

  • Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, do có nhiều điều kiện thuận lợi nên nền kinh tế Mỹ phát triển nhanh chóng. Biểu hiện:
    • Công nghiệp: Sản lượng công nghiệp chiếm quá nửa sản lượng công nghiệp toàn thế giới (chiếm hơn 56% sản lượng công nghiệp thế giới).
    • Nông nghiệp: Sản lượng nông nghiệp gấp đôi sản lượng của 5 nước Anh, Pháp, CHLB Đức, Ý và Nhật Bản cộng lại.
    • GTVT: Có trên 50% tàu biển toàn cầu, nắm giữ 3/4 dự trữ vàng của thế giới.
  • Trong khoảng 20 năm đầu sau Chiến tranh thế giới thứ hai, Mỹ trở thành trung tâm kinh tế - tài chính hàng đầu của thế giới.

c/ Nhận xét (1,0 điểm):

  • Tuy điều kiện và con đường phát triển kinh tế của hai nước khác nhau, nhưng cả hai nước đều trở thành cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới, trở thành hai nước đứng đầu hai hệ thống xã hội đối lập.
  • Liên Xô và Mỹ đều trở thành trụ cột của “trật tự hai cực Yalta”, chi phối toàn bộ các mối quan hệ quốc tế sau chiến tranh thế giới thứ hai.

Câu 2 (2,0 điểm):

a/ Con đường giải phóng dân tộc mà Nguyễn Ái Quốc đã xác định cho cách mạng Việt Nam là cách mạng vô sản: “Muốn cứu nước, giải phóng dân tộc, không có con đường nào khác ngoài cách mạng vô sản”.(0,5 điểm)

b/ Nội dung cơ bản (1,5 điểm):

  • Cách mạng giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa phải gắn liền với giải phóng giai cấp, độc lập dân tộc phải gắn liền với chủ nghĩa xã hội.
  • Cách mạng giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa là một bộ phận khăng khít của cách mạng vô sản thế giới, có quan hệ với cách mạng vô sản chính quốc, phải thực hiện đoàn kết quốc tế. Song không ỷ lại, trong chờ vào cách mạng chính quốc.
  • Cách mạng ở các nước thuộc địa là một cuộc “dân tộc cách mệnh”, có nhiệm vụ chống đế quốc và tay sai, thực hiện độc lập dân tộc, từng bước thực hiện khẩu hiệu ruộng đất cho dân cày.
  • Giai cấp nông dân là một lực lượng cách mạng to lớn. Nông dân và Công nhân là hai người bạn đồng minh tự nhiên, phải giải phóng nông dân, song giai cấp nông dân muốn được giải phóng phải đặt dưới sự lãnh đạo của giai cấp công nhân. Ngoài công - nông là “gốc” cách mạng, cần phải tập hợp bầu bạn cách mạng như học trò, nhà buôn, điền chủ nhỏ.
  • Phải lãnh đạo, tổ chức quần chúng đấu tranh để tiến lên lật đổ giai cấp thống trị. Cách mạng là việc chung của cả dân chúng, chứ không phải là việc riêng của vài người.
  • Sự lãnh đạo của một đảng cách mạng là điểm “cốt tử” đầu tiên của cách mạng. Đảng đó phải theo chủ nghĩa Mác - Lênin.

Câu 3 (3,0 điểm):

a/ Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (1 - 1930) thông qua Cương lĩnh chính trị do Nguyễn Ái Quốc khởi thảo (1,0 điểm):

  • Nhiệm vụ: Đánh đổ đế quốc Pháp, phong kiến và tư sản phản cách mạng làm cho nước Việt Nam độc lập tự do, lập chính phủ công nông binh, tổ chức quân đội công nông, tịch thu hết sản nghiệp lớn của đế quốc, tịch thu ruộng đất của đế quốc và bọn phản cách mạng chia cho dân cày nghèo (0,5 đ).
  • Nhận xét: Cương lĩnh chính trị đã giải quyết hai nhiệm vụ cơ bản và cấp thiết của cách mạng Việt Nam đó là giải phóng dân tộc và cách mạng ruộng đất (0,5 đ).

b/ Đại hội Đảng toàn quốc lần II vào tháng 2 – 1951 (1,0 điểm):

  • Nêu rõ nhiệm vụ cơ bản của cách mạng Việt Nam là CM.DTDCND: đánh đuổi đế quốc, tay sai, giành độc lập hoàn toàn cho dân tộc; xóa bỏ những tàn tích phong kiến và nửa phong kiến, làm cho người cày có ruộng; phát triển chế độ dân chủ nhân dân, xây dựng cơ sở cho CNXH ở Việt Nam (0,5 đ)
  • Nhận xét: Đại hội đã quyết định những vấn đề quan trọng liên quan đến nhiệm vụ chiến lược cách mạng Việt Nam trong kháng chiến chống Pháp, đánh đấu bước phát triển mới trong quá trình lãnh đạo và trưởng thành của Đảng ta, là Đại hội đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đi đến thắng lợi (0,5 đ).

c/ Đại hội Đảng toàn quốc lần III vào tháng 9 – 1960 (1,0 điểm):

  • Đại hội đề ra nhiệm vụ chiến lược cho cách mạng cả nước và từng miền trong kháng chiến chống Mỹ: Miền Bắc tiến hành cách mạng XHCN, là hậu phương lớn, có vai trò quyết định nhất đối với sự nghiệp cách mạng cả nước. Miền Nam tiếp tục cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, là tiền tuyến lớn, có vai trò quyết định trực tiếp đối với công cuộc thống nhất Tổ quốc. Cách mạng hai miền có mối quan hệ mật thiết, gắn bó với nhau nhằm hoàn thành Cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân trong cả nước, thực hiện hòa bình thống nhất Tổ quốc (0,5 đ).
  • Nhận xét: Đại hội đã đề ra nhiệm vụ của cách mạng cả nước và nhiệm vụ cách mạng từng miền; chỉ rõ vị trí, vai trò của cách mạng hai miền Nam - Bắc, mối quan hệ giữa cách mạng hai miền. Là Đại hội đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ đi đến thắng lợi (0,5 đ).

Câu 4. (2,0 điểm)

  • Các quyền dân tộc cơ bản của mỗi quốc gia bao gồm: Độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ. Hiệp định Sơ bộ (6 – 3 - 1946), Hiệp định Giơnevơ (21 – 7 - 1954) và Hiệp định Pari (27 - 1 - 1973) là những văn kiện có tính chất pháp lí quốc tế, ghi nhận thắng lợi từng bước của nhân dân ta trong cuộc đấu tranh lâu dài, gian khổ để giành các quyền dân tộc cơ bản. (0,5 đ)
  • Hiệp định Sơ bộ (6 - 3- 1946) được Chủ Tịch Hồ Chí Minh kí với đại diện chính phủ Pháp ở Hà Nội, theo đó Pháp công nhận Việt Nam là quốc gia tự do, có chính phủ, nghị viện, quân đội và tài chính riêng nằm trong khối Liên hiệp Pháp. Hiệp định này chỉ mới công nhận tính thống nhất (là một quốc gia), nhưng chưa công nhận nền độc lập, Việt Nam còn bị ràng buộc vào nước Pháp. (0,5 đ)
  • Với Hiệp định Giơnevơ (21 - 7 - 1954), Pháp buộc phải công nhận các quyền dân tộc cơ bản của ba nước Việt Nam, Lào và Campuchia. Đây là lần đầu tiên kể từ khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, một Hiệp định quốc tế với sự tham gia của các nước lớn, phải công nhận đầy đủ các quyền dân tộc cơ bản của ba nước Đông Dương. (0,5 đ)
  • Sau sự thất bại liên tiếp của các chiến lược chiến tranh xâm lược thực dân mới ở Việt Nam từ năm 1954 – 1973, Mỹ buộc phải kí Hiệp định Pari. Theo đó, Mỹ và các nước cam kết tôn trọng các quyền dân tộc cơ bản của nhân dân Việt Nam là: độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh lãnh thổ. Qua 30 năm kháng chiến chống chủ nghĩa thực dân cũ và mới, giành thắng lợi từng bước tiến lên giành thắng lợi hoàn toàn, nhân dân ta đã giành được độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, quyền dân tộc cơ bản đã được thực hiện trọn vẹn. (0,5 đ)
Chia sẻ, đánh giá bài viết
3
Sắp xếp theo
    🖼️

    Gợi ý cho bạn

    Xem thêm
    🖼️

    Môn Lịch Sử khối C

    Xem thêm